Họa Quốc

Quyển 1 - Chương 6

Dọc đường Chiêu Loan quả nhiên rất thông thạo phố lớn ngõ nhỏ, đặc biệt dẫn nàng qua mấy nơi đến một người sống ở kinh thành mười lăm năm như nàng cũng lần đầu tiên biết tới.

Ðầu tiên là một tiệm bán mì trong một ngõ nhỏ cực kỳ hẻo lánh, khách ăn không nhiều, bàn cũng chỉ có bốn chiếc, bát thô đũa tre, nhìn cực kỳ giản dị. Khương Trầm Ngư còn sợ không sạch sẽ, nhưng đến khi bát mì đó được bê lên, vừa ngửi thấy mùi thơm sộc vào mũi, cái gì nàng cũng quên hết.

Ăn xong Chiêu Loan hỏi nàng: “Thế nào?”.

Khương Trầm Ngư hít sâu một hơi, lại thở dài, đáp: “Hôm nay mới biết mì trước đây ta ăn đều uổng phí. Tài nghệ của thím này quả thực cao thâm”.

“Ðúng vậy, đến Ngôn Duệ cũng không chối từ được sức hấp dẫn của món mì Phương gia này, huống hồ là tỉ”.

Khương Trầm Ngư cả kinh: “Ðây là mì của Phương gia?”.

Chiêu Loan gật đầu: “Tiếc là vị chính chủ kia đã chết, người làm mì bây giờ nghe nói là phụ bếp trước đây của bà. Ðến mì của phụ bếp làm ra còn có mùi vị thượng đẳng như thế, không được đích thân nếm mì Phương gia chính tông ngày trước, đúng là đáng tiếc thay!”.

Khương Trầm Ngư quay đầu nhìn người phụ nữ đang luộc mì trước mặt, trong lòng chạnh buồn. Trước kia, mẫu thân Phương thị của Hy Hòa có phải đã đứng ở đây bán mì cả ngày không? Vậy thì Hy Hòa có phải cũng từng ở đây lau bàn rửa bát không? Ai có thể ngờ, cô gái nhà nghèo áo thô chân trần ngày xưa giờ đã trở thành đế vương phi trong nội viện thâm cung?

Cảnh ngộ đời người, quả thực khó nói...

Tiếp đó, họ đến một quán trà, cũng là một cửa tiệm be bé trong con phố nhỏ, lầu trên lầu dưới đều chật ních người, Khương Trầm Ngư vốn định bỏ nhiều tiền thuê một nhã phòng, nhưng Chiêu Loan lại kéo nàng đứng bên cạnh chiếc cột, suỵt một tiếng. Chỉ nghe tiếng mõ đập vang trên bàn, tiên sinh thuyết thư phía sau rèm vừa mở miệng, Khương Trầm Ngư lập tức ngẩn ra - nữ nhân?

Tiên sinh thuyết thư ở đây lại là nữ nhân?

Hơn nữa nữ nhân này có giọng nói rất hay và tình cảm, linh hoạt sống động, tạo được bầu không khí khẩn trương khiến người nghe hồi hộp, nghe đến mức tim đập thình thịch. Nghe xong một đoạn “Thách đấu Tiểu Khang Vương” xong, Chiêu Loan kéo nàng ra khỏi quán trà, cười nói: “Thế nào?”.

“Ngày trước khi gia phụ tổ chức tiệc mừng thọ cũng từng mời tiên sinh nổi tiếng nhất kinh thành của Tinh Bích quán đến phủ kể chuyện, cứ tưởng là kỹ xảo diễn thuyết đã cực kỳ tuyệt diệu, đến hôm nay mới biết núi cao còn có núi cao hơn”.

“Vị tiên sinh thuyết thư Tần nương này là một quả phụ, vốn tướng công của nàng ta mới là tiên sinh kể chuyện trong quán trà này, nhưng không may ba năm trước mắc bệnh hiểm nghèo đã qua đời. Bây giờ Tần nương kể chuyện ở đây cũng không phải vì kiếm tiền mà xuất đầu lộ diện, mà vì nàng ta cho rằng chỉ có cách này mới có thể tưởng niệm tướng công của mình. Nàng ta từng nói: ‘Mỗi khi tôi đứng ở nơi tướng công tôi từng đứng, gõ chiếc mõ mà tướng công tôi từng dùng và kể những câu chuyện mà tướng công tôi từng kể, tôi cảm thấy chàng chưa hề rời bỏ tôi, mà vẫn theo sát bên tôi’, khi đó, đúng là xúc động suýt rớt nước mắt”.

Khương Trầm Ngư nghiền ngẫm hai câu đó, không kìm được có phần ngây dại.

Chiêu Loan bỗng bật cười, ghé vào tai nàng nói: “Tỉ tỉ, nhìn qua bên kia đi!”.

Nàng nhìn theo hướng Chiêu Loan chỉ, thấy một nam tử đứng bên ngoài cửa sổ quán trà, nhìn vào bên trong, không hề nhúc nhích. Nam tử khoảng chừng hơn ba mươi tuổi, dáng vẻ cao to, tướng mạo đường đường, giữa ngày đông lạnh giá chỉ mặc độc một chiếc áo da rách nát, để lộ ra quá nửa bộ ngực trần cũng không sợ lạnh, trên vai còn vác một cái đùi lợn, giữa eo giắt một con dao. Nhìn cách ăn mặc, hẳn là một đồ tể.

Chiêu Loan giải thích: “Ðồ tể này tên là Phan Phương, thích Tần nương đã lâu, thường xuyên đứng ở bên ngoài nhìn trộm nàng kể chuyện”.

“Ðến chuyện này công chúa cũng biết sao?”.

Chiêu Loan đắc ý: “Ðúng thế, trong kinh thành này có chuyện gì ta muốn biết mà lại không biết được chứ! Ði nào, ta dẫn tỉ đi xem cây mai đẹp nhất trong kinh thành!”. Vừa bước được mấy bước, nàng ta bỗng thất sắc, nói: “Gay rồi!”.

Khương Trầm Ngư còn chưa phản ứng kịp, Chiêu Loan đã lôi nàng trở lại quán trà, nấp sau cửa.

“Sao thế?”. Khương Trầm Ngư dòm qua khe cửa nhìn ra ngoài, thấy đường phố bên ngoài vẫn thế, người đi đường tốp năm tốp ba, quầy hàng lác đác, nếu có gì khác biệt, thì đó chính là một cỗ xe ngựa từ trong góc nọ ngoặt ra, không mau không chậm đi về phía này.

Chiêu Loan lo lắng nói: “Sao lại đen đủi thế, kinh thành rộng như thế, sao lại gặp nhau ở đây! Tỉ đã thấy chưa?”.

“Gì cơ?”.

“Ai da, Bạch Trạch đó!”.

Một lời như sét đánh ngang tai làm toàn thân Khương Trầm Ngư rung động, lại chăm chú nhìn kỹ, quả nhiên thấy cỗ xe ngựa đó tuy đơn giản mộc mạc, không hề hút mắt, nhưng trên càng xe lại vẽ một con Bạch Trạch.

Bạch Trạch chính là thần thú trên núi Côn Luân, có thể nói tiếng người, thông hiểu nhân tình, hiếm khi xuất hiện, nếu có thánh quân trị lý thiên hạ, thì nó sẽ dâng thư mà tới. Từ khi đương kim thiên tử Chiêu Doãn đăng cơ, ban biểu tượng (*) này cho Cơ Anh, từ đó, Bạch Trạch trở thành tượng trưng thân phận độc nhất vô nhị của Kỳ Úc hầu.

Cũng có nghĩa là, người trong xe là... công tử?

Sao công tử lại đến đây? Khương Trầm Ngư bất giác vò vạt áo phía trước của mình, thấy cỗ xe đó tới gần quán trà, chầm chậm dừng lại, vừa hay dừng cạnh đồ tể tên Phan Phương đó.

Sau đó, cửa xe mở ra, Cơ Anh toàn thân áo trắng bước xuống xe, chắp tay hành đại lễ với Phan Phương.

Chiêu Loan thì thào: “A, hóa ra y tới để tìm Phan Phương, thật kỳ lạ, hai người họ biết nhau sao?”.

Cơ Anh và Phan Phương bắt đầu trò chuyện, ánh nắng chiếu lên người họ, mỗi một biểu cảm, mỗi một động tác của chàng thậm chí mỗi một nếp nhăn trên áo chàng đều vô cùng rõ ràng.

Khương Trầm Ngư không khỏi xúc động, họ như thế này rốt cuộc là có duyên hay là vô duyên? Nếu là vô duyên, kinh thành rộng lớn là vậy, mà nàng ngàn năm mới ra khỏi phủ một lần, lại trùng hợp gặp chàng như thế; nhưng nếu là có duyên, vậy sao bà mối của nhà nàng đi đến phủ chàng cầu thân, chàng lại không ở nhà mà đến nơi này?

Tai nghe thấy Phan Phương nói: “Phan mỗ là một kẻ lỗ mãng, đã không mơ mòng làm quan, hầu gia hà tất phải ép người?”.

Cơ Anh mỉm cười: “Phan huynh đúng là quá khiêm nhường. Trên đời này, ngàn dặm cưỡi ngựa đánh giặc cỏ, vạn quân đơn thương chém đầu thù, có thể có mấy người? Huynh từ nhỏ đã theo cha tòng quân, tinh thông binh pháp, giỏi dùng trường thương, mười sáu tuổi đã đánh bại đại tướng Nghi quốc - Nhan Hoài, mười chín tuổi thụ phong Khinh xa tướng quân… Vinh quang như thế, sao có thể gói gọn trong ba chữ ‘kẻ lỗ mãng’?”.

Chiêu Loan “oa” một tiếng, ghé sát tai Khương Trầm Ngư thì thào: “Không ngờ tên đồ tể này lại lợi hại thế!”.

Khương Trầm Ngư đưa tay suỵt nàng, ý bảo nàng nghe tiếp.

Phan Phương hơi lộ vẻ xúc động, nhưng cuối cùng vẫn cười thê lương, trầm giọng nói: “Hầu gia quả nhiên đã tường tỏ quá khứ của Phương mỗ, vậy thì ngài càng nên biết rằng, Phan mỗ vì cái gì mà mất chức bị đuổi về quê. Con trai của một tên phản tướng nào có mặt mũi đâu mà tiếp tục ra sa trường?”.

Cơ Anh chăm chú nhìn y, trong ánh mắt thoáng sắc bi ai: “Thật không ngờ…”.

“Ðúng thế, chẳng có ai ngờ, cha ta lại làm phản…”.

“Ðiều ta không ngờ là huynh”.

Phan Phương sững lại: “Ta?”.

“Ðúng”. Ánh mắt Cơ Anh sáng lên, chăm chú nhìn Phan Phương không rời một khắc, “Ta không ngờ là Phan lão tướng quân một đời anh hùng lại có thể sinh ra một đứa con kém cỏi như thế. Không những chưa từng nghĩ cách lấy lại thanh danh cho cha, trả lại sự trong sạch cho ông ấy, mà lại nghe theo người khác, đen trắng không phân, cam chịu sa ngã…”.

Phan Phương chộp lấy tay chàng, gấp gáp hỏi: “Ngài nói gì?”.

“Ta nói gì ư? Ta nói - lẽ nào huynh thực sự cho rằng phụ thân huynh tạo phản? Thật sự cho rằng ông ấy sau khi bị bắt làm tù binh, không chịu được tra tấn, nên tiết lộ quân tình?”.

Vẻ mặt của Phan Phương không chỉ dùng hai từ “chấn động, kinh ngạc” là có thể hình dung, y trợn đôi mắt to như chuông đồng, run giọng nói: “Ngài nói… phụ thân ta bị oan? Nhưng khi đó rõ ràng có bức thư khai báo cha ta đích thân viết, còn có hai thuộc hạ của ông ấy cũng nói như vậy…”.

Cơ Anh cười nhạt: “Phan huynh tinh thông binh pháp, lẽ nào không biết hai kế ‘mượn đao giết người’ và ‘ăn không nói có’ sao?”.

Phan Phương ngây ra hồi lâu, cuối cùng mới từ từ thả tay Cơ Anh ra, lẩm bẩm nói: “Lẽ nào là giả… Lẽ nào mọi chuyện năm đó đều là giả?”.

“Thư có thể giả, nhân chứng cũng có thể giả, nhưng”, nụ cười lạnh lùng của Cơ Anh chuyển thành cười mỉm, giống như gió xuân lướt trên cỏ xanh, sương sớm đọng lại trên hoa đỏ, mang màu sắc dịu dàng nhất trên thế gian này, “phụ thân huynh không phải là giả, tình cảm cha con giữa huynh và ông ấy cũng không phải là giả. Lẽ nào đến huynh cũng không tin ông ấy sao?”.

Phan Phương đứng ngẩn ngơ một hồi lâu, bỗng đấm mạnh tay vào tường, mắt vằn đỏ, nói: “Con sai rồi! Phụ thân con sai rồi! Ðúng là con sai rồi!”.

Cơ Anh thong thả nói: “Người xưa đã khuất, nhưng bây giờ hối hận cũng vẫn chưa muộn”.

Phan Phương quay mình quỳ sụp trước mặt chàng, khấu đầu, nói: “Tiểu nhân Phan Phương quỳ xin hầu gia thu nạp làm môn hạ, chỉ cần có thể giải oan cho gia phụ, nguyện óc lầy bùn cũng không chối từ!”.

Cơ Anh đỡ y dậy, ánh mắt sáng như sao, lẫn trong đó là nét cười lấp lánh: “Phan huynh đa lễ rồi, Anh vốn ngưỡng mộ tài năng mà đến, Phan huynh đồng ý chính là vinh hạnh của Anh. Chỉ có điều…”.

“Có điều gì?”.

Ánh mắt Cơ Anh xuyên qua cửa sổ, nhìn về bóng người sau rèm buông trong quán trà: “Con đường làm quan đầy rẫy nguy hiểm, Anh có quyết tâm cùng huynh báo thù, chỉ không biết Phan huynh có dũng khí vung rìu đắm thuyền (**) hay không?”.

Sắc mặt Phan Phương tức khắc trở nên trắng bệch. Y chăm chú nhìn bóng người kia, ánh mắt lóe lên bất định, rõ ràng do dự và đau khổ đến cực điểm. Từ góc của Khương Trầm Ngư nhìn qua, có thể thấy tay y đang nắm chặt thành nắm đấm bên cạnh vạt áo, các khớp xương đã bắt đầu trắng ra.

Cuối cùng, bàn tay đó đột nhiên thả lỏng, Phan Phương ngẩng đầu nói: “Tiểu nhân hiểu rồi! Cùng kéo xe hươu (***) vốn chỉ là vọng tưởng, từ nay về sau, không dám nghĩ tới nữa!”.

Trái tim Khương Trầm Ngư chùng xuống, Phan Phương nói như thế cũng có nghĩa là sẽ từ bỏ Tần nương?

Ai ngờ Cơ Anh nghe xong lại cười phì, thư thả nói: “Phan huynh hiểu nhầm ý của Anh rồi”.

“Hả?”.

Cơ Anh rút một chiếc hộp nhỏ từ trong tay áo ra, đưa qua: “Ðời người đau khổ mà ngắn ngủi, thời gian chớp nhoáng nhưng quý báu, Phan huynh đã đứng đây ngắm nhìn ba năm, còn bao nhiêu thời gian ba năm nữa để mà lần lữa? Ðám tốt nên cầu lấy, lương duyên đừng chậm trễ, đi đi”. Nói rồi đẩy Phan Phương một cái, Phan Phương loạng choạng bước qua bậu cửa, khó khăn lắm mới đứng vững, lại nhìn thấy người người trong quán đều quay đầu lại nhìn mình, không gian yên tĩnh đến lạ thường.

Y nắm chặt chiếc hộp trong tay, sắc mặt từ đỏ chuyển sang trắng, lại từ trắng chuyển sang đỏ, biến đổi mấy lần, mà người trong quán trà dường như thật sự muốn xem vở kịch này đến cùng, tất cả đều nín thở, im lặng.

Trước bao con mắt đang nhìn chằm chằm, Phan Phương bước từng bước một, vô cùng chậm rãi nhưng cực kỳ kiên định, đi tới trước bục kể chuyện, mở chiếc hộp ra, quỳ một chân xuống: “Phan Phương nghèo hèn, xin lấy Tần nương làm vợ”.

Quán trà trầm đi trong giây lát, sau đó vỡ òa trong tiếng vỗ tay như sấm dậy.

Chiêu Loan ngó chiếc cổ thon dài ra nhìn, liến thoắng nói: “Hóa ra trong hộp là thư cầu hôn! Không hổ là tên hồ ly chết tiệt, cái gì cũng chuẩn bị đầy đủ cả!”.

Tấm rèm trúc buông rủ lay động, người sau rèm thở dài buồn bã: “Vốn là ước nguyện, đâu dám nhận chữ ‘xin’”.

Tiếng vỗ tay lại nổi lên, người người trong quán đứng dậy chúc tụng, mừng rỡ vì cặp trai tài gái sắc này cuối cùng đã thành đôi, còn ngoài quán, Cơ Anh ngồi trên xe ngựa, từ xa nhìn họ mỉm cười, ánh nắng mặt trời chiếu trên chiếc áo trắng của chàng và hình Bạch Trạch trên càng xe, trắng lóa như tuyết.

Chiêu Loan thở dài nói: “Không ngờ Tần nương cũng có tình ý với tên ngốc Phan Phương… Nghe nói họ là thanh mai trúc mã, sau đó tên ngốc Phan Phương tòng quân đánh trận, Tần nương cũng gả cho người khác, đến khi tên ngốc quay về, chồng của Tần nương cũng chết, thời gian xoay vần, hai người còn có thể ở bên nhau đúng là ứng với hai chữ duyên phận”.

Khương Trầm Ngư nhìn mọi việc trước mắt, nhớ lại câu “đám tốt nên cầu lấy, lương duyên đừng chậm trễ” mà Cơ Anh vừa nói, trong lòng nảy nở một tình cảm quá đỗi dịu dàng.

Bên kia, Phan Phương cầu hôn thành công, sau khi trao chiếc hộp ra sau rèm, lại nhìn bóng người sau rèm mấy cái, quay người vui vẻ bước ra, khom lưng hành đại lễ với Cơ Anh: “Nếu không phải là công tử nhắc nhở, tiểu nhân đến nay vẫn mơ mơ tỉnh tỉnh, càng không có dũng khí cầu hôn Tần nương… Ða tạ đại ân của công tử!”.

Cơ Anh nhận một lễ này của y.

Phan Phương lại nói: “Từ nay về sau, xin làm trâu làm ngựa cho công tử, công tử tùy ý sai bảo!”.

Cơ Anh nói: “Không phải vội. Trước tiên huynh hãy lo hôn sự của mình, an tâm làm tân lang. Bao giờ khởi chiến, tự sẽ có chỗ dùng huynh”.

Phan Phương luôn miệng vâng dạ.

Cơ Anh quay người, đang định lên xe, đột nhiên dừng lại, nói: “A, đúng rồi, bây giờ đang có một việc phiền huynh giúp”.

Phan Phương vội vàng đáp: “Xin công tử dặn dò”.

Cơ Anh lại mỉm cười, khi Khương Trầm Ngư cảm thấy nụ cười này của chàng không giống với trước kia, bớt đi mấy phần trang trọng, thêm mấy phần giảo hoạt, thì nhìn thấy ánh mắt của chàng đã chuyển sang chỗ bọn nàng trốn: “Trò hay hết rồi, hai vị vẫn còn chưa về nhà sao?”.

Chiêu Loan quay đầu định chạy, nhưng Phan Phương trong chớp mắt đã đứng trước mặt, thân hình khôi vĩ đứng ở đó như một trái núi lấp kín toàn bộ lối đi.

Lúc này Khương Trầm Ngư mới biết hóa ra Cơ Anh đã sớm nhìn thấy bọn họ.

Chiêu Loan bước tới trước mặt Cơ Anh, căm phẫn nói: “Con hồ ly chết tiệt nhà ngươi mắt thật là tinh! Ngươi đi đường ngươi, làm như không thấy không được à?”.

Cơ Anh vừa cười vừa lắc đầu, mở cửa xe ra, làm điệu bộ mời lên.

Chiêu Loan không sợ thái hậu không sợ hoàng đế, chỉ sợ mỗi mình chàng, bởi vì nàng hiểu rõ Kỳ Úc công tử tuy ôn hòa văn nhã, phong độ ngời ngời, nhưng một khi quyết định việc gì thì còn khó thay đổi hơn cả thánh chỉ. Chuyến này bị chàng tóm gọn, cuộc du ngoạn chỉ có thể dừng ở đây, nàng đành bĩu môi lên xe vẻ không tình nguyện. Khương Trầm Ngư đương nghĩ nàng có nên lên cùng không thì Cơ Anh đã dặn dò phu xe mấy câu, phu xe vung roi lên đánh ngựa rời đi.

Chiêu Loan thò đầu ra cửa sổ, hét lên: “Tỉ tỉ, ta về trước đây, lần sau lại tìm tỉ đi chơi, nhân tiện trả tiền…”.

Nhìn thấy xe ngựa rẽ sang một góc, biến mất khỏi tầm mắt, mà Phan Phương cũng có việc cáo từ đi trước, cứ thế, trước cửa trà quán chỉ còn lại nàng và Cơ Anh.

Trái tim nàng đập loạn nhịp, nàng cúi đầu không dám nhìn chàng. Mũi ngửi thấy mùi hương phật thủ cam thoang thoảng toát ra từ trên người chàng, nhất thời, nàng lại càng lúng túng không biết phải làm gì.

“Tiểu thư của Khương gia?”. Lời hỏi han bằng một giọng nói trầm ấm, vô cùng lễ độ truyền đến tai nàng, lại làm tim nàng đập thình thịch lần nữa.

Hóa ra chàng thực sự biết nàng… Khương Trầm Ngư vội vàng thỉnh an: “Khương Trầm Ngư tham kiến hầu gia”.

Nàng ngước mắt, thứ nhìn thấy vẫn là nụ cười nhàn nhạt tựa như nước. So với vẻ lúng túng ngượng ngùng của nàng, Cơ Anh rõ ràng trấn tĩnh hơn nhiều, gương mặt chàng vô cùng ung dung: “Sắc trời đã muộn, Anh đưa tiểu thư về phủ nhé”.

Trong tim nàng vừa lo lại vừa mừng, thẹn thùng gật gật đầu.

Chiếc xe ngựa duy nhất đã rời đi, hai người đành phải đi bộ. Khương Trầm Ngư nhìn bóng chàng và nàng in trên mặt đất, tất cả xung quanh đều hóa thành hư vô trong sắc chiều, chỉ còn lại bóng của hai người bị ánh tà dương kéo dài, thật dài.

Mơ hồ như mộng cảnh.

Không, cho dù là trong giấc mộng xa xỉ nhất, nàng cũng chưa từng nghĩ, có một ngày nàng sẽ cùng Cơ Anh sánh vai dạo bước.

Chàng biết nàng.

Chàng đưa nàng về phủ.

Không có câu hỏi, không có trách cứ, cũng không có lời nói dư thừa nào, cứ lặng lẽ như thế đưa nàng về nhà.

“Ngài…”. Cuối cùng nàng không kìm nổi cất tiếng hỏi, “Sao ngài lại biết ta và công chúa ở đó? Sao lại biết… thân phận của ta?”.

“Ta nhìn thấy ám vệ của quý phủ”.

Hóa ra là như thế. Tương truyền Kỳ Úc hầu không chỉ tao nhã phong lưu, võ công cũng cực cao, chẳng trách những ám vệ đó rõ ràng đã nấp trong góc khuất, nhưng vẫn bị chàng nhận ra.

“Ta… ta cải trang thành thế này, cùng công chúa đi chơi phố, rất… thất lễ phải không?”. Nàng lo lắng nhìn chàng, sợ rằng chàng sẽ coi nàng là một nữ tử dễ dãi, nhưng Cơ Anh vẫn mỉm cười như trước, trong giọng nói xen lẫn sự dịu dàng thật khẽ: “Không đâu, tiểu thư mặc nam trang rất đẹp”.

Chàng đang khen nàng đẹp ư? Khương Trầm Ngư cắn môi, trái tim dường như đã sắp nhảy lên tận cổ họng rồi.

“Càng huống hồ”, Cơ Anh lại nói, “quán rượu lầu trà vốn là nơi người ta tiêu khiển vui chơi, nam tử có thể đến, nữ tử có gì mà không đến được chứ”.

Khương Trầm Ngư nghe thấy càng vui mừng, Cơ Anh quả nhiên là một nam tử phi phàm, không chỉ không có cái nhìn thiển cận, khắt khe, mà còn biết hóa giải sự khó xử của người khác, ở bên chàng giống như tắm trong gió xuân, chẳng trách lại có một tỉ tỉ như thế (****).

Còn định nói mấy câu nữa, nhưng chớp mắt đã tới tướng phủ, Cơ Anh dừng lại cách cổng khoảng mười thước, chắp tay nói: “Thứ cho Anh chỉ có thể tiễn đến đây”.

“Ða tạ… công tử”. Vốn định gọi chàng là hầu gia, nhưng lời đến bên miệng, cuối cùng lại biến thành công tử. Bởi vì, chàng đối với nàng xưa nay chưa bao giờ liên quan đến tước vị thân phận…

Khương Trầm Ngư cắn môi, cố gắng hết sức không để lộ vẻ mặt lưu luyến quá mức, rảo bước vào trong cổng phủ. Nhưng sau khi qua cổng, vẫn không kìm được quay đầu lại nhìn, thấy Cơ Anh đứng nguyên chỗ cũ, ánh mắt không dõi theo nàng mà nhìn mặt đất phía trước chàng, thần sắc chăm chú như đang suy ngẫm điều gì.

Chàng đang nghĩ gì thế?

Tại sao con người đó khi không có ai ở bên nhìn chàng, chàng lại không bao giờ cười?

Tại sao rõ ràng chàng đối với nàng lễ nghi có thừa, nhưng trước sau vẫn đem lại cho nàng một cảm giác vô cùng xa cách?

Công tử… Khương Trầm Ngư nhìn bóng người cao lớn như ngọc tạc dưới ánh tà dương đó, lòng thoáng nghĩ, rốt cuộc chàng có biết không, hoặc là, rốt cuộc chàng có bằng lòng để nàng trở thành… thê tử của chàng không?

(*) Từ gốc là “Ðồ đằng” - totem, vật tổ, chúng tôi dịch thoát cho hợp với văn cảnh, vì hình Bạch Trạch không đại diện cho một thị tộc, mà đại diện cho một quyền lực (ND).

(**) Vung rìu đắm thuyền (Phá phủ trầm chu): Ý chỉ không chừa lại đường lui, quyết đánh thắng mới thôi (ND).

(***) “Cùng kéo xe hươu” (cộng vãn lộc xa): Ý chỉ vợ chồng đồng lòng, an bần lạc đạo (ND).

(****) Tỉ tỉ ở đây chỉ Cơ Hốt - phi tử được mệnh danh là tài hoa xuất chúng.

Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất