Chương 2: KẺ CHẠY TRỐN
Tôi nghe Tôn Cửu gia lầm bầm những câu văn nửa tục, vừa giống thơ lại vừa giống vè, hơn nữa nội dung còn rất ly kì cổ quái, nhất thời cũng không sao hiểu được, đến khi nghe thấy bốn chữ “muốn đến Địa Tiên”, trong lòng mới chợt tỉnh ngộ: “Quá nửa là gợi ý để tìm ra lối vào mộ cổ Địa Tiên rồi!”
Lúc này Tuyền béo bên cạnh lên tiếng: “cái lão này, không biết uống thì đừng có uống, ống có tửu lượng như Tuyền béo đại gia đây không chứ? Đấy, uống cho lắm vào rồi bắt đầu niệm Tam Tự Kinh, chẳng hiểu là cái cái của khỉ gì nữa…”
Tôi vội vàng bụm miệng Tuyền béo lại, dỏng tai lên nghe giáo sư Tôn “nói năng lảm nhảm” sau khi uống say, nhưng lão ta nói đến “muốn tìm Địa Tiên, hãy tìm ô…” là ngừng, gục mặt xuống bàn hôn mê bất tỉnh, chẳng còn lầm bầm gì được nữa.
Tôi lấy làm khó chịu, chỉ hận không thể banh miệng giáo sư Tôn ra ngay tại chỗ, bắt lão ta nhắc lại một lượt từ đầu chí cuối không sót chữ nào, quan trọng nhất là: muốn tìm mộ Địa Tiên, mả Phong Vương thì phải tìm thấy cái gì? Mấy câu đầu tôi nghe không kỹ lắm, giờ nhớ lại, hình như là “nương tử gì đấy nấu món lòng cho đại vương” thì phải.
Shirley Dương có bản lĩnh nghe một lần nhớ ngay, cô nói: “Không phải nương tử gì nấu món lòng gì cả, giáo sư Tôn vừa nãy nói… Hay cho đại vương, có thân không đầu; nương tử không đến, núi non không khai; đốt củi bắc lò, nấu gan nấu phổi ; đào giếng lấy muối, hỏi quỷ xin tiền; điểu đạo tung hoành, trăm bước chín hồi; muốn đến Địa Tiên, hãy tìm Ô…”
Tôi vội vàng chép lại mấy câu ấy vào sổ. Xem ra Tôn Cửu gia vẫn còn giấu giếm một số manh mối về mộ Địa Tiên, vừa nãy lão ta tâm trạng kích động uống thêm mấy ly, mới vô ý buộc miệng nói ra. Trong mấy câu không đầu không đuôi này rối cuộc có gì bí mật, chúng tôi căn bản không thể lý giải nổi.
Shirley Dương nói: “Hay cho đại vương… có thân không đầu…chữ vương mà không có đầu, chính là chữ thổ, liệu có phải trò đố chữ không nhỉ? Ngầm ám chỉ bí mật trong mộ cổ Địa Tiên? Nương tử không đến núi non không khai, câu này ám chỉ chữ gì nhỉ? Chắc không phải đố chữ rồi, mấy câu sau đều không thể chiết tự được.”
Lúc này tôi cũng chẳng hiểu gì cả: “Đại vương có thân không đầu? Ai là đại vương không đầu? Cả khai sơn nương tử nữa? Câu đầu tiên đã không hiểu, những gợi ý phía sau đương nhiên cũng không thể tìm ra manh mối gì rồi.”
Tuyền béo nói: “Đế đấy anh Tuyền đây đi tìm ít nước lạnh, dội cho Tôn Cửu gia tỉnh lại, rồi nghiêm hình tra khảo, nếu vẫn không chịu nói thực thì cho lão nếm mùi thủ đoạn của anh em ta, mấy trò độc địa kiểu như nước ớt với ghế hùm ghế hiếc gì đấy, cứ lôi lão ra mà săn sóc nhiệt tình, đại hình chờ lệnh.”
Tôi lắc đầu nói: “Chúng ta có phải bọn ở hang Tra Xỉ với quán Bạch Công đâu, giáo sư Tôn cũng không phải là chiến sỹ cách mạng bị bắt, sao có thể dùng cực hình với lão ta được? Thôi hôm nay chúng ta đừng giày vò lão nữa. Lát nữa cả bọn ăn xong, đưa lão ta về nhà, đợi lão tỉnh lại rồi hỏi cũng không muộn, tôi đoán lão ta cũng không dám che giấu điều gì đâu.”
Sau đó, ba người chúng tôi đều ôm đầy một bụng nghi vấn ăn nốt bữa cơm, Shirley Dương trả tiền rồi cả bọn đưa giáo sư Tôn về chỗ tôi ở. Đứng ngoài cổng, giáo sư Tôn mơ hồ hỏi tôi: “Ủa? Đây là đâu? Đừng bắt tôi đi nông trường, tôi không phải cánh hữu, không phải kẻ phản bội, tôi chưa từng giết người…”
Tôi vỗ về lão ta: “Yên tâm, yên tâm, không áp giải ông đi nông trường cải tạo lao động đâu, ông xem, đây là nhà tôi, chỗ này gọi là Hữu An môn đấy, bị chụp mũ là bọn cánh hữu cũng chả sao, dù là cánh hữu nước nào, chỉ cần ở Hữu An môn này… thì nhất loạt đều yên ổn.” Trong lòng tôi càng thêm ngờ vực, thầm nghĩ: “Giáo sư Tôn từng giết người rồi ư? Lão ta giết ai? Tính tình lão tuy không tốt đẹp gì, nhưng không giống hạng có thể xuống tay giết người. Giết người không phải giết con gà con vịt, đâu phải ai cũng có gan ra tay.”
Tuyền béo sốt ruột chẳng đợi giáo sư Tôn tỉnh rượu, vừa về đến nhà liền chạy ra Phan Gia Viên bày sạp hàng. Buổi chiều, tôi và Shirley Dương thấy giáo sư Tôn đã tỉnh táo, liền rót cho lão ta một cốc trà nóng. Tôi đóng cửa phòng lại, kéo ghế ngồi xuống trước mặt lão, nói toạc móng heo: “Cửu gia, thực không dám giấu, vừa nãy ông uống quá chén, những chuyện giết người và phản bội năm xưa đều tuôn ra hết rồi. Nhưng theo tôi quan sát, bảo ông hư vinh thì không sai, nhưng nếu nói ông từng giết người thì có đánh chết tôi cũng không tin, tôi đoán chắc ông bị oan uổng, chi bằng nói rõ chuyện ấy cho chúng tôi nghe nào.”
Tội lại vỗ ngực thề có Mao chủ tịch, chuyện này chỉ cần tôi giúp được, thì dù lên núi đao xuống vạc dầu cũng không từ nan, đảm bảo sẽ nghĩ ra cách trả lại sự trong sạch cho lão. Chẳng may lực bất tòng tâm, thì chuyện hôm nay lão nói ra, tôi và Shirley Dương cũng sẽ chôn chặt trong lòng, tuyệt đối không hé nửa lời với ai khác.
Giáo sư Tôn tự biết mình say rượu lỡ lời, nhưng thấy tôi và Shirley Dương thành khẩn, đành kể lại những gì đã trải qua trong thời kì Cách mạng Văn hóa, không ngờ lại có liên quan rất lớn đến mộ cổ Địa Tiên kia, nguyên nhân giáo sư Tôn muốn tìm ngôi mộ ấy phải đến tám mươi phần trăm là do trải nghiệm của lão ta ở nông trường cải tạo lao động năm xưa.
Thời cách mạng Văn hóa, vì quan hệ không tốt nên Tôn Học Vũ bị vu oan hãm hại, thoạt đầu chỉ bị tố cáo là tác phong sinh hoạt có vấn đề, sau này không hiểu ở đâu chui ra một tên tiểu nhân, chụp cho lão ta cái mũ phản bội Cách mạng. Ở đại hội đấu tố công khái, đâu đến lượt lão biện giải, tưởng sắp bị trói gô đưa đến pháp trường xử tử tại chỗ rồi, may mà có Trần Cửu Nhân, bạn học cũ của lão ta, cũng chính là giáo sư Trân đứng ra làm chứng, chứng minh Tôn Học Vũ giác ngộ rất kém, căn bản chưa từng tham gia cách mạng, chứ đừng nói là phản bội, nhờ thế lão ta mới thoát kiếp nạn.
Về sau, cặp huynh đệ hoạn nạn có nhau Tôn Học Vũ và Trần Cửu Nhân đều bị điều xuống Quả Viên Câu ở Thiểm Tây để cải tạo lao động. Quả Viên Câu thực ra không có vườn hoa quả gì, mà là một mỏ đá, Trần Cửu Nhân là văn sĩ, làm sao kham nổi công việc cầm búa đập đá? Chưa được nửa tháng ông đã cơ hồ muốn gục. Cũng may nhờ người nhà nhờ vả chạy vạy, xin được giấy chứng nhận bị u dạ dày của bệnh viện, đưa ông về Bắc Kinh chữa bệnh, mới khỏi bỏ xác tại đó.
Nhưng Tôn Học Vũ thì chẳng có ai lo cho. Lão ta một thân một mình, vợ chết từ lâu, không con không cái, lại không quen biết ai, đành phải ngày ngày chịu khổ ở nông trường. Cũng may tố chất thân thể lão tương đối tốt, hồi trước giải phóng lại từng làm việc nhà nộng nên trong thời gian ngắn vẫn gánh vác được công việc đập đá nặng nhọc, có điều tinh thần lão ta thì phải chịu áp lực vô cùng lớn, tiền đồ mờ mịt, không biết tương lại sẽ thế nào. Vả lại những người đến đây cải tạo lao động còn phải tố cáo lẫn nhau, nếu anh không tố cáo người khác, người khác sẽ tìm đủ mọi cách để tố cáo anh, những tháng ngày ấy, lão ta cơ hỗ chẳng còn là con người nữa.
Ở nông trường, Tôn Học Vũ quen một người từng là trung đoàn trưởng thời kháng MỸ viện Triều, họ Phong, cũng không biết vì cớ gì mà bị đầy xuống đây cải tạo lao động, vì thường hay làm việc chung với Tôn Học Vũ nên có chút tình cảm của người cùng cảnh ngộ, nói chuyện cũng có thể coi là khá hợp nhau.
Một hôm, trung đoàn trưởng Phong lén bảo với Tôn Học Vũ: “Lão Tôn, tôi thực tình không chịu nổi cuộc sống người không ra người, ma không ra ma này nữa, nghĩ suốt mấy ngày, hôm nay cũng thông suốt, tôi định trốn, tôi thấy anh cũng sắp không xong rồi, hay là dứt khoát đi cùng tôi luôn nhé.”
Tôn Học Vũ cả kinh, hỏi trung đoàn trưởng Phong: “Trốn? Anh không muốn giữ cái đầu nữa hả? Thêm nữa, nông trường này tuy phòng bị không nghiêm, nhưng nơi đây lại nằm sâu trong dãy Đại Ba Sơn, dân cư thưa thớt, dù chạy chưa thoát được thì sao? Sau đấy trốn ở đâu? Bị bắt trở lại còn sống yên được sao?”
Trung đoàn trưởng Phong dường như rất tự tin, ông ta nói: “Qua ngọn núi này là vào Xuyên rồi. Quê tôi chính ở Tứ Xuyên, so với việc cứ ở đây chờ chết, tôi thà mạo hiểm băng núi, chỉ cần về được quê hương là coi như cá về biển lớn, chim về trời xanh rồi.”
Thì ra tổ tiên vị trung đoàn trưởng họ Phong này là thế gia vọng tộc thời Minh, từng làm Quan Sơn thái bảo, cũng chính là kẻ trộm mộ. Quan Sơn thái bảo đào được long cốt thiên thư trong một ngôi mộ cổ cực kì lâu đời ở Tứ Xuyên, về sau có người trong dòng tộc ấy tham ngộ huyền cơ bên trong, liền đắc đạo thành tiên. Bên trong địa cung của ngôi mộ cổ ấy, ông ta xây dựng thôn Địa Tiên để làm nơi cất giữ của báu sau khi trăm tuổi. Tương truyền, ai tìm được thôn Địa Tiên, bái tế Địa Tiên Quan Sơn thái bảo, sẽ được trường sinh bất tử, không cần ăn uống, không nhuốm chút khói lửa nhân gian nào nữa.
Nhưng ngôi mộ cổ Địa Tiên này ẩn giấu quá sâu, không có manh mối nào để tìm kiếm, từ khi nhà Minh diệt vong đến giờ vẫn chưa ai tìm được. Có điều, năm xưa Địa Tiên đã kể lại cho hậu nhân hà họ Phong mấy câu ám ngữ: “Hay cho đại vương, có thân không đầu; nương tử không đến, núi non không khai; đốt củi bắc lò, nấu gan nấu phổi; đào giếng lấy muối, hỏi quỷ xin tiền; điều dạo tung hoành, trăm bước chín hồi; muốn đến Địa Tiên, hãy tìm ô dương…”
Trong câu ám ngữ cổ này, có ẩn giấu bí mật quan trọng về lối vào của thôn Địa Tiên, xưa nay người nhà họ Phong chỉ truyền khẩu cho nhau, không tiết lộ cho người ngoài. Khi ấy, trung đoàn trưởng Phong chỉ nói với giáo sư Tôn non nửa, khuyên ông ta cùng mình chạy về Tứ Xuyên, trốn vào mộ Địa Tiên tránh nạn. Đừng thấy vị trung đoàn trường họ Phong này từng đi đánh trận mà nhầm, đối với những thứ hư huyền hoặc mà tổ tiên để lại ông ta cực kỳ mê tín. Chính vì nguyên nhân này, ông mới bị đày đến đây. Giờ không chịu nổi trò hành xác ngày ngày đào núi đập đá nữa, ông ta liền nghĩ đến việc bỏ trốn về quê, được trường sinh bất tử hay không vẫn là điều khó nói, nhưng dù sao cũng có chỗ để đi, đằng nào bây giờ ở trong ngoài đều chết cả, ngộ nhỡ trong mộ Phong Vương ấy có thiên thư thật, vậy thì có thể theo tổ tông thành tiên luôn rồi.
Bấy giờ, Giáo Sư Tôn nghe xong, liền cảm thấy vị họ Phong này chắc chắn đầu óc có vấn đề, phỏng chừng không chịu được cực khổ, tinh thần đã suy sụp, chuyện gì cũng dám nói chăng? Thời buổi này mà nói ra những lời ấy, có xử bắn cả chục lần cũng không quá đáng.
Cuối cùng Giáo sư Tôn tỏ rõ thái độ, kiên quyết không chịu trốn đi cùng ông ta: “muốn đi thì anh tự đi một mình, yên tâm, tôi tuyệt đối không đi mật báo sau lưng anh đâu.”
Trung đoàn trưởng Phong cười gằn: “Tục ngữ nói rất hay, chớ đem chuyện trong lòng nói ra với người khác, tôi đã kể kế hoạch bỏ trốn với anh rồi, dù anh không tố cáo, e rằng sau khi tôi trốn mất, anh cũng khó thoát khỏi liên quan. Vậy đi, để tôi giúp anh một tay.”
Giáo sư Tôn cả kinh kêu lên: “Anh định làm gì?” Chưa dứt lời, sau gáy đã ăn một cú đập, lão ngất xỉu tại chỗ, đến khi tỉnh lại thì không thấy bóng dáng trung đoàn trưởng Phong đâu nữa.
Chuyện trung đoàn trưởng Phong mất tích gây ra một trận náo động trong nông trường cải tạo, người ta tìm khắp phạm vi trăm dặm trong núi, nhưng không thấy dù chỉ là một sợi tóc của ông ta. Ông ta cũng không thể nào mọc cánh mà bay đi được. Lúc này, có người tố cáo, nói giáo sư Tôn là người cuối cùng ở cùng với trung đoàn trưởng Phong. Giáo sư Tôn liền bị đưa đi thẩm vấn, nhưng lão cũng biết chuyện này tuyệt đối không thể nói ra, bằng không ắt sẽ càng truy càng sâu, dù muốn nói thật cũng chả thể nào nói được, chẳng lẽ lão lại bảo trung đoàn trưởng Phong đã đi tìm mộ cổ Địa Tiên cầu trường sinh bất tử rồi chắc? Ai tin? Lão đành một mực khẳng định họ Phong đã bỏ trốn, những việc khác đều nhất loạt chối bay không biết, lại có vết thương sau gáy làm chứng, bản thân cũng là người bị hại.
Chuyện này tuy đã bỏ qua, nhưng lời đồn đáng sợ, có người bắt đầu ngờ vực, đại để nói rằng giáo sư Tôn có tư thù với trung đoàn trưởng Phong, nên đã ngấm ngầm sát hại ông ta, không biết chôn xác ở đâu. Suy luận này dù không được chính thức công nhận nhưng lại âm thầm lan rộng, người nào người nấy đều coi giáo sư Tôn như kẻ giết người, đến tận lúc bè lũ bốn tên sụp đổ, lão ta vẫn không cách nào giải thích được chuyện này.
Giáo sư Tôn cũng không biết trung đoàn trưởng Phong có trốn về Tứ Xuyên hay không, vả lại, trung đoàn trưởng Phong sau này đã được kết luận là trường hợp oan sai, dù năm xưa ông ta có trốn ở núi sâu, giờ cũng có thể ưỡn thẳng lưng mà đi ra ngoài, nhưng vẫn không thấy ông ta lộ mặt. Con người này cứ như bốc hơi vậy, bao nhiêu năm nay, trước sau “sống không thấy người chết không thấy xác”, bởi thế lời đồn rằng ông ta bị giáo sư Tôn hại chết vùi xác trong núi hoang lại càng có cơ sở hơn, chỉ tạm thời không có chứng cứ nên không ai làm gì được giáo sư Tôn mà thôi.
Bí ẩn về sự mất tích của trung đoàn trưởng Phong sau này trở thành tâm bệnh của giáo sư Tôn. Về sau, trong quá trình làm việc, tiếp xúc với vô số truyền thuyết và ghi chép về mộ cổ thôn Địa Tiên, ông ta liền đặc biệt lưu tâm, một là muốn tìn được quẻ Chu Thiên để có sự đột phá trong nghiên cứu, hai là cũng muốn tìm thấy vị trung đoàn trưởng đã mất tích mười năm kia, rửa sạch nỗi hàm oan khi xưa.
Nhưng giáo sư Tôn cũng biết, sau khi bỏ trốn, trung đoàn trưởng Phong rất có thể đã làm mồi cho đám thú dữ trong núi, hoặc ngã xuống khe núi nào đấy chết rồi, khả năng ông ta chạy về được Tứ Xuyên là cực kỳ thấp, dù tìm ra mộ cổ Địa Tiên cũng chưa chắc gặp lại được ông ta. Có điều, sâu thẳm bên trong giáo sư Tôn vẫn có một thứ dự cảm duy tâm: con người trung đoàn trưởng Phong này rất không tầm thường, nói không chừng ông ta thực sự tìm được lối vào mộ cổ, thậm chí bây giờ vẫn còn sống trên đời.
Tôi nghe giáo sư Tôn kể xong, ý nghĩ xoay chuyển trong dầu, đã có ngay một vài chủ ý: “Nhất thời chúng ta cũng không thể giải được câu đố về thôn Địa Tiên, vả lại, tấm gương cổ bằng đồng xanh cùng lắm chỉ sử dụng đươc thêm một hai lần nữa, không đến thời điểm mấu chốt thì không thể tùy tiện lấy ra chiêm đoán địa mạch phong thủy được. Tôi thấy vị trung đoàn trưởng họ Phong này chính là đầu mối quan trọng để tìm ra mộ cổ. Các truyền thuyết về vị địa tiên triều minh kia đa phần đều mù mà mù mờ, xưa nay toàn nói là ở Tứ Xuyên chứ chẳng chỉ ra đại khái một khu vực nào cả, thậm chí còn không biết ở đất Ba hay đất Thục, Xuyên Đông hay Xuyên Tây. Chưa nắm được điểm chính yếu đó, việc tìm kiếm sẽ khó khăn vô cùng. Nhưng chỉ cần thăm dò được quê quán của vị trung đoàn trưởng họ Phong kia ở huyện nào trấn nào, chúng ta có thế đích thân tới đó tìm hiểu ngọn nguồn, tùy cơ hành sự, thiết nghĩ muốn tìm lối vào mộ cổ cũng không phải là chuyện quá khó.”
Giáo sư Tôn nhất thời vẫn chưa hạ được quyết tâm, nhưng lão ta hứa với chúng tôi sẽ tìm cách hỏi dò quê quán của trung đoàn trưởng họ Phong. Có điều đã mười mấy năm trôi qua, nhiều nơi hoàn toàn thay đổi, nông trường Quả Viên Câu sớm đã không tồn tại, ngay cả phiên hiệu bộ đội của trung đoàn trưởng họ Phong còn không biết, muốn hỏi được thông tin chính xác thật không dễ dàng, việc này phải thông qua một số kênh đặc biệt, dù có đi dò la ngay lập tức cũng không thể ngày một ngày hai mà có kết quả ngay.
Tôi đành cất tấm gương cổ đi, nhẫn nại chờ đợi. Tin từ bên Hồng Kông báo về cho biết bệnh tình của Đa Linh mỗi ngày một thêm trầm trọng, nhiều chỗ đốm xác bắt đầu xuất hiện dấu hiệu thối rữa. Tôi cực kỳ lo lắng, cũng với Tuyền béo và Shirley chuẩn bị sẵn sàng, chỉ đợi tin của giáo sư Tôn là sẽ vào Xuyên lật núi tát sông, chẳng ngờ bên Tôn Cửu gia kia cũng như đá chìm đáy biển, bạt vô âm tín.