Say Mộng Giang Sơn

Chương 85: Gã tiều tụy mặc áo bào xanh

Mưa thu kéo dài như bất tận.

Có câu nói, mưa xuân như ân chiếu (chiếu lệnh của hoàng đế), mưa hạ tựa xá thư (giấy xá tội), mưa thu như vãn ca (bài phúng điếu).

Cơn mưa mùa thu thường gợi cho con người ta có một cảm giác bi ai não nề đến lạ lùng.

Trận mưa thu này từ sáng sớm đã bắt đầu tí tách rơi, qua buổi trưa vẫn không thấy ngớt, ý thu tràn đầy, cả trời đất nhân gian đắm chìm trong cảnh tiêu điều mà thê lương.

Trong phường Quy Đức, một người mặc áo bào màu xanh nhạt, tay cầm một cây dù một mình bước đi trên con đường dài lầy lội.

Phường Quy Đức nằm ở phía nam thành Lạc Dương, bên cạnh Trường Hạ Môn. Dân cư góc đông nam Lạc Dương và Trường Hạ Môn, Định Đỉnh Môn... của Quách thành tương đối ít, bởi nơi này cách trung tâm thành phố phồn hoa quá xa, bởi vậy nên khu vực này là cả một rừng cây vô cùng đìu hiu trống trải. Tuy rằng cũng nằm trong thành nhưng chưa từng được khai thác bao giờ nên các loại dã thú vô cùng phát triển.

Bởi vậy nên nơi này cũng trở thành một nơi có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Đông Đô. Những văn nhân mặc khách ưa thích sự tĩnh lặng và một bộ phận quan thất tham tiền, muốn thuê một chỗ ở rẻ đều chọn nơi đây làm chốn để lưu lại.

Người cầm dù bước ra khỏi con ngõ nhỏ, trước mặt lão hiện ra một rừng cây bốn bề lặng lẽ, lá cây được mưa dội cho sáng bóng hẳn lên. Cả rừng cây tràn đầy vẻ u tịnh, mưa phùn phiêu phiêu, trong rừng mơ hồ hiện ra một góc mái nhà cong cong màu đỏ. Lão giẫm chân lên thảm cỏ xanh rì để bước tới, và khi sương sớm làm ướt hẳn mu bàn chân của lão thì một tòa lầu nhỏ đã hiện ra trước mắt.

Căn lầu nhỏ được dựng lên tựa vào sườn núi, xung quanh có cây rừng bao quanh, cảnh tượng vô cùng u nhã, thanh bình. Trước lầu không xây "Kỳ vọng" mà chỉ có một lá cờ, bên trên ghi một chữ “Tửu”, đang phơ phất tung bay trong làn mưa. Đây đích thị là một quán rượu.

Người cầm ô lập tức hướng bước tới chỗ tiệm rượu.

Từng giọt nước lăn trên mái hiên, lão thu ô lại. Khuôn mặt lão lúc này cũng hiện ra một cách rõ ràng. Người này tầm trên dưới năm mươi tuổi, trên mặt dày đặc những nếp nhăn, đôi lông mày đầu rậm đuôi thưa, hai gò má hóp lại toát lên vẻ khắc khổ gầy yếu.

Lão ngẩng đầu nhìn khoảng không gian đang mờ mịt trong màn mưa, khẽ thở dài một tiếng, giũ giũ chiếc dù trong tay rồi đẩy cánh cửa trúc của tiệm rượu để bước vào. Trong tửu lầu vô cùng yên tĩnh. Trong thời tiết mưa gió thế này, nơi náo nhiệt nhất là trung tâm thành phố mà người đi lại còn ít, huống chi là một nơi vốn u tĩnh như thế này.

Những vị khách trong quán rượu không biết đang say rượu hay say mình trong cơn mưa, mơ mơ màng màng nửa tỉnh nửa mê. Đám tiểu nhị cũng chẳng biết chạy đi đâu hết, trong quán chỉ còn một lão trưởng quầy ngồi sau quầy rượu, đang chống cằm lên ngủ gật. Vị khách đẩy cửa bước vào, một trận gió thu cũng theo đó thổi vào, làm xao động những thẻ rượu và thẻ đồ ăn đang được treo đầy trên quầy rượu.

Những thẻ rượu và thẻ đồ ăn đều được làm bằng trúc, bị gió thổi qua thì va vào nhau phát ra những tiếng đinh đinh đang đang, khiến cho lão chưởng quầy bỗng giật mình tỉnh giấc.

Vị khách mới tới không gọi lão mà chỉ đảo mắt tứ phía một lượt, phát hiện thấy trong một góc của tiệm rượu, tại chỗ sát gần cửa sổ có một người đang ngồi. Người đó thấy lão tiến vào liền vẫy vẫy tay với lão, lão bèn bước tới.

Bên ngoài cửa sổ, những cây cỏ dại đã mọc cao quá đầu người. Tuy đã là cuối thu nhưng đám cỏ dại ấy vẫn chẳng có vẻ gì là sắp tàn úa, ngược lại còn khỏe mạnh tươi tốt đến lạ thường. Từng giọt mưa rơi xuống khung cửa sổ, tạo ra những tiếng tí tách tí tách, rồi lại rơi xuống thân những cây cỏ dại kia. Một cơn gió bất ngờ thổi tới làm tay áo của vị khách đang uống rượu kia khẽ bay lên.

Vị khách đang uống rượu trên đầu thắt một chiếc khăn lụa, mình vận một bộ lĩnh bào màu vàng, dưới cằm là một chòm râu thưa thớt, sắc mặt đã trở nên vàng vọt đi theo tuổi tác, nhưng nếu nhìn kĩ lại thì sẽ thấy thực ra y cũng không hề lớn tuổi. Người trẻ tuổi mặc áo vàng kia đứng dậy chào vị khách mới tới, cười nói:

- Vưu huynh?

Lão già năm mươi tuổi khẽ vuốt cằm:

- Ta chính là Vưu Hạo Dương!

Gã trẻ tuổi áo vàng khẽ mỉm cười, chắp tay nói:

- Vưu huynh, xin mời ngồi.

Vưu Hạo Dương do dự liếc mắt sang hắn một cái, cởi giày ra rồi quỳ xuống ngồi bên cạnh bàn. Gã áo bào vàng cũng kéo vạt áo lên rồi chậm rãi ngồi xuống, tay phải nâng chén, tay trái đỡ dưới đáy hướng về phía lão, cung kính nói:

- Mưa thu lạnh lẽo. Vưu huynh, mời huynh uống trước một ly để xua tan đi hàn khí trên người rồi chúng ta từ từ trò chuyện.

Vưu Hạo Dương được Triệu Du – một kẻ chuyên nghề nghe ngóng trên giang hồ mời tới. Triệu Du đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức, cuối cùng cũng đã tìm ra được một người có khả năng biết tung tích của Miêu Thần, Khách. Thế nhưng nếu muốn dò hỏi được tin tức của Miêu Thần Khách từ miệng người này thì không phải là điều dễ dàng, vậy là Triệu Du bèn sắp xếp để Dương Phàm gặp mặt trực tiếp với lão.

Dương Phàm liền cải trang để gặp mặt lão ở đây như đã hẹn

Kỳ thật chức quan của Vưu Hạo Dương cũng không cao, lão chỉ là một quan Đề lại bình thường trong Tiến Tấu Viện.

Tiến Tấu Viện tương đương với văn phòng của các tỉnh được thiết lập tại thủ đô ở đời sau, chuyên phụ trách việc giúp các quan lớn truyền đạt mệnh lệnh từ trên xuống dưới, rồi truyền đạt thông báo từ dưới lên trên. Các dinh thự được thiết lập tại kinh đô đều là của các chư hầu, họ dựng nên những tòa nhà như vậy, mục đích chính không phải là để thông báo tình hình nội hạt mà là để bất cứ lúc nào họ cũng có thể nắm được tình hình trong kinh thành.

Thời đại này giao thông vẫn còn chưa phát triển, tin tức không được nhanh nhạy như bây giờ. Các quan lớn của các địa phương chỉ có thể ngồi chờ tin tức có liên quan đến mình từ triều đình báo xuống, bọn họ đương nhiên phải bố trí những tai mắt trong kinh thành để bất cứ lúc nào cũng có thể nghe ngóng được nhất cử nhất động ở trong triều. Đám tai mắt này chẳng những thay bọn họ thăm dò tin tức trong triều mà đồng thời còn giống như chiếc cầu nối giúp họ xây dựng mối quan hệ với với những quý tộc trong kinh thành. Và những tai mắt ấy được gọi bằng một cái tên trịnh trọng hơn, đó là quan Đề lại.

Đề Lại thường là những quan sai có thân hình hộ pháp. Rất dễ hiểu, bởi các quan lại địa phương thì có thể lơ là một chút, chứ với đám Đề Lại này tuyệt đối không dám keo kiệt bủn xỉn. Bởi thế nên các quan Đề Lại đều béo núc ních. Tuy nhiên, việc gì cũng đều có ngoại lệ, Vưu Hạo Dương này cũng là một quan Đề lại, nhưng cuộc sống hiện tại của lão còn khổ hơn cả Hoàng Liên.

Bởi đen đủi thay, Vưu Hạo Dương lại là Đề lại trong phủ đô đốc Vu Điền đóng tại kinh thành - Tiến Tấu Viện.

Vu điền vốn là một quân trấn trực thuộc Đô Hộ Phủ An Tây.

Năm Trinh Quán thứ hai mươi, Ất Bì Xạ Quỹ Khả Hãn của Tây Đột Quyết xin cầu thân với Đại Đường, Lý Thế Dân đề xuất gã phải cắt năm nước là Quy Tư, Vu Điền, Sơ Lặc, Chu Câu Bà và Thông Lĩnh để làm sính lễ. Ất Bì Xạ Quỹ Khả Hãn bằng mặt không bằng lòng, bề ngoài tỏ ra đồng ý nhưng bên trong ngấm ngầm mưu tính ý đồ khác, sau khi kết thân xong lại trở mặt không chịu cắt nhường năm nước kia như đã giao ước. Đại Đường liền dùng quân đội cưỡng chế tiếp quản những địa phương này.

Phủ đô đốc Vu Điền chính là được thiết lập trong thời gian ấy, sau thời Trinh Quán, vì cục diện chính trị có sự biến đổi mạnh mẽ nên tứ trấn An Tây khi thì được giữ lại lúc lại bị bỏ đi, các cũng quân trấn có sự biến động. Năm Vĩnh Huy thứ nhất, Đường Cao Tông Lý Trị bỏ đi tứ trấn, Đô Hộ Phủ An Tây dời về Tây Châu. Năm Hiển Khánh thứ hai, Đại Đường bình định quân phiến loạn A Sử Na của Tây Đột Quyết. Đến năm sau thì tứ trấn lại được khôi phục.

Năm Hàm Hanh năm thứ nhất, Thổ Phồn chiếm Quy Tư, tứ trấn lại bị xóa bỏ. Điều Lộ năm thứ nhất, An Phủ Sứ Đại Đường là Bùi Hành Kiệm bình định Bặc Diên – nơi đám quân của đô đốc A Sử Na làm loạn và cho khôi phục lại tứ trấn. Ba năm sau, quân đội nhà Đường bị Thổ Phồn đánh bại, tứ trấn lại thất thủ, phủ đô đốc Vu Điền thiết lập ở kinh này lập tức cũng trở thành một đứa trẻ bị bỏ rơi.

Bọn họ là quan sai của phủ đô đốc đóng tại kinh thành nên không chịu sự quản lí trực tiếp của triều đình, bổng lộc cũng không được nhận của triều đình. Nhưng vấn đề bây giờ là phủ đô đốc này không biết có thể khôi phục lại được như trước nữa hay không, bởi bây giờ đâu còn ai bận tâm tới họ nữa. Vậy là hiện giờ, đám Đề lại này đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Một vài quan lại nhỏ có gia cảnh tương đối khá thì tạm thời cũng có thể dựa dẫm vào sự giúp đỡ từ trong nhà, còn như Vưu Hạo Dương, cả gia đình đều trông chờ cả vào lão, một khi trụ cột về kinh tế đã không còn nữa thì cả gia đình lập tức cũng rơi vào cảnh lao đao. Nếu không phải vì vậy thì lão tuyệt đối không bao giờ chấp nhận cuộc hẹn ngày hôm nay. Vưu Đề lại nhấp một chén rượu, nhẹ nhàng buông xuống, nhìn thẳng Dương Phàm nói:

- Lão đệ, ngươi muốn biết điều gì, giờ có thể nói rồi đó.

- Miêu Thần Khách!

Dương Phàm hơi nghiêng mình một chút, hai hàng lông mày nhướn lên, nhìn thẳng Vưu Đề lại, nói:

- Ta chỉ cần biết tung tích của Miêu Thần Khách.

Vưu Đề lại mặt thoáng biến sắc, chắp tay nói:

- Ngươi muốn biết tin tức của hắn ư? Vậy thất lễ, tại hạ xin cáo từ!

Vưu Đề lại đứng dậy toan bước đi, Dương Phàm liền rút ra một tay nải bằng vải màu xanh đặt lên trên bàn. Có tiếng “cạch cạch” phát ra từ trong tay nải, Vưu Đề lại đang định bước chân xuống xỏ giày, nghe vậy thì không khỏi tò mò liếc sang chiếc tay nải màu xanh kia. Tay nải này đúng là không nhỏ, lão bất giác nuốt nước miếng một cái.

Dương Phàm nói:

- Vưu huynh sợ cái gì chứ, ra từ miệng huynh rồi vào trong tai ta cơ mà.

Vưu Đề lại tỏ ra có chút do dự, Dương Phàm lại khẽ mỉm cười, nói: - Ra khỏi gian tửu lầu này, ai đi đường nấy, huynh không biết ta, ta không biết huynh, người khác lấy đâu bằng chứng nói huynh đã từng tiết lộ thông tin cho ta? Ha ha, Vưu huynh, cứ ngồi xuống nói chuyện cái đã.

Vưu Đề lại chần chừ lưỡng lự hồi lâu rồi mới ngồi xuống, nhắm mắt thở dài nói:

- Ôi, đúng là kẻ nghèo chí ngắn! Ngươi rốt cuộc muốn biết cái gì?

Dương Phàm hạ thấp giọng, nói:

- Ta chỉ muốn biết Miêu Thần Khách hiện đang ở đâu, hành tung ra sao thôi.

Vưu Đề lại bỗng mở mắt, yên lặng quan sát hắn một lúc lâu rồi mới chậm rãi cụp mi mắt xuống, nói:

- Ngươi tra hỏi tung tích của Miêu Thần Khách, là vì ân hay vì thù?

Dương Phàm nói:

- Bất kể là ân hay thù cũng không có liên quan gì đến Vưu huynh cả. Vưu huynh thấy nên biết hay không nên biết thì hơn?

Vưu Đề lại thở dài, mặt lão càng tỏ vẻ sầu khổ:

- Ta...cũng không biết tung tích của Miêu Thần Khách.

Dương Phàm chậm rãi ngồi thẳng dậy, giơ chiếc tay nải màu xanh lên nói:

- Ngồi bên cửa sổ nghe mưa, mưa rơi rả rích, ta lại nghe có một ý cảnh khác. Bàn rượu và thức ăn này, coi như là tiểu đệ tặng cho Vưu huynh, Vưu huynh cứ từ từ thưởng thức, tại hạ cáo từ!

Vưu Đề bất ngờ thốt lên:

- Nhưng ta biết ai biết tung tích của hắn! Hiện giờ chắc cũng chỉ có người này biết hắn đang ở đâu thôi. Nếu ngươi hỏi khác có lẽ họ cũng chẳng biết được đâu. Ta biết được việc này cũng là qua một chuyện rất tình cờ.

Dương Phàm hỏi:

- Người kia là ai?

Vưu Đề lại chậm rãi nói:

- Nếu ta tiết lộ ra...

Dương Phàm không nói gì, chỉ đẩy tay nải về phía trước.

Vưu Đề lại đưa tay ra giữ chặt tay nải, nói:

- Thượng Quan Đãi Chiếu!

Dương Phàm giật mình kinh hãi, gần như thất thanh nói:

- Thượng Quan Uyển Nhi?

Vưu Đề lại thoáng hiện ra ý cười, nói:

- Túc hạ còn muốn tiếp tục hỏi gì nữa?

Dương Phàm trầm ngâm một lúc lâu sau, sắc mặt trở nên thâm trầm, nói:

- Vưu huynh, huynh cố ý nói ra một nhân vật quyền cao chức trong cho xong đúng không?

Vưu Đề lại đáp:

- Những lời Vưu mỗ nói hoàn toàn là sự thật.

Dương Phàm cười lạnh nói:

- Miêu Thần Khách chẳng qua chỉ là một kẻ ghi chép biên soạn quốc sử, một học sĩ sáng tác văn học, đâu có phải nhân vật quan trọng gì mà tung tích của hắn chỉ có nhân vật số một trong mắt Thiên Hậu là Thượng Quan Đãi Chiếu biết?

Mặt Vưu Đề lại tỏ ra vẻ kì quái, nói:

- Miêu Thần Khách chỉ là một kẻ biên soạn lịch sử, một học sĩ văn học sáng tác? Ha ha, nhưng ngươi có biết, những cuốn sách mà này Miêu Thần Khách biên soạn là những sách gì hay không?

Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất