“Hoa ưu đàm hương thơm nức mũi, hương hoa chậm rãi quẩn bên tường, người mất trở về xóa nhơ bẩn, rửa sạch mặt mày mãi mãi vui.” Ông nội nhìn bóng người nọ, hỏi: “Người đến có phải là Lý Bội Bội không?”
Cô gái cúi người lễ phép chào ông nội: “Cháu là Lý Bội Bội, đến nhận sát tiêu trừ tội lỗi cho Ngô Tử Phàm.”
Ông nội nở nụ cười: “Nói vậy thì, cháu đồng ý mối hôn sự này rồi sao? Chỉ cần bảo vệ Tử Phàm bình an thì nhà họ Ngô của già cảm ân đại đức!”
Lý Bội Bội ngượng ngùng cúi đầu, khẽ thở dài: “Chuyện hôn nhân do bố mẹ cháu làm chủ, có điều cháu có một yêu cầu phải nói rõ trước. Do cháu đoản mệnh chết yểu nên lòng mang chấp niệm, bị ép trở thành linh hồn dưới sông, nếu như nhận âm sát trên người Tử Phàm thì e là nghiệp của cháu sẽ càng nặng hơn. Mọi người hãy hứa với cháu, trong tương lai Tử Phàm tích công đức nhiều hơn để giúp cháu sớm ngày thoát ly bể khổ.”
“Chuyện này cháu yên tâm!” Ông nội vỗ ngực đánh bộp: “Qua đêm nay, cháu chính là cháu dâu nhà họ Ngô, chúng ta sẽ thờ phụng bài vị của cháu để cháu được hưởng hương khói, giúp cháu tích thiện đức nhiều thêm, sau này ông sẽ để Tử Phàm kế thừa y bát của ông, dẫn lối mở đường cho vong linh tích góp công đức để giúp cháu chuyển thế luân hồi.”
“Dạ được, như vậy thì cháu yên tâm ạ.” Lý Bội Bội gật đầu: “Bắt đầu thôi.”
Ông nội đi đến trước mặt bé người giấy, rút ra một nắm tiền giấy rồi tung vào không trung: “Thổ sát, thủy sát, quan tài sát, chớ phiền thân trong sạch người trần. Hỏa hóa mưa giấy tiền, dẫn sát nhập U Minh!”
Trong lời chú, tiền giấy tung bay múa lượn khắp trời bốc cháy thành một trận mưa lửa, rơi xuống ào ào trên người em bé giấy, hình người giấy tức khắc bùng cháy theo.
Người giấy và mệnh hồn của tôi nối với nhau, lúc nó cháy lên, tôi thấy người mình cũng như đang ở trong biển lửa, da thịt khắp người đau đớn kịch liệt từng cơn, không chịu đựng nổi phải gào lên.
Ngay lúc này Lý Bội Bội bay đến trước mặt tôi, hai tay cô ấy ấn xuống vai tôi, gương mặt áp sát lại đầu mũi tôi rồi hít vào một hơi thật sâu.
Tôi không kìm được há to miệng, mắt trợn trừng nhìn luồng khói đen đó bay ra khỏi miệng tôi, bị Lý Bội Bội chậm rãi hút vào trong người cô ấy!
Giây lát sau, khí đen trong người tôi bay ra hết, cảm giác bị lửa nóng thiêu đốt cũng tan biến theo, cả người nhẹ nhàng thoải mái không tả được.
Sắc mặt Lý Bội Bội xanh đi, hàng mày thanh tú hơi chau lại, dáng vẻ dường như cực kỳ khó chịu, sau đó cô hóa thành một luồng sáng đỏ nhạt nhập vào trong chiếc bông tai bằng bạc trong tay ông nội tôi.
Ông nội thở phào một hơi, đến bên tôi rồi dúi chiếc bông tai vào trong tay tôi, nghiêm túc bảo: “Tử Phàm, từ nay trở đi, Bội Bội là vợ của cháu, chiếc bông tai này cháu phải luôn đeo bên mình, lúc nào cũng phải ghi nhớ mạng của cháu là do cháu nó cứu!”
Lúc đó tuy tôi chưa hiểu ất giáp gì nhưng vẫn nhớ lời của ông nội, dùng tơ đỏ xâu chiếc bông tai thành một chiếc trụy, luôn đeo nó trên cổ mình.
Ông nội cũng giữ lời hứa, ngày thứ hai cúng tế trang trọng bên bờ sông Trăng, rồi đặt linh vị của Lý Bội Bội trong miếu thờ của nhà mình, mỗi dịp mùng một mười lăm đều cùng tôi thắp hương cúng bái.
Sau khi tiêu trừ quan tài sát, sức khỏe tôi hồi phục khỏe mạnh, sau đó đến cả cảm thường hay bị sốt cũng rất hiếm khi. Vào năm tôi mười sáu tuổi, ông nội bắt đầu truyền thụ tay nghề Chấp sự Kim Tiền cho tôi, mỗi khi gặp dịp tổ chức tang lễ mời ông thì tôi sẽ đi theo để làm quen với nghiệp vụ.
Được ông nội chỉ dạy tận tình, lúc tôi mười chín tuổi đã học hỏi được tuyệt kỹ “Rải tiền giấy tựa mưa bay khắp trời” và cũng đã nắm hết trong lòng bàn tay toàn bộ phong tục, quy củ của tang chế.
Lại qua một năm, tôi đầy hai mươi. Vì ông nội lớn tuổi dần nên thể lực đã không còn như xưa, tôi bắt đầu chính thức thay ông nội đảm nhiệm chức vụ Chấp sự Kim Tiền, các hương thân gọi tôi là “Chấp sự Ngô nhỏ.”
Cứ thế thì tôi cũng xem như đã có thể tự mình đảm đương, dựa vào bản thân kiếm tiền, tâm tính thiếu niên không tránh khỏi việc có vài phần đắc ý, nhưng rất nhanh sau đó tôi gặp phải một chuyện xui xẻo.
Sáng sớm hôm đó, một chiếc xe Mercedes-Benz S-Class dừng trước sân nhà tôi, có hai người xuống xe. Một người là Bố Quách đời, thợ giấy tiền vàng mã và một phụ nữ có chồng trung niên phong thái sang trọng.
Thì ra người phụ nữ này tên là Uông Hà, là một bà chủ một doanh nghiệp, mẹ già ở nhà qua đời nên tuân theo di nguyện của bà cụ tổ chức tang lễ ở quê. Người giàu có nên cứ muốn phải rình rang, nghe nói tay nghề của Bố Quách đời nổi tiếng nên đặc biệt từ huyện kế bên sang đây để mời ông chế tác vàng mã cho lễ tang.
Bố Quách đời thương tình nhà họ Ngô chúng tôi nên nghe nói tang lễ nhà họ Uông vẫn chưa mời Chấp sự Kim Tiền thì tiến cử tôi với Uông Hà, dù sao thì cũng là người trong nghề với nhau kiếm chút cơm, cũng xem như là giới thiệu lẫn nhau về mặt nghề nghiệp.
Thật ra tôi biết Bố Quách đời còn có ý khác, loại đơn ngon của nhà giàu thế này, khẳng định sẽ cần thợ lành nghề đến nhà để chế tác đồ tuẫn táng (chôn theo). Bố Quách đời cũng đã lớn tuổi rồi nên giới thiệu tôi đi cùng cũng xem như có thêm người hỗ trợ.
Tục ngữ nói “Có tiền mà không kiếm thì đúng là ngu hết thuốc chữa,” đương nhiên tôi không nói hai lời, hôm đó theo Bố Quách đời đến nhà Uông Hà.
Chuyện tôi phải làm nằm hết vào ngày đưa tang, qua đó trước chủ yếu là để chạy việc giúp cho bố Quách đời. Vụ lần này của ông không nhẹ nhàng gì, toàn bộ ngựa giấy người giấy cờ giấy, còn cả biệt thự giấy, xe hơi giấy, máy bay giấy kiểu theo trào lưu mới, toàn bộ phải làm xong trước ngày đưa tang.
Uông Hà là con gái một, lại ly hôn ở một mình nên tang lễ của mẹ bà do một mình bà làm chủ điều động, đặc biệt để dư ra một gian phòng nhỏ kế bên linh đường để bố Quách đời làm vàng mã.
Ngày thứ hai nhà họ Uông quàn linh cữu, Uông Hà đến phòng kề, bảo bố Quách đời ngừng chuyện đang làm lại để chuyển sang làm gấp một chiếc quan tài bằng giấy dài tầm 3 xen-ti-mét trước.
Bố Quách đời vừa nghe đã hơi ngạc nhiên, nói: “Cắt quan tài nhỏ là để đưa ‘tang trùng’ sao?”
Vẻ mặt Uông Hà hơi gượng gạo, gật nhẹ đầu: “Phải cắt quan tài màu đỏ, loại hoa sen chữ phúc ngược lại ấy. Chuyện này chỉ hai người biết là được, đừng nói ra ngoài, đến lúc đó tôi sẽ đưa thêm thù lao cho hai vị.”
Nói xong câu này thì Uông Hà rời khỏi đó, bố Quách đời thở dài một hơi rồi chẳng nói gì nữa.
Dù gì tôi cũng mới vào nghề chưa lâu, tuy đã làm quen với nghiệp vụ của một Chấp sự Kim Tiền nhưng hiểu biết rất ít về nguyên tắc trong nghề cắt giấy tiền vàng mã, vậy nên tôi hỏi bố Quách đời hỏi cái gì là đưa ‘tang trùng’, vì sao phải cắt quan tài nhỏ.
Bố Quách đời bảo tôi, nếu một hộ gia đình có hai người liên tục qua đời mà trùng hợp người thứ hai lại mất trong vòng bảy bảy bốn chín ngày tính từ lúc người thứ nhất khuất núi thì đây gọi là ‘phạm trùng tang’.
Dân gian có câu: “Nhà phạm trùng tang, tuyết lớn ức sương, hung kiếp liên hoàn, bại tuyệt chết sạch.”
Ý nghĩa chính là “trùng tang” là một loại tai kiếp, một khi hình thành sẽ liên tục có người chết, người thân trong gia đình sẽ gặp xui xẻo theo.
Mà muốn hóa giải loại hung kiếp này thì phải cắt một chiếc quan tài nhỏ rồi nặn một người bằng bùn đặt vào, sau đó vào lúc canh ba đêm hôm lén chôn quan tài ở ngã ba đường thường ngày nhiều người qua lại, dùng nó để thay người sống cắt đứt hung kiếp.
Về màu sắc của quan tài, cũng có một lý do, nếu người đầu tiên qua đời lúc chưa đầy bốn mươi tuổi, tức đương tráng niên mà mất thì quan tài giấy đưa ‘tang trùng’ bắt buộc phải dùng chu sa hòa với máu gà trống trộn thành màu đỏ, dùng nó để trấn áp khí hung ác tàn bạo.
“Thì ra là vậy!” Tôi bỗng ngộ ra rồi lại tiếp tục hỏi bố Quách đời: “Vậy Uông Hà còn đặc biệt nói là quan tài đỏ phải có ‘hoa sen, chữ Phúc đảo ngược’, chuyện này là nguyên do vì sao?”