Kiếp nạn của Trang Lưu Vân vẫn chưa bị lộ chút phong thanh nào. Tống Tiết và Mục Hương Hương xử lí ngoài trang một cách êm thấm, khí thế.
Đêm đó trừ Tiêu Mãn Y gặp nạn ra thì những người còn lại hoặc bị thương hoặc hôn mê, chứ không hề bỏ mạng. Sau khi sắp xếp lại số người sau trang, Vu Hoàn Chi lại tăng cường phòng bị.
Đỗ Niên Niên và hoa đào Nam vẫn ở vườn Thấm Huân.
Cả đời Tiêu Mãn Y rày đây mai đó không hề định cư chốn nào, vườn Thấm Huân cũng coi như nhà của nàng ấy. Ma đầu họ Vu đoán Nam Sương sẽ nhớ mong Tiêu Mãn Y nên không muốn rời khỏi vườn Thấm Huân, bèn sai người chuyển đồ dùng hằng ngày của y từ hiên Huy Vũ tới. Dù sao có mình coi chừng thì cũng yên lòng hơn nhiều.
Bởi vì Đỗ Niên Niên tỉnh lại vào ban đêm, gặp hơi lạnh nên ngày hôm sau lại chóng mặt.
Vu Hoàn Chi nghĩ nếu đã cứu sống thì không cần nóng lòng thăm thính nhân quả sự việc, chi bằng đợi nàng ta khỏe hơn, đợi mình bận bịu xong rồi hỏi sau.
Nam Sương trở về từ vườn Phong Hòa của Mục Diễn Phong thì đã qua giờ ngọ. Trong lòng nàng khó chịu, vốn định tìm Vu Hoàn Chi song tìm khắp vườn cũng không thấy bóng dáng y đâu.
Vu Hoàn Chi là một người làm việc có hiệu suất rất cao, buổi sáng y xử lí xong những việc vặt vãnh, giờ đã ra ngoài trang dặn dò rồi.
Hoa đào Nam bèn ngồi một mình phơi nắng trước mái nhà cong cong. Ánh nắng ngày đông ấm áp song vẫn rất chói chang khiến nàng phỉa nheo mắt lại. Nàng lấy tay che trên xương lông mày, nhìn ra bốn phía.
Trong cái đình nhỏ bên hồ Ấm Nguyệt có một chiếc bàn đá sáu cạnh, Tiêu Mãn Y từng nói sẽ luyện khúc Kinh Loan cho thật giỏi, về sau lại múa trên bàn đá cho nàng xem.
Vừa rồi lúc gặp Mục Diễn Phong ở vườn Phong Hòa, Nam Sương bỗng thấy mình giống với Mục Diễn Phong, vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận sự rời đi của Tiêu Mãn Y cho nên trong lòng vẫn chết lặng, không biết làm sao nhưng không tính là rất đau khổ.
Cái chết của Hoa Nguyệt khiến Nam Sương hiểu ra, nếu con người bị tổn thương nặng nề thì tiềm thức sẽ luôn trốn tránh một khoảng thời gian, khi khoảng thời gian này trôi qua mới là lúc đau đớn đứt ruột thật sự.
Nam Sương cảm thấy, bất kể là chết lặng mịt mờ hay là đau đớn đứt ruột thì cũng phải chịu đựng, làm vài chuyện nên làm, như vậy mới không khiến người đã khuất thất vọng.
Nàng nhìn chằm chằm cái bàn đá kia, thoáng chốc nhớ lại tình cảnh lần đầu tiên gặp Tiêu Mãn Y ở lầu Túy Phượng. Ở trên sân khấu, nàng ấy diễm lệ nhã nhặn, sau đó lúc gặp lại, nàng ấy lại mang vẻ hùng hùng hổ hổ.
Tiếc thay không còn ai múa khúc Kinh Loan kinh thế hãi tục này nữa.
Nghĩ đến đây, Nam Sương thầm đưa ra một quyết định. Nàng đứng dậy phủi bụi, đi tới mảnh đất trống lớn trong sân, nhặt nhánh cây vẽ một vòng lớn rồi tìm mấy hòn đá trắng ngần bắt mắt đặt ở xung quanh hình tròn.
Đợi làm xong tất cả, hoa đào Nam xoay người về phòng. Lúc trở ra, nàng đã mặc váy lụa trắng với tay áo dài rủ mềm mại, mái tóc đen được búi hết sau gáy bằng một cây trâm mận, trên người chẳng có trang sức gì khác.
Cho dù khúc Kinh Loan có khó học hơn nữa thì người thiên phú dị bẩm như Nam Sương, lại xem Hoa Nguyệt múa rất nhiều lần từ khi còn nhỏ đã thuộc nằm lòng từng bước đi và tư thế rồi.
Khi còn bé, vì Hoa Nguyệt làm tổn thương gân chân của nàng nên hoa đào Nam chỉ có thể múa điệu múa tuyệt diệu này trong đầu.
Sau đó Đào Thiển truyền cho nàng bảy thức Mộ Tuyết và một vài tâm pháp, giúp vết thương ở chân của nàng phục hồi như cũ, song vì ám ảnh Hoa Nguyệt qua đời nên Nam Sương chưa từng luyện lại khúc Kinh Loan.
Lúc đó nàng biết, dưới gầm trời này đã có một cô gái thông tuệ thừa kế y bát
[1] của mẹ nàng, mang theo tuyệt kỹ đi khắp thiên hạ.
Khúc Kinh Loan chẳng rõ ngọn nguồn, chẳng hay tác giả, chỉ biết gần trăm năm trước có một cô gái tên Vô Thanh múa ra dáng điệu động lòng, lừng lẫy thiên hạ. Bà cũng là người sáng lập ra “Vũ Thiên Hạ”.
Sau khi Vô Thanh sáng lập “Vũ Thiên Hạ” lại lập quy tắc, nói mỗi một đời chỉ có thể có một người kế thừa “khúc Kinh Loan”.
Bởi vì điệu múa này rất khó học, không phải cô gái trời sinh thông minh lại chăm chỉ khắc khổ thì không thể học được. Huống chi phần lớn con gái trên đời đều mong lấy được tấm chống, sống yên ổn qua ngày, rất ít người sẵn lòng dốc hết sức học một điệu múa, cho nên nếu muốn tìm một người thừa kế “Khúc Kinh Loan” trên đời này, đúng là chuyện khó khăn.
Nhưng lúc Vô Thanh sáng lập “Vũ Thiên Hạ” đã lập ra quy tắc, người học được khúc Vũ Loan thì dù dốc hết cả đời cũng phải tìm được người thừa kế, bằng không sẽ mãi không được yên ổn.
Cho nên, học “khúc Kinh Loan” cũng là gánh vác số mệnh trôi giạt khắp nơi.
Hoa Nguyệt là người thừa kế thứ ba của điệu múa này, vì hoàn thành sứ mệnh mà thầy bà đã vứt bỏ chồng con, đợi quá tứ tuần mới tìm được bà. Đợi Hoa Nguyệt luyện thành khúc Kinh Loan, thầy bà mất vì quá lao lực.
Hoa Nguyệt tốt số, lúc Nam Sương hai tuổi đã thể hiện thiên phú. Nếu bà truyền khúc Kinh Loan cho Nam Sương thì không cần lưu lạc chân trời đi tìm người kế thừa điệu múa này nữa.
Nhưng nếu mình h@m muốn đời này an ổn, một ngày kia, đợi con gái học thành lại phải đối mặt với số mệnh của kẻ múa khúc Kinh Loan – dốc hết một đời không được yên ổn, không chốn định cư mà phải lưu lạc chân trời đi tìm người thừa kế khúc Kinh Loan.
Lúc Vô Thanh lập ra quy tắc đã từng nói, mỗi đời chỉ có thể truyền “khúc Kinh Loan” cho một người, những người còn lại không được học. Thế là bấy giờ Hoa Nguyệt đành nhẫn tâm đả thương gân chân hoa đào Nam, không cho nàng học múa từ mình.
Năm ấy, Hoa Nguyệt rất may mắn. Chỉ mấy tháng sau, trước cửa “Vũ Thiên Hạ” đã xuất hiện một đứa trẻ mồ côi, có lẽ là con cái bị bỏ rơi của nhà nào đó. Chủ quán múa thu nhận đứa trẻ, tìm được ngày sinh tháng đẻ và dòng họ Tiêu của nó ở trên vạt áo.
Tiêu Mãn Y được năm sáu tuổi vẫn chưa có tên, trên dưới quán múa đều gọi nàng ấy là “Tiêu Tiêu”. Tính nàng thẳng thắng lại quật cường, không được yêu thích như những đứa bé khác, chỉ có Hoa Nguyệt thương nàng ấy vì nàng đơn thuần như Nam Sương nên đối với nàng rất tốt.
Sau có một ngày, Hoa Nguyệt múa khúc Kinh Loan ở sân riêng của mình trong quán, lúc Tiêu Tiêu đi tìm bà thì thấy dáng múa tuyệt vời ấy, bỗng chốc đã si mê huơ tay múa chân theo.
Hoa Nguyệt vốn đã nhận ra Tiêu Tiêu đến, trong lòng bà lóe lên một ý nghĩ, bèn cố hết sức múa chậm lại, thấy Tiêu Tiêu giơ tay nhấc chân theo kịp bèn quyết định để nàng ấy làm người thừa kế của khúc Kinh Loan này.
Cho đến lúc Hoa Nguyệt qua đời, kéo tay Nam Sương còn nhắc đến “Tiêu Tiêu”.
Thời điểm đó Nam Sương mới hay, dưới gầm trời này có cô gái chạc tuổi mình, mẹ thích nàng ấy như thích mình.
Người mất cũng đã mất, rất nhiều vướng mắc mâu thuẫn lúc còn sống bị xóa bỏ từ đấy. Hoa đào Nam chỉ nhớ kỹ lời mẹ, ngày sau nếu gặp được Tiêu Tiêu thì nhất định phải đối tốt với nàng ấy, mặc dù nàng ấy lớn hơn mình một tháng cũng phải đối đãi như với em gái ruột của mình.
Hoa Nguyệt nói, đó là vì mình nợ Tiêu Tiêu.
Lúc bấy hoa đào Nam không hiểu, rất lâu về sau mới vỡ lẽ, Tiêu Mãn Y đã gánh vác số mệnh lưu lạc cho nàng, nàng ấy sống lưu lạc rất tốt, còn gặp được một người mà mình rất thích rất thích.
Nam Sương tưởng là cả đời mình sẽ không nhảy điệu múa ấy. Nhưng lần này, cái chết của Tiêu Mãn Y làm hoa đào Nam nhặt lại mộng cũ. Nàng không muốn để điệu múa tuyệt vời như vậy thất truyền.
Có lẽ nàng đúng là mệnh đào hoa, lắm nam tri kỉ, nhiều nữ địch thủ. Có điều Hoa Nguyệt và Tiêu Mãn Y – hai người phụ nữ duy nhất thân thuộc với nàng trong cuộc đời này – đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng với nàng.
Có lẽ là vì cả hai đều là người múa khúc Kinh Loan nunw Nam Sương cảm thấy chỉ cần mình múa thì họ vẫn còn trên đời.
Hoàng hôn rực rỡ lạ thường, mây tía cuồn cuộn, dát lên một lớp viền vàng cho mọi cảnh vật lớn nhở trong vườn Thấm Huân.
Lúc Vu Hoàn Chi trở về vườn, chỉ thấy tay áo tung bay như một vầng trăng sáng khắp trời trong khu đất trống của vườn. Y kinh hãi nhìn hoa đào Nam đang múa trong làn lụa trắng, lát sau khẽ gọi:
– Sương…
Nam Sương nghe tiếng liền vội vàng ngừng múa, nàng lau mồ hôi ròng ròng trên trán, cũng lên tiếng gọi:
– Công tử Hoàn.
Vu Hoàn Chi thấy nàng ăn mặc phong phanh thì nhíu mày buớc nhanh tới trước mặt nàng, cởi áo khoác choàng lên cho nàng, cụp mắt nói:
– Mùa đông lạnh lắm.
Nam Sương ôm tay áo vào trong lòng, thò bàn tay vẫn luôn giấu trong áo khoác ra, cầm lấy đầu ngón tay Vu Hoàn Chi nói:
– Tôi về tìm chàng nhưng chàng không ở đây.
Bàn tay ôn hòa mềm mại chạm lên đầu ngón tay mình, ánh mắt Vu Hoàn Chi chuyển động, trở tay nắm lấy tay nàng:
– Theo tôi vào phòng.
Trong phòng than đang cháy rừng rực, rất ấm áp. Nam Sương thò đầu ra từ sau tấm bình phong, Vu Hoàn Chi vừa uống nước vừa nói với vẻ mặt trầm tĩnh:
– Thay quần áo sạch sẽ rồi thì ra đây.
Nam Sương cười hì hì, đi từ sau tấm bình phong đến trước bàn, ngó Vu Hoàn Chi một lát, cuối cùng mới ngừng cười, đoạn bảo:
– Công tử Hoàn, tôi có chuyện quan trọng muốn nói với chàng.
Vu Hoàn Chi để chén xuống, nhướng mày “Ừ” một tiếng.
Hoa đào Nam thở dài ngồi bên cạnh bàn, cụp mắt nhìn hoa văn chạm rỗng dọc bàn nói:
– Chỉ sợ việc hôn nhân giữa tôi và công tử Hoàn không thành rồi.
Rất lâu trong phòng không có bất cứ âm thanh nào.
Nam Sương cụp mắt, đếm số lá nhỏ trên hoa văn chạm rỗng, lúc này mới ngước mắt nhìn về phía Vu Hoàn Chi.
Ban đầu nàng khá tự tin cho rằng ma đầu họ Vu biết được việc hôn nhân không thành thì có thể sẽ nổi giận, sẽ đau lòng, thậm chí sẽ trách cứ nàng, nhưng nàng không sao ngờ được Vu Hoàn Chi chỉ nhìn nàng với gương mặt mỉm cười, hết sức bình tĩnh.
– Chàng không tức giận ư? – Nam Sương kinh ngạc hỏi.
– Vì sao phải tức giận? – Trong mắt Vu Hoàn Chi như chứa hồ nước róc rách, êm đềm ấm áp – Việc hôn nhân ngừng lại, nàng cũng không vui. Ắt hẳn nàng cũng bất đắc dĩ.
Trầm mặc một lúc lâu, Vu Hoàn Chi bỗng nhiên lại cười nói:
– Thật ra chỉ cần nàng bằng lòng lấy tôi là được.
Nghe thế, đáy lòng hoa đào Nam vừa kinh loạn vừa vui vẻ. Một lúc lâu sau, nàng cúi đầu gục xuống bàn, buồn bã nói:
– Lời này của chàng khiến tôi thật sự không muốn buông bỏ chàng. Tôi thấy chàng rất tốt, tính cách tốt, tướng mạo đẹp, võ nghệ tài học cực kì giỏi, nếu ngày sau những cô gái khác “mười tám thức” chàng thì phải làm sao mới ổn đây?
Vu Hoàn Chi nghe vậy thì ngẩn ra, mãi mới mỉm cười nói:
– Nàng có biết rốt cuộc “mười tám thức” là thế nào không?
Nam Sương nằm bò trên bàn lắc đầu:
– Không rõ lắm nhưng chắc chỉ là chuyện giữa vợ chồng thôi. Chàng nói cho tôi được không?
Ánh mắt ma đầu họ Vu lập lòe, nâng chén uống một hớp rồi vuốt nếp ống tay áo, lúc này mới bảo:
– Không vội, ngày sau tôi sẽ từ từ dạy nàng.
Hoa đào Nam gật đầu, chốc lát lại cụp mắt, nói một cách trầm tĩnh:
– Yên Hoa mất rồi.
Vu Hoàn Chi nhìn nàng, giơ tay lên vuốt tóc nàng:
– Đời khổ tiếc mạng, bi ai ích gì? Nhớ cô ấy là được rồi.
– Tôi không buồn. – Nam Sương nói – Ý tôi là không buồn bởi vì giao hẹn giữa tôi và anh Mục.
Chợt nàng lại ngước mắt lên nhìn Vu Hoàn Chi:
– Công tử Hoàn, anh Mục bảo tôi bảo vệ mình cẩn thận, thế thì chàng cũng yên lòng. Anh ấy nói đợi hết bận sẽ lo việc hôn nhân của chúng ta.
Vu Hoàn Chi dời mắt nhìn thanh kiếm treo sau tấm bình phong, một lát sau mới quay đầu lại.
– Ý nàng thế nào?
Nam Sương trầm ngâm rồi nói:
– Yên Hoa mất rồi, có lẽ anh Mục không vui vẻ được nữa. Hôm nay tôi thấy dáng vẻ hốt hoảng của anh ấy thì trong lòng rất buồn. Cả đời Yên Hoa chỉ để ý hai chuyện, một là khúc Kinh Loan, một là anh Mục. Mấy ngày này nhất định tôi phải luôn ở bên anh Mục, an ủi anh ấy. Hôm nay tôi nói chuyện với anh ấy, bảo anh ấy kể lại chuyện của Yên Hoa cho tôi nghe mỗi ngày, như vậy ít nhất anh ấy không cần chịu đựng một mình nữa. Còn về khúc Kinh Loan… – Nam Sương nói đến đây thì dừng lại một lát – Công tử Hoàn, thật ra tôi cùng biết múa khúc Kinh Loan.
Vẻ mặt Vu Hoàn Chi ôn hòa, không một gợn sóng. Một lát sau, hắn cười, nắm lấy bàn tay đặt trên bàn của hoa đào Nam:
– Tôi trông thấy rồi, múa đẹp lắm.
– Người kế thừa khúc Kinh Loan phải dốc hết một đời đi tìm một học trò. Đây là chuyện Yên Hoa chưa hoàn thành, tôi muốn hoàn thành cho cô ấy. – Lúc Nam Sương ngước mắt lên, ánh mắt vừa điềm tĩnh vừa cứng cỏi – Thật ra có chuyện tôi vẫn chưa nói với mọi người. Thật ra Hoa Nguyệt, thầy Yên Hoa cũng bị vạ lây bởi tin đồn về “phổ Chuyển Nguyệt” kia giống người cô Mục Hồng Ảnh của anh Mục, chính là mẹ tôi.
[1] Vốn chỉ áo cà sa và cái bát mà những nhà sư đạo Phật truyền lại cho môn đồ, sau này chỉ chung tư tưởng, học thuật, kỹ năng… truyền lại cho đời sau.