Chương 12:
Lúc còn đi học, tôi chỉ biết tới vàng qua trang sách, nghĩa là cái vòng tròn nửa trắng nửa đen trên tấm bản đồ khoáng sản, hay ký hiệu nguyên tố thứ bảy mươi chín trong hệ thống tuần hoàn hóa học. Sau này vào hoạt động ở thị xã Quảng Trị, hiểu biết về vàng của tôi có nâng cao được chút ít nhưng cũng chỉ dừng ngang chỗ nhìn thấy những nhẫn, vòng, dây chuyền vàng các bà các cô thường đeo, hay cái tiệm kim hoàn nhỏ nằm ở đầu phố mà tôi chẳng có việc gì để bước chân vào. Tất cả kiến thức của tôi về việc tìm kiếm một vỉa quặng là những điều anh Sơn đã nói. Những tưởng còn có đủ thời gian để học ở anh nhiều điều, đâu ngờ chỉ được sống với anh chưa đầy tháng... Cái câu "đãi cát tìm vàng” tôi học lúc trước là câu tục ngữ, nó được giảng theo nghĩa trừu tượng chứ không giải thích một công việc cụ thể.
Chính vì vậy mà giờ đây tôi lúng túng không biết nên làm gì. Theo tài liệu anh Hai Nguyên phổ biến, "vỉa quặng” nằm trong dải rừng phía bắc vùng đồi cỏ. Trên tấm bản đồ anh Sơn mang theo, nó được đánh dấu bằng mũi kim châm.Tìm dấu kim trên bản đồ đã khó, thế mà giờ đây tôi phải tìm trong rừng một vỉa quặng trong lúc chẳng hình dung được hình thù của nó như thế nào.
Tôi để một ngày đi men dải rừng phía bắc vùng đồi. Địa hình ở đây đã nói sơ trong lần trước, tất nhiên lúc này nó vẫn thế: rừng rậm nhiều tầng có đá bazan nằm rải rác, đôi chỗ nền đất pha sỏi vụn như ven các khe cạn hoặc vùng đất giáp đồi cỏ Những ngày đi đó không phải là vô ích. Nó giúp tôi nhận thức được rằng, đừng bao giờ mong tìm thấy một tảng đá có những mạch vàng sáng lấp lánh như đã xen trong phim. Mà nếu có tảng đá như vậy, nó cũng bị vùi lấp dưới đất hay lẫn trong cây cỏ rậm rạp, có sục hết từng mét đất của vùng rừng này cũng chắc gì phát hiện được.
Cuối ngày hôm đó, sau khi đi thực địa về, tôi quyết định làm theo cách mà anh Sơn đã bảo là "tuy thô sơ nhưng đơn giản nên dễ áp dụng...", tôi sẽ đãi cát tìm vàng theo nghĩa đen. Cách đãi tôi cũng có biết, về lý thuyết thì phải - vừa xoay vừa lắc cho đều như cách sàng gạo. Nhưng đãi bằng cái gì bây giờ?
Tôi lên chỗ máy bay rơi, lấy cái mũ phi công gỡ hết các thứ bên trong và bịt các lỗ thủng rồi xuống suối bỏ đất vào đãi thử. Mới lắc mấy vòng đã thấy không ổn, lòng mũ sâu và hẹp quá. Phải có cái gì rộng hơn và cạn, chỉ hơi trũng thôi. Hèn gì lúc trước anh Sơn mang cái xoong cạn miệng rộng như vậy.
Quay lại chỗ chiếc trực thăng, tôi dùng dao găm hì hục gần một buổi mới chặt được mảng vỏ máy bay vừa ý. Loại hợp kim này nhẹ và đủ dẻo để tôi gò được một vật từa tựa cái khiên thời trung cổ người ta hay mang theo lúc ra trận. (Sau này khi nhìn thấy dụng cụ của những người làm nghề đãi vàng thủ công, tôi mới biết lúc đó mình đã làm đúng kiểu).
Thế rồi tôi bắt tay vào việc với tâm trạng hăm hở pha lẫn hồi hộp xen với niềm hy vọng tràn trề. Điểm xuất phát là cái khe cạn nằm chính giữa rìa vùng đồi phía bắc, nơi có đám lau khô tiếp giáp với rừng. Không ảo tưởng vào một kết quả nhanh chóng trong ngày một ngày hai, tôi chia dải rừng ra làm nhiều ô, ghi nhớ những hòn đá hay gốc cây nào đó để làm mốc, dự định tìm kiếm hết nơi này mới chuyển qua nơi khác. Phải đãi có vàng đã rồi mới tính tới chuyện lần tìm vỉa quặng.
Công việc chẳng nhẹ nhàng chút nào. Cả dải rừng này chỉ có con suối chỗ tôi ở và cái khe nhỏ nơi tôi đã mắc võng nghỉ hôm bị sốt. Muốn đãi, phải gùi đất đến chỗ có nước.
Tôi cắt một tấm pôngsô khâu thành mấy cái túi. Mỗi đoạn khe cạn hay chỗ trũng, tôi đào đất ở nhiều điểm bỏ vào những túi khác nhau, và phải đánh dấu để biết túi đất nào lấy ở đâu. Chưa hết, đào xong phải ngụy trang kỹ, đất đãi rồi phải khỏa cho trôi đi. Nếu kẻ địch tới đây, chúng có thể biết tôi có mặt ở vùng này, nhưng không để chúng phán đoán được ý đồ. Ngay cả trong trường hợp bị địch bắt, tôi cũng chỉ là một người lính giải phóng lạc trong rừng. Tình huống này đã được dự tính từ trước.
Hàng ngày, với súng đạn, chiếc ba lô rỗng, cái xẻng nhỏ cùng cái khiên đeo sau lưng, tôi ra đi từ lúc hửng sáng và chỉ trở về nhà lúc sẩm tối. Đào đất đổ vào túi, bỏ túi vào ba lô mang tới suối đãi, đổ đi rồi quay lại đào tiếp... Công việc nặng nhọc và nhàm chán làm sự háo hức ban đầu dần dần nguội đi. Nhưng tôi không nản. Trong đầu tôi là sự quyết tâm đến lì lợm bởi ngoài trách nhiệm cá nhân, tôi còn có nghĩa vụ với người đã khuất. Mà có lẽ còn trên cả nghĩa vụ...
Tôi mới bắt tay vào việc được mươi ngày thì phải tạm ngừng vì mùa mưa tới. Trước đó mấy hôm bầu trời kém trong hơn, tầng mây trắng bạc mờ mờ trên cao thay thế dần khoảng trời xanh. Buổi sáng những áng mây xuất hiện ngày càng nhiều, lúc đầu chúng có màu trắng hoặc phớt hồng, sau đổi sang màu xám chì. Còn đến hoàng hôn ráng chiều nhuộm mây ngàn đỏ sậm. Những tiếng sấm ì ùng xa xa nghe như tiếng đại bác báo hiệu đạo quân mưa đang tiến lại gần. Gió thổi từng làn ngắt quãng làm cây lá xôn xao. Rừng đang bồn chồn.
Rồi một hôm, cơn mưa chờ đợi từ lâu đã tới. Suốt buổi sáng trời đứng gió. Cây cối im phăng phắc trong cái nóng ngột ngạt đến khó thở. Không gian nặng nề như đang chịu một áp lực từ vũ trụ ép xuống bề mặt khí quyển. Quá trưa thì mây kéo về làm bầu trời thấp xuống, màu mây đen kịt và nặng trĩu. Gió cuộn lên ào ào, bụi tung mù mịt trên vùng đồi cỏ cây rừng nghiêng ngả vật vã chịu đựng nỗi đau chuyển mùa. Lát sau, những tia chớp bắt đầu kéo loằng ngoằng trong mây kèm theo tiếng sấm nổ choáng tai. Những hạt mưa đầu tiên rơi lộp độp xuống lá cây, xuống lớp đất khô bụi sau nhiều tháng nắng nóng.
Trận mưa dạo đầu chỉ kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Rừng bốc khói như đang ngủn cháy âm ỉ. Hơi nước ngùn ngụt khắp nơi, đến sẩm tối trở thành những đám sương xanh lam quyện trong vòm lá. Ngày hôm ấy tôi ở nhà lấy củi về chất dưới gầm nhà nên tránh được cơn mưa. Đi rừng gặp trận mưa này, ốm là cái chắc!
Đất rừng khô hạn lâu ngày, hơi nóng bốc lên rất độc. Mấy ngày kế đó mưa đổ xuống từng đợt ngắn, nhưng mây vẫn tiếp tục kéo về ùn ùn trên bầu trời. Ngoài đồi, chuồn chuồn kết thành từng đám dày đặc lượn sát ngọn cỏ. Tranh thủ lúc tạnh, tôi xách súng đi ngược con suối lên mé trên, ý định kiếm ít thịt dự trữ. Tới đoạn suối chảy ngang qua vách đá thì gặp con mang ở bờ bên kia. Tôi bắn, nhưng phát đạn không chính xác nên nó còn chạy được. Tôi lội qua suối lần theo dấu máu, phát hiện nó chui vào một cái hang nhỏ nằm chết trong đó. Cái hang này khuất sau mấy tảng đá và những cây dây leo nên rất kín, nếu không có vết máu thì không thể tìm ra. Chật vật mãi tôi mới kéo được con mang ra vì miệng hang hẹp quá. Nhưng khi nhìn kỹ thới thấy trong hang khá rộng, đủ chỗ cho vài người nấp. Chỉ nhìn qua cho biết chứ chẳng có việc gì phải dùng đến nó.
Tôi vác con mang về xẻ thịt, và nhân lúc nước suối còn trong tôi câu được hơn chục con cá. Số cá, thịt đó tôi nướng và sấy khô rồi đem treo trên đống lửa để ăn dần. Lương thực dự trữ còn mấy bao gạo sấy, năm phong lương khô và một thùng khẩu phần ăn dã chiến, nhưng số đó phải để dành và nếu để được cho tới lúc quay về là tốt nhất. Còn ở đây chim thú không thiếu, tôi lại sẵn đạn nên chẳng lo đói.
Những cơn mưa nặng hạt ngày càng kéo dài, thời gian tạnh ngắn lại và hiếm hoi dần. Cho đến lúc mưa tầm tã suốt ngày đêm thì hầu như tôi chỉ bó gối ngồi trong nhà, không đi đâu được Ngoài trời mưa trắng rừng trắng núi, nhìn ra hướng đồi cỏ chỉ thấy mịt mờ màn nước. Nước chảy thành dòng săn tít dọc theo thân cây cổ thụ. Mặt đất trương ra, mềm lún. Muôn dòng chảy len lỏi qua các gốc cây đổ xuống chỗ thấp. Những rãnh nhỏ trở thành khe, khe thành suối và suối thành sông con. Dòng suối trước nhà giờ đây đục ngầu cuồn cuộn như lũ, cuốn băng băng từng đống rác rều kết từ cành khô và là mục. Những đám mây mọng nước suốt ngày sà trên ngọn cây làm bầu trời như sắp sập xuống. Nhà tôi dựng dưới tán lá rậm, chỉ sáng mờ mờ được dăm tiếng đồng hồ vào ban ngày, vì vậy đêm tối càng dài hơn.
Một hôm, tôi đội mưa lên chỗ máy bay kiểm tra lại những thứ trong đó và lấy thêm số đồ cần dùng. Lần này tôi tìm được nắp thùng chứa nhiên liệu nên lấy ra ít dầu để thắp. Số dầu còn lại trong thùng khá nhiều, có thể an tâm về khoản ánh sáng. Ở dưới ghế lái có cái ngăn nhỏ, trong đó có bộ cờ !ê đủ cỡ, tôi đem bỏ cả vào ba lô cùng với mấy bộ quần áo lính. Nhưng thứ khác tôi gói kỹ cho khỏi ướt, để lại trong máy bay. Xong việc, tôi khoác ba lô lên vai, ra tìm đoạn cánh quạt gãy vác về nhà.
Khi căng mấy tấm pôngsô quanh vách để tránh mưa tạt tôi bỗng nhận ra căn nhà tuy tốt nhưng lại giống cái rọ, nó chỉ có một cửa và mấy lỗ thông khói. Nếu có kẻ nào xuất hiện tấn công lúc tôi đang ngồi trong nhà, chúng chỉ cần khống chế trước cửa là chẳng còn thoát đi lối nào được. "Mình vô ý quá, lẽ ra phải làm thêm cái cửa hậu..." Nhưng khi có động, nếu có nhảy được từ độ cao hai mét xuống đất và kịp chạy hai chục mét tới gốc cây đa hay không? Biết là lo xa, nhưng khi đã nghĩ đến rồi thì tôi cứ thấp thỏm không yên. "Giá mình bay được như chim... À, đúng rồi! Đã có cách!"
Lấy mấy cuộn mây hôm trước chưa dùng hết, tôi đem bện thành sợi dây dài, buộc một đầu lên nhánh cây đa quãng giữa nhà và gốc cây, đầu kia buộc thành cái vòng để có thể luồn chân vào. Phải sửa đi sửa lại mấy lần mới vừa ý. Tôi trổ thêm cái cửa nhỏ phía sau nhà và móc sẵn đầu dây ở đó. Trong trường hợp khẩn cấp, chỉ cần lách qua của níu dây đu nhẹ là tới chỗ cây đa trong nháy mắt. Ở đó có dấu sẵn số vũ khí dự trữ, và nếu cần tôi sẽ lẩn nhanh vào rừng.
Suốt mấy tháng mưa, lúc nào tạnh tôi lại ra rừng. Bây giờ những nơi trũng đều ngập nước, việc đào đãi tiến hành tại chỗ nên thuận tiện hơn nhiều. Chỉ có điều lội trong rừng mùa này rất khó chịu vì ướt át suốt ngày. Những vết cào xước trên người trở nên ngứa ngáy thành ghẻ, đôi chỗ nhiễm trùng mưng mủ sưng tấy lên. Chẳng ai chết vì bệnh ghẻ, nhưng mắc phải nó thì thật khốn đốn. Không có xà phòng, áo quần giặt mấy cũng không sạch, da thịt nhớp nháp làm mụn ghẻ chả mấy chốc đã lan khắp toàn thân. Lại còn nạn vắt nữa? Cái giống đỉa cạn này vào mùa mưa nhiều như trấu. Mặc dù mỗi lần ra rừng tôi đều lấy lá ngải hôi xoa khắp người, nhưng thế nào cũng có dăm bảy con bám vào hút máu đến căng tròn, về đến nhà cởi quần áo ra mới biết.
Nhưng "có khó mới ló khôn", tôi đã nghĩ ra giải pháp tối ưu cho vấn đề vệ sinh, một trong những "phát kiến" quan trọng nhất của tôi trong thời gian sống giữa rừng: đó là việc tìm ra cây bồ kết. Đúng ra tôi đã nhìn thấy nó từ trước, nhưng đến lúc này mới nhớ tới. Nó mọc ở mé đồi cỏ, nơi vạt rừng phía cuối tràng cát. Đây là một cây bồ kết cổ thụ to cỡ mấy người ôm, trên cành lủng lẵng những chùm quả tươi có, khô có. Tôi cũng không phải leo nên chẳng lo đám gai sắc nhọn chi chít trên cây: quả bồ kết rụng đầy dưới gốc, chỉ việc chọn những chùm chưa bị mục đem về bẻ ra ngâm để tắm gội hoặc giặt quần áo. Nhờ nó mà tôi triệt được bệnh ghẻ, và tuy ở rừng nhưng áo quần lúc nào cũng sạch bong. Ở quê tôi, các bà các chị lâu lâu mới đi chợ mua vài hào bồ kết về gội đầu. Còn ở đây, cái cây bồ kết này đủ cho cả làng gội quanh năm.
Một buổi trưa, nhân vừa ngớt mưa tôi xách súng vào rừng bắn chim. Ăn mãi thịt thú cũng ngán, còn cá thì nước suối to lại chảy xiết không câu được. Hôm đó tôi đi khá xa mới bắn được một con chim không lớn lắm nhưng cũng đủ ăn bừa tối. Lúc trở về, tôi nhắm hướng đi cắt rừng cho gần hơn. Khi băng qua cánh rừng cách nhà chừng cây số, tôi gặp một cây trầm. Tôi chưa nhìn thấy cây trầm tươi lần nào. Lúc trước anh Hùng có hứa khi nào gặp sẽ chỉ, nhưng không kịp... Nhưng đây là cây trầm đã rụi xuống lâu ngày, phần gỗ đều mục nát và bị đợt mưa vừa rồi xói trôi gần hết, làm lộ ra những khúc trầm đen nhánh đôi chỗ chen thớ gỗ lấm tấm trắng. Nhiều khúc như được một bàn tay tài hoa nào chạm trổ, tạo nên những đường nét hình thù kì dị và rất đẹp. Đoạn gần gốc có những tảng trầm màu nâu đen giống như những tảng nhựa, cầm lên cứ nặng trĩu trên tay. Có lẽ quanh đây có những cây trầm khác còn sống, nhưng tôi không nhận ra. Loài cây này thật kỳ diệu. Nó mọc giữa rừng hoang, hút chất đất và khí trời để tạo nên nhựa sống. Đến khi về già, cây trầm dồn nhựa của mình cô đặc thành tinh chất của hương thơm, và lúc chết nó để lại tất cả cho đời.
Tôi nhặt mấy khúc trầm mang về để mỗi lần đi thăm mộ sẽ đốt thay hương. Về sau, lần nào đi ngang qua gần đó tôi cũng rẽ vào lấy một ít đem chất trong hốc cây đa. Chẳng qua thấy thì ham vậy thôi, chứ chẳng bao giờ tôi nghĩ đến chuyện sau này mang số trầm ấy về.
Mặc dù tôi rất sốt ruột, nhưng việc tìm kiếm vẫn tiến hành chậm chạp. Những đợt mưa thường kéo dài, số ngày trời hửng rất ít. Ngay cả những ngày có chút nắng hiếm hoi thì chừng bốn giờ chiều trong rừng đã tối, ra tới chỗ đãi chưa làm được mấy việc lại phải quay về.
Ai đã từng một lần trải qua mùa mưa Trường Sơn hẳn sẽ nhớ mãi những cơn mưa dầm dề lê thê ngày này qua ngày khác. Cũng có lúc mưa nhẹ hạt, những hạt mưa rơi chầm chậm làm ta tưởng trời sắp tạnh, bỗng lại nghe ào ào như ai trút nước xuống mái nhà: những đám mây lại vỡ òa trên bầu trời. Ngồi trong nhà nhìn ra màn mưa trắng mịt mờ mà buồn đến não lòng, nhiều lúc tôi có cảm giác mình như cũng sắp chảy ra thành nước. Rừng sâu vốn đã hoang vắng, trong mưa lại càng âm u lạnh lẽo khiến tôi thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Giá lúc này mà có một người bên cạnh, một người thôi, dù già hay trẻ, dù xấu hay đẹp, dù tính nết thế nào cũng được. Cố quên đi sự rầu rĩ trong những ngày mưa ấy, tôi dồn hết tâm trí vào một công việc đã ấp ủ từ lâu: làm tấm bia tưởng niệm đặt trên mộ hai anh.
Tôi đập gãy đầu một chiếc cờ lê cỡ mười sáu, mài vào đá để làm chiếc đục. Phải mất gần một tuần, mài vẹt nửa hòn đá mới được chiếc đục vừa ý. Lấy đoạn cánh quạt trực thăng mang về hôm trước, tôi dùng đục trổ lên đó dòng chữ "đời đời bất tử”. Công việc không đơn giản, vì giữa chiếc đục bằng thép tốt và đoạn cánh quạt hợp kim, không cái nào chịu mềm hơn. Nhưng tôi không ngại. Tôi làm việc này với lòng thương nhớ vô hạn hai người anh, hai người đồng đội, hai con người bình dị và giàu lòng nhân ái đã chết cho tôi được sống...
Ngoài những lúc tạnh mưa ra rừng đào đãi, còn hầu như suốt ngày tôi tập trung vào tấm bia. Cả những đêm không ngủ được, tôi cũng thắp đèn ngồi đục. Công việc thử thách lòng kiên nhẫn, và tôi đã chứng minh được quyết tâm của mình cứng hơn thứ hợp kim sản xuất từ nước Mỹ. Gần cuối tháng chín, khi cây đục qua nhiều lần mài chỉ còn một mẩu ngắn thì tôi làm xong tấm bia. Bên dưới dòng chữ “đời đời bất tử” có khắc tên hai anh cùng quê quán và ngày hy sinh. Tôi định khắc thêm mấy chữ TK1, nhưng sau lại thôi. Chỉ cần suy nghĩ một chút, ai cũng đoán ra hai chữ TK nói gì.
Rồi những cơn mưa thưa dần, những ngày nắng nhiều hơn và ngày cũng dài ra. Đôi lúc tầng không xanh ngắt ló ra giữa những đám mây. Cho đến một hôm, khi nhìn thấy trong rừng có những tán lá ngả màu vàng, tôi hiểu mùa thu đã mang sắc màu của nó đến với vùng rừng núi này. Cứ nhìn nắng thì biết! Nắng thu đằm thắm, óng vàng như màu mật của những con ong làm ra từ phấn hoa mùa xuân và quả ngọt mùa hè. Mùa xuân nắng khác hơn, nắng xuân có màu vàng tươi và tràn trề sức sống. Nắng hè rực rỡ mà chói chang. Còn mùa đông thỉnh thoảng cũng có ngày đẹp, lúc đó trời trong veo và nắng có màu hoa cải cuối vụ.
Vào một ngày thu như thế, tôi về bên mộ đốt trầm dựng bia cho hai anh. Tấm bia cao hơn hai mét, màu kim loại ánh lên dưới nắng nổi bật trong cảnh hoang dã. Không nét hoa văn, không lời tưởng niệm, những dòng chữ đơn sơ đục bằng tay trên tấm hợp kim đặc biệt chế tạo theo công nghệ hiện đại là sự thách thức với kẻ thù. Tôi muốn cho chúng biết rằng, sự trả thù quyết liệt sẽ đến với bất cứ kẻ nào tàn bạo và hèn hạ. Tấm bia này cũng là tín hiệu nếu có toán TK nào đến đây.
Khói trầm nghi ngút, hương thơm ngào ngạt theo gió lan khắp đồi cỏ. Trong làn khói thơm như thấy hiện lên những khuôn mặt thân thiết... Tôi tiếc là không thể trở lại bờ vực để đốt mấy khúc trầm tưởng nhớ anh Sơn. Mà giờ này chắc anh ấy đã xuống tới sông Thu Bồn...