Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 11 - Chương 203: Chử Sinh

Cử nhân họ Trần ở phủ Thuận Thiên, năm mười sáu mười bảy tuổi thường theo thầy học tới đọc sách ở chùa. Ở chùa có rất nhiều người, trong đó có Chử sinh, tự nói là người Đông Sơn (tỉnh Chiết Giang), học hành rất chăm chỉ, không hề nghỉ ngơi, lại ngủ nhờ luôn trong chùa, ít khi thấy về nhà. Trần chơi thân với Chử nhất, nhân hỏi han, Chử đáp "Nhà ta nghèo, lo tiền ăn học không dễ, nếu không bỏ phí thời giờ mà học tới nửa đêm, thì hai ngày của ta bằng ba ngày của người khác”. Trần cảm động vì lời ấy, muốn đem giường tới ở cùng, Chử ngăn lại nói “Khoan đã, khoan đã, ta thấy thầy ở đây không phải là thầy chúng ta được. Ở cửa thành có Lữ tiên sinh tuy già nhưng giỏi, xin cùng tới đó”. 

Đại khái những người mở trường dạy học ở kinh đô phần lớn đều thu tiền từng tháng, hết tháng thì hết tiền, ai muốn học nữa hay thôi là tùy. Rồi đó hai người tới chỗ Lữ. Lữ là bậc túc nho ở đất Việt (tỉnh Chiết Giang) lưu lạc không về quê được nên ở đó dạy trẻ con, thật ra không phải là bản ý, nên được hai nguờì làm học trò thì mừng lắm. Mà Chử lại rất thông minh, sách vở đọc qua là không quên, nên Lữ càng quý mến. Hai người ngày càng thân thiết, ban ngày học cùng bàn, ban đêm ngủ cùng giường, vừa hết tháng chợt Chử chào về nhà, hơn mười ngày không quay lại, hai thầy trò đều ngờ vực. Một hôm Trần có việc tới chùa Thiên Ninh, thấy Chử ở hành lang, đang xe dây gai làm bấc đèn. Chử gặp Trần có vẻ áy náy thẹn thùng, Trần hỏi "Sao lại bỏ không học nữa thế?”. Chử cầm tay ngắt lời, buồn rầu nói "Nhà nghèo không có tiền đóng cho thầy, phải làm nửa tháng mới học được một tháng". Trần ngậm ngùi hồi lâu rồi nói "Cứ tới học đi, ta xin hết sức lo cho”. Chử cảm động vì lời ấy bèn cùng Trần trở lại trường của Lữ, nhưng dặn Trần đừng nói lộ ra, tìm cớ để thưa lại với thầy. 

Cha Trần vốn là nhà buôn nên giàu có, Trần cứ lén trộm tiền của cha đóng tiền học cho Chử. Cha thấy mất tiền chửi Trần, Trần kể thật lại, cha cho là ngây ngốc, bèn bắt thôi học. Chử xấu hổ quá, chào thầy định đi, Lữ biết chuyện trách rằng "Ngươi đã nghèo, sao không nói sớm”. Rồi lấy hết tiền đã đóng trả lại cho cha Trần, giữ Chử ở lại dạy dỗ như cũ, cho ăn uống như con mình. Trần tuy không vào trường nữa nhưng vẫn tới mời Chử ra quán rượu thết đãi. Chử vì tỵ hiềm không tới, nhưng Trần cứ nằng nặc mời mọc, lần nào cũng khóc, Chữ không nỡ dứt tình nên vẫn qua lại với nhau. Qua hai năm cha Trần chết, Trần lại tới xin học. Lữ cảm động vì chân thành bèn nhận cho học. Nhưng Trần bỏ học lâu quá nên học kém xa Chử. Được nửa năm, con trai lớn của Lữ từ đất Việt tới, phải xin ăn tìm cha. 

Học trò góp tiền giúp thầy trở về, Lữ chỉ biết rơi lệ lưu luyến mà thôi. Lúc Lữ lên đường, dặn Trần coi Chử như thầy. Trần nghe theo, đưa Chử về nhà ở. Không bao lâu được vào học trường huyện, dự khoa thi Di tài, Trần lo không viết đủ quyển nổi, Chử xin thi thay. Đến ngày thi, Chử đưa một người tới, nói là biểu huynh tên Lưu Thiên Nhược, bảo Trần tạm đi theo. Trần vừa bước ra, Chử phía sau chợt kéo mạnh, lảo đảo suýt ngã. Lưu vội đỡ rồi cùng đi. Đi một chặng xa, Lưu đưa vào nhà mình, trong nhà không có phụ nữ nên cho khách ngủ nhà trong. Ở đó vài hôm, chợt đã đến ngày Trung thu, Lưu nói “Hôm nay trong vườn của Hoàng thân họ Lý có nhiều người tới du ngoạn, tới đó chơi một phen cho đỡ buồn rồi sẽ đưa ông về”, rồi sai người gánh lò trà bình rượn cùng đi. 

Tới đó thì bến nước đình mai đông đúc ồn ào không chen vào được, qua khỏi bến nước thấy dưới gốc liễu già có con thuyền nằm ngang bèn dắt nhau lên. Uống được mấy chén, thấy vắng vẻ quá, Lưu ngoái lại nói với tiểu đồng "Quán mai hoa gần đây có một ca kỹ mới, không biết có nhà không?” Tiểu đồng đi một lát thì đưa nàng ấy về, té ra là nàng Lý Át Vân. Lý là danh kỹ ở kinh đô, làm thơ giỏi, ca hát hay, Trần từng đi với bạn uống rượu chỗ nàng một lần nên có quen. Gặp nhau chuyện trò thăm hỏi, nàng có vẻ buồn rầu lo lắng, Lưu bảo hát thì hát khúc Cảo lý*. Trần không vui nói "Cho dù chủ khách không hợp nhau, nhưng sao nàng lại hát khúc điệu vong trước người còn sống?”. Nàng bèn đứng lên gượng cười nói, hát khúc diễm tình, Trần vui vẻ nắm cổ tay nàng nói “Lần trước nàng hát khúc Cán sa khê, ta đã nhẩm lại mấy lần nhưng nay quên cả rồi", nàng bèn ngâm rằng: 

* Cảo lý: tên khúc hát cổ, ngày xưa dùng làm bài hát lúc đưa tang. 

Lệ nhãn doanh doanh đối kính đài, 

Khai liêm hốt kiến tiểu cô lai. 

Đê đầu chuyển trắc khán cung hài, 

Cưỡng giải lục nga khai tiếu yểm. 

Tần tương hồng tụ thí hương tai, 

Tiểu tâm do khủng bị nhân xai. 

(Mắt lệ rưng rưng đứng trước gương 

Mở rèm chợt thấy bóng cô nương 

Cúi đầu ngoảnh lại nhìn xiêm áo 

Nhoẻn miệng buồn tênh với phấn hương 

Tay áo mấy lần lau nước mắt 

Còn e khách giận vẻ sầu thương) 

Trần ngâm đi ngâm lại mấy lần rồi ghé thuyền vào bờ, bước lên hành lang thủy đình, thấy trên vách có rất nhiều thơ đề vịnh, lập tức lấy bút ghi bài từ lên đó. Trời đã xế chiều, Lưu nói “Người trong trường thi sắp ra rồi". Bèn đưa Trần về, tới cổng là chào đi ngay. Trần thấy trong nhà tối tăm không có ai, đang định cất tiếng hỏi thì Chử sinh đã bước vào, nhìn kỹ lại thì không phải Chử sinh. Đang còn kinh ngạc thì người kia đã tới sát bên ngã chúi vào, bọn người nhà nói "Công tử mệt quá rồi”, rồi xúm lại đỡ lên, Trần chợt biết người vừa ngã không phải ai khác mà chính là mình. Choàng dậy nhìn thấy Chử sinh bên cạnh, bàng hoàng như vừa tỉnh mộng, ngồi yên ngẫm nghĩ, Chử nói "Nói thật ông đừng sợ, chứ thật ra ta là ma đây, lẽ ra đã đầu thai lâu rồi, sỡ dĩ còn nấn ná ở đây là vì không quên được bạn tốt, nên mới nhập vào xác ông để thi thay, nay xong cả ba kỳ, đã thỏa nguyện rồi". 

Trần lại xin thi hội giùm, Chử nói "Kiếp trước ông ít phúc đức, tính keo kiệt, sợ kiếp này khó thi đỗ làm quan”. Trần hỏi sắp tới sẽ đi đâu, Chử đáp “Lữ tiên sinh với ta có duyên phận cha con, vẫn nghĩ ngợi mà không làm được, biểu huynh coi việc sổ sách dưới âm ty nên ta đã nhờ thưa giùm với Diêm Vương, may ra thì được", rồi chào đi, Trần lấy làm lạ lùng. Sáng ra tới thăm nàng ca kỹ họ Lý, định hỏi han về việc chơi thuyền hôm qua, thì nàng đã chết mấy hôm rồi. Lại tới khu vườn của hoàng thân xem thì bài thơ đề trên vách vẫn còn, nhưng nét mực mờ mờ như sắp phai hết, mới biết kẻ đề là hồn, kẻ làm là ma. Đến đêm Lữ mừng rỡ tới nói "Chuyện ta tính toán may quá đã xong rồi, xin kính cẩn từ biệt ông". Rồi xòe hai bàn tay ra bảo Trần ghi chữ "Chử" vào để ghi nhớ. Trần định sai bày rượu tiễn, Chử xua tay nói “Không cần đâu, nếu ông không quên bạn cũ thì sau khi ra bảng rồi đừng ngại xa xôi". 

Trần gạt lệ đưa ra, thấy một người đang chờ ở cổng. Chử đang còn chần chừ, người ấy đã đưa tay nắm vào đầu, Chử theo tay thu người lại còn bé tí, người ấy liền bỏ vào túi vác đi. Qua mấy hôm sau, quả nhiên có tin Trần thi đỗ, bèn thu xếp hành lý tới đất Việt. Vợ Lữ không sinh đẻ gì đã mười năm, đã hơn năm mươi tuổi chợt sinh một con trai, hai tay cứ nắm chặt vào nhau không sao mở ra được. Trần tới xin cho nhìn đứa nhỏ, lại nói trong tay nó phải có chữ "Chử". Lữ chưa tin lắm, nhưng khi đứa nhỏ nhìn thấy Trần chợt xòe mười ngón tay ra, nhìn vào quả đúng. Lữ ngạc nhiên hỏi duyên do, Trần kể lại hết mọi chuyện, mọi người đều kinh ngạc sợ hãi, Trần tặng biếu Lữ rất hậu rồi trở về. Sau Lữ nhờ chân Cống sĩ lên kinh thi đình, tới ở nhà Trần thì đứa nhỏ được mười ba tuổi, đã được vào học ở trường huyện rồi. 

Dị Sử thị nói: Già Lữ dạy môn sinh mà không biết đó chính là dạy con mình. Than ôi, làm điều lành cho người thì được điều hay cho mình, chỉ trong chốc lát thôi. Như Chử sinh sau cùng đem thân báo ơn thầy, mà trước tiên đem hồn đền nghĩa bạn, tâm ý cùng hành động đều rạng rỡ với mặt trăng mặt trời, há vì là ma mà lấy làm kỳ dị sao!

Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất