Chương 41
Ban nhạc Bremen
Tháp táng trong lăng tẩm của Ma quốc xưa nay đều dựa theo quy mô mà bố trí hay rãnh tuẫn táng, như hình lưỡng long hí châu vậy, trong rãnh có rất nhiều xương thú làm vật tuẫn táng, cho nên người dân vùng Kelamer gọi là Tàng cốt câu. Không ngờ chúng tôi đi tới sông băng Long đỉnh thông qua một Tàng cốt câu, cuối cùng khi bò ra khỏi mặt đất, lại ở trong một Tàng cốt câu khác. Có điều nơi đây ấm áp, tài nguyên phong phú, thảm thực vật rậm rạp, rất hiếm thấy ở vùng núi Kelamer này.
Ánh sao lung linh giăng đầy trời, địa hình trong sơn cốc nhấp nhô lồi lõm, sâu trong rừng tùng bách mọc dày, che khuất ánh sao, dưới màn đêm tĩnh mịch, không khó trong vùng sơn dã trở nên trong trẻo lạnh mướt đến lạ, chỉ một cái hít thở, không khí lạnh mát đi vào tận phổi. Tôi hít thở hai hơi thật sâu, lúc ấy mới cảm nhận được niềm vui sướng sau khi thoát chết, mấy người còn lại cũng đều phấn khởi vô cùng, bao tâm l căng thẳng, lo âu, khủng hoảng khi chờ đợi cái chết đến gần giờ đây đều tan biến sạch.
Nhưng lại có câu thất thường như thời tiết, chẳng ai ngờ, trên đỉnh sơn cốc chợt có đám mây đen thổi qua, tụ lại một chỗ với dòng lưu khí bốc lên, trong nháy mắt mưa lớn liền ập xuống. Vùng núi Côn Luân này, môi ngọn núi đều có bốn mùa, cách mười dặm là trời đất khác biệt, trên đỉnh núi có tuyết rơi, có khi dưới chân núi thì mưa đổ, trong khi sườn núi có thể mưa đá, bão giật cùng lúc ấy. Chúng tôi thậm chí còn chưa kịp oán trách ông trời, thì đã bị mưa trút ướt sũng.
Tôi vuốt nước mưa trên mặt, quan sát địa hình xung quanh. Sơn cốc này tĩnh mịch thâm u, bao năm nay chẳng có người vãng lai, quá nửa di tích cổ xưa đã chẳng còn tồn tại, nhưng các đồi đá, khe đá hình thành trong thời kỳ núi lửa hoạt động mạnh mẽ từ xa xưa, sau bao năm ròng rã hứng chịu mưa gió xâm thực, nay vẫn trơ trơ còn đó. Cách chúng tôi không xa có một cửa hang ăn chênh chếch vào trong vách đá, phía trên lồi, phía dưới lõm, đúng là một chỗ tránh mưa qua đêm lý tưởng.
Tôi hô mọi người mau chóng nấp vào hang đó tránh mưa. Vì ngại trong sơn động có thể có thú hoang, Tuyền béo vác súng trường chạy tới trước do thám. Minh Thúc và A Hương cũng lấy tay che đầu, chạy theo phía sau.
Tôi để ý thấy Shirley Dương không hề sốt sắng, mặc cho nước mưa rơi trên người, cô vẫn bước đi thong thả, dường như đang hưởng thụ, bèn hỏi cô nàng đang nghĩ gì mà đi chậm rãi thế, không sợ ngấm mưa à.
Shirley Dương bảo rằng chui trong hang cả ngày trời, khắp người toàn là bùn đất bẩn thỉu, tiếc là giờ không có gương, chứ nếu không mọi người tự soi mình, chắc chẳng nhận ra nổi bản thân nữa ấy chứ, thà cứ để nước mưa xối vào người một lát, chốc nữa vào trong động sẽ đốt lửa lên ngay, không lo cảm lạnh đâu.
Nghe cô nói vậy, tôi mới nhận thấy đúng là năm con người chui ra khỏi lòng đất, khắp mình mẩy đều bẩn thỉu, người không ra người, ngợm không ra ngợm, quả thực giống như một lô đồ cổ. Có điều nơi đây tuy khí hậu ấm áp hơn, nếu ngấm mưa lâu vẫn rất dễ bị cảm lạnh, nên tôi vẫn bảo cô mau vào sơn động tránh mưa cái đã, đừng đắc ý vì vừa thoát chết, cũng đừng vì sạch sẽ nhất thời, ngộ nhỡ lát nữa sướng quá hóa rồ, nhiễm lạnh mà rồi sinh bệnh ra thì chẳng hay hớm chút nào.
Tôi dắt Shirley Dương đi phía sau ba người còn lại, vừa vào trong động đã ngửi thấy mùi lưu huỳnh thoang thoảng. Trong động có vài hố màu trắng, xem ra nơi đây trước kia từng có địa nhiệt, tuôn ra mấy suối nước nóng, giờ đã cạn khô cả rồi, tuy mùi không được dễ chịu cho lắm, nhưng cũng không lo có thú hoang xuất hiện.
Trong sơn cốc có rất nhiều cành lá khô, tôi và Tuyền béo ra cửa hang, chỗ không bị mưa ươt, nhặt vừa một đống ôm về, chất ở trong hang đốt lửa, lôi mấy con địa quan âm béo còn thừa ra nướng. Thịt địa quan âm giống như thịt chuột đồng, có mỡ có nạc có ba chỉ, nướng ăn rất hợp, chưa được bao lâu, sắc thịt đã chín vàng, mỡ rỏ xuống kêu tanh tách. Không có gia vị gì khác, cho nên khi ăn vẫn có mùi tanh của đất, nhưng quen rồi thì lại cảm thấy thơm ngon vô cùng.
Lửa mỗi lúc một cháy to, ai nấy đều thấy ấm áp, thần kinh căng thẳng lúc nãy mới hoàn toàn được thả lỏng, bao nhiêu mệt mỏi đau rã tích lại từ mấy ngày trước đều xả hết ra, khắp cơ thể từ trong ra ngoài đều cảm thấy rệu rã vô cùng. Tôi gặm nửa cái đùi địa quan âm, còn chưa nhai hết đống thịt trong mồm, súyt nữa thì đã ngủ gật. Tôi ngáp một hơi, đang định nằm xuống ngủ, chợt phát hiện ra Shirley Dương đang ngồi đối diện nhìn, như có lời muốn nói.
“Sang Mỹ với tôi nhé?” Shirley Dương đề nghị.
Việc này Shirley Dương đã nói nhiều lần, từ đầu chí cuối tôi vẫn chưa hứa hẹn gì, bởi khi ấy sống chết còn khó lường, hôm nào cũng sống trong sự thấp thỏm sợ hãi, ngày nào cũng như ngày tận thế, nhưng lúc này thì khác, chúng tôi đã thoát khỏi lời nguyền ác mộng, tôi phải cho cô một câu trả lời. Tôi cũng từng nhiều lần tự hỏi lòng mình, đương nhiên tôi muốn đi Mỹ, nhưng không phải vì nước Mỹ tốt đẹp, mà chỉ bởi vì tôi cảm thấy tôi và Shirley Dương không thể xa nhau được nữa.
Nhưng tôi và Tuyền béo đến tận lúc này vẫn khố rách áo ôm, dẫu có dốc cả đáy hòm ra cũng chẳng gom góp được vài đồng, qua đó rồi thì sống thế nào đây? Những chiến hữu đã hy sinh của tôi, đại đa số đều ở những vùng quê nghèo, toàn người già và trẻ nhỏ, gia quyến của họ về sau lấy ai săn sóc? Đương nhiên, Shirley Dương sẽ có thể giải quyết nhiều vấn đề khó khăn về mặt tài chính của chúng tôi mà không hề do dự gì, nhưng tự lực cánh sinh mới là nguyên tắc của tôi. Trước nay tôi làm chuyện gì cũng không hề chần chừ lúng túng, nhưng lần này thì không thể không suy nghĩ cho kỹ được.
Vậy là đành bảo Shirley Dương cho tôi một chút thời gian để suy nghĩ đã. Nếu đi Mỹ, thì bí thuật phong thủy tôi nghiên cứu nửa đời sẽ chẳng có đất dụng võ. Ngay từ khi tôi mới tới khu chợ đồ cổ Phan Gia Viên, tôi đã muốn đổ một cái đấu lớn, phát đại tài, bằng không cái ngón tầm long quyết của Mô kim Hiệu úy chẳng phải chỉ là học suông thôi sao? Biết bao lầu rồng điện ngọc chúng ta đã ra vào như đi chợ, nhưng lại chẳng lần nào mò được thứ gì đáng đồng tiền bát gạo đem về, điều này nói thì hay, nhưng nghe lại dở. Hiện giờ việc xuất ngoại ở nước chúng tôi rất hot, đi nước ngoài xem ra rất thời thượng, ai cũng nghĩ vắt óc để chạy ra nước ngoài, bất kể là nước nào, cho dù là sang những nước ở thế giới thứ ba họ cũng tranh nhau đi, ai cũng nghĩ cứ ra được nước ngoài trước đã rồi tính tiếp. Chúng tôi đương nhiên muốn đi Mỹ, nhưng thời cơ lúc này còn chưa chín muồi cho lắm.
Tuyền béo đứng bên cạnh nói: “Đúng rồi, năm xưa tư lệnh Nhất từng nói hùng hồn rằng mục tiêu của đời hắn là phải đổ được một cái đấu thật lớn, nhưng đến giờ lời vẫn bên tai, vòng vo tam quốc mãi, đấy là lý tưởng tối cao của chúng tôi, không hoàn thành tâm nguyện này, bọn tôi đúng là ăn ngủ cũng không ngon.”
Minh Thúc nghe thấy chúng tôi nói vậy, dường như thấy lại có kế hoạch lớn gì đó, cuống quýt nói: “Các chú có lẫn không thế hả? Còn chưa thoát khỏi núi Côn Luân, đã định lên kế hoạch gì vậy? Nhất định phải cho anh đi cùng đấy nhé, anh có thể cung cấp vốn và tất cả các thứ cần dùng. Tuy lần này chúng ta lỗ sạch, nhưng đánh bạc thắng thua là chuyện thường tình mà, anh tin thực lực của chú Nhất, chúng ta nhất định sẽ có một vụ làm ăn lớn đấy!”
Tôi không chịu được bèn nói với lão: “Thôi bác đừng có té nước theo mưa nữa được không hả? Bác không thấy ba vị đổ đấu vĩ đại đang ngồi đây bàn bạc quên mình vì con đường phía trước của ngành đổ đấu đây sao? Đêm nay sẽ là một đêm không ngủ đấy!”
Minh Thúc vừa mất vợ, vừa hao binh tổn tướng, lúc này đương nhiên không chịu bỏ qua bất kỳ cơ hội kiếm chác nào, đành cười trừ nói với tôi: “Anh đương nhiên biết chú Nhất là người làm được đại sự, nhưng mà một hảo hán cũng phải có ba trợ thủ, ngoài chú Béo và tiểu thư Shirley Dương ra, anh cũng có thể giúp chú những chuyện lặt vặt đấy chứ. Chỗ anh còn có một thông tin cực kỳ có giá trị nhé, mọi người đã nghe nói đến mộ vua Hami ở Tân Cương chưa? Nghe nói trong mộ vua Hani có bộ kinh sách bằng vàng ròng, mỗi một tờ đều được làm bằng vàng, bên trong lại khảm vô số bảo thạch, đọc mỗi dòng kinh văn là có thể khiến trăm hoa tàn úa lại được hồi sinh, đọc hai dòng kinh văn là có thể khiến cho…” Lão vừa nói vừa nhắm mắt, lắc lư cái đầu, hết sức say sưa, cứ như đã sờ tận tay bộ kinh bằng vàng kia rồi ấy.
Shirley Dương thấy Minh Thúc làm gián đoạn câu chuyện giữa tôi và cô, chủ đề càng nói càng xa, nếu cứ nói tiếp, có lẽ sẽ bàn sang chuyện đi Thiên Sơn đổ đấu vua Hami cũng nên, đoạn bèn hắng giọng, đưa sự chú ý của tôi từ câu chuyện của Minh Thúc quay lại chủ đề cũ. Cô nói: “Lúc ở trên đỉnh đầu tượng thần Kích Lôi sơn, rõ ràng anh đã nói là không muốn làm cái nghề đổ đấu này nữa, muốn cùng tôi sang Mỹ, giờ còn chưa qua một ngày, anh lại chạy làng thế nhỉ. Nhưng tôi chẳng giận anh làm gì, bởi tôi hiểu bụng dạ của anh, đường về còn rất dài, sau khi về đến Bắc Kinh, anh phải cho tôi một câu trả lời rõ ràng đấy! Tôi hy vọng những lời tôi khuyên anh trước đây không phải là công cốc… Anh có biết câu chuyện về ban nhạc Bremen không nhỉ? Tôi nghĩ câu chuyện này có rất nhiều điểm tương đồng với những trải nghiệm của chúng ta.”
Tôi và Tuyền béo nhìn nhau ngơ nhác, xưa nay nào đã ai nghe nói đến “ban nhạc Bán-dế-mèn” nào, Shirley Dương lại nói rằng cuộc trải nghiệm của chúng tôi cũng giống như ban nhạc ấy chứ? Rốt cuộc cô nàng định nói gì nhỉ? Tôi quả thực không thể nghĩ ra giữa “Mô kim Hiệu úy” và “ban nhạc Bán-dế-mèn” có mối liên hệ gì? Chẳng lẽ có một toán người vừa đổ đấu vừa ca hát? Thế rồi bèn hỏi Shirley Dương xem “ban nhạc Bán-dế-mèn” là thế nào?
Shirley Dương nói: “Không phải là Bán-dế-mèn, mà là Bờ-rê-men là một địa danh của nước Đức. Đây là một câu chuyện đồng thoại, có bốn con vật trong chuyện là lừa, chó, mèo và gà, chúng đều cảm thấy áp lực cuộc sống quá lớn, và quyết định lập thành ban nhạc đến Bremen diễn xuất, đồng thời cho rằng ban nhạc của chúng chắc chắn sẽ được mọi người nơi đó chào đón, từ đó sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc. Trong tâm tưởng của chúng, điểm đến cuối cùng của chuyến du lịch chính là Bremen, là chốn lý tưởng của chúng.”
Tôi và Tuyền béo cùng lúc lắc đầu: “Cách ví von này rất không thỏa đáng, sao lại đem chúng tôi so sánh với những con vật trong câu chuyện đồng thoại được chứ?”
Shirley Dương nói: “Các anh cứ nghe tôi kể hết chuyện đã nào, ban nhạc Bremen mà chúng lập nên, kỳ thực cho đến cuối cùng cũng chưa tới được Bremen, bởi trên đường tới Bremen, chúng đã dùng trí thông minh bắn chết kẻ xấu xa trong căn nhà nhỏ của người thợ săn, sau đó liền ở lại đó sống một cuộc sống hạnh phúc. Tuy ban nhạc Bremen chưa từng tới Bremen, nhưng trên chặng đường du lịch đó, chúng đã tìm ra những thứ chúng hy vọng có được, và hoàn thành giá trị tự thân của mình.”
Tuyền béo vẫn chưa hiểu, nhưng về cơ bản tôi đã hiểu ý của Shirley Dương định ám chỉ thông qua câu chuyện này. “Ban nhạc Bremen” chưa từng đặt chân tơi Bremen, và những “Mô kim Hiệu úy” chưa từng phát tài thông qua việc trộm mộ, là chúng tôi đây, quả thực có thể nói là rất giống nhau. Có lẽ trên chặng đường lãng du, chúng tôi đã có được rất nhiều thứ qúy báu, giá trị của chúng thậm chí còn vượt hẳn mục tiêu vĩ đại “phát đại tài” kia, đích đến không quan trọng, quan trọng là quá trình đi tới đích, chúng ta thu hoạch được những gì.
Nghe xong câu chuyện về ban nhạc Bremen, tôi trầm ngâm một hồi lâu, đột nhiên mở miệng hỏi Tuyền béo: “Vì sao chúng ta phải đi đổ đấu? Ngoài vì cần tiền ra, còn nguyên nhân nào khác không?”
Thấy tôi hỏi vậy, Tuyền béo ngây người, nghĩ một lúc lâu sau mới trả lời: “Đổ… đổ đấu? Làm vậy là vì… vì ngoài đổ đấu ra, hai ta chẳng thể làm gì khác, chẳng biết làm gì khác!”
Sau khi nghe lời này của Tuyền béo, tôi bỗng thấy hụt hẫng, trong lòng rỗng tuyếch, chẳng muốn nói gì hơn nữa. Những người khác sau khi ăn uống xong, cũng đã dựa vào vách hang nghỉ ngơi, tôi cứ trằn trọc khó ngủ, cảm giác như bị chạm phải một ẩn ức trong lòng, đó là một sự nhìn nhận kỹ càng đối với số phận của bản thân.
Hoàn cảnh của tôi và Tuyền béo tương tự như nhau, đều xuất thân trong gia đình quân nhân, đều trải qua sự cướp bóc sạch trơn của mười năm Cách mạng Văn hóa, những năm tháng đó chính là giai đoạn quan trọng nhất hình thành nên thế giới quan, giá trị quan của một đời người, quan niệm Cách mạng vô tội, tạo phản có lý hết sức thâm căn cố đế, giáo viên trong trường học đều bị phê phán, đánh đập, việc học về cơ bản bị bỏ bẵng, cần có văn hóa thì lại không có văn hóa, cần có kỹ thuật sản xuất thì lại chẳng lấy đâu ra kỹ thuật sản xuất. Đây không những là nỗi đau của hai chúng tôi, mà còn là nỗi đau chung của cả một thời đại. Sau đó hưởng ứng theo lời hô hào “thênh thang trời đất rèn trái tim hồng”, chúng tôi tới vùng núi hẻo lánh ở Nội Mông lao động, lao vào thực tế để cảm nhận thế nào là “thênh thang trời đất” kho chạy quanh một trăm dặm cũng không hề thấy có bóng dáng người nào. Tôi cũng còn coi như may mắn, đi về quê, lên núi lao động ngốt một năm rồi được sung quân, còn Tuyền béo nếu không kiên quyết không tin vào cái chỉ tiêu về thành phố gì gì ấy, nếu không cuốn gói chạy về, thì chẳng biết cậu ta còn phải ở trên núi bao nhiêu năm nữa.
Nhập ngũ là mơ ước từ nhỏ của tôi, nhưng tôi sinh ra chẳng gặp thời, đành đêm đêm nằm mơ được tham gia đại chiến thế giới thứ ba. Tôi nhập ngũ thoắt một cái đã mười năm, năm hai mươi chín tuổi mới được làm đại đội trưởng. Bờ cõi dấy lên khói lửa, chính là thời cơ lớn cho tôi kiến công lập nghiệp, nhưng vì nhất thời xốc nổi trên chiến trường, tiền đồ của tôi bỗng tan thành mây khói. Một người sống trong quân ngũ mười năm, một khi rời khỏi quân đội, chẳng khác nào mất đi tất cả. Sau khi đất nước cải cách mở cửa, biết bao sự vật cho đến những giá trị quan hệ mới đều ồ ạt du nhập vào Trung Quốc, tôi thậm chí rất khó thích ứng với sự chuyển biến này, muốn học cách đi buôn, nhưng lại phát hiện ra bản thân mình không hề có tố chất đấy, dần dà cũng chẳng có lý tưởng hay sự theo đuổi nào hết, cứ dật dờ qua ngày rồi chờ chết.
Cho mãi đến khi tôi và Tuyền béo quen biết Răng Vàng, bắt đầu đời Mô kim Hiệu úy, bấy giờ tôi mới tìm thấy mục tiêu để phấn đấu. Đối với tôi, “Đổ một đấu lớn, phát đại tài” có lẽ chỉ là một ý nghĩ dùng để tự kỷ ám thị mà thôi, bởi như Tuyền béo nói, ngoài việc đổ đấu ra, chúng tôi không biết làm gì khác. Tôi chỉ hy vọng có thể sống cho có ý nghĩa một chút, chứ không muốn sống hoài sống phí trong sự bình thường đến nhạt nhẽo, đến Mỹ rồi, vẫn có thể tiếp tục phấn đấu, tranh thủ kiếm nhiều tiền, khiến cuộc sống của những người cần tôi giúp đỡ nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn.
Tôi chưa bao giờ suy nghĩ kỹ về cuộc đời như lúc này, nhất thời những ý nghĩ dồn dập như sóng triều, tuy nhắm mắt mà không hề buồn ngủ, bên tai vẫn văng vẳng nghe thấy tiếng mọi người thở mệt, chẳng lâu sau ai nấy đều lần lượt chìm vào cõi mơ. Tiếng mưa bên ngoài đã dứt, tôi bỗng nghe thấy có người rón rén đi ra ngoài.
Tôi nằm yên không nhúc nhích, khẽ mở mắt ti hí nhìn ra ngoài, thấy đống lửa đã tắt một nửa, Minh Thúc đang lẳng lặng đi ra ngoài cửa hang. Tay lão xách túi hành lý của tôi, bên trong có chưa một ít thịt còn thừa lại, mất bộ quần áo, mấy viên pin khô… Nếu muốn ra khỏi chốn thâm sơn, ít nhất cũng phải trang bị những thứ này. Tôi lập tức nhảy phắt dậy, tóm chặt lấy cổ tay lão, thấp giọng hỏi: “Nửa đêm canh ba, bác định đi đâu thế? Đừng có nói là bác muốn đi thả buồn nhé, đi nặng hay nhẹ cũng không cần phải đem theo ba lô làm gì; nếu muốn lên đường đi về thì sao không bảo tôi một câu, tôi còn tiễn bác đi một đoạn chứ!”
Hành động của tôi hết sức đột ngột, Minh Thúc sut nữa thì thót tim ra khỏi cổ: “Anh… anh… anh… già cả rồi, đâu dám phiền Hiệu úy đại nhân đưa tiễn gì chứ?”
Tôi nói với lão, bác là bậc tiền bối, tôi lẽ nào lại dám không đưa tiễn? Rốt cuộc là bác muốn đi đâu? Minh Thúc giậm chân nói: “Điều này… quả thực là dài lắm, nói không hết nhẽ…” Nói đoạn, trên mặt lộ ra vẻ buồn bã, mặt mày ủ rũ khẽ tiếng nói với tôi: “Thực không dám giấu gì chú, lần này có thể sống sót chui ra khỏi lòng đất, anh thấy thật giống như một giấc mơ, quay lại ngâm về những việc trong quá khứ, cảm thấy đời người sao giống như một giấc mộng, vừa đau khổ vừa ngắn ngủi, lần này thập tử nhất sinh, cuối cùng lại một lần nữa được làm người, có thể nói là mọi việc anh đều nhìn thoáng ra cả rồi. Anh có dự định sẽ vào chùa làm lạt ma, tụng kinh niệm Phật, sống đến cuối đời, sám hối những tội nghiệt đã tạo ra trong kiếp này. Nhưng lại sợ A Hương đau lòng, thế nên không để con bé buồn là hơn, bèn dùng hạ sách này, định ra đi không từ biệt. Anh nghĩ có chú Nhất ở đây, chắc chắn con bé A Hương sẽ có nơi nương tựa, các chú không phải mất công chăm lo cho anh nữa, anh già rồi, như chiếc la trước gió, cứ để cho anh bay theo gió đi vậy!”
Tôi suýt nữa tức điên vì lão, cái trò này nếu lão giở ra lần đầu, có khi tôi tưởng thật, nhưng tôi quá hiểu cái toan tính của lão rồi. Thằng khọm này thấy tôi hình như sắp đồng ý theo Shirley Dương sang Mỹ, chín phần mười là không làm nghề đổ đấu nữa, trước mặt chỉ có một con đường là Tàng cốt câu, ra khỏi đây không khó, lão định giở trò ve sầu thoát xác, bỏ trốn chạy làng đây, lão còn nợ tôi cả một gian đồ cổ, sao có thể để lao chạy thế này được. Vậy là tôi cướp ba lô trong tay lão lại, nói: “Người xuất gia tứ đại giai không, nhưng bác đừng có vội bỏ đi không, lúc trước ở Bắc Kinh đã giao hẹn sẵn rồi, cả cái giá đồ cổ trong nhà bác, bao gồm cái miếng nhuận ngọc được ngậm trong miệng Dương quý phi để giải khát, sẽ đều thuộc về tôi. Gì thì gì cứ về Bắc Kinh tính xong nợ nần rồi bác muốn đi đâu thì đi, lúc ấy bác làm đạo sĩ cũng được, làm lạt ma cũng xong, chẳng liên quan gì đến tôi hết, nhưng trước đó, chúng ta phải luôn bên nhau, không được rời nhau nửa bước.”
(Hết Chương 41)