Nghịch Thủy Hàn

Chương 86: Thương dữ Đỗ Bì

Cao Phong Lượng, Lý Phúc, Lý Tuệ xông lên vách núi, vừa gặp mặt đã đấu sống chết.

Bên dưới rừng rực ánh lửa, lưỡi lửa cơ hồ liếm lên mặt đường.

Trên sườn núi loạn xạ bóng người đang hỗn chiến.

Trong lòng Đường Khẩn nóng nảy vô cùng.

Gã gặp mấy đôi huynh đệ và sư huynh đệ khác nhau về tính cách, hành sự: ví như cùng coi chữ nghĩa làm đầu như Thiết Thủ cùng Lãnh Huyết một người hòa hoãn đại độ, trầm tĩnh trọng nghĩa, một người dũng mãnh kiên nhẫn, nóng nảy hiếu nghĩa; cùng là môn hạ Thần Uy tiêu cục mà Cao Phong Lượng uy chấn bát phương, Dũng Thành vô danh; Ngôn Hữu Tín và Ngôn Hữu Nghĩa cùng là loại vô tín bất nghĩa, có điều Ngôn Hữu Tín còn niệm tịnh thủ túc, Ngôn Hữu Nghĩa hoàn toàn không thèm để tâm.

Đôi huynh đệ Lý Phúc, Lý Tuệ này tuy đẹp mã nhưng tác oai tác quái, thủ đoạn vô sỉ cực độ, bất quá cả hai lại đậm tình huynh đệ, cùng liên thủ đối địch, cùng tiến cùng lùi, chiếu cố cho nhau, lúc giao đấu không chỉ gồm sức hai người mà như biến thành ba - cả hai hiểu nhau, tâm linh tương ứng, cơ hồ có một người vô hình thứ ba trợ lực.

Đường Khẩn nhất thời không xông tới được bởi một lão nhân râu rồng, đầu to miệng lớn cầm tỏa cốt cương tiên chặn lối.

Lão nhân mặc áo ngoài rộng màu xám loang lổ vệt trắng trùm đến đầu gối, râu tóc muối tiêu, không có vẻ gì giống người của quan phủ, võ công cực kỳ phiêu hốt quỷ dị. Đường Khẩn đấu với lão, hoàn toàn hạ phong, chật vật cầm cự được là may, nói gì đến trợ lực cho Cao Phong Lượng.

Dũng Thành còn nóng lòng hơn.

Y và Cao Phong Lượng cùng một sư môn nhưng Cao Phong Lượng có thiên tư võ học hơn, vì thế y luyện thành thục nhưng cũng chỉ là bắt chước, không có sáng tạo như sư huynh.

Tôn sư võ học đều học trước rồi sáng tạo sau, cũng như trong nghệ thuật, phàm là cầm kỳ thi thư họa đều mô phỏng rồi tiến tới sáng tác. Người nào cả đời chỉ tuân theo quy củ, đủ thành nghệ nhưng không đủ làm tôn sư, bậc đại sư đều phải tự vượt lên, đột phá quy củ, lập ra quy củ khác khiến hậu nhân ngưỡng vọng, cho đến khi hậu nhân có người thanh xuất ư lam, phá bỏ quy củ đó mà lập ra tiêu chuẩn mới.

Ý nghĩ vốn có của thiên tài bao gồm "đột phá gian khó vô vàn để thành tựu", điều kiện tiên quyết là không chịu nấp bóng tiền nhân, vì thế những kẻ oán trời hận người, đổ lỗi thời thế, không nỗ lực đã tự buông xuôi chỉ là hạng bất tài nhưng không biết tự lượng sức.

Cao Phong Lượng không hẳn đã là tôn sư đao pháp nhưng cũng là bậc danh gia.

Năm xưa, Hàn Dạ Văn Sương Lỗ Vấn Trương giao thủ cùng cùng lão, định thử đao pháp, kết quả lão vừa xuất đao đã thi triển liền ba loại đao quyết Ngũ Quỷ khai sơn đao, Bát Phương Phong Vũ lưu nhân đao, Quyển Phong đao pháp một lượt, đả thương Lỗ Vấn Trương, nhưng cũng bị "Sơ Tử" của họ Lỗ bắn trúng. Trận chiến đó khiến đao pháp của lão càng vang danh.

Dũng Thành xưa nay vẫn bội phục vị đại sư huynh này.

Dù chỉ cần Cao Phong Lượng còn, nhất định sẽ lấy hết vinh quang của y.

So ra, Cao Phong Lượng là Thái dương, y chỉ là ánh nến nhỏ nhoi.

Nhưng y không đố kỵ.

Có người dồn hết tinh lực cho người khác thành công, đương nhiên đó là những người mười phần vĩ đại dù bản thân không nổi danh. "Nhất tướng công thành vạn cốt khô", Dũng Thành chính là một trong "vạn cốt".

Y tự biết mình không phải nhân tài nên dồn hết hy vọng lên Cao Phong Lượng.

Chỉ cần Cao Phong Lượng thành công, y cũng coi như bản thân thành công.

Thành tựu chủ yếu của Cao Phong Lượng là Thần Uy tiêu cục, một tay lão dựa vào võ công, đao pháp xây tạo ra chiêu bài uy chấn đại giang nam bắc, hắc bạch nhị đạo kính sợ cho tiêu cục.

Chiêu bài của Thần Uy tiêu cục không hẳn đã hơn Phong Vân tiêu cục năm xưa nhưng ít nhất cũng ngang ngửa, thanh danh đều vang xa.

Tài năng của một người kỳ thật bao quát cả năng lực phát triển, Cao Phong Lượng lập Thần Uy tiêu cục thể hiện địa vị, khía cạnh con người cùng năng lực tổ chức, vạch kế hoạch của lão.

Quá nửa đời lão vất vả vì tiêu cục mới tạo thành cục diện đó.

Trong vụ án Khô Lâu Họa, quan phủ niêm phong tiêu cục, gần như khiến lão chùn hẳn, nhưng rồi mưa tạnh trời hửng, lão lại khôi phục tiêu cục trong thời gian rất ngắn, buộc người ta phải tắc lưỡi khen ngợi.

Lão quá chú trọng đến tồn vong của tiêu cục nên bị triều đình lợi dụng, cưỡng bức phải tham gia "tiễu phỉ", làm việc mình không muốn.

Sau trận đó, tâm lý lão chịu dày vò, mấy lần định rũ tay nhưng không muốn dồn Thần Uy tiêu cục vào cảnh "bị đóng cửa" lần nữa nên nhẫn nhục nhận lệnh, cắn răng bức hại một nhóm chí sĩ trung nghĩa.

Đó là những năm tháng uất ức nhất của lão. Dũng Thành cũng đành nhắm mắt làm ngơ trợ giúp.

Y quan tâm đến vị sư huynh này. Trong giờ phút Cao Phong Lượng suy sụp nhất, y cũng nhẫn nhục gìn giữ tiêu tục, không bán đứng hay phản bội sư huynh.

Nhưng y lại không cách gì khuyên ngăn được.

--- Việc đại sư huynh cũng không giải quyết nổi, ta nhất định cũng bó tay.

Từ khi "tiễu phỉ", chinh chiến liên miên, các hảo thủ, chiến hữu trong tiêu cục hao hụt không ít, hiện tại Cao Phong Lượng dẫn hết tinh anh rút lui, không ngờ trúng phải ám toán, mai phục của Phúc Tuệ Song Tu, mưa tên, hỏa công, ám khí khiến thương vong càng trầm trọng, dù Cao Phong Lượng xông lên vách núi được cũng đau thương phát cuồng.

Dũng Thành nhìn sang, thấy trên mình Cao Phong Lượng ít nhất cũng găm năm mũi tên, máu từ vết thương nhuộm đỏ bạch y, mắt trọn ngược, tỏ rõ ý quyết tử.

Lý thị huynh đệ cùng áp sát.

Dũng Thành biết đại sự đã hỏng.

Nhưng y không thể xông tới.

Quan binh quấn lấy y như bầy chó đói đáng ghét.

Rồi y tận mặt được chứng kiến tình cảnh:

Kiếm của Lý Phúc đâm vào sườn trái Cao Phong Lượng.

Kiếm của Lý Tuệ đâm vào sườn phải.

Lão không hề tránh né.

Cũng không thoái lui.

Lúc kiếm của Lý Phúc đâm trúng, đao của lão cũng lướt qua mình địch nhân, đồng thời với sát na kiếm của Lý Tuệ xuyên vào thân thể lão, ánh đao lóe lên trước mắt họ Lý.

Việc tiếp theo khiến Đường Khẩn được tận mắt chứng kiến, cả đời không quên: truyện được lấy tại TruyenFull.com

Cả ba gần như cùng rơi khỏi vách núi.

Mỏm núi rừng rực lửa.

Vách núi sâu không thấy đáy.

Sau gáy Lý Tuệ tuôn máu ào ạt.

Lý Phúc ôm ngực, gập người lui lại.

Lý thị huynh đệ đều quay lưng về phía Đường Khẩn nên gã không nhìn rõ vẻ mặt cả hai.

Bụng và ngực Cao Phong Lượng cắm ngập hai thanh kiếm.

Của Lý Phúc và Lý Tuệ.

Vẻ mặt lão như cười mà không phải cười, như giận mà không phải.

Cứ vậy, cả ba cùng rơi xuống vực.

Một vị võ lâm tôn sư, hai thanh niên cao thủ cùng táng mệnh tại Nhiễu Ảnh Nhai.

Đang lúc dốc sức đối địch, thấy Cao Phong Lượng mất mạng, không hiểu sao Đường Khẩn lại nhớ đến một việc:

- Quan Phi Độ chết rồi, Đinh Thường Y chưa từng sống một cách chân chính.

- Một khi Thần Uy tiêu cục không còn tồn tại, Cao Phong Lượng cũng không muốn sống nữa.

Trước lúc chết, lão giết Lý Phúc cùng Lý Tuệ, nhát đao sau cùng chính thị đao pháp "Điên đảo chúng sinh, thụ nhân vu bính".

Lý thị huynh đệ không thoát được.

Nhân cơ hội hỗn loạn, người của Thanh Thiên Trại xông lên sạn đạo.

Quan binh không chống nổi mũi đột vây tinh nhuệ của Thanh Thiên Trại.

Thiết Thủ đưa tay hất lùi lão già dùng tỏa cốt cương tiên, Đường Khẩn đánh ngã hai quan binh vây công Dũng Thành, cả hai cùng lướt đến sườn núi nhưng khói trên đó chưa tan, hình thế càng hiểm trở, không thấy bóng Cao Phong Lượng, Lý Phúc và Lý Tuệ.

Chủ lực Nam Trại tuy đột vây thành công nhưng cánh quân phía sau bị Hoàng Thiên Lân, Huệ Thiên Tử truy đuổi ráo riết.

Trước khi đại đội Nam Trại vượt qua sạn đạo, Hách Liên Xuân Thủy cùng Cao Kê Huyết chỉ còn nước tử thủ.

Quan binh tràn tới như nước triều.

Cao thủ Nam Trại đoạn hậu đều là tráng sĩ cảm tử nhưng bị tấn công mười mấy lần liên tục, lần lượt gục ngã trước mắt Hách Liên Xuân Thủy và Cao Kê Huyết.

Cao Kê Huyết mập mạp nên sợ nóng.

Mồ hôi tuôn đầm đìa nhưng không kịp lau, nhuộm ướt sũng tà áo màu lam.

Thân hình hắn mập mạp nhưng động tác nhanh như khỉ vượn, linh hoạt như chim ưng, dạt đông lướt tây giữa quân địch, cây quạt trong tay lúc đâm lúc gạt, không ít người gục xuống.

Hắn búng người, quay về cạnh Hách Liên Xuân Thủy, gạt lọn tóc xòa ngang trán, thè lưỡi liếm mồ hôi trên ngón tay, cười nói: "Lão yêu, không ngờ chúng ta hoành hành cả đời lại mất mạng tại nơi hoang vu này".

Hách Liên Xuân Thủy dùng "Tàn Sơn Thặng Thủy đoạt mệnh thương" phong tỏa bảy đợt công kích, quay cây thương một vòng, hất ngã mười tám địch nhân, lòng đang phơi phới nhưng ngón tay cầm thương đau buốt, không khỏi nhăn mặt, định trút giận thì Cao Kê Huyết lại nhắc đến chuyện đó.

Y nổi giận vặc lại: "Ngươi cứ việc táng mệnh, bản công tử không phiền".

Cao Kê Huyết cười héo hắt: "Đằng nào cũng ngã gục, há chẳng đáng tiếc sao".

Hách Liên Xuân Thủy đưa thương bức một địch nhân quăng đao kêu váng lên, liên tục lùi bước: "Cao lão bản, ta phục ngươi, lúc này mà ngươi còn có lòng dạ nói ra những lời vô vị như thế".

Cao Kê Huyết đột nhiên đưa cho y một tấm thiết bài tám cạnh: "Hiện tại bàn chính sự. Nếu ta chết, ngươi cầm tấm bài này, thay ta chiếu cố cho các huynh đệ. Đừng coi thường tấm lệnh bài nhỏ xíu này, mấy tên Vương bát đản đã quen lệ, không có nó ắt không quản nổi".

Hách Liên Xuân Thủy từ chối, gắt lên: "Ngươi nói nhăng gì hả? Người của ngươi, mặc ngươi quản. Ta không hơi đâu". Lúc đó, mấy bộ hạ đi cùng y và Cao Kê Huyết đổi sang trận thế khác, chống lại thế công của quan binh.

Cao Kê Huyết giữ y lại, nghiêm chỉnh nói: "Ngươi tỉnh lại đi được không? Ai mà không chết? Còn sống đương nhiên hoàn hảo nhất, vạn nhất phải chết, vẫn còn những người khác phải sống, phải có người dẫn dắt, ngươi hiểu không?".

Hách Liên Xuân Thủy cảm giác những lời này mười phần xui xẻo, mắng ngay: "Ta biết ngươi chứ! Chẳng qua ngươi lừa ta giao thủ hạ cho ngươi". Đoạn giận dữ, không thèm lý tới đối phương.

Cao Kê Huyết hết nhìn y lại lắc đầu: "Thế có làm sao, Thần Thương Tiểu Bá Vương còn cổ hủ hơn lão nhân gia ta".

Hách Liên Xuân Thủy định đáp, chỉ thấy một người lao vút tới.

Y nhận ra thế lao của người đó nhanh như gió lướt, thầm kinh hãi, rùn người xuống đâm mũi thương vào Vân Đài huyệt địch nhân.

Người đó đột nhiên phất tay áo tuốt đao.

Đao ngắn.

Đao bén.

Đao nhanh.

Đao áp chế mũi thương, ống tay áo che kín tầm nhìn của Hách Liên Xuân Thủy, thân hình người đột nhiên xoay ngang trên không, hai chân đạp thẳng vào ngực y.

Y biết mình gặp phải kình địch.

"Soạt" một tiếng, ngọn thương trên tay y chợt tách làm hai.

Hai cây thương như song long náo hải dấy lên sóng lớn, y khẽ búng người liền bật đi, hai chân đối thủ đá vào khoảng không. Vừa đứng vững, y lập tức phản công mãnh liệt.

Thương bên trái đâm vào sườn phải đối phương, thương phải đâm bên trái, một chém vào cổ, một đâm xuống chân, một điểm vào mi tâm, một đâm vào chỗ hiểm, đoạn vòng lại nhắm thẳng tim, càng đánh càng nhanh càng hung mãnh. Người cầm Tử Kim Ngư Lân đao tiếp một hơi mười ba chiêu, hai bên mới nhìn thấy mặt nhau: là Hoàng Kim Lân.

Vốn họ Hoàng thấy tấn công lâu không hạ được địch, nảy ra ý khích lệ sĩ khí, hắn tự tin mình thu thập được Hách Liên Xuân Thủy mới xuất chiến, không ngờ đánh một lúc mới nhận ra đụng phải đối thủ rắn mặt, vừa kịp hít một hơi, loạt thương thứ hai của Hách Liên Xuân Thủy lại công tới.

Hắn hét lớn: "Đến hay lắm".

Cổ tay rung lên, thi triển đao pháp, đao phong trải rộng, bảo đao bám sát ngọn thương, cơ hồ định nuốt sống song thương của Hách Liên Xuân Thủy.

Song thương điểm lên điểm xuống, cực kỳ linh hoạt, thấy đao thế nghênh đón liền lùi bước rút mũi thương, hất lên đổi đà, đâm vào các bộ vị yếu hại, thi triển biến hóa, hư thực khó dò.

Hách Liên Xuân Thủy có hai ngọn thương, Hoàng Kim Lân chỉ có một cây đao nhưng chiêu nào cũng khắc chế được.

Chỉ thấy thân ảnh hắn lúc tiến lúc lùi, thoạt đông thoạt tây, đao phong nhanh như điện, ngọn thương bên phải của Hách Liên Xuân Thủy còn đón đỡ được, tay trái do bị thương ngón tay nên có phần lực bất tòng tâm.

"Soạt", song thương trong tay y liền biến thành một ngọn.

Thương chỉ có một ngọn nhưng gồm hai đầu.

Y cầm giữa ngọn thương, chợt quét chợt đâm, rít lên vù vù công tới.

Uy thế ngọn thương càng lúc càng lớn, tiếng gió mạnh dần.

Loạt thương này múa tít, thanh thế kinh nhân.

Hoàng Kim Lân không tài nào lách thoát được vòng tròn do ngọn thương tạo ra.

Quan binh cũng nhao nhao lùi lại.

Hách Liên Xuân Thủy liếc sang, nhận ra Cao Kê Huyết đang đấu với Huệ Thiên Tử, chiếm hoàn toàn ưu thế.

Chợt nghe Hoàng Kim Lân quát: "Bắn", rồi rạp xuống

Bốn hàng cung thủ phía sau cùng nhả tên.

Nguyên lai lúc Hoàng Kim Lân và Huệ Thiên Tử đấu với Hách Liên Xuân Thủy cùng Cao Kê Huyết, cung thủ đã giương cung lắp tên, Hoàng Kim Lân hạ lệnh, lập tức tên bay như mưa.

Hách Liên Xuân Thủy cả kinh, trường thương quay tít như cuồng phong, vòng thương càng lúc càng mở rộng, đà quay nhanh dần, mọi mũi tên bắn vào đều bị gạt hết.

Cao Kê Huyết theo sát, trường thương của Hách Liên Xuân Thủy thay hắn chặn lại không ít tên nỏ, hắn dùng phiến pháp "Cao xứ bất thắng hàn" hút tên lên bề mặt cây quạt, lại mượn kình lực đáp xuống, chỉ lộ vùng bụng ra.

Thật ra, mục tiêu rõ ràng trên mình hắn là vòng bụng mập mạp như gò đất nhỏ, cực kỳ nặng nề, cung thủ đồng loạt bắn vào mục tiêu.

Nhưng bao nhiêu tên bắn vào bụng hắn như bắn vào đệm bông, rớt hết xuống.

Hắn chỉ e quan binh ta không bắn vào bụng mình.

"Di Đà Tiếu Phật Đỗ Bì công" của hắn bắn ở cự ly gần cũng không thủng, nói gì bắn từ xa.

Loạt tên đầu ngừng, loạt thứ hai lại phát ra. Bọn Cao Kê Huyết cố thủ trên con dốc dẫn ra hậu sơn ngăn trở quan binh, nơi này địa thế hiểm ác, xung quanh chỉ có cây bụi, ngoài xa mới có rừng cây, không hề có gì che chắn, vị trí từ trên đánh xuống này dễ thủ khó công, giữ vững nút thắt cổ đạo ắt không ai vượt qua được, nhưng mối lo lớn nhất là tên nỏ, ám khí, bởi muốn tránh buộc phải thoái lui, cửa ải sẽ không giữ nổi nữa.

Loạt tên dày đặc của Hoàng Kim Lân chỉ khiến bọn Hách Liên Xuân Thủy, Cao Kê Huyết chật vật nhưng không thật sự đả thương được ai.

Có điều, một kẻ suýt nữa nếm mùi đau thương.

Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất