Tuyển Tập Tâm Lý Tội Phạm Lôi Mễ

Chương 26

Chương 26
Nhật Ký Của Tôn Mai

Phương Mộc tỉnh lại, anh đang nằm trong bệnh viện.
Hộp sọ bị rạn. Gãy xương mắt cá chân. Đường hô hấp bị bỏng nhẹ. Và nhiều vết bỏng khác trên khắp cơ thể.
Hôm trước được đưa vào viện, hôm sau Phương Mộc lúc tỉnh lúc mê. Anh ngập ngừng, chắp nối, kể lại với Hình Chí Sâm các sự việc xảy ra trong đêm hôm đó.
Kết quả là: suốt từ sáng đến tối, luôn có hai cảnh sát đi đi lại lại canh chừng bên ngoài cửa phòng bệnh nhân Phương Mộc.
Hình Chí Sâm nói thẳng, không e dè gì nữa: cảnh sát đã định vị Phương Mộc là nghi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Con dao nhíp cỡ lớn mà Phương Mộc đề cập đến, cũng không tìm thấy ở hiện trường.
Tất cả mọi người đã chết sạch, chỉ mình anh còn sống. Cho nên, tại sao lại kết luận như thế, khỏi phải nói thì ai cũng hiểu cả.
Rồi một đêm nọ, đã rất khuya, Phương Mộc bỗng choàng tỉnh dậy.
Khắp căn buồng bệnh ngập khói, ngạt thở. Có thể nhìn thấy ánh lửa lấp lóa ngoài cửa.
Cháy!
Phương Mộc định kêu lên, nhưng không thể phát ra thành tiếng, thân thể anh như bị trói chặt không sao cựa quậy được.
Phương Mộc lo sợ cuống cuồng. Nhưng anh bỗng nhận ra phía trên đầu anh là đáy giường của Ngũ đệ.
Phương Mộc dừng lại, không cựa quậy nữa.
Mình đang nằm trong phòng 352…
Cửa bị nhẹ nhàng đẩy ra.
Trước hết là một cẳng tay bị cháy thui. Sau đó là một thân hình cũng cháy thui và khuôn mặt không sao nhận ra được nữa.
Người béo đậm. À, Chúc Tứ đệ.
Cậu ta bước đến bên giường Phương Mộc, im lặng đứng đó.
Tiếp theo là Vương Kiện bị thiêu cháy chỉ còn một mẩu ngắn, và Tôn Mai với khuôn mặt nhăn nhúm nát bươm.
Sau đó là một cô gái mặc áo dài trắng, tay nâng cái đầu người có mái tóc dài lả lướt.
Phương Mộc mở to mắt.
Các người…
Những người đã chết đứng bên nhau thành hàng ngang, lặng lẽ nhìn Phương Mộc nằm trên giường.
Những ánh mắt của họ như một tấm lưới lặng lẽ trải trên người Phương Mộc, tấm lưới dần thu lại.
Phương Mộc cảm thấy thở hít rất khó khăn. Bỗng có một âm thanh vang lên bên tai anh.
Thực ra, mày cũng như tao.
Phương Mộc lập tức ngoảnh sang. Ngô Hàm đang nằm bên cạnh anh, mắt hắn chỉ còn là hai cái hốc đo đỏ sâu hoắm, môi hắn đâu? Hai môi đã dính chặt vào hai hàm răng đầy máu và đang rung rung.
Thực ra, mày cũng như tao.
“Không!”
Phương Mộc co người trên giường, hai tay bám chặt cái đệm, miệng rên rỉ mơ hồ không rõ.
Mẹ anh ngồi bên đứng ngay dậy cố ấn anh nằm im.
“Đừng sợ, đừng sợ. Không sao đâu. Mẹ đang ở đây…”
Phương Mộc bỗng mở to mắt. Ánh mặt trời sau buổi trưa chói mắt. Anh sững sờ nhìn làn ánh sáng rực rỡ, cho đến khi ý thức dần trở lại tỉnh táo.
Vừa rồi là giấc mơ.
Anh liền thấy nhẹ nhõm, và cảm nhận rõ toàn thân mềm oặt.
Cửa bỗng bị mở ra, hai cảnh sát nghe thấy tiếng động liền chạy vào, phía sau là Hình Chí Sâm.
Họ tỏ ra cảnh giác cao độ, khiến bà mẹ Phương Mộc tức giận. Bà bước đến, đẩy Hình Chí Sâm một cái thật mạnh.
“Các người định làm gì? Vẫn sợ nó trốn mất hay sao? Các người cứ bắt nó, rồi xử tử nó đi!”
Một trong hai cảnh sát trẻ lúng túng, nắm lấy cổ tay bà và khẽ đẩy bà trở lại.
Bà vùng vằng mấy cái, và biết rằng mình không lại được với họ, bèn thôi. Rồi bà gục xuống bên giường khóc thút thít.
Hình Chí Sâm nhìn Phương Mộc, rồi quay sang nói gì đó với hai anh cảnh sát; họ gật đầu rồi đi ra ngoài buồng bệnh.
Hình Chí Sâm bước đến bên bà mẹ Phương Mộc, nhẹ nhàng vỗ vai bà.
“Bác ạ, bác đừng thế này. Phương Mộc không vấn đề gì. Chúng tôi đã loại cậu ta khỏi diện tình nghi.”
“Thật chứ?” Bà ngẩng đầu, khuôn mặt đẫm lệ, ánh mắt bà kinh ngạc, vui mừng, rồi lại có nét ấm ức: “Tôi đã nói mà, không phải Phương Mộc nhà tôi làm những chuyện đó thế mà các anh cứ không tin…”
Nói rồi bà lại sụt sịt khóc.
“Đúng thế bác ạ, chúng tôi đã làm rõ sự việc, tất cả không liên quan gì đến Phương Mộc.”
Bà mẹ thấy cay cay mũi, ngượng nghịu cầm cái khăn tay lên lau mặt.
“Tôi đi rửa mặt đã.” Bà có phần chưa yên tâm, nhìn lại Phương Mộc.
“Không sao, bác cứ đi đi. Tôi ngồi đây với cậu ấy. Rồi sẽ nói chuyện thêm.” Hình Chí Sâm quay đầu lại nhìn Phương Mộc đang nằm trên giường: “Con trai bác là một người có ý chí rất mạnh mẽ.”
Đôi mắt bà mẹ hiện lên một nét tự hào, như đang nói rằng ‘đương nhiên’. Bà đưa tay chỉnh lại mái tóc, rồi quay người bước đi.
Hình Chí Sâm ngồi xuống bên giường, bàn tay đặt lên cái chăn.
“Cậu thấy thế nào?” Phương Mộc không trả lời ngay, anh vẫn nhìn lên trần nhà, ánh mắt trống vắng, hẫng hụt. Nhìn kỹ, hình như trong ánh mắt đó vẫn còn vương nét sợ hãi chưa tan.
Hồi lâu sau, anh mới khẽ gật đầu.
Hình Chí Sâm thầm thở dài, đưa hai bàn tay úp lên mặt và day day mấy cái.
“Tôi đã loại trừ cậu ra khỏi diện nghi vấn.”
“Ừm…”
Phương Mộc không có phản ứng gì khiến Hình Chí Sâm cảm thấy ngượng nghịu, anh mở bao thuốc rút ra một điếu đưa lên miệng ngậm, nghĩ ngợi, rồi lại nhét điếu thuốc vào bao.
“Chắc cậu vẫn còn oán trách tôi, phải không?”
Phương Mộc vẫn không tỏ thái độ gì.
“Xin lỗi cậu, tối hôm đó tôi đang ở ngoại thành…”
“Tôi không oán trách anh.” Phương Mộc bỗng nói: “Tôi chẳng có lý do gì để oán trách bất cứ ai.”
Đúng thế, mình chẳng có lý do gì để oán trách bất cứ ai.
Tại mình phát hiện ra tấm thẻ mượn sách, tại mình không kịp thời quay lại trường, tại mình là người rất giống hắn. Ở một mức độ nào đó, mình chính là hắn, hắn chính là mình. Hắn là hung thủ thì mình cũng thế.
Hình Chí Sâm cúi đầu. Lát sau, anh thở dài thườn thượt. Rồi anh mở cái cặp mang theo, lục tìm, lấy ra vài thứ đặt lên đầu giường Phương Mộc.
“Chúng tôi đã phát hiện ra cái này ở nhà Tôn Mai.”
“Đây là gì?”
“Nhật ký của Tôn Mai. Từ đây, chúng tôi phát hiện ra một số chứng cứ quan trọng, cho nên đã loại cậu ra khỏi diện tình nghi.”
Thấy Phương Mộc chăm chú nhìn cuốn nhật ký, Hình Chí Sâm mỉm cười.
“Có muốn xem không?”
Ánh mắt Phương Mộc rời khỏi cuốn nhật ký, nhìn lên Hình Chí Sâm. Phương Mộc không nói gì, nhưng Hình Chí Sâm có thể nhận ra những nét quen thuộc trên khuôn mặt của Phương Mộc.
Cứng cỏi và cuồng nhiệt.
“Cậu cứ xem đi, chú ý bảo quản đừng để thất lạc.” Hình Chí Sâm đứng lên, nháy mắt với Phương Mộc: “Cũng chẳng phải lần đầu tôi vi phạm kỷ luật nội bộ.”
Anh ngừng lại, sắc mặt trở nên nặng nề: “Vả lại, cậu cũng có quyền được biết sự thật.”
Hình Chí Sâm đặt tay lên vai Phương Mộc, nắn thật mạnh.
“Phương Mộc.” Anh nhìn vào mắt Phương Mộc: “Những chuyện đã qua thì nên để nó qua đi. Cậu luôn tỏ ra cứng cỏi hơn tôi tưởng tượng. Cậu đừng để tôi phải thất vọng.”
Nói rồi anh mở cửa bước ra.
Cuốn nhật ký thứ nhất.
Ngày 14 tháng 7 năm 1998. Trời quang.
Hôm nay là ngày giỗ của Khắc Kiệm. Tâm trạng không dễ chịu gì.
Sáng nay xin nghỉ làm, dẫn Phàm Phàm đi tảo mộ cha nó. Cho nó mặc chiếc váy kẻ ca-rô mà Khắc Kiệm vốn rất ưng. Hồi đó mua khá đắt, phải hơn 100 tệ, nhưng anh vẫn mua không chút do dự.
Hình ảnh ấy cứ như vừa mới xảy ra hôm qua.
Nay Phàm Phàm đã 9 tuổi, chiếc váy đã chật, nó mặc bị căng quá mức.
Con đã lớn rồi, không giống như hai năm trước, đi tảo mộ cứ như đi du xuân, nó toàn chạy tung tăng nô đùa. Hôm nay nó rất yên lặng, và còn cúi đầu trước mộ hai lần.

Ngày 29 tháng 7 năm 1998. Mưa phùn.
Phòng hậu cần cử đến một chàng trai tên là Ngô Hàm, nghe nói là một sinh viên vừa đi làm vừa học. Vóc người hơi gầy, có vẻ như ăn uống thiếu chất.
Tôi không mấy hào hứng, họ nói là cử cậu ta đến trợ giúp tôi quản lý khu ký túc xá này mà lại phân cho tôi một anh chàng hom hem thì có thể làm nổi việc gì?
Ngô Hàm hơi rụt rè, lúc nói chuyện, mắt thường cụp xuống không dám nhìn vào người ta. Nhưng tôi nhận ra đôi mắt cậu ta thường hay đảo tròn lung tung, coi chừng lại là một gã ma lanh khôn lỏi.
Tôi không ưa cậu ta.

Ngày 3 tháng 8 năm 1998. Trời nhiều mây, và có mưa bụi.
Chị Khâu giới thiệu cho tôi một nam giới.
Tôi thoái thác cũng không lại được với chị, nên tôi đến gặp mặt. Đã rất lâu không đi giày cao gót nên chân tôi đau ê ẩm.
Anh ta là giáo viên trung học đã về hưu, vợ mất, cũng cùng cảnh ngộ như tôi.
Nhưng anh ta vẫn rất phong độ, tư thế đàng hoàng. Lúc đầu tôi nói tôi làm ở phòng hậu cần của Đại học Sư phạm, anh ta tỏ ra có chút nể nang. Khi nói cụ thể, tôi là nhân viên quản lý ký túc xá thì anh ta liền tỏ vẻ bề trên, kẻ cả và khinh khỉnh.
Lúc ăn cơm, tôi nói muốn ăn món cá diếc hoa hấp, thì anh ta xót ruột muốn chết, rồi anh ta đổi cho tôi món thịt viên.
Sau đó trời mưa, anh ta cố mời tôi về nhà ngồi chơi. Hừ! Anh ta tưởng tôi không biết anh ta định giở trò gì chắc?

Ngày 4 tháng 8 năm 1998. Mưa rào.
Hôm qua tôi không thấy thoải mái. Buổi chiều, Ngô Hàm đến làm việc, tôi bèn xả giận lên đầu anh ta.
Trời thì đang mưa tầm tã, tôi ép cậu ta đi lau cửa kính ở các nhà vệ sinh. Cậu ta không chút phản ứng, cặm cụi xách thùng nước bước ra. Anh chàng này cũng có sức vóc ra trò, thùng nước đầy, nhưng vẫn xách lên như không. Hình như có câu nói chẳng rõ của ai: “chớ tưởng ta gầy, thân ta cực chắc”…
Lúc sẩm tối, cậu ta mồ hôi đầm đìa trở về, sợ sệt nói: “Mưa to quá, lau kiểu gì cũng không thể sạch bên ngoài cửa sổ”. Lòng tôi bỗng chùng xuống…
Ngày 17 tháng 9 năm 1998. Trời quang.
Lúc rửa mặt sáng nay, tôi nhận ra mình đã có mấy sợi tóc bạc, nếp nhăn ở đuôi con mắt cũng sâu hơn trước.
Tôi đã già rồi hay sao?

Ngày 22 tháng 10 năm 1998. Trời quang.
Hôm nay Ngô Hàm không mấy phấn chấn, tôi hỏi cậu làm sao thế, cậu ta ấp úng nói mình đánh rơi mất 300 tệ.
Tôi giật mình. 300 tệ tương đương một tháng sinh hoạt phí của cậu ta.
Tôi hỏi cậu sẽ thế nào, thì cậu ta rất cứng cỏi, gượng cười nói rằng cùng lắm là ăn màn thầu chấm xì dầu cả tháng cũng xong.
Một tháng trời. Cậu ta đang tuổi lớn, hàng ngày còn phải làm khối việc thì chịu sao nổi.
Lúc tan tầm, tôi kín đáo đặt tờ 100 tệ vào cặp sách của Ngô Hàm. Chỉ vì thương hại cậu ta chứ không vì gì khác.

Ngày 23 tháng 10 năm 1998. Trời quang.
Cả ngày, Ngô Hàm chẳng nói một câu, tôi ngờ rằng cậu ta không nhìn thấy tờ 100 tệ.
Đến chiều, lúc thu dọn các thứ, tôi nhìn thấy trong túi xách của mình tờ giấy bạc 100 tệ, bên trên viết ‘Cảm ơn cô Mai. Xin gửi lại cô tiền này’.
Anh chàng này rất giữ kẽ.
Cuốn nhật ký thứ hai.
Ngày 2 tháng 11 năm 1998. Mưa nhỏ.
Lúc ăn cơm trưa, tôi mang cho Ngô Hàm một hộp cơm với món sườn ninh khoai tây do tôi nấu. Cậu ta ăn rất ngon miệng, ăn xong, rửa cái hộp rất sạch sẽ.
Chị Đặng nhìn thấy, bèn nói đùa rằng tôi đã tìm được người tình bé bỏng. Rất không đứng đắn. Tôi phải quạt cho chị ta một trận. Lúc quay lại, thấy Ngô Hàm mặt đỏ nhừ. Anh chàng này tưởng thật. Buồn cười quá.

Ngày 11 tháng 12 năm 1998. Tuyết to.
Hôm qua thấy Ngô Hàm mặc chiếc áo phong phanh, lúc tuyết rơi, người cứ run cầm cập. Trời rét thế này mà chỉ mặc như thế thì gay.
Về nhà, tôi tìm một chiếc áo bông của Khắc Kiệm, kiểu hơi cũ, nhưng rất ấm.
Lúc nhận cái áo, Ngô Hàm rất ngượng ngùng. Tôi bảo cậu ta cứ mặc thử xem sao, cậu ta ngoan ngoãn nghe theo. Chiếc áo hơi rộng. Nhìn từ đằng sau, trông Ngô Hàm hơi giống Khắc Kiệm.

Phàm Phàm đã ngủ say, tôi vào nhà vệ sinh dùng tay mơn trớn mong tự thỏa mãn. Sau đó tôi khóc rất nhiều.
Khắc Kiệm, em nhớ anh quá.

Ngày 16 tháng 1 năm 1999. Trời quang.
Mai chính thức nghỉ phép, già nửa số sinh viên đã về quê. Họ vứt rác khắp nơi trong khu ký túc xá, may sao có Ngô Hàm giúp tôi quét dọn.
Lúc đang làm, Ngô Hàm nói sẽ về quê ăn Tết. Tôi hỏi số điện thoại của cậu ta, Tết đến tôi sẽ gọi điện chúc tết. Cậu ta nói không có. Kể cũng lạ, quê cậu ta ở vùng xa hẻo lánh, ngay điện sinh hoạt còn phập phù nữa là điện thoại.
Tôi cho cậu ta một cái chân giò ninh xì dầu, mang theo để ăn dọc đường. Cậu ta nói: “Cảm ơn cô Mai”.
Cô Mai? Tôi đã già thật rồi hay sao? Tôi thấy hơi giận cậu ta.

Ngày 15 tháng 2 năm 1999. Trời âm u.
Hôm nay là 30 Tết. Phàm Phàm đang xem ti-vi chương trình dạ hội mùa xuân. Tôi không muốn xem. Cái thứ tiết mục rất công thức, rất vô duyên.
Chẳng rõ ở nông thôn ăn Tết ra sao. Chắc sẽ náo nhiệt hơn thành phố cũng nên. Mổ lợn, đốt pháo, làm bánh gói, lễ mời thần tài, sang chơi nhà nhau chúc Tết.
Tôi bỗng cảm thấy hơi ngán ngẩm cuộc sống hiện tại.

Ngày 16 tháng 2 năm 1999. Tuyết nhỏ.
Hôm nay tôi sẽ đến thăm nhà cô giáo của Phàm Phàm. Lúc sắp đi, bỗng nhận được điện thoại của Ngô Hàm.
Cậu ta thở mạnh, nói là chúc tết tôi. Tôi rất ngạc nhiên hỏi cậu ta đang ở đâu, cậu ta nói đang ở trạm bưu điện xã. Tôi lại hỏi trạm bưu điện xã cách nhà cậu ta bao xa, anh ta nói phải đi hơn 10km đường núi.

Ngày 2 tháng 3 năm 1999. Trời quang.
Ngày đầu lên lớp. Trông Ngô Hàm hơi béo ra, nhìn thấy tôi, Ngô Hàm mỉm cười ngượng nghịu.

Ngày 9 tháng 3 năm 1999. Trời quang.
Hôm qua tôi phát hiện ra một điều bí mật nho nhỏ của Ngô Hàm.
Lúc trực ban, tôi thấy cậu ta buồn ngủ díp mắt, bèn bảo cậu ta cứ vào gian trong mà ngủ. Lát sau tôi bước vào lấy một thứ đồ thì nhìn thấy cậu ta nằm trong chăn, nhắm mắt, tay vò một cái áo của tôi, tay kia đưa xuống bên dưới động đậy.
Tôi giật mình, vội lùi ra ngay.
Tôi biết cậu ta đang làm gì, nhưng tôi cũng không giận.
Chắc không phải cậu ta đang thích tôi? Chà chà! Tôi đỏ mặt.

Ngày 22 tháng 3 năm 1999. Mưa nhỏ.
Hôm nay thật đen đủi, đang đi trên cầu thang yên lành thì tôi bị trượt ngã sái chân, không nhúc nhích được nữa.
Ngô Hàm cõng tôi đến bệnh viện, cậu ta thở hồng hộc, mồ hôi đầm đìa.
Lưng cậu ta rất rộng, bám trên đó chẳng muốn xuống nữa.
Ngô Hàm nói ngày mai sẽ đến thăm tôi, tôi có nên trang điểm một chút không nhỉ?
Cuốn nhật ký thứ hai chỉ viết đến đây, phía sau là những trang trắng.
Cuốn nhật ký thứ ba, chất lượng giấy rất tốt. Chắc là khá đắt.
Ngày 23 tháng 3 năm 1999. Trời râm.
Kể từ hôm nay, bắt đầu từ giờ phút này, cuốn nhật ký này chỉ viết về anh - Ngô Hàm của tôi. Tôi phải ghi lại tỉ mỉ về mọi thứ mà chúng tôi sở hữu, tôi muốn viết kín từng trang giấy này. Trước đó, tôi phải giữ kín cái bí mật nho nhỏ này cho anh. Ngô Hàm của tôi, tôi muốn nhìn thấy nét vui sướng đến kinh ngạc trên khuôn mặt anh.
Anh là món quà mà ông trời ban cho tôi. Đúng thế, người yêu của tôi. Lẽ ra tôi nên biết ngay từ đầu mới phải. Chiều hôm đó lần đầu tiên Ngô Hàm đứng trước mặt tôi, sao tôi không nhận ra đó là người đàn ông mà số phận đã dành cho tôi nhỉ? Trời đất ạ, tôi quá đần độn.
Hôm nay là một ngày tuyệt vời. Nhưng khi nằm một mình trên giường lặng yên hồi tưởng lại, tôi cũng không nhớ ra mình đã gục đầu vào ngực anh như thế nào, không nhớ ra anh bắt đầu hôn môi tôi từ bao giờ. Anh thân yêu, có phải giờ này anh cũng đang mất ngủ như em, và cũng đang nhớ lại tất cả hay không?
Khi anh hòa vào thân thể em, em gần như không thể nén nổi phải hét lên. Đúng thế, thân thể em như một miền đất hoang vu lâu ngày, bỗng nhiên bừng tỉnh bởi những đường cày bừa mùa xuân. Em vô cùng khao khát thân thể trẻ trung của anh. Khi thân hình ấy dập dìu trên thân thể em, em có cảm giác mình trẻ lại đến mười mấy tuổi, em cũng có những xúc giác hết sức nhạy cảm như anh. Những chỗ trên người em mà bàn tay anh, đôi môi anh đụng đến dường như đang rực lửa. Em tin rằng mình rất đẹp trong những giây phút ấy.
Em không thể nén nổi ham muốn lại gặp anh, ngày mai anh đến thăm em được không, Ngô Hàm anh yêu?

Ngày 2 tháng 4 năm 1999. Trời quang.
Em lại đi làm được rồi. Tuy chân vẫn còn hơi đau, nhưng lại có thể được nhìn thấy Ngô Hàm thân yêu, em rất mừng.
Nhưng kỳ lạ là, anh có vẻ muốn tránh mặt em. Chờ mãi mới đến lúc trực ban buổi tối, em hỏi anh tại sao, thì anh cứ ấp úng. Nhưng khi em xáp lại gần anh thì ánh mắt anh lại trở nên nóng bỏng.

Ngày 22 tháng 5 năm 1999. Trời râm.
Thực ra em hiểu rất rõ, anh không yêu em. Hoặc nói cách khác, anh chỉ yêu thân thể của em thôi.
Nhưng anh không thể ngăn cản em yêu anh.
Hôm nay chúng tôi cãi nhau. Lần đầu tiên cãi nhau. Tôi rất buồn. Nhưng đến tối, tôi vẫn không từ chối đòi hỏi của anh. Khi anh ôm tôi trong tay, tôi hầu như đã quên hết những chuyện không vui.
Tôi không đòi hỏi anh phải yêu tôi. Dù sao giữa tôi và anh vẫn có một khoảng cách 12 tuổi.

Ngày 28 tháng 6 năm 1999. Trời quang.
Nên thế nào đây? Tôi phát hiện ra mình đã có thai.
Đã hai tháng nay tôi không thấy gì. Sáng nay tôi thử bằng que thử, dương tính. Tôi sợ muốn chết, bèn lặng lẽ đi viện thăm khám, kết quả vẫn thế.
Có nên nói cho anh biết không?

Ngày 2 tháng 7 năm 1999. Trời râm.
Tôi quyết định cứ cho anh biết, nhưng anh đang rất phấn khởi vì việc thi cử vào lớp Cơ Địa căn bản không vấn đề gì nữa. Tôi không nỡ làm cho anh mất hứng.
Cho nên tôi bèn viết cho anh một bức thư, nhân lúc anh ngủ, tôi nhét vào cặp sách của anh. Cách này khá hay, tôi còn nhớ rằng anh đã từng dúi cho tôi một mẩu giấy.
“Cảm ơn cô Mai.”
Chuyện đó đã rất lâu rồi thì phải.

Ngày 6 tháng 7 năm 1999. Trời râm.
Tại sao nhỉ?
Đã mấy ngày trôi qua mà Ngô Hàm vẫn không có một phản ứng nào. Vì không nhìn thấy bức thư hay là anh ấy cảm thấy khó đối mặt với sự thật?
Ngày mai bắt đầu nghỉ hè, tôi không dám hỏi anh, nhưng sẽ là thêm hơn một tháng nữa không thể liên lạc với nhau.
Tôi nên làm gì bây giờ?

Ngày 22 tháng 8 năm 1999. Trời quang.
Mình tôi sẽ đối mặt, tôi không muốn người yêu của mình phải lo lắng cho tôi.
Nhưng, quả là rất đau.

Ngày 29 tháng 8 năm 1999. Trời quang.
Tôi gây ra tai họa rồi.
Ngô Hàm không nhận được thư, không rõ bức thư ấy đã đi đâu.
Trời ơi, nếu bị người ta đọc thấy thì chúng tôi coi như chấm hết.
Tôi thật ngu xuẩn, tại sao lại nhét bức thư ấy vào cặp sách?
Tôi chỉ muốn cho mình một cái tát.

Ngày 3 tháng 9 năm 1999. Trời âm u.
Tâm trạng tôi cũng giống như thời tiết hôm nay.
Ngô Hàm đã lâu không thiết hỏi han gì tôi. Buổi tối trực ban, anh cũng đứng ngoài hành lang chứ không muốn ở gần tôi.
Tôi thân làm thân chịu, tôi hiểu.

Ngày 16 tháng 9 năm 1999. Mưa nhỏ.
Họa vô đơn chí.
Chiều nay Phàm Phàm đến trường với tôi. Tôi dặn cháu gọi các sinh viên là chú. Nhưng thằng nhóc Chu Quân thì lại bảo nó gọi Ngô Hàm là bố! Lúc đó tôi sợ muốn chết, còn Ngô Hàm thì mặt mũi trắng bệch, trắng hơn cả bức tường vôi phía sau lưng.
Lúc sẩm tối thì có tin xấu truyền đến: Ngô Hàm không đỗ vào lớp Cơ Địa. Chắc chắn là đã có ai đó vớ được bức thư kia.
Nên thế nào đây? Phải làm gì? Phải làm gì bây giờ?
Ngày 26 tháng 9 năm 1999. Trời quang.
Xảy ra chuyện nghiêm trọng.
Chu Quân ở phòng 351 chết. Cảnh sát đang điều tra rộng khắp. Lúc sáng nay Ngô Hàm lén đến tìm tôi, nài xin tôi nói với cảnh sát rằng đêm qua anh ta liên tục trực ban và nói chuyện với tôi. Ngô Hàm nói tối qua anh ta ở gian bồn nước tầng 2 đọc sách. Không ai nhìn thấy anh ta ở đó, e có nói ra thì cũng không đủ độ tin cậy. Tôi thấy anh ta có vẻ rất sợ hãi bèn nhận lời. Được! Vì anh, tôi dám làm tất cả, nhưng anh thì sao?

Ngày 28 tháng 10 năm 1999. Mưa to.
Thật đáng sợ, lại có người chết. Nghe nói đó là một nữ nghiên cứu sinh ở Học viện pháp luật, rất xinh đẹp. Lúc tối tôi hỏi thăm tình hình từ Ngô Hàm, anh ta tỏ ra rất sợ hãi. Chính anh ta cũng thấy sợ chết khiếp sao?

Ngày 6 tháng 11 năm 1999. Trời quang.
Đêm qua tôi và Hàm ở bên nhau trong phòng thường trực. Rất đầm ấm ngọt ngào. Đã rất lâu anh ấy không dịu dàng với tôi như thế.

Ngày 2 tháng 12 năm 1999. Tuyết lớn.
Hàm bị thương. Lúc hơn 11 giờ đêm, anh đứng ngoài gọi cổng, tôi vội ra mở ngay và nhìn thấy tay anh đang áp vào mạng sườn. Tôi hỏi anh sao thế, Ngô Hàm nói lúc chạy về thì bị ngã. Tôi lại hỏi tại sao lại về muộn thế thì Hàm không trả lời, chỉ dặn tôi đừng kể lại với ai, sau đó vội vã đi lên gác.
Tôi rất lo.

Ngày 3 tháng 12 năm 1999. Tuyết lớn.
Ngôi trường này thật đáng sợ, lại có hai sinh viên chết. Tôi rất sợ.
Nhưng, thực ra tối qua Hàm đi đâu?

Ngày 17 tháng 12 năm 1999. Trời quang.
Trong trường đang đồn rộ lên về tấm thẻ mượn sách chết chóc. Tôi tò mò hỏi Hàm, anh nói, anh cũng có tên trong tấm thẻ mượn sách đó. Tôi vô cùng sợ hãi, nhưng anh lại tỉnh bơ, không chút bận tâm.
Anh không hề hay biết, đêm nào tôi cũng cầu xin Bồ Tát phù hộ cho anh được bình an.
Ngày 23 tháng 12 năm 1999. Trời quang.
Chị Tống ở câu lạc bộ cho biết, Hàm đang tập một vở kịch nói, diễn xuất của Hàm rất khá. Nghe xong, tôi thấy rất vui.
Đến tối tôi hỏi chuyện, Hàm nói mình thủ vai chính. Tôi bảo hôm nào công diễn thì tôi sẽ đến xem, nhưng Hàm nói không được. Tôi cụt hứng.

Ngày 1 tháng 1 năm 2000. Trời quang.
Tôi không ngủ được, và cũng không muốn ngủ. Tôi chỉ đang nghĩ một vấn đề, người mà tôi yêu, thực ra là một người như thế nào?
Sáng nay có tin nói rằng, cô gái sắm vai nữ chính bị chém đầu, còn Hàm thì bị đi viện. Chỉ có tôi biết, kẻ giết người chính là anh ta.
Suốt ngày, đầu óc tôi lúc thì tỉnh táo lúc thì mơ hồ rối loạn. Dần dà, tôi hiểu rõ một điều này: những người kia đều bị Ngô Hàm giết.

Ngày 3 tháng 1 năm 2000. Trời nhiều mây, âm u.
Đây là một đêm nhục nhã.
Lúc nãy tôi không dám nhìn mặt Đường Đức Hậu, nhưng tôi biết anh ta đang cười rất đắc ý. Sau khi anh ta đi rồi, tôi phải dùng hết hai phích nước nóng để rửa ráy. Hết nước nóng thì tôi dùng nước lạnh. Nhưng tẩy rửa kiểu gì tôi vẫn không thể loại bỏ cảm giác ghê tởm buồn nôn.
Tôi không sao có thể đối diện với Hàm, cũng không thể đối diện với đồ cầm thú kia. Tôi thậm chí không dám đối diện với chính mình.
Tại sao anh lại giết người? Tại sao lại giết người? Tại sao lại giết người?
Tôi hận hắn, và cũng hận chính mình. Nếu tôi đi sớm một ngày thì tốt, thậm chí chỉ cần đi sớm một chút thôi là được, tôi sẽ đem được bộ trang phục diễn kịch ấy đi. Nhưng bây giờ… dù nói gì thì cũng quá muộn rồi.

Ngày 10 tháng 1 năm 2000. Tuyết nhỏ.
Ngày nào tôi cũng chờ đợi ánh mắt của anh ấy.
Tôi cảm thấy mình sắp không chịu đựng nổi nữa. Sau mỗi lần bấm bụng giả vờ vui vẻ chiều chuộng cái đồ cầm thú kia, tôi đều tuyệt vọng chỉ muốn khóc muốn gào lên thật to. Tôi cảm thấy mình và Hàm như hai con cá nằm trên thớt; con dao, chính là bộ trang phục diễn kịch chết người kia.
Tuy nhiên, đã có anh ấy thì tôi lại cảm thấy yên tâm rất nhiều. Tuy không nói chuyện với tôi nữa, nhưng ánh mắt của anh ấy nói với tôi rằng: hãy kiên trì, rồi sẽ ổn cả thôi.
Cái kế hoạch ấy liệu có thể thành công không?

Ngày 15 tháng 1 năm 2000. Trời quang.
Lúc nãy đứng trước gương, tôi đã tự hỏi mình: cô là ai?
Nếu cách đây một tháng có ai hỏi: cô có thể giết người không? Chắc chắn tôi sẽ kinh hãi mà bỏ chạy. Nhưng hôm qua tôi đã làm cái việc đó.
Thực ra, sinh hay tử của con người chỉ chênh nhau một khoảng cách cực ngắn.
Kế hoạch rất thành công.

Ngày 19 tháng 1 năm 2000. Trời quang.
Lúc chiều, Hàm nói nhỏ với tôi rằng, có tin từ Sở công an cho biết, tất cả mọi chuyện đều trút lên đầu Đường Đức Hậu, vụ án đã khép lại. Bao nhiêu ngày nơm nớp thấp thỏm, nay đã trở lại phẳng lặng.
Và, ngày tốt đẹp sẽ đến gần ngay thôi.



Vĩ Thanh
Bờ Bên Kia Của Thời Gian

Phương Mộc xin nghỉ nửa năm để điều trị.
Hàng ngày, anh đọc sách, hoặc ngồi thẫn thờ, hoặc tập thể dục đơn giản.
Anh nhớ những con người kia. Dù tự nguyện hoặc không tự nguyện.
Các thương tích đang dần bình phục, xương gãy cũng đã liền lại như trước. Tóc cũng đã mọc, trùm kín các vết sẹo trên đỉnh đầu. Mùa xuân vẫn đến như đã hẹn.
Tất cả lại vận hành có trật tự, đi hết một vòng rồi lại bắt đầu từ đầu. Chỉ riêng Phương Mộc tự hiểu rằng, không phải thế.
Có một thứ nảy nở từ đáy lòng, dần lớn lên, và bắt rễ vào từng mạch máu, từng tế bào, và thay thế cho tất cả những cái cũ vốn có.
Không gì có thể ngăn được nó. Phương Mộc thường nửa nằm nửa ngồi trên giường, và từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn phỏng đoán xem chính mình ngày mai sẽ là một người như thế nào.
Trong tháng thứ hai sau ngày khai giảng, vào một buổi chiều ánh dương đẹp tuyệt vời, Phương Mộc nhận được điện thoại của anh cả.
“Khu ký túc II đã bị phá dỡ.”
“Thế à? Tại sao?”
“Có gì mà phải nói nữa?”
“…”
“Bao giờ cậu trở lại trường?”
“Phải một thời gian nữa. Tôi cũng chưa xác định được.”
“Vậy là chỉ còn lại bốn chúng ta.”
“…”
“Bọn tôi đều rất nhớ cậu, nếu có thì giờ thì về chơi nhé.”
“Được.”
Điện thoại xong, Phương Mộc liền phôn gọi chiếc taxi, rồi cầm chiếc nạng lên.
Khu ký túc II đã biến thành một đống gạch vôi vữa khổng lồ. Các loại xe, máy lớn nhỏ của ngành xây dựng đang chạy ầm ầm trên cái công trường mù mịt cát bụi này. Rất nhiều người tò mò nhìn một thanh niên mặt mũi xanh xao, đang chống nạng.
Phương Mộc tìm một tảng đá ngồi xuống, nheo mắt nhìn khu nhà ký túc đã từng xảy ra quá nhiều sự việc.
Có anh bô lô ba la, văng tục ở hành lang.
Có anh nhân lúc bạn đang cúi xuống rửa mặt, đưa tay chọc một cái vào đũng quần.
Có anh ông ổng mấy câu tình ca, hát sai cả nhạc.
Cũng có người, bị giết ở khu nhà này.
Tất cả, đều đã bị chôn vùi. Tốt và xấu, vui và buồn, thảy đều tiêu tan dưới đống gạch vỡ tường đổ kia.
Liệu có phải, chỉ còn cách này thì mới có thể quên đi tất cả?
Ở một chỗ không xa, có một cái gì đó lấp lánh.
Phương Mộc gắng tập tễnh bước đến, cúi xuống lật những mảnh xi măng.
Thì ra là một con dao găm quân dụng cỡ lớn, đen đúa, nham nhở, chuôi dao bằng nhựa đã bị lửa nung cháy mất một phần.
Nhìn thấy con dao này, Phương Mộc lập tức nhớ đến cái cảm giác đau nhói khi bị nó kề vào cổ.
Thực ra, mày cũng như tao.
Phương Mộc cầm con dao lên, gấp lại rồi bỏ vào túi.
Anh chống đôi nạng, quay người bước đi.
Phương Mộc chầm chậm đi trên con đường nhỏ đối diện với khu ký túc II. Có mấy cậu sinh viên nhiệt tình bước lại dìu đỡ Phương Mộc, nhưng ánh mắt giá lạnh của anh lại khiến họ lùi bước. Chẳng phải anh cố gượng thể hiện gì đó, mà là vì anh chỉ muốn đi một mình.
Nhưng anh nhanh chóng cảm thấy lực bất tòng tâm. Chỗ mắt cá chân lại đang đau nhức, hai cánh tay mỏi nhừ, và hai bên nách có lẽ cũng bị cái nạng chà xát trợt da.
Đến đầu đường, Phương Mộc hơi do dự, rồi anh quyết định rẽ vào.
Cái hồ nhân tạo trong trường có tên là ‘Tĩnh Hồ’, băng đã tan, mặt hồ dập dờn những làn hơi nước như những tấm voan mỏng mờ ảo. Thỉnh thoảng nhìn thấy mấy chú cá con phi lên mặt hồ, bắn tung bọt nước, rồi lại lặn mất tăm.
Phương Mộc ngồi bên bờ hồ nhìn mặt nước gợn sóng lăn tăn lấp lánh, cảm thấy có chút đầm ấm. Thỉnh thoảng có các cô cậu sinh viên lướt qua bên cạnh, vui vẻ nói cười, chân bước vội vã; cũng có người thoáng nhìn chàng trai kỳ quái đang ngồi đây, nhưng lại rảo bước đi ngay.
Phương Mộc thấy hơi mệt mỏi. Anh ngẩng đầu, hờ hững nhìn về phía xa xa. Bờ hồ bên kia là một hàng dương liễu đã bắt đầu nhú những chồi non. Những cành cây khẽ đung đưa mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua. Hơi xa hơn một chút, hình như có người đang vẫy tay.
Đôi mắt Phương Mộc dần mờ đi, anh cố nhìn xem phía bên kia là những thứ gì. Những làn sương khói từ mặt hồ dâng lên cao, lan rộng, xoay tròn, rồi tan đi; bàn tay đang vẫy ở phía xa cũng càng mơ hồ, cuối cùng không thể nhận rõ tất cả đang ở ngay trước mặt hay là ở bờ bên kia nữa.
Hết.


LÔI MỄ


TÂM LÝ TỘI PHẠM
Đề Thi Đẫm Máu


Dịch giả:
Hương Ly
Nhà xuất bản: Hồng Đức
Phát hành: Cổ Nguyệt Book
Thể loại: Trinh Thám, Tâm Lý Tội Phạm
Ebook and Edit: Vinaguy-Kegisu


Phần Dẫn
Quái Vật

Đêm hôm qua, bọn họ lại đến tìm tôi!
Họ vẫn không nói gì, chỉ im lặng đứng bên đầu giường tôi. Còn tôi thì vẫn cứng đờ người, nằm bất động trên giường, cứ trơ mắt nhìn những cơ thể bị cháy đen, không đầu, vây xung quanh mình. Còn anh ta, anh ta cũng vẫn thì thầm bên tai tôi: “Thực ra, cậu cũng giống tôi thôi!”
Tôi đã quá quen với việc gặp gỡ bọn họ lúc đêm khuya, thế nhưng, toàn thân vẫn đầm đìa mồ hôi.
Cho đến khi họ lặng lẽ bỏ đi, tôi mới lại nghe thấy hơi thở đều đều của Đỗ Ninh bên giường đối diện.
Ánh trăng lạnh lẽo ngoài cửa sổ soi vào, ánh đèn trong phòng ký túc xá đã tắt từ lâu, cảm thấy hơi lành lạnh.
Tôi gắng gượng trở mình, sờ được con dao găm để dưới gối, cảm nhận được sự thô ráp, sần sùi của cán dao, hơi thở dần bình thường trở lại.
Rồi tôi chìm vào giấc ngủ mê man.
Thỉnh thoảng tôi cũng quay về thăm trường cũ - trường Đại học Sư phạm. Tôi ngồi bên vườn hoa trước cổng ký túc xá nam sinh số 2, ở đó trước đây có một cây hòe cổ, bây giờ là những loài hoa sặc sỡ đang rung rinh trước gió. Tôi thường trầm ngâm ngắm tòa nhà ký túc xá hiện đại 7 tầng trước mắt, cố hình dung lại dáng vẻ trước đây của nó: gạch đỏ đã bạc màu, những cánh cửa sổ gỗ lung lay như sắp rụng, cánh cổng sắt to nặng nề han gỉ.
Và cả những khuôn mặt trẻ trung đã từng đi ra đi vào tòa nhà này. Đột nhiên, tôi thấy lòng mình trĩu nặng nỗi thương cảm, giống như bị một thứ tình cảm yếu mềm tấn công. Và cánh cửa ký ức lại bất giác thoáng hé mở, liên miên không dứt, không thể nào khép lại được.
Nếu bạn quen biết tôi, bạn sẽ cảm thấy tôi là một người kiệm lời, ít nói. Phần lớn thời gian, tôi đều cố gắng được ở riêng một mình, ăn một mình, đi lại một mình, thậm chí khi lên giảng đường, tôi cũng cố tránh ngồi cùng với người khác.
Đừng có lại gần tôi! Tôi thường dùng ánh mắt này để ngăn cản những người có ý tìm hiểu, tiếp cận tôi. Tất cả mọi người đều có vẻ kính trọng, nhưng rất xa cách tôi. Còn tôi, tôi đã quen thuộc tính cách và thói quen sinh hoạt của những người xung quanh. Nếu trong giảng đường, nhà ăn hay trong vườn trường, bạn nhìn thấy một kẻ sắc mặt nhợt nhạt, mặt mày khinh khỉnh, nhưng luôn chú ý đến người khác, người đó chính là tôi đấy.
Tôi ở phòng 313 tòa nhà B, khu ký túc xá 5 Nam Phạm của trường Đại học J. Bạn cùng phòng tôi tên Đỗ Ninh, đang học thạc sĩ chuyên ngành Pháp lý. Chắc là vì ở chung một phòng, cậu là một trong số ít người hay trò chuyện với tôi trong Học viện Pháp lý. Cậu là người tính tình lương thiện, có thể nhận thấy được rằng, cậu đã cố gắng tạo mối quan hệ tốt với tôi, để tôi không trở nên quá cô độc trong học viện - mặc dù tôi cũng chẳng mấy để tâm đến điều này - nhưng, tôi không khước từ việc thỉnh thoảng trò chuyện với cậu và cả với cô bạn gái có vẻ nũng nịu thái quá của cậu.
“Nào, cùng ăn nhé!”
Tôi đang cầm bát, vừa ăn bát mì cay trộn, vừa tập trung tinh thần xem một bức ảnh và lời chú thích dưới bức ảnh trên máy vi tính, không để ý thấy Đỗ Ninh và bạn gái cậu vào phòng từ lúc nào.
Đó là một xiên thịt dê nướng, bên trên rắc ớt cay và các hương liệu tẩm ướp, nước mỡ vàng đang nhỏ xuống, tỏa ra mùi nướng cháy.
Tôi nghĩ, lúc đó chắc mặt tôi phải trắng bệch hơn bức tường đằng sau. Tôi ngẩn người nhìn xiên thịt dê đang giơ ra trước mặt tôi, trong cổ họng kêu lục bục mấy tiếng, sau đó, tôi nôn hết nửa bát mì vừa ăn xuống cái bát đang cầm trong tay.
Tôi bịt miệng, bê cái bát đầy đồ nôn còn bốc khói lao ra khỏi phòng, đằng sau thấy vang lên giọng nói kinh ngạc của Trần Giao: “Anh ấy sao thế nhỉ?”
Tôi rũ rượi cúi người vào bồn rửa trong nhà vệ sinh, lấy nước vã sơ qua lên mặt. Ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào tấm gương bị hoen ố trên tường, trong gương hiện ra một khuôn mặt bợt bạt, lấm tấm nước và mồ hôi lạnh, ánh mắt đờ đẫn, khóe miệng còn dính ít thức ăn vừa nôn chưa rửa sạch. Tôi cúi người, lại nôn khan mấy tiếng, cảm thấy dạ dày trống rỗng, quả thực không còn gì để nôn nữa, bèn gắng gượng run rẩy đứng dậy, lại gần vòi nước, uống ngụm nước lạnh, súc súc miệng, rồi nhổ đi.
Ném bát mì vào sọt rác, tôi lảo đảo trở về phòng.
Trong phòng, một mớ hỗn độn. Trần Giao đang khom người ngồi trên giường Đỗ Ninh, dưới đất là bãi nôn, khắp phòng nồng nặc mùi ô uế. Đỗ Ninh bịt mũi, đặt cái chậu rửa mặt trước mặt cô. Thấy tôi vào, Trần Giao ngẩng khuôn mặt đầm đìa mồ hôi và nước mắt, giơ tay chỉ vào tôi, định nói gì, nhưng lại bị một trận nôn mửa dâng lên, không thể nói gì được.
Đỗ Ninh ngượng ngùng nhìn tôi: “Vừa rồi, Giao Giao không hiểu cậu bị làm sao, rất tò mò, bèn đến nhìn xem cậu đang xem gì trên máy vi tính, kết quả là…”
Tôi không tiếp lời cậu, mà đi thẳng đến máy tính. Đó là một trang web tôi đang xem, trong đó có mấy bức ảnh. Trong số đó, có một bức ảnh là một cái đầu lâu đã bị thối rữa, da ở cổ và đầu đều bị lột. Còn ba bức ảnh khác là thân thể bị chặt bốn chi và hai cánh tay của nạn nhân. Đây là ảnh chụp hiện trường vụ án giết người xảy ra tại bang Wisconsin của Mỹ năm 2000. Tôi đã download mấy bức ảnh này và lưu vào trong file ‘hủy hoại nghiêm trọng’.
Tôi đứng dậy, bước đến cạnh Trần Giao, cúi người xuống nói: “Em không sao chứ?”
Trần Giao giờ đã mệt lả, nhìn tôi, sợ hãi co rúm lại phía sau.
“Anh đừng có lại gần em!”
Cô run lẩy bẩy giơ tay lên, chỉ vào vi tính, rồi lại chỉ vào tôi, đôi môi run rẩy, cuối cùng cũng ép ra được hai từ: “Quái vật!”
“Giao Giao!” Đỗ Ninh hét lớn, rồi nhìn tôi lo lắng.
Tôi cười với cậu, tỏ ý là tôi không để tâm đến.
Tôi thực sự không hề để tâm đến. Tôi là quái vật, tôi biết điều đó!
Tôi tên Phương Mộc, hai năm trước, trong một trận hỏa hoạn, tôi là người duy nhất may mắn sống sót.


Truyện Cùng Thể Loại
Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức

Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất