Chương 7:
Ngày thứ mười sáu.
Từng người nối nhau leo lên một sườn núi cao. Tối qua anh Sơn đã trải bản đồ tính kỹ, để giữ đúng hướng phải vượt qua ngọn núi ấy.
Đường đi ngày càng dốc. Chúng tôi len lỏi qua những gốc cây, cố tránh các vòm dây leo cuốn lằng nhằng rậm rịt. Trong không khí có mùi trái cây chín ủng và mùi lá rụng mục ải. Những lúc lặng gió, nghe rõ tiếng đàn vắt đánh hơi thấy mùi máu nóng đang đuổi theo rào rào trên lá Cũng may sáng nay chúng tôi đã cẩn thận vò lá ngải hôi xoa khắp người.
Gần trưa thì leo hết sườn núi. Cả tổ dừng nghỉ bên một tảng đá to mà mưa gió lâu ngày đã bào mòn tạo nên những đường nét kì dị và đẹp mắt. Tôi ngạc nhiên khi thấy trên đỉnh núi này có rất nhiều tảng đá như vậy nhô lên như mọc từ đất. Anh Sơn bảo đấy là phún thạch vương vãi sau những đợt phun trào của núi lửa. Chúng tôi nướng lại mấy miếng thịt, ăn qua loa rồi hối hả đi tiếp. Đến chiều, cả tổ lọt vào một hẻm núi khá rộng, hai bên là hai vách đá sửng sững. Những thân cây cao vút mọc chen giữa các tảng đá xám đen. Chiều nay trời không mưa nứa, nhưng ở đâu xa tít trên kia vẫn có tiếng sấm ì ùng. Cơn mưa đang đổ xuống một vùng rừng khác. Nắng chiều từ phía sau rọi tới mọc theo hẻm núi nên cảnh vật cũng bớt phần u ám. Thỉnh thoảng lại gặp mấy con rắn nằm khoanh tròn trên đá phơi nắng. Thấy động, chúng chỉ hơi ngóc đầu lười nhác giương cặp mắt lờ đờ nhìn ra.
Chúng tôi đi mải miết, cố vượt qua hẻm núi trước khi trời tối. Lúc leo qua một tảng đá to chắn ngang lối đi, tôi nghe thoảng trong gió có tiếng nước chảy. Anh Đằng cũng bảo:
- Hình như phía trước có suối các cậu ạ? Ta gắng đến đó nghỉ lại.
Mọi người vội bước nhanh hơn. Ai cũng mong đến được suối để nghỉ ngơi tắm giặt cho bõ mấy ngày lội rừng ẩm ướt khó chịu.
Lúc gần tắt nắng thì nghe rõ tiếng nước chảy ồ ồ ở ngay trước mặt. Đang bước nhanh, anh Đằng bỗng đứng khựng lại. Ba chúng tôi từ phía sau dồn tới, cũng bất chợt sững lại như anh. Phía trước, ngay dưới chân chúng tôi là một cái vực sâu hun hút, tiếng nước réo từ dưới đó vọng lên. Lúc này đáy vực tối om!không nhìn rõ được dòng nước, chỉ thấy một dải trắng mờ mờ. Hai bờ vực là hai vách đá gần như dựng đứng. Từ rừng cây ven bờ, màn sương trắng mỏng bắt đầu loang ra như muốn ngăn bớt luồng khí lạnh lẽo đang dâng lên tử đáy vực âm u.
Chúng tôi phải quay lại tìm chỗ nghỉ đêm. Chọn một vạt đất trống, mọi người vội vã dựng lều và kiếm củi đốt. Anh Hùng cầm dao phát hết cây cỏ xung quanh để phòng rắn.
Ăn xong bữa tối, anh Sơn lấy bản đồ ra, dùng kính lúp xem kỹ khu vực chúng tôi đang đến. Hồi lâu sau chưa thấy anh nói gì, tôi sốt ruột hỏi: - Thế nào anh?
Anh trả lời, lẩm bẩm như nói với chính mình:
- Lạ quá! Cái vực này không thấy trên bản đồ. Đây này, - Anh đưa đầu bút chỉ một điểm - ta đang ở chỗ này. Phía dưới có một nhánh sông nhỏ thuộc lưu vực sông Thu Bồn. Có lẽ nước trong cái vực này đổ ra nhánh sông đó.
Anh Đằng hỏi:
- Còn bao xa nữa Sơn?
Anh Sơn lấy thước đo rồi trả lời:
- Gần hai mươi cây số anh ạ! Ngày mai vẫn phải đi tiếp về hướng đông nam. Mấy hôm nay ta đi chệch hướng nhiều quá, thành ra đoạn đường nhiều gấp mấy lần.
Anh Đằng trầm ngâm: “Hai chục cây! Ở đồng bằng là đã nhìn thấy..." Tôi nhìn anh, hỏi:
- Liệu có vượt qua được cái vực ấy không anh?
- Phải vượt thôi! Nếu quay lui sẽ mất nhiều ngày để vòng tránh rừng giang về mé dưới. Còn vượt bằng cách nào, mai xem cụ thể rồi mới tính được.
Anh Hùng vỗ vai tôi:
- Cậu không nhớ lời anh Hai Nguyên dặn à? “Nếu quyết tâm thì bất cứ khó khăn nào cũng có thể tìm được cách vượt qua..." Cứ yên trí ngủ, mai sẽ tùy cơ ứng biến.
Tôi lại quay sang anh Sơn:
- Anh Sơn này, sao giữa đỉnh núi lại có cái vực sâu vậy anh?
Anh Sơn cười cười:
- Có vậy mới trọn bộ. Một cuộc phiêu lưu mạo hiểm mà thiếu cái vực thẳm thì còn ra gì nữa?
Mọi người cùng cười.
Nhưng rồi anh Sơn cũng giải thích:
- Về cái vực này cũng dễ hiểu thôi. Cả vùng núi non miền Trung Bộ đều được tạo nên từ những đợt phun trào của núi lửa cách nhiều triệu năm về trước. Sau khi núi đã hình thành, một hay nhiều cồn địa chấn đã làm biến đổi khối nền của nó nên dãy núi đứt gãy tạo thành vực. Ngày mai nhìn kỹ hai bên vách đá, Hải sẽ thấy rõ vết gãy đó.
Anh Sơn giải thích rất dễ hiểu. Tôi nhớ mình đã học về động đất, núi lửa trong chương trình địa lý phổ thông. Nhưng hình ảnh cái vực sâu hun hút cứ lởn vởn trong đầu làm tôi thao thức mãi. Tôi linh cảm mơ hồ về một điều tồi tệ, một biến cố ghê gớm nào đó sắp xây ra, nhưng chịu không nghĩ được là chuyện gì. Suốt từ đầu chuyến đi tới giờ, chưa lúc nào tôi ở trong tâm trạng như vậy.
Trong đêm khuya thanh vắng nằm áp tai xuống đất, tiếng nước chảy dưới đáy vực nghe như dội lên từ chốn thăm thẳm trong lòng đất. Nỗi lo lắng ám ảnh trong từng ý nghĩ. Tôi chìm vào giấc ngủ một cách nặng nhoè, bên tai văng vẳng tiếng nước réo lúc gần lúc xa.
Chúng tôi đến bên bờ vực lúc mặt trời đã mọc, nhưng ở đây vẫn còn tối mờ. Vực sâu bị che lấp bởi từng đụn hơi nước trắng đục, không biết nên gọi là mây hay sương. Đến khi mặt trời lên cao, ánh nắng xuyên qua những tán cây đan thành vòm trên bờ, vực thẳm mới dần dần hiện ra. Miệng vực rộng độ ba đến bốn chục mét. Từ hai mép vực xuống tới đáy là vách đá lồi lõm gần như dựng đứng. Những thân cây mọc ở kẽ đá vươn lên thẳng tắp. Nhìn từ trên xuống, ngọn cây chĩa lên nhọn như chông. Phải một lúc nữa mới thấy rõ dòng nước đục ngầu cuồn cuộn dưới đáy. Những tảng đá lô nhô chặn giữa dòng làm nước tung bọt trắng xóa. Có lẽ lúc bình thường, đáy vực là một bãi đá chỉ len lỏi dòng nước nhỏ, nhưng mấy hôm trời mưa, nước từ các triền núi đổ xuống đã tạo nên cồn lũ cuốn hung tợn kia. Cứ nhìn những mảng rác rều trôi băng băng kia thì biết! Mà đằng nào cũng thế thôi, chúng tôi không phải băng qua dòng chảy đó vì chẳng thể tụt xuống vách đá được. Từ đây tới đáy ít ra cũng phải sáu chục mét.
Anh Đằng ngoái lại nhìn cả ba chúng tôi, và chắc nhận ra vẻ lo lắng trên mặt tôi, nên anh cười hỏi:
- Thế nào Hải? Cậu có phát kiến gì không?
Tôi cũng cười, lát sau mới nói:
- Theo em, ta nên đi men bờ vực, tìm chỗ thấp mà qua.
- Các cậu thấy thế nào?
Anh Sơn nói:
- Cái vực này cắt ngang dãy núi nên rất dài. Tất nhiên đi mãi rồi cũng đến chỗ thấp, vấn đề là đi theo hướng nào?
Cả tổ bàn bạc, cuối cùng quyết định sẽ đi về phía thượng lưu chọn chỗ nào thuận tiện để qua, hoặc tìm một cây gỗ hạ làm cầu, theo ý kiến của anh Hùng. Đi về hướng này là càng xa tọa độ cần đến, nhưng không còn cách nào khác. Phía hạ lưu, vách đá của hẻm núi dựng đứng không kém bờ vực, khó mà leo qua nổi.
Chúng tôi khoác ba lô lên vai, men theo bờ vực đi ngược hướng nước chảy. Đường rất khó đi vì một bên là vách núi cao, một bên là vực thẳm. Mấy ngày mưa làm rêu trên đá ngấm nước trơn trượt, chúng tôi phải níu cây vất vả lần từng bước một. Mọi người đều hết sức thận trọng vì chỉ sẩy tay một cái là rơi thẳng xuống đáy vực. Gần trưa thì vách núi thoải dần, nền đất phủ đầy lá khô nên dễ đi hơn.
Khi mặt trời tròn bóng, anh Hùng dừng lại bên một cây gỗ dầu thẳng tắp, gốc to cỡ vòng tay ôm. Anh đi quanh gốc cây, tay vỗ vỗ vào lớp vỏ sù sì, mắt ngước nhìn bên ngọn. Tôi hiểu anh muốn chọn cây làm cầu.
- Các vị thấy thế nào?
Anh Đằng nhìn sang bờ vực bên kia, trả lời:
- Được đấy? Nhưng phải hạ thật chính xác.
Tôi lùi lại mấy bước, đưa mắt ước lượng: cây dầu mọc cách mép vực hai mét và cao phải đến bốn chục mét là ít. Đoạn này miệng vực rộng chừng ba chục mét, phía bên kia khá bằng phẳng. Một địa điểm thuận lợi, mặc dù ở đây đáy vực vẫn sâu thăm thẳm.
Chúng tôi đặt ba lô xuống, bắt tay vào việc đốn cây bắc cầu. Hai cây dao lưỡi mỏng và nhẹ nên đốn được cây gỗ to này không phải dễ, nhưng khó nhất là làm sao hạ cái cây đổ xuống vuông góc với mép vực để bắc ngang sang được bên kia. Tất cả trông cậy vào tài nghệ của anh Hùng.
Anh chém những nhát dao đầu tiên, mở một miệng thấp về phía vực và miệng cao hơn về phía vách núi. Sau đó chúng tôi thay nhau chặt. Mảnh gỗ bắn tung toé rải trắng quanh gốc cây. Từ vết chém trên vỏ cây từng giọt nhựa ứa ra, lúc đầu trắng đục, sau dần thẫm lại đỏ như máu. Có lẽ vì thế mà người ta gọi cây này là cây dầu máu.
Hơn một giờ sau, lúc thân cây đã gần đứt, anh Hùng bảo mọi người lùi lại. Anh nhìn ngọn cây xung quanh để tính hướng gió, rồi thận trọng chém những nhát cuối cùng. Chúng tôi hồi hộp nhìn theo. "Sắp đổ rồi, cẩn thận nhé!", anh nói, tay vung dao chém thêm mấy nhát nữa. Thoạt đầu nghe có tiếng lắc rắc nho nhỏ, rồi tiếng gỗ nứt to dần, ngọn cây xao động như có gió thổi. Cây gỗ bắt đầu chao nghiêng và đổ xuống nhanh dần. "Rắc... rắc rắc... ào ào... rầm", ngọn cây đập xuống bờ vực bên kia, đè rạp cả một vạt cây con. Thân nó đứt lìa khỏi gốc, nẩy lên rồi nằm im.
Ba chúng tôi vỗ tay reo mừng. Cây gỗ bắc ngang miệng vực làm thành một cái cầu chắc chắn. Đầu bên kia hơi cao vì những cành cây chống bên dưới, nhưng không sao! Dốc một chút càng dễ đi. Nét mặt anh Hùng vẫn bình thản. Anh bảo chúng tôi ngồi đợi rồi tay dao tay súng leo lên vách núi đi vào rừng.
Chúng tôi lấy lương khô ra ăn. Mặt trời ngả về chiều. Dưới ánh nắng chói chang, cây rừng ắng lặng như còn lơ mơ trong giấc trưa. Tiếng ve kêu ra rả hòa với tiếng nước cuộn ào ào dưới đáy vực tạo nên những âm điệu đều đều buồn tẻ.
Gần một giờ sau, lúc tôi đã bắt đầu sốt ruột thì anh Hùng về, trên vai nặng trĩu hai cuộn dây mây to tướng, loại mây song sợi to bằng ngón chân cái. Anh ném hai cuộn mây xuống cạnh gốc cây cụt, vớ bi đông nước tu ừng ực. Anh Đằng giục chúng tôi rút dây võng ra nối lại với nhau, rồi anh trở sống dao đập dập đầu sợi mây, nối vào dây võng.
Ngồi nghỉ được dăm phút, anh Hùng đứng dậy khoác chéo súng sau lưng, nói với anh Đằng:
- Tôi sang trước, anh rải dây cho tôi nhét!
- Được rồi! Nhưng đi cẩn thận đấy!
- Yên trí! Chuyện vặt ấy mà!
Anh buộc một đầu sợi dây võng vào thắt lưng, bước lên cây gỗ dang hai tay giữ thăng bằng và đi nhanh thoăn thoắt. Sang quá nửa cầu, anh ngồi xuống khéo léo kẹp hai đùi vào cây gỗ, rút dao chặt nhưng nhánh cây vướng lối đi. Đến bờ bên kia, anh phát hết những cành lá um tùm ở ngọn cây, rồi nạm đầu dây võng kéo sang. Lúc sợi dây dù đã căng, chúng tôi xúm lại gỡ dần sợi mây để anh kéo sang. Công việc còn lại rất đơn giản: đợi anh Hùng buộc đầu dây vào một gốc cây, chúng tôi hè nhau kéo căng sợi mây buộc tiếp vào gốc cây phía bên này. Sợi mây căng dọc theo cây gỗ, cao ngang tầm tay vịn. Bây giờ việc đi qua cây cầu độc mộc đã trở nên đơn giản hơn nhiều. "Vậy mà mình cứ lo vớ lo vẩn...", tôi thấy nhẹ cả người.
Anh Hùng quay trở lại bờ bên này, khoác ba lô lên vai:
- Mình sang trước. Các cậu để ba lô đấy, lát mình mang sang cho!
Tôi và anh Sơn cùng cười:
- Anh cứ đi đi, chúng tôi tự mang được mà!
- Để các cậu ấy mang cũng được, - Anh Đằng nói - nhưng phải làm dây bảo hiểm. Cẩn tắc vô áy náy, các cậu ạ!
Chúng tôi lấy dây võng chập lại làm bốn, buộc một đầu quanh thắt lưng, đầu kia buộc vòng qua sợi mây thành một cái vòng để có thể vừa đi vừa đẩy theo.
Đợi anh Hùng sang đến bờ bên kia, anh Đằng bảo tôi đi tiếp. Tôi cởi dép nhét vào ba lô, bước lên cầu. Cây gỗ to, vỏ cây nứt nẻ nên dễ đi. Lúc ngang giữa cầu, tôi cảm thấy ngợp khi nhìn xuống đáy vực, nhưng rồi cũng tới nơi trót lọt. Tôi đặt ba lô xuống, nhìn sang. Anh Đằng đang giục anh Sơn đi tiếp.
- Anh qua trước đi, tôi chặn hậu cho! - Anh Sơn đang buộc lại cái song trên nắp ba lô, cười trả lời.
Anh Đằng qua cầu một cách nhẹ nhàng. Lúc này anh Sơn cũng bước lên cầu, vừa đi vừa đẩy dây bảo hiểm. Anh còn nhìn tôi cười, nụ cười thật hồn hậu trên khuôn mặt hiền lành dễ mến.
Anh Sơn qua được nửa cầu.Tôi cúi xuống định mang dép vào chân, bỗng giật mình bởi một tiếng "rắc" nhỏ. Ngay trước mặt tôi, một cành cây chống phía dưới cây gỗ bị gãy. Tôi lạnh toát người nhìn lên: trên cầu, anh Sơn đang chới với. Anh vung tay giữ thăng bằng theo phản xạ, nhưng không được! Thân cầu chao nghiêng làm anh rơi thẳng xuống. Dây bảo hiểm bật căng treo anh lơ lửng bên dưới cây gỗ kéo sợi mây chùng tới gần mặt cầu.
Tôi thét lên, chụp sợi mây cố kéo căng ra. Anh Đằng lao tới cùng kéo và gọi to: "Bình tĩnh, gắng bình tĩnh Sơn ơi…” Cùng lúc, anh Hùng rút dao găm cắn ngang miệng, cởi thắt lưng đạn vứt xuống đất, nhào đến ôm cây gỗ thoăn thoắt bò ra.
Dưới kia, anh Sơn đang lúng túng cố vươn người nắm lấy dây bảo hiểm, nhưng chiếc ba lô lúc này trở nên tai ác choàng qua nách kéo anh chúc ngược đầu xuống. Anh Đằng gọi với ra: "Bỏ ba lô, vứt ba lô đi..." Nếu trút được ba lô, anh Sơn có thể rướn người nắm lấy dây bảo hiểm leo lên cây gỗ. Tôi nín thở nhìn ra: anh chần chừ đặt tay lên quai ba lô, chắc nghĩ tới tấm bản đồ. Định thét bảo anh cứ vứt cả đi, nhưng tôi chợt khứng lại khi nhìn thấy điều đáng sợ nhất đã đến: cái nút buộc quanh sợi mây song đang tuột dần. Tôi gào lên: "Giữ yên đừng cử động, dây tuột đấy..." Anh Sơn thôi vùng vẫy, thân hình anh bị kéo gập lại từ thắt lưng. Sợi mây trên tay tôi hết bập bùng, nhưng ngoài kia đầu dây bảo hiểm vẫn tuột dần, phần dây còn thừa sau nút buộc có những sợi dù trắng xồ ra như một túm bông nhỏ đang tử từ ngắn lại. Tôi trợn mắt kinh hãi, người cứng đờ vì cảm giác bất lực đến tuyệt vọng.
Anh Hùng vẫn ôm thân cây bò nhanh ra. "Nhanh lên, anh Hùng ơi..." Tôi muốn gào lên. Còn ba mét... hai mét... một mét. Anh Hùng rướn người vươn tay trái định chụp lấy dây bảo hiểm... Đúng lúc đó nút buộc bung hẳn, sợi mây trong tay tôi bật lên, anh Sơn rơi thẳng xuống đáy vực. Một tiếng thét kinh hoàng dội vào hai bờ vách đá rồi tắt nghẹn trong dòng nước đục ngầu...
Cả người tôi run lẩy bẩy, mắt trừng trừng nhìn xuống: dòng nước nuốt chửng anh trong nháy mắt. Trên mặt nước cuồn cuộn không có một vết tích gì, dù chỉ một vòng xoáy. "Sao lại thế... tại sao lại thế...", tôi lắp bắp, không còn tin vào những gì nhìn thấy. Một bàn tay nào siết chặt tim tôi đau nhói, hơi thở nghẹt lại nơi cuống họng thành tiếng nấc nghẹn ngào. Như cái máy, tôi nhoài người ra mép vực cố căng mắt tìm, hai bàn tay ướt đẫm mồ hôi vẫn bám lấy sợi mây.
"Hải lùi lại". Anh Đằng kéo bật tôi khỏi mép vực. Tôi ngã nhào giữa đống cành lá ngơ ngác nhìn lên. Anh lập cập mở bao da lấy ống nhòm nhìn xuống đáy vực, tay run run. Giữa cầu, anh Hùng nam úp mặt trên cây gỗ, vai rung từng đợt thay mình nằm mơ? Hay mình gặp ác mộng Tôi cắn phập vào môi mình. Không phải mơ. Môi tôi đau nhói, vị máu thấm mặn đầu lưỡi.
Anh Đằng thất vọng buông ống nhòm xuống gọi với ra, giọng nghẹn nghẹn: "Vào đi, Hùng ơi..." Trên khuôn mặt hốc hác. những giọt nước mắt lăn tròn lẫn với mồ hôi.
Tôi chồm dậy giật chiếc ống nhòm trên tay anh đưa lên mắt. Không thấy gì cả. Tất cả nhòa đi trong màn sương. Mãi sau nhớ ra, tôi gạt nước mắt, cố nín cho nó khỏi trào, lại nhìn vào ống kính, ngón tay run rẩy chỉnh tiêu cự. Trong ống kính hiện ra những đám rác rều trôi băng băng, mấy mô đá đen trũi nhấp nhô tung bọt nước. Ven bờ, vài ngọn cây ngập nước rã rượi. Cố trấn tĩnh, tôi rê ống nhòm nhìn xuống phía dưới. Cũng vẫn thế! Tất cả chỉ có thêm con người thân thiết ấy như đã tan biến trong dòng nước đục ngầu. Không thể tin được mới mấy phút trước đó anh còn cười với tôi... Một xuồng lửa nóng bỏng ngùn ngụt trong đầu, mắt tôi hoa lên, chỉ nhìn thấy lòa nhòa bóng anh Đằng đang đưa tay kéo anh Hùng đứng dậy.
Chiều hôm đó, chúng tôi bỏ ba lô lại, khoác súng bám từng mô đá lần theo mép vực đi về phía dưới hơn hai cây số. Biết rằng anh Sơn không còn sống, chỉ mong xác anh dạt vào bờ đá hay gốc cây nào đó. Nếu vậy, bằng bất cứ giá nào chúng tôi cũng tìm cách xuống đưa anh lên chôn cất, đắp cho anh nấm mộ giữa rừng... Nhưng đi mãi mà vẫn không tìm được một dấu vết nào. Thấy chẳng còn hy vọng gì nữa, anh Đằng bảo quay lại.
Anh Hùng lấy dao đẽo một mảng trên gốc cây to ngay đầu cầu. Tôi dùng dao găm khắc lên đó họ tên anh cùng ngày anh hy sinh. Nhựa cây ứa ra trên từng vết khắc và tim chúng tôi ứa theo từng giọt máu.
Không có nén hương nào, anh Đằng nhặt cành khô đốt một đống lửa nhỏ. Chúng tôi chỉ làm được cho anh có thế thôi, anh Sơn ơi... Đột ngột quá! Đau đớn qúal Từ nay chẳng bao giờ được nghe anh nói, được thấy anh cười, được rúc vào người anh tìm hơi ấm trong những đêm rừng lạnh giá... Tôi miết ngón tay lên những dòng chừ, gục đầu vào thân cây khóc nức nở. Chẳng thà được ôm anh một lần trước khi đưa anh xuống mộ, đằng này... Trong đầu tôi hiện lên đôi mắt vời vợi của người phụ nữ trong tấm ảnh anh đưa tôi xem hôm nào. Sau này biết nói với chị và cháu thế nào đây...
Đã đến lúc phải đi. Chúng tôi khoác ba lô lên vai, xách súng bỏ mũ ngậm ngùi đứng nhìn lần cuối cùng nơi người đồng đội thân thiết vĩnh viễn ra đi. Nắng chiều vàng vọt trên vách đá. Đáy vực đang tối dần, dòng nước mờ trong sương khói. Một ngọn gió lướt tới làm ngàn cây lay động, muôn cành lá rì rào hát lên bản anh hùng ca bất tận của rừng già.
“Ta đi thôi!", anh Đằng nghẹn ngào nói. Chúng tôi lầm lũi cất bước. Lên đến đỉnh dốc, tôi ngoái nhìn lần nữa, mắt lại nhòa đi. Trên cây gỗ cô đồn bắc ngang hai bờ vực thẳm, như thấy anh đang đứng mỉm cười nhìn theo... Đưa tay gạt nhanh những giọt nước mắt, tôi xốc lại khẩu súng trên vai, rảo bước cho kịp người đi trước.