Thệ Bất Vi Phi

Chương 100: Vương phủ

Edit: Ckun

Beta: Docke

Trên đường cả nhóm đi tới Tuyên Vương phủ, ta phát hiện, Tuyên Vương phủ ở cách chỗ chúng ta khá xa, phải đi mất mấy con phố. Tư Đồ vuốt vuốt bộ râu trên mặt nàng, hỏi ta: “Ta có nhất thiết phải hóa trang thành thế này không?”  

Ta sờ sờ râu cá trê trên mặt, nói: “Hình dáng của ngươi nhục nhã lắm sao? Ngươi đó, vẫn là đệ nhất mỹ râu, phong độ nhẹ nhàng như Quan Vân Trường vậy. Chẳng bù cho ta so với ngươi còn xấu hơn bao nhiêu. Ta còn chưa than khổ, ngươi than cái gì?”

Tư Đồ trầm mặc một lúc lâu lại nhìn nhìn Tiểu Phúc Tử, nói: “Vậy vì sao hắn không cần hóa trang? Chỉ đội mũ che khuất mặt rồi cứ thế mà đi là sao?”

Ta nói: “Tiểu Phúc Tử có nổi danh như ngươi không? Có vừa trốn ra từ Thụy Vương phủ không? Có phải ngươi vẫn còn lưu luyến bí kíp võ công của Thụy Vương phủ, muốn bị người ta bắt đi đúng không?

Tư Đồ rốt cục ngừng lải nhải, theo ta đi về phía trước…

Hiện giờ, phong thanh hạc lệ* (gió rít hạc kêu), ta cùng với Tư Đồ hai người đều hóa trang, dịch dung. Ta vẫn thích râu cá trê hơn, ngoại trừ râu cá trê là không đổi thì diện mạo so với hồi ở Mẫu phủ thật sự khác rất xa. Ta tin tưởng, giả sử bây giờ có đối mặt trực diện với tiểu nha đầu Tiểu Lan của Mẫu phủ, nàng cũng sẽ không thể tin nổi, người đang đứng trước mặt mặc dù thấp bé, nhưng dáng vẻ rất thư sinh này lại chính là Lưu Vân sư phó thấp bé héo rút ở Mẫu phủ. Khí chất khác nhau rất xa, một người quý khí mười phần, một người thần thái ti tiện, sao có thể cùng là một?

Còn Tư Đồ lại hóa trang thành một vị mỹ nam râu dài, phong độ tinh tế nhẹ nhàng. Tuy vậy, tu dưỡng so với thái độ của Phan An vẫn kém xa vạn dặm. Nguyên nhân cũng bởi vì Tư Đồ vẫn luôn miệng lầm bầm oán giận không ngừng.

Ta nghĩ, cổ đại cũng có nhiều điểm tốt. Nam nhân có thể để râu, râu có thể che đậy rất nhiều thứ, nói ví như, không có hầu kết, môi đỏ mọng quá lộ liễu chẳng hạn. Nó cũng làm gia tăng khí khái nam nhi lên rất nhiều. Cho dù không che đậy được, cũng có thể hấp dẫn ánh mắt của người khác. Nói ví như bộ râu cá trê nho nhỏ trên khuôn mặt ta đây, trông khá giống Lục Tiểu Phụng nha, tựa như lông mi vậy…

Hấp dẫn biết bao ánh mắt người đi đường a…

Chúng ta đi vào Tuyên Vương phủ, giơ lệnh bài ra, thật sự có thể thuận lợi tiến vào phủ, không có ai cẩn thận kiểm tra. Một vị có vẻ là quản gia, đưa bọn ta đi ra sân sau tiến vào hậu viện. Vừa tới cửa viện hình lưỡi liềm, ta liền nhìn thấy ba tấm bia đá thật lớn đứng sừng sững trong sân viện. Có một tấm bia hiển nhiên đã bị người ta dịch chuyển, lệch về hướng khác cách xa hai tấm kia.

Vị quản gia nói: “Mấy vị tiên sinh, Vương gia chúng ta đã dặn, mấy vị cứ ở trong này xem đi, sẽ không có ai quấy rầy.” Lại nói: “Tối hôm qua không biết làm sao lại như thế, tấm bia này đã tự nhiên di chuyển một cách khó hiểu, tựa như có thần tiên hiển linh vậy đó…”

Nói xong, hắn cung kính chắp tay hướng tấm bia đá lạy một cái rồi mới đi…

Ta cười, liếc mắt nhìn Tiểu Phúc Tử cùng Tư Đồ một cái. Hai người đó, một người thì ngắm cá vàng trong ao, một kẻ thì nhìn chim đậu trên cây, làm như không hề nghe thấy lời quản gia nói vậy.

Ta cũng không so đo với bọn họ, tự mình nhìn văn tự khắc trên bia đá.

Đúng như lời Tuyên Vương đã nói, trên mặt bia văn toàn bộ đều chữ trũng chữ nổi, thật đúng là không cùng một loại thủ pháp điêu khắc. Hơn nữa còn chỗ cao chỗ thấp, không giống những tấm bia đá khác được tạo thành từ những khối đá san bằng. Có chữ sâu vào bên trong một chút, có chữ lại nhô ra một chút, thật đúng là rất khó để thác ấn. Khoảng cách giữa các chữ còn khắc không ít hoa văn, giống như trong quyển ‘Tiếng đàn vận cổ’ kia, toàn bộ đều là hình vẽ về cơ quan bố trí.

Trong đó có không ít những từ ngữ cổ quái, hỗn loạn, chưa từng gặp qua, khiến ta dù suy nghĩ trăm lần cũng khó mà giải thích được…

Hậu viên Vương phủ tuy rằng muôn hoa khoe sắc, nhưng ít người lui tới. Ngẫu nhiên xuất hiện một hạ nhân thì ta hỏi cái gì cũng không biết. Ta nghĩ, có thể là Tuyên Vương đã sớm dặn dò hạ nhân, cấm bọn họ không được tùy tiện đi loạn, không được cùng chúng ta nói nhiều hơn nửa câu. Chắc là để tránh bị chúng ta lôi kéo làm hư?

Chỉ có điều, tuy rằng không cùng chúng ta nói chuyện, nhưng lại lục tục đưa tới không ít thứ linh tinh. Nào là giấy bút nghiên mực, rồi điểm tâm tinh xảo, bày đầy một bàn đá, làm ta không khỏi cảm thấy thụ sủng nhược kinh.

Nhìn ba tấm bia đá này, ta nghĩ. Bây giờ mà có mấy chụp ảnh hiện đại thì tốt rồi, đâu cần phải phiền toái như vậy. Không nên đứng ở Tuyên Vương phủ này mãi được. Tư Đồ cùng Tiểu Phúc Tử trong lòng đã sớm bất mãn. Hai lỗ tai cảnh giác mà dựng đứng lên, lắng nghe nhất cử nhất động xung quanh. Trông thấy bộ dáng đề phòng vạn phần của bọn họ, ta không khỏi cảm thấy vô cùng kỳ quái. Vì sao bọn họ có phản cảm với Tuyên Vương như vậy, ngược lại đối với Lâm Thụy lại rất có hảo cảm?

Lâm Thụy kia rốt cuộc có gì đặc biệt mà khiến cho cả hai người đó đều đồng loạt nhất trí khen ngợi như vậy?

Nhưng mà, vào Tuyên Vương phủ, không hiểu sao ta lại nhớ đến hai vị muội muội mù đáng thương kia. Một người trong đó có khả năng là cốt nhục của Tuyên Vương. Tuổi còn nhỏ mà đã phải lưu lạc bên ngoài, thê thảm vô cùng. Theo ta thấy, đây có thể là kết quả phong lưu khắp nơi của Tuyên Vương. Ta lại nhớ đến tiếng xấu đồn xa kia, nói rằng: Mỗi khi Tuyên Vương đến một chỗ nào đó, đều có nữ tử mất tích một cách khó hiểu. Kết quả là, đều sẽ xuất hiện tại Tuyên Vương phủ, trở thành độc chiếm của Tuyên Vương. Ta vội nhắc nhở bản thân một chút, cũng không thể trở thành một vật phẩm trong bộ sưu tập của hắn. Nhưng quay đầu nghĩ lại, sao có khả năng, mỹ nhân đi theo Tuyên Vương, không phải thiên kiều bá mị, thì cũng là hoa nhường nguyệt thẹn. Cho dù mắt hắn bị mù, cũng sẽ không coi trọng ta đâu. Ây da, vẫn nên đi nghiên cứu bia văn kia một chút thì hơn…

Ta cẩn thận dùng bút phác họa lại văn tự cùng các hình vẽ trên bia đá. Buổi sáng chớp mắt đã trôi qua, mới họa được một chút, ta không khỏi thở dài, cứ như vậy thì đến bao giờ mới họa xong? Hơn nữa, trên mặt bia còn có những chữ xa lạ ta không được biết. Không biết thì tất nhiên là càng khó ghi chép. Ta nghĩ, nếu như có người quen thuộc loại chữ này đứng ra giúp ta thì thật tốt quá rồi.

Ngắm nghía gã người hầu đứng thẳng một bên, trầm mặc ít lời, nhưng thật ra chỉ cần sai bảo chắc chắn sẽ nghe theo. Ta hỏi hắn: “Huynh đài, không biết trong quý phủ có ai giỏi vẽ không, có người nào có thể nhận biết được mấy chữ viết trên này không? Nếu có thì có thể nhờ Vương gia gọi hắn đến giúp ta được không?”

Nô bộc này nhìn sang ta, không nói tiếng nào, gật gật đầu rồi đi. Ta cũng không biết hắn gật gật đầu đồng ý hay là như thế nào nữa?

Ta thở dài, lắc lắc đầu, tiếp tục xem tranh chữ trên bia đá. Nhìn nửa ngày vẫn không lĩnh ngộ được gì. Lại lật qua lật lại quyển ‘Tiếng đàn cổ vận’ trong tay. Thực hiển nhiên, bản ‘Tiếng đàn cổ vận’ này đã có người chú giải, trở nên đơn giản dễ hiểu, không thể đem ra so sánh với ba tấm bia đá này, tối nghĩa vô cùng…

Ta đang lúc hết đường xoay xở, Tiểu Phúc Tử và Tư Đồ lại ở một bên nói lời lạnh nhạt: “Xem không hiểu, không bằng đi về còn tốt hơn, ở lại đây cũng vô dụng thôi…”

“Đúng đó, họa chậm như vậy, nửa ngày mới họa được một cái sừng thì khi nào mới họa xong đây…”

“Tay chân chậm chạp như vậy, so với lão thái thái chẳng nhanh hơn được bao nhiêu…”

Trong lòng ta càng thêm phiền muộn, quay đầu đang muốn quát lớn vào mặt hai người kia, kêu bọn họ đừng nhiều lời vô nghĩa như vậy nữa. Bọn họ liền lảng đi, cố gắng tránh xa, thôi thì cứ đứng xa xa cạnh mấy bụi hoa, ngắm hoa vậy…

Ghi Chú:

“風聲鶴唳草木皆兵”: Phong thanh hạc lệ, thảo mộc giai binh ”

Câu thành ngữ này để chỉ quân Tần khi rút chạy, sợ hãi đến mức nghe tiếng gió rít (phong thanh), hạc kêu (hạc lệ), nhìn thấy cây cỏ (thảo mộc) mà cũng tưởng là quân Tấn đang đuổi theo mình.

Câu thành ngữ này có nguồn gốc từ Trận Phì Thủy giữa quân Tiền Tần và quân Đông Tấn, được xem là một trong những trận chiến lừng danh nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Trận Phì Thủy (Phì Thủy chi chiến): là trận đánh nổi tiếng năm 383 thời Đông Tấn – Ngũ Hồ thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc giữa quân Tiền Tần và quân Đông Tấn. Gần 100 vạn quân Tiền Tần gồm nhiều sắc tộc Ngũ Hồ và Hán, dưới sự chỉ huy của vua Tần Phù Kiên vừa thống nhất miền bắc đi thân chinh, cuối cùng bị quân Đông Tấn dưới sự chỉ huy của danh tướng Tạ Huyền đập tan. Không chỉ quân Tiền Tần tan nát mà bản thân vua Tần Phù Kiên cũng bị thương. Trận chiến Phì Thủy, với đại thắng của quân Đông Tấn, được đánh giá là trận đánh quan trọng nhất thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc, và cũng được xem là một trong những trận “lấy ít thắng nhiều” tiêu biểu nhất trong lịch sử.

Ngoài ra, trận đánh này được xem là một trong những trận chiến lừng danh nhất trong lịch sử Trung Quốc. Sau thảm họa Phì Thủy, Nhà nước Tiền Tần không thể nào vực dậy được nữa, và hai năm sau thì sụp đổ hoàn toàn, trong khi Nhà nước Đông Tấn vẫn vững tồn nhờ đại thắng này.

Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất