Nửa Đời Thanh Tình

Chương 183: Điều quý giá nhất

Vì Khang Hi sắp qua một giáp nữa, nên các triều thần đề nghị phải trùng tu chùa chiền để chuẩn bị cho đại lễ mừng thọ sáu mươi tuổi của ông. Ung Thân vương Dận Chân luôn một lòng tham thiền ngộ đạo, có sự hiểu biết về Phật gia sâu sắc nhất trong các Hoàng tử, chàng cho rằng nên tu bổ chùa Đại Giác trên núi Tây Sơn ở kinh thành, Khang Hi cho phép chuyện này do chàng toàn quyền quyết định.

Vân Yên thường hay đến chỗ Hoan Sênh chơi, nói chuyện bóng gió về những đạo vợ chồng, rồi học cách nấu một số món từ nàng ấy, thậm chí ngay cả giao thừa năm nay, Vân Yên cũng không ở trong Tứ Nghi Đường, mà chạy tới tiểu viện Hoan Sênh, hai người cùng tiểu a ca Hoằng Hiểu và tiểu cách cách Khâm Nguyệt nhà Dận Tường làm bánh chẻo, nô đùa cho đến khi đầu tóc mặt mũi dính đầy bột trắng.

Khi Dận Chân và Dận Tường đến thì thấy hai cô gái lem nhem như những chú mèo đang ăn bánh chẻo cùng hai đứa trẻ, thoạt nhìn rất buồn cười. 

Hoan Sênh vui vẻ như trở về hồi bé, tiểu viện bây giờ có sức sống hơn trước đây rất nhiều, ngay cả số lần Dận Tường đến cũng nhiều hơn, có khi ăn cơm xong Dận Chân mới đưa Vân Yên về, thỉnh thoảng Dận Tường ở lại tiểu viện ngủ.

Tháng năm năm Khang Hi thứ năm mươi chín, Trắc phúc tấn Niên thị của phủ Ung Thân vương không phụ sự mong chờ của mọi người, hạ sinh một tiểu a ca, Ung Thân vương đặt tên mụ là Phúc Nghi.

Lúc này vừa vào mùa hạ, Vân Yên kéo Hoan Sênh đi nấu ăn, nàng ấy vừa ngửi thấy mùi dầu thì bỗng buồn nôn, che miệng chạy ra ngoài.

Vân Yên sững người, buông xẻng xào xuống đuổi theo, thấy Hoan Sênh đang đứng ngoài cửa ra sức nôn, mà không nôn ra được thứ gì, trong lòng nàng mừng thầm, vội vàng giúp nàng ấy vỗ nhẹ lưng.

- Hoan Sênh... Không phải em... Có rồi chứ?

Gương mặt Hoan Sênh thoắt cái đỏ bừng, lắp bắp:

- Em... em... không biết nữa...

Mắt Vân Yên sáng ngời: 

- Kinh nguyệt tháng này của em tới chưa?

Hoan Sênh lắc đầu,

- Trễ gần mười ngày rồi...

Trong lòng Vân Yên càng vui như mở cờ, nắm tay nàng ấy:

- Đi nào... về phòng nghỉ ngơi... chị đi gọi đại phu...

Hoan Sênh thấp thỏm, luôn miệng nói chờ đã. Vân Yên hỏi chờ gì, tìm đại phu càng sớm càng yên tâm.

Vân Yên bảo Tiểu Khấu Tử mời đại phu đến, đại phu đến chỉ cần nhẹ nhàng bắt mạch một lần đã thông báo, là hỉ mạch!

Lần này Vân Yên vô cùng vui mừng, Hoan Sênh cũng ôm lại nàng mà nước mắt tuôn rơi.

Một tin vui bất ngờ đến, Vân Yên thật sự mừng thay Hoan Sênh. Nàng ấy nói rằng, đây là tâm nguyện cả đời của em, cuối cùng em cũng có con với người đàn ông mình yêu rồi.

Vân Yên vội bảo Tiểu Khấu Tử đến thư phòng báo tin cho Dận Tường, rồi hỏi đại phu chuyện nọ chuyện kia, còn cẩn thận hơn cả chuyện của mình.

Khi Dận Chân và Dận Tường vào, Vân Yên đã hỏi xong tất cả, nàng ngước đầu nhìn Dận Chân, ý bảo chàng ban thưởng cho đại phu.

Dận Chân ngẩn người, vỗ vai Dận Tường cười không dứt. Dận Tường bèn nói, để ta để ta.

Vân Yên tới gần đẩy chàng một cái, Dận Chân nhịn cười bất đắc dĩ nhéo mũi nàng, Vân Yên nhân cơ hội cắn đầu ngón tay chàng, rồi ôm chàng nở nụ cười rạng rỡ.

Sau đó Dận Tường tiễn đại phu về, rồi quay lại ngồi ở đầu giường trò chuyện với Hoan Sênh, Hoan Sênh cúi gằm gương mặt đỏ bừng mà trả lời.

Từ khi Hoan Sênh mang thai, Vân Yên mang rất nhiều đồ bổ từ Tứ Nghi Đường đến, Dận Tường cũng phái hai tiểu nha hoàn đến chăm sóc Hoan Sênh.

Vào hè, Dận Chân đưa Vân Yên đến Viên Minh Viên tránh nóng, nàng không yên tâm về Hoan Sênh, cách dăm ba ngày lại chạy ra ngoài, kết quả người đàn ông này ghen tị, Vân Yên lại dỗ chàng.

Một buổi sáng sớm, Dận Chân tỉnh giấc, nói muốn đưa Vân Yên đến một nơi, Vân Yên dụi mắt rên một tiếng rồi ngủ tiếp, Dận Chân không còn cách nào, đành phải lay nàng tỉnh. Nàng càng kháng nghị, chàng càng làm tới, cuối cùng hai người đều mồ hôi nhễ nhại cùng nhau đi tắm, thay quần áo xong mới cảm thấy dễ chịu mát mẻ.

Khi dắt tay nhau khỏi viên, nhìn trời cao trong xanh, ánh nắng ấm áp, chàng và nàng quyết định không ngồi xe ngựa, mà cưỡi Dạ Sư ra ngoài.

Vân Yên ôm Dận Chân, trên đường đi hai người cười nói rộn ràng, đến nơi lúc nào không biết. Vân Yên nhìn phong cảnh vừa quen vừa lạ chợt sững sờ, Dận Chân bế nàng xuống ngựa.

Ngôi chùa rộng lớn dựa vào chân núi mới được xây dựng lại vừa trang nghiêm vừa tráng lệ, đâu còn vẻ hoang tàn trong kí ức?

Dận Chân mỉm cười dắt tay nàng đi về phía chân núi, bước từng bậc thềm lên. Cửa chùa được tu sửa lại với kiểu mái Yết Sơn (1), phía trên là đấu củng bằng kết cấu gỗ, phía dưới là kết cấu bằng đá, cửa vòm đương mở, tấm hoành treo phía trên có ghi: "Sắc kiến Đại Giác thiền tự". (Chùa Đại Giác xây theo lệnh vua)

Hai bên cổng chùa đều xây tường, dưới cửa vòm, một bóng dáng đã lâu không gặp chờ đón trước cửa.

Đôi mắt người ấy như hồ nước mùa thu, in sâu đạo Phật, mặc cho năm tháng trôi qua, trên gương mặt tuấn tú vẫn toả ra ánh sáng trầm tĩnh như ngày nào.

"A Di Đà Phật, hi vọng thí chủ vẫn khoẻ."

Vân Yên sửng sốt nhìn sư thầy, Dận Chân bóp nhẹ lòng bàn tay nàng, nàng sực tỉnh lại.

- Già Lăng...

Dận Chân cười nói:

- Bây giờ phải gọi là đại sư Già Lăng mới đúng, sau này trụ trì chùa Đại Giác chính là Tính  m, nàng thấy được không? 

Vân Yên đương nhiên vui mừng từ tận đáy lòng, nhưng chợt nhớ đến lão trụ trì có chòm râu bạc phơ năm ấy.

Già Lăng Tính  m như hiểu trong lòng nàng đang nghĩ gì, thầy lẳng lặng chắp tay mà rằng:

- Sư phụ tôi đã viên tịch rồi.

Dận Chân giúp Vân Yên vén tóc mai:

- Ta đưa nàng vào trong tham quan.

Vân Yên gật đầu, để Dận Chân đưa mình vào tham quan ngôi chùa trang nghiêm bừng tỉnh sau một giấc ngủ sâu, điện thứ nhất phía sau cổng chùa là điện Thiên Vương, trong điện thờ tượng Di Lặc dát vàng và Thiên Vương Tứ Hải, đã được trùng tu lại, từ phía đông đến tây là đình dựng kia ở hai bên trái phải, phía tây là hồ Công Đức, cầu Công Đức, chếch phía Tây là gác chuông và gác trống.

Đi qua điện Thiên Vương là Đại Hùng Bảo Điện. Đại Hùng Bảo Điện thờ Phật Tam Thế, phía bắc của điện là điện Phật Vô Lượng Thọ, nơi Vân Yên đã từng để Đồng Nhi và Lung Nhi an nghỉ trong đêm bão tuyết.

Hai người tay trong tay bước vào điện, trong điện sáng bừng hẳn lên, hương khói vấn vít, ngay cả tượng Phật dát vàng cũng toả sáng lấp lánh, Vân Yên nhìn thấy đôi búp bê đáng yêu ngây thơ ngồi dưới tượng Phật, tim cũng run lên, ngước đầu nhìn Dận Chân, chàng gật đầu, kéo tay nàng bước lên phía trước. 

Hai người cùng nhẹ nhàng quỳ xuống đệm cói, chắp tay cầu nguyện trước tượng Đại Nhật Như Lai.

Khi mở mắt ra, Dận Chân nắm bàn tay Vân Yên đặt bên người, cùng nhau nhìn đôi búp bê, khẽ nói:

- Hai bé ở đây, nhà chúng ta cũng ở đây, sau này nàng đến lúc nào cũng được. 

Chàng và nàng đi từ cửa nhỏ bên điện Phật Vô Lượng Thọ về phía con đường phía nam, rẽ vào một tiểu viện thanh tịnh xinh đẹp.

Kiến trúc quen thuộc cổ xưa, cây hoa ngọc lan thân thương, và cả... nét chữ tuấn dật trên tấm hoành - "Tứ Nghi Đường!"

Buổi chiều ngày hạ, ánh nắng rực rỡ, cây xanh bóng mát, trong sân đặt hai chiếc ghế mây, trên chiếc bàn nhỏ đặt ấm trà thơm.

Vân Yên đứng dưới tán cây ngọc lan, ngẩng đầu xúc động:

- Đến cả cây ngọc lan chàng cũng mang tới đây.

Dận Chân gật đầu mỉm cười:

- Đây là một ngôi nhà khác của chúng ta, hôm nay ở đây, muốn ở mấy ngày thì ở.

Vân Yên không biết nên nói gì, người đàn ông này, theo dòng chảy của năm tháng, tấm lòng của chàng càng lúc thêm quý báu.

Đồ đạc trong phòng gần như đầy đủ, trang trí cũng giống hệt như trong phủ, tuy không xa hoa như ở Ung Vương phủ, nhưng thoải mái trang nhã.

Vân Yên đi theo Dận Chân ăn chay ngồi thiền trong chùa, cả ngày hai người hoà thuận đầm ấm, mỗi ngày sáng trưa tối đều đến điện điện Phật Vô Lượng Thọ thắp hương cho hai bé, ở lại mấy ngày rồi mới về phủ.

Tiền tuyến tây chinh đưa tin tức về, Đại Tướng Quân Vương Thập Tứ A Ca Dận Trinh sau khi thuyết phục và chuẩn bị chu đáo kỹ lưỡng, chỉ huy Bình Nghịch Tướng quân Diên Tín từ Thanh Hải, Định Tây Tướng quân Cát Nhĩ Bật từ Xuyên Điền (Tức Tứ Xuyên - Vân Nam) tiến quân vào Tây Tạng.

Tháng tám, Cát Nhĩ Bật dẫn quân vào đóng tại Lạp Tát (Tức Lhasa). Tháng chín, Dận Trinh lệnh cho Diên Tín đưa Đạt Lai Lạt ma (2) mới phong vào Tây Tạng, tổ chức nghi thức Toạ Sàng trang nghiêm ở Lạp Tát. Đến lúc này, quân phản loạn Tây Tạng do Sách Vượng A Lạp Bố Thản cầm đầu được bình định hoàn toàn, uy danh của Đại Tướng Quân Vương Thập Tứ A Ca Dận Trinh vang xa, làm triều đình kinh ngạc. Khang Hi ra lệnh lập bia tưởng niệm, lệnh cho tôn thất, Phụ Quốc công A Lan Bố khởi thảo ngự chế văn bia.

Thời gian này, triều đình hân hoan vui mừng, thêm những kẻ "có tâm" âm thầm truyền tin, nên trên triều càng tin rằng Khang Hi sẽ truyền ngôi cho Đại Tướng Quân Vương Thập Tứ A Ca Dận Trinh công lao hiển hách.

Tuy trong lòng Dận Chân sốt ruột, nhưng ngoài mặt vẫn thản nhiên. Hàng ngày chàng qua lại với tăng lữ càng thêm mật thiết, đa số thời gian nếu không phải tham thiền, thì sẽ thảo luận chính cuộc và sắp xếp thế lực.

Mỗi lần đến chỗ Hoan Sênh đón Vân Yên, nét mặt chàng đều hằn rõ sự mệt mỏi, Vân Yên biết chàng gánh nặng nhiều điều, còn Hoan Sênh cũng dần dần ổn định, nên cách mấy ngày nàng mới đến thăm, dành nhiều thời gian chăm sóc chàng hơn. Mỗi ngày nàng đều dồn tâm dồn sức làm những món ăn gia đình giản dị, tay nghề nấu ăn dần dần tiến bộ. Mỗi tối đều đứng trước cửa đón chàng về, rồi giúp chàng rửa mặt rửa chân, nhẹ nhàng xoa bóp gân cốt, hai người ăn cơm xong thì lên giường đi nghỉ sớm, cũng gọi là vất vả đi đôi với thanh nhàn

Dưới sự đe nẹt dụ dỗ của Dận Chân, Vân Yên đành phải làm thêm các loại áo lót, Thậm chí có ngày Dận Chân "tài hoa" bỗng nhiên gợi ý Vân Yên, nếu như thay đổi một chút dây áo lót, thì có thể làm quần lót, vừa hay dùng cùng một mảnh vải,  làm thành một bộ.

Vân Yên suýt nghẹn vì nước bọt của mình, khó tin nhìn chàng, còn tưởng phu quân nhà mình cũng từ tương lai đến.

Sao chàng lại nghĩ đến việc quần áo lót có thể làm thành một bộ? Quan trọng là áo lót bốn dây mặc từ trước ra sau... Mỗi đôi dây đều buộc trên eo... Giống y hệt mẫu áo lót gợi cảm ở hiện đại.

Vân Yên mở to mắt nhìn chàng một lúc lâu, không thốt thành lời. Cuối cùng chàng tới ôm nàng vào lòng, nàng ước lượng trên cổ chàng, cắn một cái.

Vân Yên rầm rì bên tai chàng:

- Chàng nói thật đi, thứ linh cảm không đứng đắn này từ đâu ra? Gần đây không dính líu gì đến mỹ nhân nào đấy chứ?

Dận Chân nhìn nàng, trả lời rất mập mờ:

- Ta có hay không nàng còn không biết ư?

Vân Yên mặt đỏ lựng:

- Đáng ghét.

Dận Chân bế bổng nàng lên:

- Ta đáng ghét, nhưng nàng phải làm một bộ để ta ngắm thử, ngày nào cũng dụ dỗ ta, lại còn chạy ra ngoài, lúc về thì kêu mệt muốn ngủ, tìm ta làm nũng, hôm nay phải trị nàng, có kêu Tứ gia cũng vô dụng.

"Thử" đến cuối cùng, Vân Yên đành phải may một bộ, hậu quả đương nhiên không thể nói tỉ mỉ. Tuy trên triều sóng gió dồn dập, nhưng trong gia đình nhỏ ấm đượm tình cảm.

Năm tháng đối với hai người đã trải qua khó khăn trắc trở mang theo tình yêu sâu đậm, mỗi ngày đều là báu vật vô giá.

Ngày dự sinh của Hoan Sênh là tháng ba năm sau, nhưng không ngờ năm sắp hết lại xảy ra chuyện.

Vào một đêm, Vân Yên ngủ say trong lòng Dận Chân, bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa dồn dập, nàng giật mình tỉnh giấc. Dận Chân cũng tỉnh theo, xoa đầu Vân Yên, đáp lại một tiếng đầy khó chịu.

Nào ngờ là giọng nói gấp gáp của Tô công công:

- Chủ tử, phu nhân, Tiểu Khấu Tử phủ Thập Tam chạy đến báo tin, Hoan cách cách sinh sớm ạ.

- HẾT CHƯƠNG 183 -



(1) Mái Yết Sơn:  (mái nửa chỏm)

là một dạng trong hệ thống kiến trúc mái cổ đại Trung Quốc. Về quy cách kiến trúc đứng thứ hai sau kiểu mái Vũ Điện. Mái Yết Sơn tổng cộng có 9 gờ diềm, trong đó gồm 1 bờ nóc, 4 bờ dải và 4 bờ chảy, nên từ đó có tên gọi là “Cửu Tích Điện”.

(2) Đạt-lại Lạt-ma hay Đạt-lai Lạt-ma hay Đa Lai La Ma là danh hiệu của một nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng thuộc trường phái Cách-lỗ. "Đạt-lại" có gốc từ tiếng Mông Cổ nghĩa là "biển cả" còn "Lạt-ma" là từ tiếng Tây Tạng được dịch từ tiếng Phạn, là từ xưng hô dành cho các vị Đạo sư. "Đạt-lại Lạt-ma" có nghĩa là "Đạo sư với trí tuệ như biển cả". Trong lối dùng hàng ngày nhiều người còn dùng Phật sống để chỉ Đạt-lại Lạt-ma.

Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất