Đế Quốc Thiên Phong

Quyển 4 - Chương 16: Suốt đời là địch

Tất cả những chuyện xưa kể ra chỉ là những lần tao ngộ khốn khổ gian nan, nó đầy chua xót, đầy bất đắc dĩ, đổi lại chỉ có thể ngửa mặt nhìn trời thở dài.

Người trung thành vì nước rốt cục không có kết quả tốt, kẻ hãm hại trung lương cũng vì nước hy sinh. Con người ai chính tà gian ác, ai có thể nói cho rõ ràng, ai có thể hiểu được đây?

Quan trên mà mình từng quên mình phục vụ lại cho người giam mình xuống mười tám tầng địa ngục. Kẻ thù đối nghịch lại rộng lượng cứu mình, rốt cục ai là thù, ai là bạn, làm sao có thể phân biệt rõ ràng?

Có lẽ thế giới này giống như Thiển Thủy Thanh đã nói, chiến trường cản bản không phân chính tà, chỉ xem mạnh yếu mà thôi...

Dương Minh Hạo nhìn tên tiểu đệ mà mình thương yêu nhất với vẻ thương hại, rốt cục thở dài nói:

- Nói như vậy, trong hộp này chính là đầu của Kinh Phong Triển phải không? Thiển Thủy Thanh bảo ngươi lãnh đạo dân chúng bảo vệ đập Lý Quan, gánh tội giết Kinh Phong Triển thay cho hắn, ngươi cũng nhận sao?

Dịch Tinh Hàn cười khổ đáp:

- Tên Thiển Thủy Thanh này ta đi theo hắn đã gần nửa năm, những chuyện hắn đã từng suy nghĩ, từng làm, tất cả ta đều nhìn thấy hết, đều ghi tạc trong lòng.

-...Nói một cách công bằng, tên này là kỳ tài ngút trời, giỏi cách nắm bắt lòng người, bụng đầy thao lược, quân sự khéo léo, mưu kế rất nhiều, là kẻ đáng sợ nhất ta đã từng gặp.

-...Tên này làm việc có một đặc điểm là lúc hắn muốn lợi dụng một người khác, hắn không đơn giản chỉ quan tâm tới lợi ích của bản thân hắn mà thôi. Trên thực tế, hắn sẽ quan tâm trước vấn đề của người bị hắn lợi dụng, thậm chí còn lo lắng chu đáo hơn cả người ấy, sau đó định ra kế hoạch ứng đối. Hắn xúi giục Thác Bạt Khai Sơn làm phản là như vậy, lợi dụng ta cũng như vậy.

Nói đến đây, giọng Dịch Tinh Hàn trở nên nghiêm nghị:

- Đại ca, đừng nói là ta, cho dù là ngươi, ngươi có thể trơ mắt mà nhìn đập Lý Quan bị phá, dân chúng trong cả nước không còn đường sống hay sao? Cho dù Phong Lôi Thập Tam lộ là cường đạo thổ phỉ, chuyên phá nhà cướp của, nhưng nếu như đập Lý Quan bị phá, các tỉnh thành của Đế quốc Chỉ Thủy trở thành biển cả đầm lầy, chúng ta kiếm sống bằng cách nào đây? Cho dù sống sót, còn có chỗ nào để chúng ta dung thân?

Mười mấy huynh đệ đều im lặng không nói gì.

-...Cho nên Thiển Thủy Thanh đã biết chắc ta không thể không đồng ý, hắn có cái hắn muốn, chúng ta có cái chúng ta muốn. Hắn muốn thay đổi triều đình Đế quốc Chỉ Thủy, để lập kỳ công cái thế cho bản thân hắn, còn chúng ta chỉ muốn nước nhà được bình an, dân chúng có cuộc sống an khang thịnh vượng. Hắn và chúng ta ai nấy đều có cái mình cần.

Dương Minh Hạo chắp hai tay sau lưng chậm rãi tản bộ trong nghị sự đường hồi lâu, rốt cục mới nói:

- Đập Lý Quan ắt phải bảo vệ, nhưng vụ án Lương Sử thì ngươi xử lý ra sao?

- Đây đúng là chỗ khó xử của ta, ý của Thiển Thủy Thanh, ta hiểu được, nhưng chỉ cần hơi sơ ý một chút ắt sẽ gây nên đại họa. Vấn đề này ta cũng đã suy đi nghĩ lại nhiều lần, cuối cùng cũng có được kết quả.

Một đám đầu lĩnh Phong Lôi Thập Tam lộ nghe mà không hiểu đầu đuôi ra sao, hoàn toàn không hiểu ý trong lời nói của Dịch Tinh Hàn.

Dịch Tinh Hàn cũng biết bọn họ không hiểu, chỉ có thể cười khổ nói:

- Ta biết các ngươi không hiểu, nhưng các ngươi có biết vì sao Thiển Thủy Thanh nhất định phải dùng hình thức huyết hương tế đại kỳ để đồ thành hay không?

Có một số việc không nói ra thì không thể nào hiểu được.

Thân là một tên Tướng quân, khi giơ con dao đồ tể lên với dân chúng của nước địch, mọi người chỉ biết rằng tên Tướng quân này lại tàn bạo hiếu sát. Thế nhưng không có mấy người thật sự hiểu được, tất cả những cái gọi là yêu dân hay hại dân trong mắt của những kẻ có địa vị cao, đều chỉ là những thủ đoạn dùng để đạt tới mục đích của bọn chúng mà thôi.

Đồ thành chỉ là một thủ đoạn đặc thù trong số đó mà thôi.

Chiến đấu ắt phải đồ thành.

Đây là một cụm từ thường xuyên xuất hiện trong chiến tranh quân sự thời xưa.

Bởi vậy cũng có thể thấy được tính tàn khốc của chiến tranh.

Nhưng sự thật là, bất kể là quân sự hay chính trị, mỗi một điều quân pháp, mỗi một chính sách, nguyên nhân tồn tại và chấp hành của nó đều có bối cảnh đặc thù, không phải chỉ đơn giản tồn tại để mà tồn tại.

Các học giả nghiên cứu lịch sử đời sau khi nghiên cứu hiện tượng 'chiến đấu ắt phải đồ thành', phân tích nguyên nhân vì sao các Tướng quân quyết định như vậy, đơn giản đưa ra ba điểm:

Thứ nhất, dùng lệnh đồ thành để kích thích tướng sĩ bên ta anh dũng giết địch, phấn khởi không sợ chết, dùng ích lợi lớn nhất có thể được để dụ dỗ binh sĩ chiến đấu anh dũng. Cái gọi là lệnh đồ thành thật ra mục đích chỉ là cướp sạch toàn thành.

Thứ hai, đồ thành có thể làm bình ổn những bất mãn do những tổn thất lớn lao gây ra khi công thành, có rất nhiều binh sĩ trong trận chiến công thành mất đi bạn thân thiết của mình, hay thân thể bị thương, do vậy mà lòng tràn đầy oán giận. Giết hại người vô tội có thể tạo ra một biện pháp để phát tiết những nỗi bất mãn ấy, làm cho bọn họ trút sạch những lửa giận, oán hận và bất mãn đối với quan trên. Như vậy có thể giúp cho bản thân bọn họ kềm chế, đồng thời bồi dưỡng lòng tâm huyết và trung thành.

Phàm là những binh sĩ trải qua quá trình giết chóc quá nhiều, rất có thể có lòng giết hại chủ tướng của mình. Bởi vì bọn họ biết, sau khi mình đã làm chuyện giết chóc vô nhân tính như vậy, sẽ cảm thấy không còn con đường nào khác để đi.

Thứ ba, việc đồ thành phát triển ra trên cơ sở cướp thành, ở một mức độ nào đó có thể làm cho bọn thủ vệ của những nơi khác kinh sợ, coi như là lệnh cảnh cáo, từ đó những trận chiến công thành về sau sẽ xuất hiện cục diện chưa đánh mà thua. Như vậy có thể không cần phải đánh nhiều trận, bớt đi số binh sĩ thương vong.

Thế nhưng hành vi đồ thành cũng sẽ làm cho phe bị tấn công nổi giận, thậm chí có thể khơi mào cho phong trào phản kháng của toàn dân nước địch.

Ở chỗ này, không thể không phân tích sơ lược một phen về lòng dân.

Lòng yêu nước nhiệt tình của dân chúng thật ra chỉ thành lập trên một cơ sở có hạn mà thôi, chính là, bản thân mình phải còn sống trước đã.

Khi một quốc gia bị một quốc gia khác xâm lấn, thông thường sẽ xuất hiện cục diện như sau:

Người cầm quyền bỏ dân mà không bỏ nước, chỉ cần còn giữ được nước, dân chúng bình thường có chết nhiều bao nhiêu đi nữa, về sau còn có thể thông qua chuyện khuyến khích sinh sản mà khôi phục nguyên khí. Nhưng nếu quốc gia mất đi rồi, vậy coi như mất hết, bởi vậy bọn họ không tiếc phát động chiến tranh khắp toàn dân, không tiếc phá hư tất cả những gì có thể phá được, bao gồm cầu đường, đê đập, đốt cháy thành thị để bảo vệ quốc gia.

Nhưng đối với dân chúng mà nói, mạng của mình mới là quan trọng nhất, mất nước thì đã sao? Đổi một người khác tới cai trị, chỉ cần mình nghe lời, đối phương cũng không thể nào chém tận giết tuyệt. Dù sao lãnh thổ cũng không của riêng ai, không hề có giá trị và ý nghĩa, bởi vậy khi quốc gia quyết định hy sinh dân chúng để đổi lấy sự tồn vong của quốc gia, rất nhiều dân chúng lựa chọn lo bản thân mình trước đã. Đến lúc cần thiết bọn họ sẽ đầu hàng, sẽ làm phản, thậm chí sẽ chủ động dẫn đường cho quân địch tấn công quốc gia của mình.

Bởi vậy khi một quốc gia xâm lược một quốc gia khác, tình huống thường gặp nhiều nhất chính là bên bị xâm lấn dùng hết tất cả thủ đoạn, như cướp đoạt lương thực, tuyên truyền lòng yêu nước, giấu binh trong dân để phát động dân chúng nổi lên chống lại. Mà lúc ban đầu phe xâm lấn thường thể hiện ra thái độ yêu dân như con, đến khi bọn họ phát hiện ra lương thực của mình thiếu thốn, bắt buộc phải tranh cướp lương thực với dân chúng nước địch, sẽ gặp phải một ít dân chúng vì giận dữ mà bắt đầu chống lại. Đến khi dân chúng gây ra thương vong cho phe xâm lấn đến một mức độ nào đó, cơn giận sẽ làm cho bọn họ mất đi lý trí, từ đó tiến hành thủ đoạn tàn sát hàng loạt dân chúng.

Khi dân chúng phát hiện ra, mê muội yếu đuối cũng không thể đánh đổi được sự an toàn mà mình khao khát, lòng yêu nước của họ sẽ được khơi dậy ngay lập tức.

Đằng nào cũng phải chết, dĩ nhiên bọn họ sẽ lựa chọn cái chết như một anh hùng liệt sĩ.

Bởi vậy lòng dân trong một cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước cho tới bây giờ vẫn là điều quan trọng nhất trong những điều quan trọng. Cả hai bên đều muốn tranh thủ lợi dụng, lại muốn rằng đối phương không thể lợi dụng được. Mà ở điểm này, phe bị tấn công ở phương diện tranh thủ lòng dân sẽ có ưu thế tự nhiên.

Các học giả lịch sử đánh giá rằng, lệnh đồ thành chỉ được các Tướng quân tiến hành trên cơ sở phán đoán của họ. Bọn họ tự cho rằng tàn sát giết chóc sẽ làm cho đối thủ sợ hãi, mà hiệu quả thực tế ngược lại chỉ càng chọc giận đối thủ hơn mà thôi.

Bởi vậy, lệnh đồ thành ngoại trừ có lợi làm tăng sĩ khí cho tướng sĩ phe mình, nhưng muốn tiêu diệt sĩ khí của phe địch thì chẳng những không có tác dụng mà còn phản tác dụng.

Bởi vậy dù lệnh đồ thành có lợi ích rất lớn, nhưng cũng là nguyên nhân vì sao các Tướng quân sau này càng ngày càng có ít người dám ra lệnh đồ thành.

Nhưng Thiển Thủy Thanh lại không nghĩ như vậy.

Xem lại lịch sử của Trung Quốc, gần như trong các cuộc chiến đối mặt với kẻ thù xâm lấn từ bên ngoài dẫn đến mất nước, đều có hiện tượng đồ thành xuất hiện, thậm chí trong một số quá trình tranh đoạt vương triều trong nội bộ cũng có xuất hiện sự tích đồ thành. Bao gồm cả triều đại phong kiến cuối cùng là triều Thanh cũng có xảy ra các cuộc đồ thành với quy mô lớn như Dương Châu trong mười ngày, Gia Định trong ba ngày.

Vì lý do gì mà từ xưa tới nay, sự kiện chiến đấu ắt đồ thành xảy ra nhiều đến nỗi thành thói quen, chẳng lẽ các Tướng quân đều là ngu ngốc hay sao?

Không, đó là bởi vì nó quả thật có tác dụng tích cực đối với phe công thành chiếm đất.

Về mặt chiến thuật, nó có thể hoàn toàn áp chế đối thủ, làm cho dân chúng sợ hãi, từ đó sinh ra rất nhiều hiện tượng chưa đánh đã hàng.

Những cuộc chiến tiêu diệt cả một quốc gia trong lịch sử nhiều không đếm xuể, sở dĩ có nhiều lúc lệnh đồ thành không mang lại hiệu quả, thậm chí còn làm cho nhiều địa phương khác sinh ra tâm lý có cùng chung kẻ địch, cho nên phấn khởi phản kháng, đó hoàn toàn là vì ở mỗi lần tiến hành lệnh đồ thành trong lịch sử, chủ tướng phe thủ thành có chút đầu óc đã tuyên truyền với dân chúng bên mình gây ra tác dụng làm mất hiệu quả hành động đồ thành của phe tấn công.

Nói một cách đơn giản chính là, bọn họ sẽ nói cho từng người dân trong thành biết rằng, hành động đồ thành của đối phương chính là vì bọn chúng tàn bạo, phàm là địa phương nào bị địch nhân chiếm lĩnh, ắt nơi đó sẽ máu chảy thành sông. Quân thủ thành sẽ vĩnh viễn không nói cho dân chúng của họ biết rằng, hành động đồ thành của phe đối phương có một điều kiện tiên quyết mới có thể xảy ra chính là phe thủ thành liều chết chống lại. Bọn họ sẽ nói với binh sĩ và dân chúng của mình rằng bất kể dưới tình huống nào, chỉ cần quân địch chiếm được thành thị của chúng ta, sẽ triển khai hành động đồ thành, từ đó kích động tâm lý phản kháng của binh sĩ và dân chúng trong thành.

Dưới điều kiện bắt buộc như vậy, tâm lý thỏ chết cáo buồn và tư tưởng nước nhà bất diệt sẽ tạo nên tác dụng vô cùng quan trọng, từ đó đề cao lòng yêu nước của dân chúng, cổ vũ bọn họ tích cực chống lại, bảo vệ quốc gia.

Bởi vậy nếu nói rằng lệnh đồ thành không mang đến tác dụng làm cho dân chúng kinh sợ, không nói rằng phe phòng ngự lợi dụng tâm lý của dân chúng hiệu quả, phát huy mặt có hại của nó và làm giảm đi mặt ích lợi của nó.

Mà sở dĩ Thiển Thủy Thanh dám hạ lệnh đồ thành, chính là vì hắn đã hiểu rõ điểm này.

Cho nên đây mới là mục đích thật sự của hành động đốt huyết hương tế đại kỳ của Thiển Thủy Thanh.

Mục đích thật sự của hành động đốt huyết hương tế đại kỳ này chính là nhờ vào một vật có thể nhìn từ xa mà thấy được là huyết hương, kết nối chặt chẽ với hành động đồ thành. Thông qua nó, Thiển Thủy Thanh muốn thông báo một tín hiệu chính xác không thể nào lầm lẫn cho dân chúng trong thành: Nếu hàng sẽ giữ được thành, người có thể được sống, không sứt mẻ chút gì. Nếu chiến, đồ sát toàn thành, gà chó không tha.

Mục đích thật sự của hành động đốt huyết hương tế đại kỳ không phải là muốn tàn sát hàng loạt dân chúng trong thành, mà thiên về ý nghĩa bắt buộc đầu hàng hơn. Bởi vậy, lệnh đồ thành của Thiển Thủy Thanh lấy chuyện xua đuổi, đe dọa, làm cho sợ hãi là chuyện chính, chứ không phải muốn giết sạch mọi người.

Thông qua tín hiệu mà huyết hương truyền tới, nó tương đương với một tín hiệu lúc nào cũng nhắc nhở dân chúng trong thành rằng: Phàm kẻ nào thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết.

Vì điểm ấy nên sự tồn tại của huyết hương, đối thủ của Thiển Thủy Thanh hiểu rất rõ ràng, không có cách nào che đậy hay lừa dối.

Huyết hương đại biểu cho lệnh đồ thành đã trở thành một dấu hiệu hoạt động, nó làm giảm sút đi tinh thần yêu nước của dân chúng, đồng thời đem hai khái niệm hoàn toàn khác nhau là an nguy của thành thị và an nguy của dân chúng buộc chặt với nhau cùng một chỗ. Quan trọng là nó nêu ra quan niệm 'thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết' chính là một đòn đả kích nghiêm trọng đối với sự chống cự nhiệt tình của người Đế quốc Chỉ Thủy. Thông qua huyết hương cháy lên rồi tắt làm bừng lên nỗi sợ hãi trong lòng dân chúng, tiêu trừ tất cả khả năng chống cự có thể tồn tại.

Đương nhiên trên cơ sở này, Thiển Thủy Thanh vẫn còn hai đòn sát thủ dùng để phá hủy ý thức phản kháng của dân chúng.

Thứ nhất, chính là lợi dụng dân chúng đến bảo vệ đập Lý Quan. Hắn dùng nguy cơ đập Lý Quan bị phá vỡ làm điểm đột phá tốt nhất, vạch rõ sự mâu thuẫn của Đế quốc Chỉ Thủy không đoái hoài tới nỗi khổ của dân chúng, ngược lại người Đế quốc Thiên Phong phải đi hóa giải. Không cần biết dân chúng thừa nhận hay không, nhưng ít ra bọn họ cũng hiểu được một điều: Đập Lý Quan tuyệt đối không thể để bị phá, không cần biết kẻ phá là người Đế quốc Chỉ Thủy hay người Đế quốc Thiên Phong. Bởi vậy, Dịch Tinh Hàn không thể nào không chấp nhận kế hoạch do Thiển Thủy Thanh sắp xếp, bao gồm cả việc gánh lấy tội danh giết chết Kinh Phong Triển. Không có tội danh này, hắn không có cơ sở để kêu gọi dân chúng Đế quốc Chỉ Thủy.

Cho nên Thiển Thủy Thanh không cần lo lắng đến sự an nguy của đập Lý Quan, bởi vì Dịch Tinh Hàn còn lo lắng hơn bản thân hắn nữa. Cũng vì vậy, Dịch Tinh Hàn chắc chắn sẽ hết lòng bảo vệ đập Lý Quan, điều này sẽ làm cho rất nhiều người mất đi sự tin tưởng đối với quốc gia.

Đây cũng chính là lời Thiển Thủy Thanh đã nói, bất cứ sự vật nào cũng có hai mặt lợi hại của nó. Khi dân chúng chỉ nhìn thấy lòng dũng cảm không sợ chết của Bão Phi Tuyết qua kế hoạch phá đập Lý Quan, Thiển Thủy Thanh lại nhìn thấy ảnh hưởng nghiêm trọng mà hành động này sẽ đem lại cho Đế quốc Chỉ Thủy. Từ đó nhờ vào sự tuyên truyền hiệu quả, nó trở thành vũ khí tốt nhất đả kích nặng nề lòng dân và sĩ khí của Đế quốc Chỉ Thủy.

Thứ hai, chính là vụ án Lương Sử của Dịch Tinh Hàn, Thiển Thủy Thanh tung Dịch Tinh Hàn ra, giống như tung một quả bom cỡ lớn vào giữa lãnh thổ của Đế quốc Chỉ Thủy. Hiệu quả và ảnh hưởng của nó sẽ vượt xa sự tưởng tượng của mọi người.

Nếu như lệnh đồ thành không đủ áp lực làm cho dân chúng trung thành với quốc gia sinh lòng nản chí mà lùi bước, thì vụ án Lương Sử nhờ vào tính chất đổi trắng thay đen vô cùng nghiêm trọng của nó, hoàn toàn phá hủy trụ cột tinh thần trong lòng dân chúng. Khi dân chúng phát hiện thì ra quốc gia này từ đầu đến cuối là sinh ra từ tội ác, thì ra vị Quốc chủ vĩ đại lại là một con sói đội lốt người, cả quốc gia từ trên xuống dưới đều thối nát, lòng yêu nước nhiệt tình của dân chúng vì phát hiện này sẽ gần như tan biến hoàn toàn, một bầu nhiệt huyết rồi cũng sẽ trở nên lạnh giá. Đến ngày gót sắt của quân Đế quốc Thiên Phong giậm trước cửa thành đốt huyết hương, còn có được bao nhiêu người dũng cảm đứng lên phản kháng?

Chỉ cần có một tòa thành kinh sợ huyết hương, do đó mà đầu hàng, như vậy từ đó về sau, người ở các nơi có quyết tâm phản kháng sẽ giảm đi rất nhiều. Tòa thành thứ nhất đầu hàng sẽ trở thành một tín hiệu phá hủy lòng nhiệt tình phản kháng của dân chúng, cũng sẽ không ngừng lan tràn ra khắp bốn phương.

Lòng dân, nếu như ta không thể lợi dụng được, ít nhất phải làm cho đối thủ cũng không thể lợi dụng được.

Mê hoặc được lòng dân, làm cho nước địch rối loạn, diệt được nhân tài của nước địch, lấy chiến nuôi chiến, dùng ác danh làm cho dân chúng kinh sợ, ắt đại cục đã định!

Theo Thiển Thủy Thanh một thời gian dài qua, dần dần hiểu được tác phong làm việc, nếp sống và thói quen của Thiển Thủy Thanh, Dịch Tinh Hàn là người thứ nhất hiểu rõ được suy nghĩ của Thiển Thủy Thanh trong thời gian hắn sống kiếp sống tù binh ở Đế quốc Thiên Phong.

Có lẽ đây chính là điều mọi người thường nói, chỉ có đối thủ mới hiểu được đối thủ mà thôi...

Sau khi giải thích qua ý nghĩa chân chính của hành động đốt huyết hương tế đại kỳ và vụ án Lương Sử, Dịch Tinh Hàn nói với vẻ bất đắc dĩ:

- Thiển Thủy Thanh là một người thông minh, hắn biết rằng lời đồn chỉ sinh ra từ trong nội bộ mới có công hiệu. Từ đầu đến cuối, Thiển Thủy Thanh không hề tuyên truyền ra vụ án Lương Sử, mục đích của hắn chính là để cho ta tự nói ra chuyện này.

-...Ta là nhân chứng của vụ án Lương Sử, đã trải qua tất cả những chuyện bên trong, ta lại là con dân của Đế quốc Chỉ Thủy, sẽ kêu gọi mọi người bảo vệ đập Lý Quan một cách nhanh chóng. Nếu như ta có thể bảo vệ đập Lý Quan thành công, lúc ấy lời nói của ta sẽ được mọi người tin tưởng, lời đồn của ta sẽ có uy lực hơn xa người của Đế quốc Thiên Phong.

Dương Minh Hạo trầm giọng hỏi:

- Vậy ngươi chuẩn bị công bố nó hay sao?

Giọng Dịch Tinh Hàn lạnh như băng:

- Thiển Thủy Thanh thường nói, việc gì cũng có hai mặt phải trái của nó, kẻ bị thiệt hại thì cố gắng tìm kiếm cái lợi, người được lợi thì phải đề phòng cái hại. Thiển Thủy Thanh đốt huyết hương làm cho dân trong nước kinh sợ, khẳng định sẽ có rất nhiều người vì sợ chết mà đi theo hắn, nhưng cũng vì vậy mà hắn sẽ kích phát quyết tâm phản kháng của một số người. Hiện giờ Đế quốc Chỉ Thủy sắp mất, nước không còn nữa, nếu muốn bảo vệ quê nhà của chúng ta mà dựa vào hoàng thất Vũ gia là vô nghĩa. Đã là như vậy, sao chúng ta không cùng lật đổ Vũ gia với người Đế quốc Thiên Phong? Thiển Thủy Thanh cần người sợ chết, ta lại cần người không sợ chết. Ta hợp tác với Thiển Thủy Thanh, chia dân chúng trong nước ra làm hai thành phần, mặc dù vương triều của Vũ gia mất đi, Đế quốc Chỉ Thủy chưa chắc đã mất. Nếu như người Đế quốc Chỉ Thủy không đối xử tử tế với dân chúng Đế quốc Chỉ Thủy chúng ta, ta sẽ lãnh đạo người đứng lên đấu tranh với chúng tới cùng, để làm cho chúng hiểu được một chuyện, mất nước mất nhà cũng không phải dễ dàng như vậy!

Nói đến đây, Dịch Tinh Hàn ngửa mặt lên trời thét một tiếng dài:

- Từ giờ trở đi, Dịch Tinh Hàn ta sẽ bảo vệ đập Lý Quan, ngăn quân Đế quốc Thiên Phong, không hề chịu phục tùng ai. Thiển Thủy Thanh muốn lợi dụng ta, ta không biết lợi dụng hắn hay sao? Chúng ta lợi dụng lẫn nhau, để xem rốt cục ai là người thắng!

-...Thiển Thủy Thanh, chúng ta chờ xem, ta sẽ làm cho ngươi biết rằng, tuy Đế quốc Chỉ Thủy không đáng cho ngươi để vào mắt, nhưng bất cứ lúc nào cũng còn có một người có thể làm cho ngươi ăn không ngon ngủ không yên! Ngươi tàn sát dân chúng Đế quốc Chỉ Thủy của ta, bất kể vì lý do gì cũng là kẻ thù của Đế quốc Chỉ Thủy ta. Chỉ cần Dịch Tinh Hàn ta còn sống trên đời này, nhất định suốt đời là địch của ngươi!

Việc gì cũng có lợi có hại, việc để cho Dịch Tinh Hàn chạy thoát đương nhiên là mang rất nhiều lợi ích đến cho Thiển Thủy Thanh. Nhưng Dịch Tinh Hàn vì những trận tàn sát của Thiển Thủy Thanh mà hận thù đến mức khắc cốt ghi tâm, không biết Thiển Thủy Thanh có thể đoán trước được chuyện này không...?

O0o

Ngày Mười Chín tháng Mười Một năm Một Trăm Lẻ Sáu lịch Thiên Phong, sau khi Thiển Thủy Thanh phát động cuộc nổi loạn ở trấn Xích Thủy, lợi dụng con cờ tuyệt diệu Dịch Tinh Hàn, không đánh mà thắng, hóa giải được bài toán khó đập Lý Quan, đúng lúc thoát khỏi vòng vây phục kích của Thương Hữu Long. Kế hoạch tiêu diệt toàn bộ Thiết Phong Kỳ, nâng cao sĩ khí lòng dân của Thương Hữu Long hoàn toàn phá sản.

Chính Thiển Thủy Thanh cũng không ngờ rằng, trước khi Dịch Tinh Hàn nhập ngũ chính là Thập Tam đương gia được Phong Lôi Thập Tam lộ yêu mến nhất. Vị tiểu Thập Tam này sau khi dùng thời gian một đêm kể rõ tất cả chuyện tình về quân Đế quốc Thiên Phong, rốt cục đã thuyết phục thành công các vị đương gia của Phong Lôi Thập Tam lộ hành động. Tốc độ thuyết phục của Dịch Tinh Hàn phải nói là cực nhanh, hiệu quả của nó thậm chí còn vượt xa dự tính của Thiển Thủy Thanh.

Ngày Hai Mươi tháng Mười Một, tức là chỉ một ngày sau, một tin tức truyền ra làm cho ai nấy đều kinh sợ. Bạn đang xem truyện được sao chép tại: chấm c.o.m

Quân thủ ở đập Lý Quan trên sông Nguyệt Nha làm phản!

Kẻ xúi giục bọn họ không phải là ai khác, mà chính là Dịch Tinh Hàn.

Sau khi hắn thuyết phục được Phong Lôi Thập Tam lộ, lại dùng lý do như vậy mà thuyết phục quân thủ đập Lý Quan.

Bọn họ tuyên bố rằng không trung thành với hoàng thất Vũ gia, đồng thời cũng không đầu hàng người Đế quốc Thiên Phong.

Bọn họ tiếp tục kháng chiến bảo vệ quốc gia, người lãnh đạo mới của bọn họ chính là Dịch Tinh Hàn.

Chỉ mới có mấy ngày ngắn ngủi mà vật đổi sao dời, sau Đế quốc Thiên Phong và Đế quốc Chỉ Thủy, lại có một thế lực mới quật khởi trên mảnh đất này.

Thế lực này trợ giúp cho người Đế quốc Thiên Phong tấn công toàn diện san bằng Đế quốc Chỉ Thủy, mà người Đế quốc Thiên Phong vì tàn sát điên cuồng cũng đem lại cho Dịch Tinh Hàn rất nhiều nhân tài mà hắn cần.

Ngày Hai Mươi Hai tháng Mười Một, sau khi đập Lý Quan đã hoàn toàn đổi chủ, Dịch Tinh Hàn tự mình xây dựng lực lượng Hộ dân quân, không tuân theo vương lệnh, kêu gọi dân chúng bảo vệ đập Lý Quan, tự cứu quốc gia, được cả nước hưởng ứng.

Lúc này, Quân đoàn Bạo Phong đã ép Cô Chính Phàm phải lui về tới Hàn Phong quan nhưng lại không có cách nào rút lui trở lại.

Cô Chính Phàm sử dụng chiến thuật bám sát dai như đỉa đói, ngươi lui thì ta tiến, ngươi tiến ta lại lui, giữ chặt chân Quân đoàn Bạo Phong tại vùng Hàn Phong quan, làm cho Quân đoàn Bạo Phong không thể nào lui lại.

Đối với chuyên này Hoàng đế Đế quốc Thiên Phong Thương Dã Vọng đã sớm có chuẩn bị. Chiến cuộc ở thảo nguyên ổn định, động tĩnh ở các quốc gia xung quanh đã lắng xuống, ông ta liền phóng tay làm mạnh. Trong năm đại Quân đoàn của Đế quốc Thiên Phong, hiện giờ vẫn còn một Quân đoàn chưa sử dụng tới, chính là Quân đoàn Trung Ương phụ trách bảo vệ kinh đô và vùng lân cận. Chiến lực của Quân đoàn này chỉ kém Quân đoàn Bạo Phong một chút mà thôi, do một vị đại tướng tài ba khác của Đế quốc Thiên Phong lãnh đạo: Quý Cuồng Long.

Quý Cuồng Long và Liệt Cuồng Diễm, Triệu Cuồng Ngôn ba người được xưng là Thiên Phong Tam Cuồng, từ đó có thể thấy được địa vị và năng lực của họ.

Ngày Ba Mươi tháng Mười Một, một cánh quân vạn người xuất hiện trước tiên tại vùng Tam Trùng Thiên, hội hợp cùng một chỗ với Thiết Huyết Trấn của Nam Vô Thương. Sau đó mấy ngày, quân từ thành Thương Thiên cuồn cuộn không ngừng tiến về phía Tam Trùng Thiên, thẳng tới bình nguyên Tam Sơn. Thương Dã Vọng lại hạ lệnh cho các địa phương ở miền Đông của Đế quốc bắt đầu trưng binh, cần phải điều động thêm ít nhất năm vạn đại quân nữa ra tiền tuyến.

Từ lúc này, nhờ vào biểu hiện xuất sắc của Thiển Thủy Thanh, cơ hội để quân Đế quốc Thiên Phong tấn công ào ạt đã tới.

Mười vạn binh sĩ của Quân đoàn Trung Ương, ngoại trừ hai vạn binh sĩ ở lại trấn thủ thành Cô Tinh, trấn giữ vùng đất chiến lược Tam Trùng Thiên, Thương Dã Vọng lại điều đến thêm sáu vạn binh sĩ nữa. Lại thêm quân địa phương được năm vạn và một vạn của Thiết Huyết Trấn, tổng cộng mười hai vạn đại quân, bắt đầu công tác chuẩn bị tấn công toàn diện vào Đế quốc Chỉ Thủy.

Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất