Trận mưa to kinh hoàng này đã rơi trọn vẹn hai mươi ngày. Mọi người bắt đầu ý thức được đây không phải là một trận mưa bình thường, ngày ngày đều có quan binh của Ngũ Thành Binh Mã Ti và Thành Phòng Doanh (doanh trại phòng thủ kinh thành) qua lại tuần tra ở trên đường. Nói tóm lại, nội thành không bị ngập quá nhiều, chỉ sợ nước của hộ thành hà không kịp thoát, sẽ bị tràn ra, nếu là như vậy thì dân chúng sống xung quanh thành sẽ gặp nạn.
Cửa hàng trong kinh thành, phần lớn đều bị ngập, chỉ có một ít cửa hàng mới xây ở đường Trường An vì có nền khá cao, cho nên, trong tiệm cũng không bị ảnh hưởng gì, chỉ có điều trời mưa nên trên đường phố cũng vắng người, khách hàng cũng ít hơn. Nếu là cửa hàng ăn thì ngược lại cũng không sao, mỗi ngày chỉ cần có đồ ăn để bán, thì nhất định sẽ có thể bán được, thế nhưng nếu là những cửa hàng bán đồ trang sức châu báu, xiêm y vải vóc thì trước cửa đã có thể giăng lưới bắt chim rồi, vào những ngày mưa, ai còn muốn lên phố mua mấy thứ này chứ.
Giá gạo và rau ở nội thành càng ngày càng tăng, sau hơn mười ngày, thì mọi người phát hiện, đồ vật có thể mua được càng ngày càng ít, lương thực ở cửa hàng lương thực đã tăng giá một cách chóng mặt. Tống Ngọc Tịch để Lâm Phàn tìm cửa hàng mặt tiền còn trống làm nơi mua bán lương thực tạm thời, rồi đem lương thực đã trữ trước đó, bán với giá như ngày thường. Tuy nhiên, người cần mua phải chứng minh được hộ tịch, mỗi nhà chỉ mua được tối đa là một đấu gạo mỗi ngày, được mua năm ngày liên tiếp, sau đó nghỉ hai ngày, sau đó lại được mua năm ngày liên tiếp, nhiều hơn không bán, ra giá cao hơn cũng không bán.
Có không ít tiểu thương bán lương thực tìm Lâm Phàn thương nghị, nói muốn mua toàn bộ lương thực mà Lâm Phàn đang có với giá gấp 10 lần, nhưng đều bị Tống Ngọc Tịch cự tuyệt, hơn nữa nàng cũng nói luôn với Lâm Phàn, cho dù có người ra giá gấp trăm lần, nghìn lần, thì cũng không thể bán!
Ban đầu còn có người nói lão bản này ngu, có tiền mà không biết kiếm, một số hộ gia đình lớn còn dư lương thực trong hầm, thì cũng không đến mức vì hai thăng [1] gạo mà xếp hàng. Thế nhưng sau khi mưa không ngừng rơi một tháng, thì tất nhiên chưa nói bọn họ, lương thực còn dư trong nhà dân chúng đã gần cạn kiệt, thùng đựng gạo đã bắt đầu thấy đáy, đến lúc này thì cửa hàng lương thực của Tống Ngọc Tịch đã giải quyết được vấn đề lớn cho họ, ngay cả những hộ gia đình lớn cũng bắt đầu ý thức được vấn đề này. Mà quan trọng là, các cửa hàng lương thực khác ở nội thành cũng đã bán gần hết, cho dù những hộ gia đình lớn có tiền, cũng không thể mua được nhiều thứ, cho nên, họ cũng chỉ đành như những người bình thường, mỗi ngày đều đến cửa hàng lương thực trên đường Trường An để mua. Có một số dân chúng nghèo khổ, đều trăm miệng một lời nói cửa hàng lương thực này có tâm, lan truyền điều này đi khắp đầu đường cuối ngõ, và số người làm vậy lại ngày một tăng.
[1] thăng: 1/10 đấu
Tống Ngọc Tịch đã sớm dự đoán được tình huống này, cho nên để đề phòng thì ngay từ lúc vừa mới bắt đầu, để bảo đảm mỗi nhà đều có thể mua được, thì nàng đã hạn chế mỗi người chỉ có thể mua được một thăng mỗi ngày, cũng bởi vì nàng đã tính toán cung ứng ở mức lớn nhất, cho nên, đã giải quyết được sự lúng túng về tình trạng thiếu lương thực cho hầu hết người dân trong kinh thành.
Chuyện này rất nhanh đã được Tống Dật biết, nghe nói con gái làm ra chuyện lớn như vậy, hơn nữa còn xử lý ra hình ra dáng, ngay ngắn rõ ràng. Vì sợ cửa hàng lương thực sẽ xảy ra vấn đề, Tống Ngọc Tịch cũng biết, nếu mưa tiếp tục rơi xuống, khó đảm bảo sẽ nảy sinh độc ác, gan lớn mà gây chuyện, đánh chủ ý vào cửa hàng lương thực của nàng, vì vậy nàng dứt khoát ghi chuyện này dưới danh nghĩa của Tống Dật, để cho ông dùng danh nghĩa phủ Trấn Quốc công mà tiến hành mua bán những lương thực này. Mỗi ngày bên ngoài cửa hàng đều có khoảng bốn mươi năm mươi quan binh của phòng thủ doanh thay phiên canh gác. Chuyện của Tống gia rất nhanh đã được truyền vào trong triều đình, vốn Tống Dật còn muốn xử lý một cách khiêm tốn, nhưng thật không ngờ lại được Thái Tử nói ra trong lúc thượng triều, Hoàng đế nghe xong thì vô cùng vui mừng, gọi Tống Dật ra trước mặt, nói:
"Thiên tai ập đến, may có ái khanh vì trẫm phân ưu!"
Tống Dật xấu hổ, thành thật nói: "Cái này... Kỳ thật cũng không phải là chủ ý của thần, mà là khuê nữ của thần nghĩ ra."
Hoàng đế liền kinh ngạc, nói: "Ồ? Là nữ nhi của ái khanh nghĩ ra sao? Thế gian này lại có nữ tử biết phòng ngừa chu đáo như vậy ư? Khuê nữ của ngươi, hầu hết trẫm đều đã gặp qua, là người nào vậy!"
"Là tiểu Thất, tên Ngọc Tịch, Hoàng Thượng có lẽ cũng đã gặp qua."
Câu trả lời của Tống Dật thoáng cái đã làm cho Hoàng đế nhớ lại, vỗ bàn nói: "À, Tống Thất, trẫm nhớ rõ nàng! Khuê nữ của Sở gia và Đỗ gia hình như là được chính nàng cứu lên bờ đó, ái chà chà, không ngờ tới nàng còn nghĩ ra cái này. Tốt tốt tốt, ngươi lại nói cho nàng biết, chuyện này trẫm đã nhớ kỹ, để cho nàng xử lý sự tình cho tốt, sau khi trời quang mây tạnh, trẫm nhất định luận công ban thưởng!"
Sau một phen xen giữa như vậy, triều thần lại bắt đầu ảm đảm buồn rầu mà bàn tán về đợt mưa lũ thiên tai lần này. Lúc này bọn họ còn chưa biết mưa này sẽ kéo dài tận ba tháng liền, chỉ có Tiêu Tề Dự và Tống Ngọc Tịch là tỏ tường, cho nên, Tống Ngọc Tịch biết trước mà làm ra một loạt hành động như vậy, Tiêu Tề Dự cũng không cảm thấy là kỳ quái, hơn nữa trong lòng không chỉ không cảm thấy kỳ quái, mà còn cảm thấy vui mừng sâu sắc. Lúc trước hắn thật sự sợ Tống Ngọc Tịch thèm tiền đến phát điên, nên sẽ nhân cơ hội này mà kiếm bộn tiền. Thế nhưng sau khi quan sát hành động của nàng cho đến bây giờ, thì vẫn là người vừa có thủ đoạn lại có tâm.
Hành động ở nội thành này của nàng, cũng có tác dụng rất lớn trong việc trấn an dân tâm, giúp Tiêu Tề Dự giảm thiểu không ít phiền toái, làm cho hắn ở trong cung có thể thong dong mà phân phó, hắn nói:
"Ta đã sai Khâm Thiên Giám xem qua trận mưa này, họ nói đây chính là thiên tai, chỉ sợ còn sẽ kéo dài, triều đình nhất định phải cân nhắc thật tốt bước kế tiếp nên làm gì! Sau thiên tai, mùa màng chịu ảnh hưởng, quốc khố phải chăng có còn lương thực dự trữ, sẽ cứu trợ như thế nào? Nếu như bộc phát ôn dịch thì phải xử lý như thế nào?"
Kỳ thật, Đông cung cũng đã đàm luận qua những phương án xử lý cho việc này từ sớm. Lương thực và đồ cứu trợ trong quốc khố, hắn đã sai hộ bộ chuẩn bị thật tốt từ sớm, bây giờ nội thành có Trấn Quốc công phủ phát lương thực, tạm thời có thể không cần sử dụng đến quốc khố, đợi đến khi nàng cạn kiệt, hắn có thể điều phối và vận chuyển bổ sung từ lương thực của quốc khố bất cứ lúc nào. Chỉ có điều, trước đây khi chuẩn bị những thứ này, hắn không thể nói thẳng nguyên do, mọi người chỉ biết là Thái tử điện hạ có tầm nhìn xa, bổ sung quốc khố đầy tràn, mà hiện tại mưa đã rơi nhiều ngày như vậy, lúc này chính là thời điểm thích hợp nhất để lấy những chuyện này ra thảo luận cùng triều thần.
Lúc này triều thần cũng là nhìn ra Thái Tử thật sự tài giỏi, không chỉ hạ lệnh xây dựng thêm rãnh thoát nước từ lâu, thật lòng mà nói, khi Thái Tử đề xuất chuyện này, trong lòng rất nhiều người đều nghi hoặc, chỉ cảm thấy Thái tử điện hạ đúng là nhãn rỗi nên tìm thêm việc, rãnh thoát nước được xây dưới mặt đất hơn mười hai mươi năm mà chưa từng có vấn đề gì, tại sao lại phải cơi nới thêm chứ! Nhưng hôm nay khi hồi tưởng lại, mọi người đều nghĩ, nếu khi đó Thái Tử không chủ trương cơi nới thêm, không chừng sau khi mưa rơi được một tháng, thì nước đã nhấn chìm ngự thư phòng rồi...
Bên trong Trấn Quốc công phủ cũng vô cùng hỗn loạn, người của trù phòng lên phố mua đồ, căn bản không mua được gì, cho dù các vị chủ tử trong phủ đã hạ thấp yêu cầu xuống, nhưng bọn họ vẫn không có cách nào thỏa mãn, thậm chí lương thực cũng đều do Thất tiểu thư phái người đưa về. Mà lúc này, tất cả viện nhỏ cũng đã rơi vào trạng thái đói kém, chỉ có trong Vũ Đồng viện, là thoải mái dễ chịu không khác ngày thường ngày, mỗi ngày phòng bếp nhỏ còn có thể cung ứng cho Lâm thị tối thiểu là hai món mặn, hai món chay và một chén canh. Những thứ này đều do Tống Ngọc Tịch mua bằng tiền riêng, cho nên không được tính là đồ chung của phủ, vì vậy cho dù Kỷ Lan các nàng đỏ mắt, nhưng thực sự cũng không có cách nào. Lần đầu tiên thấy hận Tống Ngọc Tịch quá biết kiếm tiền, nếu những thứ này, Tống Ngọc Tịch đều mua bằng bạc từ trong khố phòng của phủ, thì lúc này các nàng đã có thể danh chính ngôn thuận chiếm dụng những thứ này rồi.
Lâm thị đương nhiên cũng không ngu, mà lại có thể đưa cho các nàng những đồ mà con gái tự tay chuẩn bị cho mình. Mỗi ngày bà đều tính toán, dù sao cũng phải cố định để lại cho Tống Dật và Tần thị phần cơm canh nóng. Tống Dật phát hiện, mỗi khi về đến nhà, không những không thể cho Lâm thị một môi trường an toàn, mà mỗi ngày còn được Lâm thị chiếu cố, cũng cảm thấy có chút dở khóc dở cười.
Ngược lại Tần thị cũng không bị ảnh hưởng gì, Lâm thị hiếu kính bà, bà cũng không cự tuyệt. Kỷ Lan và những thê thiếp khác đến trước mặt bà khóc lóc kể lể, bà cũng chỉ đánh thái cực (chỉ việc uyển chuyển trong giao tiếp), chỉ một mực nói đồ của Lâm thị không phải của công, nàng đưa cho mình là vì nàng hiếu thảo, nhất quyết không chịu nói rằng sẽ bảo Lâm thị mang những thứ đó phân cho mọi người cùng hưởng. Khiến Kỷ Lan tức giận đến lỗ mũi cũng xì khói, nhưng cũng không làm được gì, dù sao đồ là do Lâm thị tự mình mua, cho dù dựa theo đạo lý mà nói, thì Lâm thị hiếu kính chủ mẫu cũng là điều nên làm, nhưng những điều này đều xuất phát từ tính tự giác của mỗi người, chỉ có thị thiếp chủ động hiếu kính chủ mẫu, nào có chuyện chủ mẫu mở miệng yêu cầu thị thiếp phải đến hiếu kính mình? Vạn nhất Lâm thị là thứ hỗn láo, cự tuyệt ngay tại chỗ, thì bà ta không những không nhận được đồ, lại ồn ào đến mất hết cả mặt mũi, thật sự là không đáng!
Trong lúc toàn bộ kinh thành đều bị bao phủ bởi một màn sương khói mờ ảo do trời, thì trên đường Trường An cũng chỉ có tiệm cơm Phù Dung Viên là mở cửa. Cả tháng mưa to, ngay cả đội thuyền vận chuyển thực phẩm cũng không có khả năng đến được, mà Hoài Đông Hào của Tống Ngọc Tịch, trước khi trời mưa, đã cập bến một lần, trong khoang thuyền chứa đầy khoai lang và khoai tây, còn có một ít rau quả và nhiều thứ khác, cho nên có thể giúp cho Phù Dung Viên duy trì việc mở cửa. Mà việc kinh doanh Phù Dung Viên cũng không giống với việc kinh doanh của cửa hàng bán lương thực.
Cửa hàng lương thực là để bảo đảm mọi người không bị đói bụng mà chết, còn Phù Dung Viên chính là nơi thu phí đứng đắn, bởi vì ngay vào lúc này có thể đến ăn đồ ăn trong tửu lâu đều là người không thiếu tiền, đối với người như vậy, Tống Ngọc Tịch còn phải khách khí sao, cũng không thể làm từ thiện với tất cả mọi người chứ, nên kiếm thì vẫn phải kiếm.
Tần thị bị các nữ nhân trong nhà làm phiền đến mức không thể chịu đựng được, vì vậy sau khi Tống Ngọc Tịch về phủ liền đi gặp bà.
Bây giờ những vũng nước lớn ở trong sân đều có thể nuôi cá được rồi, mỗi viện đều có bà tử cường tráng chuyên canh giữ ở hai bên, chuyên để cõng chủ tử lội qua nước. Khi Tống Ngọc Tịch quay lưng vào cửa, thì Tần thị mới vừa thắp hương xong, đứng dậy từ trên bàn thờ không nói tiếng nào, để cho Tống Ngọc Tịch trực tiếp ngồi trước bàn thờ Phật chép kinh. Tống Ngọc Tịch chép kinh được một lúc, mới cảm thấy không đúng, mà hỏi Tần thị:
"Tổ mẫu có phải có lời muốn nói với con không?"
Tần thị lúc này mới buông xuống kinh Phật và Phật châu trong tay, ho nhẹ một tiếng, nói với Tống Ngọc Tịch:
"Ừ, cũng không có chuyện gì lớn, chính là..." Sau khi do dự một lúc, mới thở dài mở miệng, nói:
"Nếu trong tay con còn có chút nguyên liệu tươi mới, thì đưa cho mẫu thân của con và mấy di nương khác trong phủ một ít. Trong đạo Phật có nói, cứu một mạng người còn hơn xây 7 tháp Phù Đồ, lẽ ra các nàng vốn nên hài lòng khi hiện tại mình còn có đồ ăn, nhưng cũng khó tránh khỏi vẫn muốn ăn những thứ khác... chính là... Ý của ta, con có hiểu không?"
Tống Ngọc Tịch làm sao không hiểu? Sau khi để bút xuống, thì nghiêm túc suy nghĩ một chút, rồi mới nói với Tần thị:
"Con hiểu lời người nói, nhưng con cũng chưa biết phải làm như thế nào! Ý của tổ mẫu là... tặng không?" Sau khi nói xong, không đợi Tần thị mở miệng, Tống Ngọc Tịch liền nhanh chóng nói tiếp: "Tặng không thì không được, con là người làm ăn."
Tần thị thấy nàng đồng ý, thì lúc này mới nở nụ cười, nói: "Nào có chuyện tặng không chứ, con ở ngoài bán bao nhiêu tiền, thì tự nhiên cũng sẽ bán cho các nàng tưng đấy tiền! Cho dù là bao nhiêu, ta cũng sẽ không nói..."
Không cần Tần thị nói thêm, Tống Ngọc Tịch cũng đã hiểu ý của bà.