Chương 155
Đây là đệ tử Cốc Phong viện của Trương Nghị, mũ xanh là chiêu bài của bọn chúng.
- Ngươi chính là Phạm Ninh?
Tên cầm đầu đi đến trước mặt Phạm Ninh, ngạo mạn đánh giá hắn:
- Ngươi giỏi quá nhỉ, ngay cả mặt mũi sư phụ ta cũng không nể nang.
Phạm Ninh chậm rãi siết chặt nắm tay, bình tĩnh đáp:
- Ta luôn kính trọng và ngưỡng mộ nhân phẩm của Triệu học chính, đi theo ngài đọc sách là vinh hạnh của ta.
Tên cầm đầu híp mắt nói:
- Đáng tiếc, Triệu lão phu tử lại chướng mắt ngươi, mặt nóng dán mông lạnh, rõ ràng còn là một môn sinh, buồn cười quá!
Nói xong, gã ngửa đầu cười lớn, đẩy mạnh bọn người Tô Lượng, cùng đồng bạn nghênh ngang rời đi.
- Người này là ai?
Tô Lượng xoa bả vai bị đau, oán hận nói:
- Quá kiêu ngạo rồi!
- Gã ta là Dương Độ, là cháu trai của Dương huyện thừa.
Đoạn Du chăm chú nhìn những học sinh đó đi xa, tỉnh táo nói:
- Ở huyện học Phụ Chúc học đường, gã là bá chủ một phương. Chuyên bắt nạt những kẻ yếu đuối, không ai dám chống lại gã, bài vở thì không thông, thật không hiểu sao gã lại thi đậu vào huyện học này?
Phạm Ninh cũng không thấy lạ, huyện học là nơi tụ hội người tài, xuất hiện vài tên "cố gắng vươn lên" cũng không có gì lạ.
...
Phạm Ninh sẽ phải đối mặt với các cuộc thi dành cho học sinh giống như trước trong thời gian hai năm rưỡi. Chương trình học của hắn cũng không có gì đặc biệt, vẫn là thư pháp, Ngũ kinh, sách luận cùng tìm hiểu sâu sắc hơn về " Mạnh Tử", "Luận ngữ".
So sánh với học đường, chương trình huyện học càng thêm tự do hơn. Huyện học ngoại trừ bốn giáo thụ thủ tịch còn có hơn mười giáo thụ khác, học sinh căn cứ vào đặc điểm của mình mà tùy ý chọn lớp học.
Mỗi ngày, buổi sáng đều có môn học, buổi chiều và buổi tối đều là học sinh tự học. Học sinh có thể ở ký túc xá luyện chữ, cũng có thể ở trên lớp đọc sách, đương nhiên cũng có thể đi tới Tàng Thư Các.
Tàng Thư Các huyện học của Ngô huyện là Tàng Thư Các lớn nhất Bình Giang phủ, có được trăm ngàn loại sách.
Chỉ chớp mắt, Phạm Ninh đã ở huyện học hơn nửa tháng.
Lúc này đã là buổi trưa, sau khi đọc xong "Chu Dịch", Phạm Ninh, Tô Lượng, Đoạn Du nhanh chóng ra khỏi lớp học.
- Giúp ta xin nghỉ với lão gia tử, hôm nay ta có chút việc, sẽ không đến lớp học tư mật.
Phạm Ninh cười nói.
Lớp tư mật chính là giờ học bốn giáo thụ thủ tọa dạy riêng cho đệ tử của mình. Vì bí mật nên mọi người gọi là lớp học tư mật.
Tô Lượng thở dài:
- Phạm Ninh, sao cậu lại thế, làm đệ tử Triệu học chính thì có gì không tốt, chỉ muốn làm môn sinh, như thế khiến một số người cười chê đó.
Phạm Ninh cười cười, không trả lời.
Cho đến lúc này Phạm Ninh cũng không phải đệ tử của Triệu Tu Văn, chỉ là môn sinh của ông ta. Không phải Triệu Tu Văn không muốn nhận Phạm Ninh làm đệ tử, do tình huống của Phạm Ninh có chút đặc thù.
Phạm Ninh là người thừa kế của Phạm Trọng Yêm, Triệu Tu Văn hiểu rõ điều này. Không được sự đồng ý của Phạm Trọng Yêm thì dù Phạm Ninh có muốn làm đệ tử của ông ta, ông ta cũng không dám nhận.
Đoạn Du kéo Tô Lượng nói:
- Phạm Ninh không đi thì đừng miễn cưỡng cậu ấy, sắp đến giờ rồi, chúng ta đi nhanh lên.
Hai người nhanh chóng bước đi, Phạm Ninh xoay người đi ra khỏi học đường.
Trưa hôm nay Chu Nguyên Phong mời hắn ăn cơm. Rượu Thái Hồ bán cực kỳ đắt hàng, không chỉ được hoan nghênh ở Bình Giang phủ.
Ở kinh thành càng chấn động lớn hơn. Nghe nói mấy ngày liền Thiên tử đều muốn uống rượu trắng Thái Hồ mới ủ của Chu Lầu.
Hai ngày trước Chu Nguyên Phong đã phái người đưa thiệp mời đến, mời hắn trưa nay đến dùng cơm.
Phạm Ninh nhanh chóng đi ra khỏi huyện học, đã thấy ngoài cửa có một cỗ xe ngựa hoa lệ.
Phạm Ninh hơi ngẩn ra, không phải đây là xe của Chu Bội sao?
Không thể nào, không phải Chu Bội đến kinh thành đi học sao?
Lúc này, cửa xe mở ra, khuôn mặt nhỏ nhắn xinh đẹp ló ra, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc bào trắng sĩ tử, eo thắt đai ngọc.
Phạm Ninh vô cùng vui mừng, chạy lên trước hỏi:
- Không phải ngươi tới kinh thành sao?
Chu Bội thấy Phạm Ninh cũng vô cùng vui mừng, nàng tỏ vẻ mất hứng:
- Ngươi hy vọng ta đi kinh thành như vậy sao?
- Đương nhiên là không phải, ta nghe Lý Khang nói, ngươi muốn trở lại kinh thành, cho nên...
Chu Bội cười giảo hoạt:
- Ta biết rồi, ngươi hy vọng ta ở kinh thành, để quịt nợ có đúng không?
Phạm Ninh gãi đầu, cười hì hì:
- Nợ cũ qua rồi, còn nói làm gì, để nó theo gió mà bay đi.
- Nghĩ khá lắm, ta chính là cho vay nặng lãi, lãi mẹ đẻ lãi con, chưa trả thì đừng mơ thoát thân.
- Rận nhiều không sợ ngứa, nợ nhiều không lo, nói sau.
Phạm Ninh cũng không khách khí, tiến lên xe ngựa, xe ngựa chậm rãi quay đầu hướng về cửa bắc mà đi.
Chu Nguyên Phong mời Phạm Ninh ăn cơm ở huyện Trường Châu. Huyện Trường Châu cách huyện Ngô ba dặm, giữa hai trấn có kênh đào Giang Nam xuyên qua. Hai bên bờ sông là đám rau lớn, xanh mơn mởn.
Một con đường chính rộng lớn nối liền hai thị trấn. Một cây cầu đá quanh co chín lỗ kéo dài qua kênh đào. Xe ngựa đi qua kênh đào, không bao lâu đã đến cửa Nam huyện thành Trường Châu.
- Chu Bội, hiện tại ngươi còn tới Diên Anh học đường đọc sách không?
Phạm Ninh cười hỏi.
Chu Bội hừ một tiếng:
- Ta đã thi đậu huyện sĩ, còn đến học đường đọc sách làm gì?
- Vậy ngươi đọc sách ở đâu?
Phạm Ninh trộm lén nhìn Kiếm Mai Tử, thấy nàng ta sa sầm mặt mày, không chút thay đổi, coi như không nhìn thấy hắn.
Phạm Ninh lại quay đầu nhìn Chu Bội cười nói:
- Ta đoán không lầm, chắc ngươi đọc sách ở Trường Châu huyện?
- Ngươi đoán không sai.
Chu Bội cười nói:
- Ta đọc sách ở nữ học đường Mai Thị.
- Còn có nữ học đường sao?
Phạm Ninh khó hiểu nói:
- Có phải kiểu nữ học đường học thêu thùa, may vá, nhàm chán gì đó không?
- Ta không học những cái đó.
Chu Bội hung hăng trừng mắt nhìn Phạm Ninh, giọng điệu gay gắt:
- Chúng ta học cầm kỳ thi họa, còn có những đại nho nổi danh dạy chúng ta làm thơ.
- Trong trường còn có đồng môn à?
- Đương nhiên.
Chu Bội hừ nhẹ, đắc ý nói:
- Tổng cộng có tám người, đều là người Bình Giang phủ, mấy ngày này Kiếm tỷ lại dạy ta luyện quyền thuật. A Ngốc, ngày nào đó chúng ta tỷ thí một chút?
Phạm Ninh liếc mắt nhìn, định lấy hắn làm bao cát sao?
Kỳ thật Phạm Ninh cũng hiểu rõ, giữa thời Bắc Tống người ta cũng xem trọng giáo dục nữ nhi. Tuy nhiên không phải giáo dục kiểu huyện học, học đường để đi học, khổ luyện đọc kinh thư.
Mà từ nhỏ liền đưa nữ tử đến học đường, học chữ viết, làm thơ, học trà đạo, học trang điểm, cầm kỳ thư họa. Như vậy con gái của họ mới có cơ hội gả vào nhà giàu quyền quý, giúp chồng dạy con.
Cho dù môn đăng hộ đối, nhà trai không chỉ xem đồ cưới bao nhiêu, mà tài nghệ của các nàng cũng rất quan trọng.
Xã hội Tống triều sớm hình thành chung một loại nhận thức, chỉ có tài nghệ cao thâm thì mẫu thân mới nuôi dạy được con ưu tú.
Thậm chí nhiều nhà quyền quý, người ta mời đầu bếp nữ cũng nhìn tướng mạo, xem tài nghệ.
Học đường nữ tử cũng phân chia cao thấp. Chu Bội nói Mai Thị nữ tử học đường chính là trường học tốt nhất Bình Giang phủ.