Người Trông Giữ Giấc Mơ

Chương 33 Dây đỏ quấn quanh quan tài

Nghe ông ta nói vậy, tôi còn tưởng mình gặp ảo giác, tôi không nghe lầm đó chứ, ông ta cho tôi về?

Trước kia trong TV đều diễn, chẳng phải đều phải giữ lại chút ‘linh kiện’ gì thì mới có thể rời đi sao? ông ta cứ thế thả tôi đi? Có phải ông ta cố tình cho tôi về, sau đó tôi buông lỏng cảnh giác, liền vung một chưởng đánh ngất tôi từ sau gáy? Tôi nhìn đôi tay dùng giấy dán lên kia, cảm thấy có lẽ mình nghĩ nhiều rồi.

Tôi thử hỏi một câu:

- Cháu đi nhé?

Ông ta nghiêng mình về phía trước, có lẽ là gật đầu.

Tôi lại hỏi:

- Ông không hỏi cháu thứ ông nội để lại cho cháu nữa à?

Ông ta đáp:

- Tôi vừa nhìn sát mặt cháu rồi, đúng là cháu không biết.

Hóa ra vừa rồi ông ta nhìn tôi gần như vậy, đây chính là mục đích, thảo nào hiện tại lại thả tôi đi, hóa ra là biết trên người tôi không có ‘bảo bối’, nhưng ông ta không giết con tin, cái này đã tốt lắm rồi.

Tôi đi được vài bước, quay đầu lại hỏi:

- Ông bảo cháu tránh xa thợ giày một chút, là có ý gì?

Tôi thấy ông ta nhấc một chân lên, bởi vì không có khớp xương, nên cả người trở nên không cân bằng, sau đó đá lên mông tôi, còn mắng một câu:

- Cút ngay cho ông!

Tôi lại đi vài bước, nghĩ nghĩ, vẫn quay lại, đi tới trước ngôi mộ, quỳ xuống, cung kính dập đầu lạy ba cái.

Mặc kệ người trong mộ có phải bà nội tôi hay không, vào chùa thắp hương, gặp mộ dập đầu, lễ phép là không sai, hơn nữa, nhỡ đâu đây đúng là bà nội tôi thì sao? vái vài cái là đương nhiên.

Làm xong, tôi lập tức xuống núi, lúc đầu muốn về nhà, nhưng vừa nghĩ tới Trần tiên sinh và bác hai có thể vẫn đang bị nhốt trong nhà bà lão người giấy, cho nên sau khi vào thôn, tôi lập tức đi về hướng giữa thôn.

Đi được nửa đường, gặp được Trần tiên sinh, sắc mặt ông ấy không tốt lắm, nhìn thấy tôi, liền bảo tôi cùng ông ấy về nhà, bác hai đã đi túc trực bên linh cữu thợ xây Trần, kêu tôi không cần lo lắng.

Sau khi về đến nhà, Trần tiên sinh nằm vật xuống ngủ, tôi đoán chắc lúc ở trong sân nhà bà lão người giấy đã bị hành mệt nhừ người, vốn tôi còn muốn hỏi ông ấy, vì sao người giấy có thể nói chuyện, vì sao có thể đi bộ, vì sao còn có thể chảy nước mắt…. Hiện tại xem ra, cũng chỉ có thể đợi cho đến ngày mai.

Nằm trên giường, tôi vẫn suy nghĩ câu nói ‘tránh xa thợ giày một chút’ của ông bác người giấy, lúc trước Vương Nhị Cẩu cũng nói câu này, nói là ông nội tôi báo mộng cho hắn, nếu bọn họ đều không nói dối, mà bên cạnh tôi cũng chỉ có mỗi Trần tiên sinh là thợ giày, ý của bọn họ lẽ nào là muốn tôi tránh xa Trần tiên sinh? Nhưng vấn đề là, từ sau khi Trần tiên sinh về thôn, vẫn luôn giúp đỡ tôi, giúp đỡ nhà chúng tôi, vậy mà tôi cũng phải tránh xa ông ấy sao? nhưng nếu không phải Trần tiên sinh, thợ giày trong miệng bọn họ, là ai?

Một chốc một lát tôi không nghĩ ra, không biết đã ngủ thiếp đi từ lúc nào.

Sáng sớm hôm sau, Trần tiên sinh gọi tôi dậy, nói hôm nay là ngày đưa tang thợ xây Trần, bảo tôi qua đó tiễn chú ấy một đoạn đường.

Thợ xây Trần không con cái, tôi đi tiễn cũng là lẽ đương nhiên.

Trên đường, Trần tiên sinh hỏi tôi đã xảy ra những chuyện gì. Tôi chỉ nói cho ông ấy nghe vài chuyện, ví dụ như chuyện bà lão người giấy luyện rất nhiều gà âm, Vương Nhị Cẩu làm nhục Lưu quả phụ, cho nên Lưu quả phụ mới treo cổ tự sát, còn cả đúng là Vương Nhị Cẩu đã đến nhà trưởng thôn trộm tiền, tôi bị người gù bắt đi, còn tìm kiếm khắp người, nhưng ông ta không tìm thấy thứ ông nội để lại, liền thả tôi đi, còn những chuyện bà lão người giấy và người giấy gù lưng nói, tôi không biết vì sao bản thân mình lại che giấu, cũng không nói cho ông ấy biết, chuyện về ông nội và bà nội do ông bác nói, một là chưa chắc thật hay giả, hai là ngộ nhỡ là thật, việc xấu trong nhà không thể khoe ra ngoài.

Còn về ‘ông bác’ kêu tôi tránh xa thợ giày một chút, tôi nhất định có đánh chết cũng không nói cho Trần tiên sinh nghe.

Tôi đột nhiên nhớ tới tối hôm qua bọn họ nhắm mắt đứng trong sân nhà bà lão người giấy không nhúc nhích, tôi hỏi:

- Đã có chuyện gì?

Trần tiên sinh cắn chặt răng, hiển nhiên vẫn còn ghi hận chuyện tối hôm qua, đáp:

- Trúng chiêu rồi, bị quỷ mê, thiếu chút nữa không ra được, bà lão trong nhà là một nhân vật đáng gờm, sau này cháu bớt đụng chạm đến bà ấy.

Tôi nghĩ, về sau cho dù có bảo tôi đi, tôi cũng không đi tới đó, gương mặt tái nhợt ấy, quả thực rất dọa người.

Tôi gật đầu, sau đó hỏi:

- Trần tiên sinh, ông có biết vì sao một vài người giấy lại có thể nói chuyện không?

Trần tiên sinh nói, có rất nhiều nguyên nhân, có vài người giấy bởi vì làm quá giống người, cho nên sẽ thu hút một số người âm lang thang trụ ngụ, đó cũng là lý do vì sao không được làm người giấy trông quá giống người thật, còn vài nguyên nhân nữa là hành vi của con người, bọn họ sẽ tạm thời đặt hồn phách chưa đạt được thân thể vào trong người giấy, sau đó làm phép, nhìn không khác là bao so với người thật, đợi tới khi người này chết đi, mới lại lần nữa biến thành người giấy, có điều những đạo thuật này thuộc về thợ vàng mã, những người khác không học được, trong những người tôi biết, Trương mù Trùng Khánh khá tinh thông những chuyện này, đúng rồi, cháu hỏi chuyện này để làm gì?

Tôi cười đáp:

- Không có gì, chỉ là tò mò hỏi một chút, đêm qua nằm mơ thấy người giấy biết nói chuyện, có hơi sợ chút mà thôi!

Lúc nói, chúng tôi đã tới sân nhà thợ xây Trần, trống không, ngoài vài người khiêng quan tài ra, cũng chỉ có Vương Thanh Tùng và bác hai, không khí lạnh lẽo ảm đạm như vậy, là bởi vì lúc trước thợ xây Trần đã làm ra chuyện dọa mọi người e sợ đến tránh còn không kịp, cộng với bộ dáng của Vương Nhị Cẩu tối hôm qua, mọi người lại càng xa lánh thợ xây Trần hơn, mấy người khiêng quan tài thực ra lúc đầu còn không muốn đến, nhưng Vương Thanh Tùng phải đi gõ cửa từng nhà mới chịu, bọn họ không đến cũng không còn cách nào khác, trong thôn chỉ có ít người như thế, người trẻ khỏe có thể khiêng được quan tài vốn đã không nhiều, lẽ nào còn thật sự phải để mặc quan tài của thợ xây Trần đặt trong nhà không quản?

Sau khi tới sân, thầy cúng chạy tới hỏi Trần tiên sinh, có phải được khởi quan rồi không? Trần tiên đáp, chờ một lát, ông ấy đi xem qua quan tài một chút.

Nói thật, một người chuyên môn lo chuyện cúng bái làm lễ, hiện tại lại chạy tới hỏi một thợ giày có thể đưa tang được hay chưa, nhìn thế nào cũng thấy không được tự nhiên, nhưng không có biện pháp, dù sao chuyện của thợ xây Trần có chút khó giải quyết, mà bản lĩnh của Trần tiên sinh quả thật lớn, không thể không phục.

Tôi thấy Trần tiên sinh đi vòng quanh quan tài một vòng, sau đó đưa tay ra sờ sờ nơi gắn kết giữa nắp quan tài và quan tài, không ngờ lại có nước!

Trần tiên sinh hỏi:

- Sáng nay các người rửa quan tài?

Thầy cúng mặt mày ngỡ ngàng nói:

- Không có!

Trần tiên sinh lại sờ mấy nơi khác, đều sờ thấy nước, kế đó, ông ấy chui vào trong gầm quan tài, lấy tay gõ gõ đế, gõ xong một chỗ, lại đổi một chỗ, gõ vài lần, mới bò ra ngoài, nói với tôi:

- Cháu bé, lại đây giúp một tay!

Tôi chạy tới, thấy ông ấy lấy ra một sợi dây đỏ từ trong túi áo, dài khoảng một mét, ông ấy ném cho tôi một đầu, nói:

- Chúng ta quấn quanh quan tài một vòng.

Tôi liếc mắt nhìn quan tài, chỉ một mặt đã gần một mét, ông dùng một sợi dây đỏ dài một mét, đủ để quấn quanh sao?

Tôi nói:

- Trần tiên sinh, sợi dây này hình như quá ngắn?

Trần tiên sinh đáp:

- Đứng bên đó giúp tôi kéo chỉ là được rồi!

Nói xong, Trần tiên sinh chui đầu xuống dưới đáy quan tài, sau đó chui ra từ bên kia, đợi tới lúc ông ấy đứng lên, tôi thấy tay bên trái ông ấy vẫn cầm một đầu sợi dây!

Từ đỉnh quan tài đến bên hông, tiếp nữa là đáy, sau đó lại là một bên khác, cộng vào cũng phải đến ba mét? Một sợi dây đỏ chưa đến một mét, mà cũng quấn quanh được?

Trần tiên sinh bảo tôi đưa đầu dây cho ông ấy, sau đó tôi thấy ông ấy buộc một cát thắt nút trên đỉnh quan tài, nắm nút thắt vào lòng bàn tay trái, dùng miệng thổi một hơi, tay trái vuốt lên dây đỏ, đợi tới lúc ông ấy buông tay, nút thắt kia đã biến mất!

Trần tiên sinh lại nói với tôi:

- Chỗ này quấn thêm một vòng nữa, cầm dây!

Nói xong, ông ấy dùng tay phải kéo cái gì đó ra khỏi lòng bàn tay trái, không ngờ lại lôi ra một sợi dây đỏ, ông ấy đưa đầu dây cho tôi, sau đó lại chui vào gầm quan tài, lấy đầu dây trong tay tôi, thắt nút, lần này tôi nhìn rất cẩn thận, thủ pháp thắt nút của ông ấy rất đặc biệt, tôi chưa từng thấy qua, chi tiết cụ thể, bởi vì động tác quá nhanh, tôi không thể nhớ kỹ, trong bụng nghĩ thầm, có cơ hội phải học mới được.

Ông ấy vừa thổi vừa vuốt, dây đỏ được quấn lên, vẫn chưa thắt nút, thật giống như cả quan tài nằm trong cái bẫy bằng dây đỏ.

Trần tiên sinh và tôi quấn trước sau quan tài ba đoạn dây, sau đó mới hô thầy cúng đưa tang.

Sau khi thầy cúng cúng bái hành lễ xong, một kiếm chém xuống, tiếng pháo vang lên bên tiếng hô ‘khởi quan’ sáu người đàn ông vạm vỡ cùng lúc nâng quan, quan tài ‘lục cục’ một tiếng, được nhấc lên cao.

Tôi thấy Trần tiên sinh thở hắt một hơi, tôi nghĩ, hẳn là đang sợ hồn về đè quan, ngộ nhỡ thợ xây Trần giống ông nội tôi không chịu đi, vậy thì phiền toái, ông nội tôi ít nhất còn có nhiều con cháu khóc nức khóc nở tiễn đi, nhưng thợ xây Trần cô đơn lẻ loi một mình, lại không con cái, kêu ai khóc đưa chú ấy đây?

Nhìn đoàn người đi xa, tôi hỏi Trần tiên sinh, vì sao phải quấn dây đỏ?

Trần tiên sinh nói, oán khí của chú ấy quá nặng, có khả năng sắp khởi thi! (xác chết bật dậy.)

Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất