Người
hiện đại trở về cổ đại, thật ra không hề có một cuộc sống đậm chất thơ đang chờ
đón họ.
Đầu
tiên là trong sinh hoạt có rất nhiều chuyện không tiện. Ví dụ như, không có
điện thoại, không có hố xí tự hoại, không có internet. Nhất là thứ cuối cùng,
đối với một sinh viên mà nói, chuyện này đúng là đòi mạng.
Còn có
một việc khiến người ta sống không bằng chết, chính là sống mà phải chịu giày
vò, ví dụ như, ngồi tù.
Cuộc
sống nơi khuê phòng thời xưa đối với một cô gái hiện đại mà nói, cũng tương
đương với ngồi trong trại giam. Tờ mờ sáng đã phải thức dậy, rửa mặt, chải đầu,
thay quần áo xong phải tới chỗ cha mẹ thỉnh an, ăn điểm tâm xong lại trở về
phòng mình, không đọc sách thì cũng đánh đàn, thêu một đôi uyên ương. Nói
chung, nếu không phát sinh chuyện gì bất khả kháng thì không thể ra khỏi cửa.
Mấy
ngày đầu, Tạ phu nhân và mấy người khác còn cảm thấy có chút mới mẻ với tôi, sẽ
đến thăm tôi, trò chuyện với tôi. Tôi cũng thuận tiện hiểu thêm về thế giới
này. Lâu ngày, Tạ phu nhân trở về từ đường tiếp tục chép kinh Phật, chị dâu
cũng bận rộn chuyện riêng.
Tôi
buồn chán đến chết đi được, trong phòng cũng không có gì để tiêu khiển đành gọi
Vân Hương dẫn đường đi tìm chị ba, Chiêu Kha.
Tạ
Chiêu Kha ở tại Trích Nguyệt Các, rất có tính hình tượng. Cô ấy như một vầng
trăng sáng trên trời, không biết tương lai sẽ là ai hái được.
Trích
Nguyệt Các rộng lớn hơn Dưỡng Tâm Các của tôi một chút, cũng khí thế hơn. Tôi
còn chưa bước vào đã nghe thấy một tiếng đàn sáo êm tai. Thì ra Tạ gia đặc biệt
mời người tới dạy Tạ Chiêu Kha âm luật, ca múa.
Nha
hoàn của Tạ Chiêu Kha, Bảo Bình, nhìn thấy tôi, lặng lẽ đi tới: “Tứ tiểu thư,
tam tiểu thư còn phải luyện một lúc nữa mới được nghỉ.”
Tôi
hỏi: “Mỗi ngày tỷ ấy đều phải luyện à?”
Bảo
Bình nói: “Tam tiểu thư không có lúc nào rảnh rỗi, phải học thi từ ca phú sử
kinh, phải biết cầm kỳ thư họa, nữ công cũng không thể lơ là.”
Tôi sai
rồi, tôi vẫn cho rằng chỉ có phụ nữ đi làm thời hiện đại mới là khổ cực nhất,
không chỉ phải kiếm tiền, sinh con mà ngay cả bóng đèn cũng phải tự mình thay,
lại không biết rằng tài nữ thời cổ đại cũng không dễ làm, tất cả các kỹ năng
đều phải học, hơn nữa còn dùng để lấy lòng một người đàn ông còn chưa biết mặt
mũi thế nào.
Tạ
Chiêu Kha đang gảy đàn. Hôm nay cô ấy mặc một bộ váy trắng, áo ngoài màu xanh
nhạt, tóc đen vấn cao, lộ ra cần cổ trắng muốt thon dài, toàn thân thanh lệ,
mềm mại như một nụ hoa sen.
Là chị
em cùng một nhà, vì sao lại có sự cách biệt một trời một vực như thế? Nghe nói
Tạ nhị phu nhân khi còn sống cũng vô cùng xinh đẹp, động lòng người mà.
Tôi
thấy cô ấy vô cùng chăm chú, không tiện đi quấy rầy, đành phải mang theo Vân
Hương trở về.
Tôi hỏi
Vân Hương: “Đi đâu mới tìm được vài quyển sách để đọc?”
Vân
Hương nhìn tôi như nhìn quái vật.
“Sao vậy?”
“Tiểu
thư, người… người biết chữ từ khi nào vậy?”
Lúc này
tôi mới nhớ ra Tạ Chiêu Hoa điên điên khùng khùng cả chục năm, đương nhiên
không thể biết chữ. Tôi đành phải bừa bãi mượn năng lực quỷ thần, nói: “Đại
khái là ông Trời thương hại, để tôi khôi phục thần trí, cũng bù lại những thiếu
sót cho tôi.”
Vân
Hương thật dễ lừa, ngay lập tức đã tin, đưa tôi tới Tàng Thư Các của Tạ phủ.
Tạ gia
thuộc dòng dõi thư hương thế gia, có rất nhiều loại sách phong phú, phân loại
sắp xếp chỉnh tề. Trên giá sách không có lấy một hạt bụi, còn xông hương chống
mọt.
Tôi
đuổi Vân Hương ra ngoài, tự mình thong thả đi qua các dãy giá sách, rất nhanh
đã tìm được quyển “Đại Tề giang sơn chí”, vô cùng hứng khởi ngồi luôn trên sàn
gỗ, mở sách ra đọc.
Hiện nay
thiên hạ chia làm bốn phần, Tề quốc ở phía Đông, vì vậy mới lấy danh xưng là
Đông Tề. Đông Tề, phía Đông giáp Huyền Hải, phía Bắc giáp Liêu, phía Tây giáp
Tần. Rất xa ở phía Tây còn có Ly quốc không giáp biên giới. Đây là một thế giới
xa lạ trong không gian song song.
Bốn
quốc gia nối liền với nhau bởi một dòng sông tên gọi Hồng Hà, Hồng Hà chảy vào
địa phận Đông Tề chính là sông Bích Lạc. Hai bên bờ Hồng Hà cảnh đẹp như tranh
vẽ, tập trung vô số nơi du ngoạn, hưởng tuần trăng mật, an dưỡng. Trên sách sử
Đông Tề, hàng nghìn năm qua đã xuất hiện cực kỳ nhiều thanh niên ưu tú, các
phát minh cống hiến cho khoa học kỹ thuật cũng ùn ùn như nước chảy. Đại khái là
vì gần sông, nhân dân ăn nhiều cá nên trí thông minh phát triển.
Sự uy
hiếp lớn nhất đối với Đông Tề là nước Liêu ở phía Bắc, đau đầu giống như người
triều Tống mỗi khi nhắc tới Liêu quốc, Tây Hạ vậy. Bọn họ là dân tộc du mục,
mùa đông ngày ngày gặp tuyết tai, mùa xuân năm sau sẽ xuống phía Nam đánh cướp,
ngay cả vợ con người ta cũng muốn giành, đúng là nhà nào cũng có nỗi khổ riêng.
Đông Tề hiện nay không thấy xuất hiện một Hán Vũ Đế, tôi đoán chừng trong triều
cũng đang chủ chiến, chủ hòa, cãi nhau hỗn loạn.
Tôi
nghe Vân Hương nói, sức khỏe hoàng đế không tốt, thái tử đã chết. Cha tôi là thái
phó, là sư phó của thái tử, thái tử đã chết, giờ không biết ông ấy đang làm cái
gì. Thật ra, nhìn toàn bộ Tạ gia, giống như một gia đình hết sức bình thường
trong giới thượng lưu, có vẻ như không liên quanh nhiều lắm tới tranh đấu chốn
cung đình.
Còn
tôi, chỉ việc ở lại nơi yên bình này, an toàn tu thân dưỡng tính, đợi ngày
thượng tiên đuổi tôi về với nguyên thần là được.
“Là
ai?” Phía sau có người hỏi.
Tôi
giật mình, quay phắt đầu lại.
Một
chàng trai đứng trong chỗ khuất, nho sam màu xanh nhạt rộng lớn nhẹ buông
xuống, ánh mặt trời bao quanh đường viền của một thân thể thon dài.
“Cô là
ai?” Anh ta lại hỏi.
Tôi
đứng lên, nói: “Tôi là Tạ Chiêu Hoa.”
“Cô là
tứ tiểu thư của Tạ gia?”
Tôi gật
đầu.
Anh ta
đi đến, chắp tay cúi chào tôi: “Tại hạ Tống Tử Kính, đã quấy rầy tiểu thư, mong
tiểu thư thứ tội.”
A, cái
tên này tôi đã nghe qua. Là gia sư mà trong phủ mời tới để dạy học cho “Quách
Phù” và hai cậu anh họ họ Mã. Vân Hương từng mơ màng nhắc đến với tôi.
Thắt
lưng thầy giáo Tống thẳng lên, nhưng đầu vẫn cúi thấp, giống như trên mặt tôi
có thứ gì đó không nên có.
Tôi tò
mò vươn người tới trước nhìn anh ta.
Tống Tử
Kính hơn hai mươi tuổi, da trắng nõn, đôi lông mày thon dài thanh tú, đôi mắt
phượng hơi nhếch lên trên, mũi rất thẳng, môi đầy đặn, thật là một thư sinh nhã
nhặn tuấn tú. Hơn nữa, bị tôi nhìn chằm chằm bất nhã như vậy cũng bình tĩnh,
ung dung, đúng là quân tử một phương, nhân phẩm đầy mình.
Lúc này
tôi mới lùi về sau một bước, nói: “Tống tiên sinh dạy bọn nhỏ cực khổ rồi. Tiên
sinh đã tan lớp rồi sao?”
Tống Tử
Kính khom lưng: “Vâng. Tới tìm vài quyển sách.”
“Vậy
thật khéo, tôi cũng đến tìm sách để đọc nhưng không quen, tiên sinh có biết
tiểu thuyết, bút ký để chỗ nào không?”
“Cái
gì?” Anh ta ngẩng đầu nhìn tôi, nghe không hiểu.
Tôi vội
vàng sửa lại: “Nếu không, truyền kỳ cố sự, quỷ thần truyện ký cũng được.”
Tống Tử
Kính lại kinh ngạc nhìn tôi. Lúc này tôi mới nghĩ ra, con gái thời xưa nếu
không lén đọc “Mẫu Đơn Đình” thì nên thuộc lòng “Liệt Nữ Truyện”, đọc tạp văn
dị sự như tôi dường như cũng không tốt lắm.
Thế
nhưng Tống Tử Kính chỉ nhìn tôi một lát, sau đó lại cúi đầu, vươn một tay ra:
“Tứ tiểu thư, mời đi bên này.”
Thân
hình anh ta thon dài, cử chỉ tao nhã, có hương trà nhàn nhạt trên người.
Anh ta
đưa tôi lên tầng trên. Trên tầng đơn giản, nhỏ nhắn, ánh sáng tràn ngập, xung
quanh có những giá sách thấp. Tôi nhìn không chớp mắt, trên đây đúng là rất
nhiều tiểu thuyết truyền kỳ, ca từ hí khúc vân vân.
Tôi vui
vẻ chọn vài quyển, ôm vào trong lòng, gật đầu cảm ơn anh ta.
Anh ta
khách sáo cười đáp lại tôi: “Tứ tiểu thư không cần khách khí.”
Tôi
bịch bịch chạy xuống lầu, bỗng nhiên đứng lại, ngẩng đầu hỏi anh ta: “Tiên sinh
giảng bài, tôi có thể đi nghe không?”
Tống Tử
Kính sửng sốt một chút rồi nói: “Đương nhiên có thể.”
Tôi
nói: “Vậy ngày mai tôi tới.”
Vân
Hương biết tôi gặp Tống Tử Kính, gương mặt lập tức ửng hồng.
Tôi
cười: “Tống tiên sinh này đúng là nhân vật ngọc thụ lâm phong. Nhưng tôi không
hiểu, vì sao anh ta không đi thi tuyển công danh mà lại đến đây dạy học cho trẻ
con?”
Vân
Hương là một nhân viên tình báo rất tốt, cô ấy nói cho tôi biết: “Tống tiên
sinh vốn là một trong những đại tài tử của Đông Tề chúng ta, bao nhiêu người vì
muốn tiên sinh làm con rể mà đạp hỏng cửa nhà. Danh tiếng này nha, đã truyền
tới phủ quốc cữu ở kinh thành, khiến cho tiểu thư Triệu gia động lòng. Nghe nói
Triệu tiểu thư kia vừa béo lại vừa xấu, vừa lười lại vừa ngốc, nhưng sống chết
vẫn phải gả cho Tống tiên sinh, Quốc cữu gia không thể làm gì khác, đành tới
cửa cầu thân. Nhưng Tống tiên sinh là ai, tiên sinh mới không thèm nhìn đến
Triệu tiểu thư ấy, lập tức từ chối. Việc này không biết ai truyền ra ngoài, ai
ai cũng biết chuyện cười của Triệu tiểu thư. Quốc cữu gia ghi thù trong lòng,
sau này Tống tiên sinh lên kinh đi thi, ông ta thu mua giám khảo, nhất định
không cho Tống tiên sinh thi đỗ. Lúc đầu Tống tiên sinh còn không phục, liên
tục thi bốn năm, nhưng lần nào cũng trượt. Đến năm thứ năm, tiên sinh thẳng
thắn không vào trường thi, ở ngay bên ngoài tường thành viết văn. Lão gia nhà
chúng ta đã ngưỡng mộ tài học của tiên sinh từ lâu, sau khi nghe nói đã chạy
tới tường thành, cứu tiên sinh ra từ trong tay quan binh, sắp xếp tiên sinh dạy
học trong phủ.”
Cô ấy
nói một mạch, tôi vội vàng đưa trà cho cô ấy: “Vậy quốc cữu gia kia hãm hại văn
nhân sĩ tử, hoàng đế không biết sao?”
Vân
Hương nuốt một ngụm trà xuống, hạ giọng nói: “Thân thể hoàng đế không tốt,
dưỡng bệnh trong thâm cung, quốc gia đại sự đều do Lý thừa tướng và quốc cữu
gia định đoạt. Những chuyện này đều do nô tỳ nghe lão gia và đại thiếu gia nói
chuyện khi đến thư phòng giúp đỡ trong lễ mừng năm mới.”
Không
ngờ Tống Tử Kính nhìn có vẻ ôn hòa nhã nhặn thế kia mà cũng thật cứng rắn.
Tôi
bỗng nói: “Nói vậy, Tống tiên sinh vẫn chưa lấy vợ?”
Vân
Hương đỏ mặt nói: “Tiên sinh… Tiên sinh tuy không nhận cuộc hôn nhân kia, nhưng
giờ náo loạn như thế, còn… còn ai dám muốn tiên sinh làm… làm con rể nha? Ai
chẳng sợ quốc cữu gia.”
Tống Tử
Kính đáng thương, chẳng trách tôi quấy rối như thế mà lông mày không thèm
nhướng lên một cái, có lẽ đã sợ sinh vật phái nữ rồi.
Ngày
hôm sau, khi thỉnh an Tạ phu nhân, tôi nói muốn tới lớp nghe giảng một chút. Tạ
phu nhân ban đầu rất kinh ngạc khi biết tôi biết chữ, sau đó vui vẻ đến mức
không để đâu cho hết.
Lớp học
của Tạ gia được mở cho những bọn trẻ trong nhà và thân thích tới đọc sách,
ngoại trừ tiểu thư “Quách Phù”, Tạ Linh Quyên, và hai anh em họ Mã bên ngoại,
còn có mấy đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau.
Bạn nhỏ
Tạ Linh Quyên thấy tôi tới, đầu tiên rất ngạc nhiên, sau đó rất mất hứng, cuối
cùng lại có chút sợ hãi. Đại khái là anh cả đã trách mắng con bé, cuối cùng
cũng biết tôi là bề trên, không thể thô lỗ với tôi như trước đây. Đúng là trẻ nhỏ
dễ dạy.
Hôm nay
Tống Tử Kính mặc một bộ trường sam màu trắng, toát ra vẻ uyên bác, mộc mạc
thanh nhã, không dính một hạt bụi. Tôi theo tập tục hành lễ với anh ta, anh ta
nhẹ gật đầu, đặc biệt ung dung. Tôi ngồi xuống cuối cùng, phía sau một đám đầu
nhỏ.
Hôm
nay, trước tiên là kiểm tra bài học hôm qua, bạn nhỏ Tạ Linh Quyên tuy nhân
phẩm có vấn đề nhưng ngược lại học hành rất tốt, có vẻ anh cả gia giáo rất
nghiêm. Có mấy đứa trẻ lười biếng không làm bài, bây giờ không có bài để nộp.
Tống Tử
Kính này, nếu dùng một từ đang lưu hành để miêu tả, chính là một nữ vương thụ.
Nhìn có vẻ yếu đuối, nhưng biện pháp phạt người lại vừa nghiêm khắc vừa ác độc.
Chỉ thấy anh ta nhàn nhạt nói một câu: “Ngày mai nộp bù đi.”
Mấy đứa
trẻ kia thở phào nhẹ nhõm. Sau đó thầy giáo Tống lại bổ sung thêm một câu: “Tất
cả các trò chép lại bài học hôm qua năm mươi lần, ngày mai nộp bài.”
Phía
dưới tiếng kêu than vang trời, mấy đứa bé không nộp bài lập tức thành cái đích
cho mọi người chỉ trích.
Hiểu
chưa bọn nhóc, cái này gọi là tội liên đới, một trong những nét văn hóa tiêu
biểu của xã hội phong kiến tăm tối. Thầy Tống đây cũng vì muốn tốt cho các em,
sớm biết về một mặt vô nhân tính của xã hội này thôi.
Tôi giơ
tay. Tống Tử Kính hỏi: “Chuyện gì vậy?”
Tôi
nói: “Tiên sinh, tôi có phải nộp bài không?”
Gương
mặt Tống Tử Kính cứng đờ, không được tự nhiên mà nói: “Tứ tiểu thư mới tới,
không cần.”
Tôi
cười thầm.
Bắt đầu
giảng bài, bài giảng là chuyện cổ “Trương Hoài nằm băng”. Trương Hoài này tôi không
biết, Vương Tường nằm trên băng câu cá chữa bệnh cho mẹ thì tôi đã nghe từ nhỏ,
cũng không khác câu chuyện Tống Tử Kính kể là mấy.
Tống Tử
Kính giảng bài ngoài dự tính của tôi, vô cùng sinh động, dùng câu từ dễ hiểu,
thỉnh thoảng lại kể về xuất xứ của những câu thành ngữ, khiến bọn nhỏ nhớ kỹ.
Tôi phải nói, anh ta là một người làm công tác giáo dục không tệ.
Kể câu
chuyện xong, anh ta liền gọi mấy bạn nhỏ lên phát biểu cảm tưởng. Bọn nhỏ đều
biết câu chuyện đó dạy con cái phải biết hiếu thuận với cha mẹ, chỉ có một
thằng bé có suy nghĩ khác lạ: “Trương Hoài này thật ngu ngốc.”
Lịch sử
chính là dùng những suy nghĩ khác lạ này để thúc đẩy sự tiến bộ nha. Tôi kích
động nhìn qua, đó là một cậu bé mười một, mười hai tuổi mặc một bộ hoa phục đỏ
thẫm, da trắng như tuyết, ngũ quan tinh xảo, mắt sáng như sao, môi đỏ như son,
giống một con búp bê bằng sứ.
Trên
mặt Tống Tử Kính có ý cười, hỏi: “Tiểu Lăng, trò nói xem vì sao?”
Tiểu
Lăng phát âm lưu loát, nói: “Trương Hoài lấy thân mình muốn tan chảy băng, ai
ngờ băng chưa tan chảy đã chết cóng, thứ có được không bù lại được thứ đã mất.
Nếu con là Trương Hoài, con sẽ phá băng, vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm
sức lực.”
Tôi và
Tống Tử Kính không hẹn mà cùng nhau gật đầu. Thầy Tống lại hỏi: “Còn có cái
nhìn nào khác không?”
Tôi
cũng không biết mình đã đắc tội Tạ Linh Quyên thế nào mà con nhỏ bỗng chỉ vào
tôi, nói: “Tiểu cô cô có.”
Tống Tử
Kính cũng biết thời biết thế, nói: “Tứ tiểu thư cũng nói vài câu đi.”
Tôi
chưa hề có thời gian chuẩn bị, câu chuyện dễ hiểu này cũng không nói được ý
nghĩa cao thâm nào. Trong nháy mắt, tôi như trở về lớp học thời đại học, bị
giáo sư gọi lên đọc thuộc tất cả các huyệt đạo trên cơ thể người, trong đầu quạ
bay vòng vòng, ngay cả tứ chi gọi là gì cũng quên mất.
Tạ Linh
Quyên có ý muốn tôi xấu mặt, bật cười ra tiếng.
Nhờ có
nụ cười đó mà tôi tỉnh hồn lại, mỉm cười với con bé: “Cảm tưởng thì không có,
những tri thức liên quan thì có một ít. Cá chép là một trong những loại cá nước
ngọt phổ biến nhất, trong “Thần nông thảo bản kinh” đã gọi cá chép là “vua của
loài cá nước ngọt”. Từ góc độ y dược mà nói, cá chép có tình bình, vị ngọt, bổ
tỳ vị, lợi tiểu, tiêu phù thũng, thông sữa, an thai. Đặc biệt, đầu cá chép có
chứa nhiều mỡ phốt pho, mang lại lợi ích trong việc duy trì dinh dưỡng của não
bộ, tăng cường trí nhớ. Vì vậy nói, người thông minh thích ăn đầu cá, điều này
cũng không phải không có lý.”
Tống Tử
Kính kinh ngạc nhìn tôi chằm chằm, giống như tôi là người ngoài hành tinh tới
thăm Trái Đất. Mấy đứa trẻ đang ngồi đây cũng sợ ngây người, nhưng tôi tin đó
là vì bọn chúng nghe không hiểu những gì tôi nói.
Tạ Linh
Quyên nhỏ giọng lẩm bẩm: “Vậy muốn thông minh phải ăn đầu cá sao?”
Tôi gật
đầu: “Đây cũng là một biện pháp.”
Vẻ mặt
con bé phức tạp như có chuyện cần suy nghĩ, giống như khi Shin cậu bé bút chì
biết rằng muốn có giọng nữ phải ăn ớt xanh vậy.
Tôi
cười hỏi Tống Tử Kính: “Không biết tiên sinh có hài lòng với đáp án này không?”
Tống Tử
Kính cũng không làm khó tôi, nói: “Tuy đáp không đúng câu hỏi nhưng đã giúp mọi
người có thêm nhiều kiến thức.”
Tôi vui
vẻ ngồi xuống.
Sau khi
tan học, tôi theo bọn họ ra khỏi lớp, Tống Tử Kính gọi tôi lại.
“Tứ
tiểu thư, tiểu thư nói “Thần nông thảo bản kinh”…”
Biết
anh ta sẽ hỏi nên tôi đã nghĩ sẵn lời giải thích, lừa bịp nói: “Tôi chỉ nhớ
sách thuốc có ghi vậy, cũng không nhớ rõ là quyển nào, tiện miệng mới nói
thôi.”
Tống Tử
Kính cười: “Thì ra là vậy. Chỉ là, thì ra tứ tiểu thư tinh thông y lý như vậy,
tại hạ không biết tiểu thư học từ khi nào?”
Nụ cười
của anh ta thật sự là vầng trắng ló sau đám mây, như ngọc tỏa sáng, khiến trái
tim nhỏ của tôi đập loạn, không khỏi cười hì hì nói: “Học được trong mơ.”
Tống Tử
Kính kinh ngạc.
Tôi
cười, lại nói: “Tống tiên sinh, tôi thấy thân thể tiên sinh dường như có chút
không tốt, có vẻ như khí huyết hư, mệt mỏi. Tôi dạy cho tiên sinh một phương
pháp tăng huyết dưỡng vị, rất thích hợp cho những người tiêu hóa kém, gầy gò
như tiên sinh. Mề gà đun hai giờ, thêm hai lượng đảng sâm, đun nửa canh giờ,
thêm một con cá chép khoảng một cân và gia vị, đun nhỏ lửa thêm nửa canh giờ,
sau đó uống canh cá đó. Những điều hôm nay nói phải áp dụng ngay mới được gọi
là biết tiếp thu. Tiên sinh dùng thử trước đi.”
Tống Tử
Kính tiếp tục ngẩn người. Tôi cười, vẫy vẫy tay với anh ta, xoay người nhảy
chân sáo ra khỏi viện.
Còn
chưa đi xa đã thấy một tiên nữ được bao phủ bởi một tầng ánh sáng vàng lóng
lánh đi tới. Đó là chị gái Tạ Chiêu Kha coi thường Điêu Thuyền, vượt mặt Tây
Thi của tôi.
Tạ
Chiêu Kha nhìn thấy tôi thì rất ngạc nhiên, cô ấy tròn mắt nhìn tôi chằm chằm,
đôi lông mày lá liễu khẽ nhíu lại cũng vô cùng đẹp.
Tôi
giải thích với cô ấy: “Muội ở trong viện buồn chán, mẫu thân bảo muội tới chỗ
Tống tiên sinh nghe giảng.”
Tạ
Chiêu Kha à một tiếng: “Tống tiên sinh đi rồi sao?”
“Chưa,
còn đang ở trong học đường thu dọn đồ đạc.”
Đang
nói, Tống Tử Kính cũng đi ra, lễ phép chào một tiếng: “Tam tiểu thư.”
Ánh mắt
Tạ Chiêu Kha lập tức phát sáng, long lanh ướt át, nếu tôi là đàn ông, tôi sẽ
lập tức chết chìm trong sóng mắt đó. Chỉ thấy cô ấy e ấp xấu hổ, đuôi mắt khẽ
cười, má như phấn đào, môi anh đào hơi mím lại, hoàn toàn là dáng vẻ lộc xuân
ngượng ngùng nảy mầm.
“Tống
tiên sinh... Gần đây trời lạnh, ta may cho tiên sinh một chiếc áo khoác… Ban
đêm tiên sinh đọc sách nhớ choàng thêm.”
Ai ya,
thì ra là như thế.
Tôi
bừng tỉnh đại ngộ, lập tức không làm bóng đèn nữa, tìm một cái cớ chuồn trước.
Trở về
Dưỡng Tâm Các, Vân Hương vội vàng chào đón hỏi tôi: “Thế… Thế nào rồi ạ? Tiểu
thư, hôm nay Tống tiên sinh làm gì?”
Tôi
thương hại xoa đầu Vân Hương: “Con gái ngoan, hiện nay tình thế nghiêm trọng,
cạnh tranh gay cấn, mẹ sợ rằng con đã hy vọng vô ích rồi. Con ngoan ngoãn thu
hồi tình cảm, tìm người khác đi, nhé. Nên nhớ, “Tề đại phi ngẫu”*.
*
Tề đại phi ngẫu: ý nói địa vị thấp hơn, môn không đăng hộ không đối.Vân
Hương nửa hiểu nửa không: “Tiểu thư, có phải người lại ngốc rồi không? Tiểu thư
đang nói Tống tiên sinh không tốt sao?”
Tôi lắc
đầu bỏ đi.
Tạ
Chiêu Kha thích Tống Tử Kính, chuyện này không thể nghi ngờ. Vậy Tống Tử Kính
có thích Tạ Chiêu Kha không?
Mặc kệ
anh ta có thích hay không, anh ta chưa có công danh, sẽ không có khả năng phát
triển với Tạ Chiêu Kha. Tạ Chiêu Kha và Tống Tử Kính tài mạo xứng đôi, Tạ gia
cũng không chê nghèo yêu tiền bạc, nhưng chưa chắc Tạ thái phó sẽ vì vậy mà đắc
tội với quốc cữu gia.
Nói tới
đây, tôi lại có cảm giác nguy cơ.
Vị đại
tiên đó chỉ nói đến thời điểm thích hợp sẽ đưa tôi về, đây đúng là mấy lời vô
dụng, như thế có nghĩa phải đợi đến bao giờ? Mười ngày, mười tháng, hay là mười
năm? Nếu đợi tới khi trở thành cụ già rồi mới cho tôi trở về, vậy chênh lệch
thời gian giữa hai bên phải điều tiết thế nào? Nếu thật sự phải chờ lâu như
vậy, tôi ở bên này bị Tạ gia sắp xếp cho một cuộc hôn nhân, trùm khăn voan tống
khứ cho ai đó trước thì sao?
Dù tôi
không hy vọng được gả cho người trong lòng, Trương Tử Viêt, nhưng cũng không
thể lấy một gã xa lạ nha.
Nghĩ
vậy, tôi bắt đầu để ý xung quanh, tìm cơ hội rời khỏi Tạ phủ. Cùng lắm thì xuất
gia làm ni cô, dù sao tôi đã làm ni cô tám kiếp, tương đối quen biết với Phật
tổ, sẽ được chiếu cố nhiều hơn.
Cứ đắn
đo suy nghĩ như thế, lễ mừng năm mới đã sắp đến.