Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 91: Cửa Thu Diên, vua tôi tháo thân, Trạm Mã Ngôi, anh em nộp mạng.



Từ rằng:
Xưa phú quý xa hoa cùng cực
Nay nhà tan, non nước đọa đày
Bỏ cung viện, bỏ đền đài
Gót sen đạp sỏi, lỗi này tại ai
Xưa ơn vua một nhà riêng hưởng
Nay lòng dân hờn oán căm gan
Núi băng nắng rọi tiêu tan
Còn đâu nữa, cả Ngọc Hoàn
Bây giờ mới hối còn toan nỗi gì?
Theo điệu "Thiểm tự Chiêu Quân oán"
Từ xưa vua hiền cùng hoàng hậu mẫu mực, không bao giờ dám cẩu thả trong việc giữ gìn chữ đức, luôn trong khuôn khổ cần kiệm, trên thì hợp mệnh trời, dưới vừa lòng dân, cho nên có thể phòng việc hoạn nạn khi hoạn nạn chưa sinh, chuyển họa thành phúc, bốn biển yên hàn chẳng có điều gì phải lo lắng, muôn dân vì vậy mà cũng được nhờ cậy. Nếu chẳng được thế, bề trên kiêu sa dâm dật, không biết kính trời yêu dân, dùng toàn bọn gian thần ngang ngược, ỷ thế được sủng ái, bọn phi tần cùng họ ngoại tác oai tác quái, bại hoại cả luân thường chỉ để cầu điều lợi cho bản thân, cho họ hàng, chẳng nghĩ gì đến giang sơn, đến nỗi trời thịnh nộ, người cũng oán hờn, can qua khắp chốn, nơi nơi thất thủ, xã tắc nghiêng ngửa. Bọn quyền thần bán nước, quý phi lấy bụng dạ tiểu nhân để khuynh loát thiên tử đều không thoát khỏi chết thảm. Nhưng theo đó là hàng triệu dân chúng lâm vào cảnh dọa đày, chết chóc, thiên tử cũng bôn ba vất vả. Mãi đến lúc này, mới hối hận than tiếc những lỗi lầm xưa, thì còn ích gì nữa.
° ° °
Lại nói Huyền Tông nghe theo lời xui của Dương Quốc Trung, thúc bách Kha Thư Hãn ra quân để đến nỗi toàn quân tan nát, chủ soái tai ương, Đồng Quan rơi vào tay giặc. Các vùng Hà Đông, Hoa âm, Phùng Dực, Thượng Lạc, chủ tướng đều bỏ thành mà chạy. Theo pháp chế nhà Đường, ở các vùng biên trấn, cách ba mươi dặm, lại đặt một đống củi rơm khô, mỗi khi hoàng hôn, phóng hỏa mà đốt, cứ thế mà kéo dài đến kinh đô, để báo tin bình yên, nên gọi là "An bình hỏa". Lúc này, ba ngày liên tiếp, không thấy "An bình hỏa" đốt lên, Huyền Tông vô cùng lo sợ. Bỗng quân mã phi về liên tiếp, báo tin Kha Thư Hãn thua to, đất mất, giặc đang thừa thắng kéo về, thế không thể đương nổi. Huyền Tông kinh hoàng, lập tức triệu quần thần thương nghị.
Quốc Trung sợ mọi người sẽ oán trách y thúc bách bằng được việc xuất sư liền uốn lưỡi lớn tiếng trước:
- Kha Thư Hãn đáng ra phải xuất chiến từ lúc giặc chưa phòng giữ, nay chỉ vì quân chậm quá đến nỗi lũ nghịch tặc giảo hoạt đón trước được, thành ra trúng phải kế.
Đổng bình chương sự Vi Tô Kiến nói:
- Khinh địch thì bại, hối cũng chẳng kịp. Kế sách hiện nay, hãy mau trưng binh các đạo về tiếp viện. Rồi sai đại tướng dẫn lính mới mộ mà phòng giữ lấy kinh đô.
Hàn lâm thừa chỉ Tần Quốc Trinh tâu:
- Phải mau ban chỉ gọi Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật, kéo quân ngay về để chặn quân giặc vào Trường An.
Quốc Trung trầm ngâm không nói, Huyền Tông hỏi:
- Ý riêng của tể tướng ra sao?
Quốc Trung thưa:
- Binh ít mà chống giặc thì giữ thành là điều rất cần. Nhưng Đồng Quan đã mất, Trường An nguy lắm, lại gặp lúc thế giặc đang mạnh, càng ngày càng tiến gần kinh sư, binh lính bên ngoài chưa thể gọi về ngay, chẳng khác gì "Nước xa không cứu được lửa gần". Cứ như ngụ ý của thần, chi cho bằng xa giá nên tạm lánh vào Tây Thục. Trước tiên là để ình rồng yên ổn, không phải ngày đêm hoảng hốt vì gần giặc, sau đó là có thời giờ cho binh tướng ở bên ngoài đến. Đó mới là kế vạn toàn vậy!
Huyền Tông nghe tâu, chưa kịp phán, thì đã thấy Quốc Trinh xuất ban tâu:
- Nghịch tặc càn rỡ, thế tuy ngang ngược nhưng sao có thể địch lại sức mạnh của cả thiên triều. Nay bọn Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật, Nhan Chân Khanh, Trương Tuần đều nhiều trận đánh thắng. Gần đây có tin báo thái thú Đông Bình Ngô Vương Kỳ, dấy quân nhiều phen thắng lớn, giết rất nhiều quân giặc. Lại nghe An Lộc Sơn mắng bè đảng Nghiêm Trang, Cao Thượng rằng: "Các ngươi ngày trước khuyên ta phản lại triều đình là kế vạn toàn, nay ta bao lần bị quan quân dồn ép, vậy thì kế vạn toàn ở đâu?" Nghiêm Cao hai thằng tướng phản nghịch không biết đáp sao. Lộc Sơn định giết, tả hữu khuyên mãi mới thôi. Khí thế đã suy, rõ ràng chẳng sớm thì muộn sẽ tuyệt diệt. Nay binh tướng thua ở Đồng Quan, cũng bởi tại nghe lời dị nghị mà thúc bách xuất sư, không phải toàn tội Thư Hãn. Nay nếu quân các nơi kéo về, sẽ có ngày khôi phục được, sao lại chỉ vì một trận thua, đã vội tính chuyện chạy dài. Xa giá đã đi khỏi, kinh sư ai giữ, sao không tính kế an toàn cho xã tắc mà đã vội lo chuyện bỏ chạy vào Thục. Cứ như ngụ ý thì quả là không nên vậy.
Huyền Tông truyền dụ, các quan hãy trình rõ ý mình, nhưng chẳng ai dám tâu điều gì nữa, nhiều người thác rằng:
- Chúng thần xin nhường cho các quan ở Trung thư tỉnh bàn luận.
Huyền Tông buồn bực không vui, bãi chầu về cung.
Vì sao Dương Quốc Trung lại nghĩ tới việc chạy vào Tây Thục? Nguyên là trước kia y đã từng làm Kiến Nam tiết độ sứ, Tây Thục do đó là đất quen cũ, nghe tin An Lộc Sơn phản loạn, y đã sai bọn tâm phúc, ngầm sắp sẵn mọi thứ ở Tây Thục phòng lúc khốn nguy, nên mới đưa ra kế sách này, chẳng qua cũng chỉ là để lo lấy thân mình trước.
Chính là:
Chỉ vì mình sẵn đào ba ngách 1
Nên ép nhà vua ruổi như bay.
Lúc này Quốc Trung thấy trăm quan bàn cãi, Huyền Tông cũng chưa quyết bề nào, thì riêng nghĩ: "Thiên tử muốn thân chinh, rồi lại định nhường ngôi, đều may có chị em nhà mình khuyên giải. Nay mưu kế chạy vào Thục này, cũng phải họ giúp ột tay thì mới xong đây!". Liền nhân đó đến ngay phủ của Quắc Quốc phu nhân vừa dự yến tiệc trong cung về, cùng Hàn Quốc phu nhân ai về phủ ấy, mỗi kẻ một đoàn, bọn theo hầu mặc dù năm sắc y phục, nghi trượng choáng lộn một vùng chẳng khác nào trăm hoa muôn sắc. Đang lúc xuống kiệu để bước lên sảnh đường, thì thấy Quốc Trung hoảng hốt tới vội vàng nói không thành lời:

- Nguy lắm rồi! Chạy là hơn cả! Chạy là hơn cả thôi!
Quắc Quốc phu nhân vội hỏi:
- Có việc gì mà nguy thế?
Quốc Trung đáp:
- Đồng Quan thất thủ, quân giặc sắp tới. Mưu lược bây giờ, chẳng gì bằng là khuyên thánh thượng chạy ngay vào Thục. Chúng ta có nhà cửa trong ấy, dẫu có đi cũng chẳng mất phú quý. Hiện nay bách quan bàn bạc phân vân, thánh thượng chưa quyết ý, cần phải có chị em phu nhân vào ngay nội cung bàn trước với Quý Phi, rồi cùng nhau khuyên giải. Nếu để chậm, giặc tiến rất nhanh, lòng người biến loạn, chúng ta đến tan nát cả!
Quắc Quốc phu nhân nghe nói hoảng hốt, vứt ngay mọi việc sang bên, sai hẹn với Hàn Quốc phu nhân, quay vào cung, gặp Quý Phi kín đáo đem những lời Quốc Trung vừa nói thuật lại một lượt. Cả ba chị em tìm Huyền Tông, cố sức khuyên nên chạy ngay vào Thục 2.
Chị một câu, em một câu, lại khóc lóc, lại nước mắt ngắn dài, không cho Huyền Tông cưỡng lại, đòi thêm Quốc Trung vào để bàn. Quốc Trung hết lời ca tụng giải pháp thần diệu này, còn phòng xa:
- Nếu bệ hạ nói rõ việc chạy vào Thục, đình thần tất bàn cãi phân vân, để rồi dây dưa lỡ mất cả việc lớn. Nay hãy cứ giả cách xuống chiếu thân ra trận, rồi lặng lẽ lên xe rồng đi Tây Thục vậy!
Huyền Tông nghe theo, hạ chiếu thân chinh. Lấy Kinh triệu doãn Ngụy Phương Tiến làm Ngự sử đại phu kiêm Tri đồn sứ, Thiếu doãn Thôi Quang Viễn làm Tây Kinh lưu thứ tướng quân. Sai nội quan Biên Lệnh Thành coi sóc bảo vệ cung khuyết. Lại đặc sai Long Vũ tướng quân Trần Nguyên Lễ, tổng quản quân sĩ hộ giá, cấp cho đầy đủ tiền lụa. Chọn ngay hơn một nghìn ngựa, không cho người bên ngoài biết, ngay đêm hôm ấy, Huyền Tông kín đáo ra ngủ ngoài Trúc Bắc Nội.
Hôm sau, trời mới lờ mờ sáng, riêng cùng chị em Quý Phi, hoàng thái tử, các hoàng tử phi chúa, hoàng tôn, thêm Dương Quốc Trung, Vi Kiến Tố, Ngụy Phương Tiến, Trần Nguyên Lễ các hoạn quan thân cận nhất của nội cung, ra theo đường cửa Thu Diên mà đi.
Sắp lên đường, Huyền Tông muốn gọi Mai Phi Giang Thái Tần cùng đi. Dương Quý Phi ngăn lại mà rằng:
- Xe ngựa của bệ hạ nên đi trước, còn những người khác thì từ từ rồi sẽ đi sau!
Huyền Tông lại định báo cho tất cả vương tôn, vương phi ở kinh cùng đi theo xe rồng. Quốc Trung lại tâu:
- Nếu như thế, thì dùng dằng biết đến ngày nào, lúc ấy người ngoài đều đã rõ việc cả. Chi bằng đại giá cứ đi trước, sau sẽ ban mật chỉ, cho ai nấy biết mà đi theo.
Huyền Tông đành lên đường. Mai Phi cùng vương tôn, phi chúa đều không được đi theo. Xe đã lăn bánh, mà vẫn chẳng ai biết, trăm quan vẫn vào triều kiến, thấy cửa vẫn đóng, lính thị triều vẫn ba hàng đứng như cũ. Chờ mãi, cửa cung mới mở, người bên trong ùa ra như chạy loạn, phi tần chẳng khác gì chuột nước lụt, đồn ầm lên là thánh thượng không còn trong cung, không hiểu đi đâu, trong ngoài đều ầm ĩ. Tần Quốc Mô, Quốc Trinh đoán là Huyền Tông đã lên đường vào Thục, liền cưỡi ngựa chạy theo. Còn lại các quan viên, dân chúng cứ thế mà chạy tán loạn khắp bốn phương. Bọn tiểu thị dân kéo tràn vào cung cấm, tìm đến các nhà hoạn quan, trộm cướp đồ đạc của cải, cưỡi lừa ngựa lên tất cả các cung điện sân chầu. Công tử, vương tôn, nhất thời có những người không biết trốn đi đâu, gào khóc khắp các phố các đường. Về sau, Đỗ Công Bộ làm bài trường thiên "Ai vương tôn" 3 để ghi lại quang cảnh diễn ra ngay trước mắt lúc đó:
Quạ đầu thành lông đầu trắng phơ,
Đêm bay kêu trên cửa Diên Thu 4
Lại moi nhà các quan to
Các quan chạy trốn giặc Hồ 5 lung tung
Chín ngựa 6 chết, roi đồng đập gãy
Bỏ thịt xương cố chạy lấy mình
Dưới lưng vòng ngọc xanh xanh
Góc đường ngồi khóc thương tình vương tôn
Hỏi tên họ, đâu còn dám nhận
Chỉ xin cho được phận tôi đòi
Tháng ròng chui rúc chông gai
Trên mình da thịt chẳng nơi nào lành
Con cháu chúa 7 thảy rành ũi
Giống rồng xem khác với người thường
Rồng thất thế, sói đầy đường 8
Liệu mà giữ lấy nghìn vàng tấm thân
Vì vương tôn dừng chân đứng tạm
Lối lại qua chuyện dám kề cà
Gió đưa hơi máu đêm qua

Sớm nay đò cũ lạc đà nghênh ngang 9
Tướng phương bắc rặt phường thao lược 10
Nay vì đâu nhụt sức kém tài?
Trộm nghe vua mới lên ngôi 11
Đức đà phục được rợ ngoài Hung Nô 12
Rạch da mặt, 13 trả thù xin quyết
Chớ rỉ răng người biết không nên!
Vương tôn cố sức giữ gìn
Năm lăng trông lại còn bền khí thiêng. 14
Lại nói Huyền Tông vất vả lên đường vào Thục, xe rồng đi qua Tả Tạng, rất nhiều binh lính vác các bao cỏ khô cùng lương thực đứng chờ. Huyền Tông dừng xe hỏi nguyên cớ. Dương Quốc Trung tâu:
- Tả Tạng tích trữ lương thảo rất nhiều, trong lúc vội vàng thế này, không thể nào mang đi hết được, chỉ sợ mai kia lọt vào tay quân giặc, ý thần định đốt cho cháy hết, không cho giặc có cái dùng.
Huyền Tông buồn bã:
- Giặc tới nếu chẳng kiếm được gì, thì lại đến đi cướp của trăm họ, chi bằng cứ để lại, đỡ khốn khổ cho dân.
Liền quát quân lính tránh ra, rồi xe rồng lại lên đường.
Qua khỏi cầu, Quốc Trung sai người đốt cầu, phòng quân giặc đuổi theo. Huyền Tông thấy thế ngậm ngùi:
- Trăm họ đều đánh giặc, cần cầu để qua lại, sao nỡ tuyệt đường sống như vậy?
Liền sai Cao Lực Sĩ dẫn binh lính dập tắt ngay cầu đang cháy. Người đời sau cho rằng Huyền Tông trong lúc chạy nạn, còn làm được hai việc tốt đẹp này, nên sau đó vẫn còn được quay về kinh đô Trường An, hưởng trọn tuổi đời.
Chính là:
Lời ngay muôn việc dễ xuôi
Lòng người nhân khiến lòng trời đổi thay
Không quên dân bước hiểm nguy
Xui nên vận nước thêm dài thêm yên.
Huyền Tông đến cung Vọng Hiền ở Hàm Dương, bọn quan lại sở tại đã bỏ trốn từ bao giờ, trời đã gần trưa, mà vẫn không có cơm để dâng ngự. Trăm họ hoặc có người dâng bánh bao thô, hoặc mạch, hoặc đậu. Vương tôn tranh nhau lấy tay bốc mà ăn, chẳng mấy chốc hết nhẵn. Huyền Tông lấy vàng bạc trả ơn rất hậu, lại ban lời khen ngợi. Trăm họ khóc lóc ngắn dài, Huyền Tông cũng chùi nước mắt mãi không thôi.
Trong số bách tính, có một cụ già râu tóc bạc trắng, họ Quách, tên Tòng Cẩn, sụt sùi mà tâu rằng:
- An Lộc Sơn từ lâu đã ôm lòng hiểm ác, chẳng phải việc một ngày. Lúc ấy có người tới cửa khuyết mà can ngăn, bệ hạ mấy lần định giết. Để đến nỗi Lộc Sơn gây họa cho chín châu, khiến xa giá phải vất vả, dân chúng điêu linh. Từ xưa bậc thánh vương trị nước thì tìm đến kẻ trung lương, hỏi ý kiến bậc tài trí. Còn nhớ khi ngài Tống Cảnh làm tể tướng, mấy lần dâng lời nói ngay thẳng, thiên hạ nhờ đó mà được yên ổn. Nhưng mấy năm gần đây, trăm quan tâu bày đều dè xẻn, bọn nịnh thần tha hồ ngang ngược, để đến nỗi những chuyện ở ngoài cửa khuyết, bệ hạ chẳng được biết cho đúng thực hư. Những kẻ ở nơi quê mùa chúng tôi, từ lâu đã biết có ngày này, nhưng cửu trùng xa xôi kín mít, dẫu có muốn cũng chẳng thể nào mà đến nơi, thấy được mặt rồng để tâu rõ mọi việc cho được.
Huyền Tông giậm chân than:
- Cũng bởi trẫm không sáng suốt, giờ hối thì không kịp nữa rồi!
Bèn dùng lời ngọt ngào mà an ủi.
Quân sĩ đi theo đói khát, liền đến các thôn làng tìm lương ăn. Đêm hôm ấy, nghỉ lại ở trạm dịch Kim Thành, ngậm ngùi chịu đựng cái không chịu được vậy!
Ngày hôm sau, xe rồng đến trạm Mã Ngôi 15, tường sĩ vừa mệt vừa đói, đều có khí sắc giận dữ, gặp lúc Hà Nguyên quân sứ Vương Tư Lễ vừa từ Đồng Quan chạy tới. Huyền Tông mới rõ Kha Thư Hãn đã bị bắt, nhân đó phong Tư Lễ làm Hà Tây Lũng hữu tiết độ sứ, sai ngay đi trấn nhậm để chiêu mộ lính tráng, chờ ngày đánh phía đông.
Tư Lễ sắp lên đường, muốn nói riêng với Trần Nguyên Lễ:
- Dương Quốc Trung vốn là kẻ đã gây loạn khởi hấn, tội ác chất đầy người người đều căm giận. Ta đã từng khuyên tướng quân Kha Thư Hãn dâng biểu xin giết đi, đáng tiếc Thư Hãn chẳng nghe lời. Nay sao tướng quân không giết quách thằng giặc này để hả lòng mọi người.

Nguyên Lễ đáp:
- Ý Nguyên Lễ này cũng như vậy!
Liền bàn với Đông cung nội thị Lý Phụ Quốc, đang định mật tâu với thái tử, gặp lúc Thổ Phồn sai sứ gồm hơn hai mươi người, tới bàn chuyện hòa hảo, rồi theo luôn xe rồng. Quốc Trung cưỡi ngựa đi tới, mọi người kêu ca là không có gì ăn. Quốc Trung chưa kịp đáp lại.
Nguyên Lễ đã quát lớn:
- Dương Quốc Trung giao thông với Phiên sứ mưu phản, chúng ta còn để thằng giặc này làm gì?
Binh sĩ lập tức nhốn nháo, Quốc Trung sợ cuống, vội ruổi ngựa chạy trốn. Binh sĩ đã dồn kín phía trước, dao thương múa loạn một hồi ánh thép loang loáng, đầu Quốc Trung đã lìa ra khỏi cổ, thoáng cái đã xong xuôi. Binh lính lấy thương, cắm đầu Quốc Trung vào, đem đến bên ngoài cửa trạm, rồi giết luôn cả con trai Quốc Trung là Hộ bộ thị lang Dương Huyên.
Chính là:
Dẫu núi băng kia cao vạn trượng
Nắng ột buổi ắt tan ngay.
Quốc Trung mới bị giết xong, xe của Hàn Quốc phu nhân cũng vừa tới, quân sĩ ùa ngay trước xe, lôi Hàn Quốc phu nhân ra chém chết. Quắc Quốc phu nhân cùng với con là Bùi Huy, thêm vợ, con nhỏ của Quốc Trung bỏ chạy sang Trần Thương, bị huyện lệnh Tiết Cảnh Tiên dẫn nha lại cùng dân chúng đuổi theo bắt được, đều bị giết chết.
Chính là:
Xưa bôi nhàn nhạt nét ngài
Bây giờ máu tắm láng lai cổ ngà.
Huyền Tông nghe tin Quốc Trung bị giết bởi binh lính, vội ra ngay cửa trạm dịch, dùng lời ôn tồn phủ dụ ba quân, khuyên trở về cơ ngũ. Binh lính vẫn ồn ào không chịu tan, cứ vây kín lấy trạm dịch.
Huyền Tông liền hỏi:
- Các ngươi sao vẫn không chịu giải tán?
Quân lính hò hét:
- Phản tặc tuy đã giết, nhưng gốc rễ vẫn còn, sao dám giải tán cho được!
Nguyên Lễ thưa :
- Ý của binh lính. Quốc Trung tuy đã giết, nhưng Quý Phi cũng không đáng được hầu bệ hạ, xin thánh thượng định đoạt.
Huyền Tông kinh hồn thất sắc:
- Quý Phi ở trong thâm cung, với việc Quốc Trung phản nghịch thì có can hệ gì?
Cao Lực Sĩ tâu:
- Quý Phi dẫu thực vô tội, nhưng quân sĩ đã giết Quốc Trung, mà Quý Phi vẫn được ngay cạnh bệ hạ thì làm sao họ yên tâm. Xin bệ hạ hãy nghĩ kỹ. Quân sĩ mà yên thì mình rồng mới có thể vạn toàn.
Huyền Tông yên lặng gật đầu, quay về quán dịch nhưng không nỡ vào hành cung, chỉ đến cổng nhỏ, dựa vào vương trượng mà cúi đầu đứng hồi lâu. Kinh triệu tư lục Vi Ngạc, con của Vi Kiến Tố, lúc này đứng hầu một bên, quỳ xuống mà tâu rằng:
- Binh lính đã nổi giận thì khó mà đụng vào lắm, chuyện an nguy chỉ trong khoảnh khắc, cúi xin bệ hạ hãy nén lòng mà cắt ân đoạn ái, để đổi lấy sự an ninh cho quốc gia.
Huyền Tông lần từng bước vào hành cung, trông thấy Quý Phi, một tiếng cũng không thốt nổi, chỉ ôm lấy Quý Phi mà khóc. Bên ngoài tiếng hò hét càng huyên náo hơn nhiều. Cao Lực Sĩ vội tâu:
- Việc phải nhanh chóng quyết định mới yên!
Huyền Tông dắt Quý Phi ra cửa phía bắc của trạm dịch, khóc rống:
- Quý Phi! Trẫm cùng khanh vĩnh quyết từ nay!
Quý Phi nghẹn ngào, nức nở thưa:
- Nguyện xin bệ hạ hãy giữ gìn, thiếp mang tội đã nhiều, chết cũng chẳng ân hận. Chỉ xin được chết trước Phật đường!
Huyền Tông khóc:
- Nhờ đao kiếm của Phật pháp, để mai kia Quý Phi còn đường tái sinh dưới âm phủ!
Rồi quay lại truyền Cao Lực Sĩ:
- Khanh hãy dẫn tới cửa Phật mà xử cho cẩn thận?
Nói xong, sụt sùi mà quay vào.
Quý Phi vào trước Phật đường, lễ bái xong, Cao Lực Sĩ dâng giải khăn lụa, giục phải tự thắt cổ mà chết dưới một cây cổ thụ ngay trước Phật đường. Lúc này, Quý Phi mới ba mươi tám tuổi, là tháng sáu, năm thứ mười lăm đời Thiên Bảo. Than ôi! Thật như những câu sau đây trong bài "Trường hận ca" của Bạch Lạc Thiên:
Chín lầu thành khuyết bụi tung
Nghìn xe muôn ngựa qua vùng tây nam

Đi lại đứng hơn năm dặm đất
Cờ thúy hoa 16 bóng phát lung lay
Sáu quân dùng dắng làm rầy
Mày ngài trước ngựa lúc này thương ôi! 17
Người đời sau ngâm vịnh về "Mã Ngôi dịch" rất nhiều, duy chỉ có bài thơ sau đây của Đỗ Chân Khanh là hay hơn cả. Bài thơ như sau:
Dương liễu xanh xanh nước vỗ đê
Thành xuân nhà cỏ én đưa về
Hải đường gặp gió đông lay mạnh
Đỏ ửng hoa rơi vó ngựa kề.
Quý Phi đã chết, Cao Lực Sĩ liền ra trước cửa trạm dịch lớn tiếng trước ba quân:
- Dương Quý Phi theo lệnh thánh thượng đã phải chết?
Binh lính vẫn chưa tin, Cao Lực Sĩ theo thánh ý, đem thi thể Quý Phi đặt ngay trên giường, lấy chăn gấm đắp lại, khiêng ngay giường ra đặt giữa sân dịch trạm. Lệnh cho Trần Nguyên Lễ dẫn binh lính lần lượt vào xem tận mắt. Nguyên Lễ lại kéo chăn gấm ra, để lộ rõ đầu, ọi người cùng trông thấy. Ai nấy mới thực tin, đều cởi bỏ áo giáp mũ trụ, cúi lạy tung hô:
- Vạn tuế thánh thượng!
Rồi ra khỏi trạm dịch. Huyền Tông truyền cho Cao Lực Sĩ tìm quan tài, chôn vội chôn vàng ở ngoài cửa thành phía tây, ngay lối quành của đường đi lên phía Bắc. Táng xong, vừa gặp lúc phương nam dâng quả vải về tới. Huyền Tông thấy vật nhớ người, khóc nức nở, liền truyền đem quả vải ra tế ngoài mộ.
Trương Hựu, một nhà thơ đời Đường, có bài thơ rằng:
Cờ quạt bơ thờ giữa chúa tôi
Người về nam một, bắc về mười
Phấn hương đổ leo trên bùn đất
Vải tiến vẫn dâng đến Mã Ngôi.
Đường Huyền Tông nói với Cao Lực Sĩ:
- Quý Phi thường kể có mộng lạ. Đến nay mới ứng vậy.
Lực Sĩ thưa:
- Quý Phi mộng ra sao, kẻ hèn này chưa được nghe.
Huyền Tông kể lể:
- Quý Phi thường nói rằng, mơ thấy cùng trẫm đi chơi Ly Sơn, đến trạm dịch Hưng Nguyên cùng nhau ngồi đối diện ăn uống, hậu viện phát hỏa, vội vàng chạy ra, nhìn vào cửa trạm dịch, các cây cổ thụ đều đang cháy rừng rực. Bỗng có hai con rồng bay tới. Trẫm cưỡi con rồng trắng, bay rất nhanh. Quý Phi cưỡi con rồng đen, bay rất chậm. Xung quanh không có ai, chỉ thấy mỗi một vật đầu bù, mặt đen, chẳng khác gì ma quỷ, lên tiếng: "Ta là thần ngọn núi này, thừa mệnh của thượng đế, phong cho ngươi làm Nguyên hậu, lo việc tằm tang của Ích Châu!". Rồi giật mình mà thức giấc. Ngay sau đó thì nghe tin phản loạn ở Ngư Dương. Giờ đang nghĩ lại, thì mới rõ là: Cùng trẫm đi Ly Sơn, "Ly" cũng có nghĩa là ly biệt. Mới ngồi ăn mà đã lửa cháy, thế là điềm mất ăn, hết ăn. Lửa lại là điềm của chiến trận, cả trạm dịch, cả cổ thụ đều cháy, trạm dịch, đồng âm với "dịch" là thay đổi, thêm chữ "mộc" bên cạnh chữ "dịch" thành chữ "dương", họ của Quý Phi. Trẫm cưỡi rồng trắng, điềm đi về phía tây 18. Quý Phi cưỡi rồng đen, điềm đi về âm phủ. Sơn thần, chính là quỷ ở núi, chữ "quỷ" với chữ "sơn" hợp lại thành chữ "Ngôi". Nguyên hậu trông coi tằm tang thì sinh ra tơ, lại ở Ích Châu, chữ "Ích" thêm chữ "Ty" là tơ thành chữ "Ích" là thắt cổ. Chính là điềm phải thắt cổ mà chết ở Mã Ngôi này vậy!
Lực Sĩ thưa:
- Mộng triệu không lành, đúng như thánh ý đã phán. Kẻ hèn này nhớ năm trước gặp phương sĩ Lý Hà Chu, họ Hà đã từng ột bài sấm như thế này:
Chợ Yên người vắng hết
Cửa Hàm ngựa không về
Nếu gặp ma dưới núi
Vòng ngọc treo áo the.
Bài sấm này rõ ràng ứng vào chuyện hôm nay. Câu một, chỉ Lộc Sơn phản loạn, câu hai chỉ Kha Thư Hãn thua trận 19, câu ba "ma dưới núi" cũng chính là chữ "Ngôi", tức Mã Ngôi này vậy. Quý Phi có tiểu tự Ngọc Hoàn, nay kẻ hèn này lại dâng lụa the để tự thắt cổ, thì dùng Ngọc Hoàn là vòng ngọc quấn lấy lụa the còn gì. Định mệnh đã như thế. Thánh thượng cũng yên lòng, chẳng nên quá bi thương.
Đang trò chuyện, Trần Nguyên Lễ vào, xin cho lên đường tiếp. Huyền Tông y theo. Lúc này nhạc công Trương Dã Hồ đứng lên, Huyền Tông chùi nước mắt mà nói:
- Lần này ra Kiếm Môn, chim kêu hoa rụng, nước trong núi xanh, chẳng cái gì là không nhắc nhủ lòng tiếc thương của trẫm với Quý Phi.
Chính là:
Người buồn cảnh đẹp làm gì?
Xót lòng, cay mắt tình đi, duyên còn.
Không biết sự thể đến đâu, xin xem hồi sau phân giải.--------------------------------
1Thành ngữ: "giảo thỏ, tam quật", con thỏ khôn, phải trữ sẵn ba hang. Xem thêm chú thích hồi 24 và 25. 2Nguyên văn khi nói việc chạy vào Thục của Huyền Tông đều dùng chữ "Hạnh Trục", hạnh: chỉ việc làm của vua. Cũng vì vậy Nguyễn Nhược Thị làm "Hạnh Thục ca" để chỉ việc chạy trốn khỏi Huế, của Hàm Nghi năm 1885, tương đương với từ "xuất bôn" chăng? 3"Ai vương tôn": thương thay cho vương tôn. Vương Tôn: con cháu dòng dõi vua Đường, chỉ chung quý tộc, tôn thất nhà Đường. 4Cửa tây vườn Thượng uyển của cung vua Đường. 5Chỉ quân An Lộc Sơn. 6Số ngựa đóng vào xe của thiên tử. 7Chỉ dòng dõi vua Đường. Nguyên văn mượn tiếng Hán Cao Tổ. 8Ý nói Đường Huyền Tông phải chạy ra Tây Thục, Túc Tông phải ở Linh Vũ (nay là huyện Linh Vũ tỉnh Ninh Hạ). Còn An Lộc Sơn thì xưng Hoàng đế ở Lạc Dương. 9Ý nói quân An Lộc Sơn dùng lạc đà chở các của báu cướp bóc được ở Trường An, đem về Phạm Dương là sào huyệt của Lộc Sơn. Kinh đô cũ: chỉ Trường An. 10Chỉ quân Kha Thư Hãn, tướng nhà Đường, phòng thủ Đồng Quan, nhưng bị thất thủ ngày 9-6-756. 11Bây giờ, Đường Huyền Tông ở Thành Đô, thủ phủ Tây Thục, Túc Tông lên ngôi ở Linh Vũ. 12Chỉ Hồi Hột, thân thiện với Túc Tông, cùng diệt An Lộc Sơn. 13Tục người Hung Nô xưa rạch mặt chảy máu để tỏ lòng trung thành. 14Năm lăng của các vua Hán, chỉ năm vua trước Huyền Tông. Ý nói Trường An nhà Đường còn khí thế thịnh vượng, có thể trung hưng. (Bản dịch thơ của NT, các chú thích của bài thơ đều theo "Thơ Đường I", có thay vài chữ) 15Mã Ngôi dịch: nay thuộc huyện Hưng Bình, tỉnh Sơn Tây. Mã Ngôi vốn là tên người, thời Tấn xây thành ở đây để đánh nhau, sau thành địa danh, xưa gọi là thành Mã Ngôi, cũng gọi trạm Mã Ngôi, nay là trấn Mã Ngôi. (Đường thi tam bách thủ) 16Cờ hiệu của thiên tử khi ra khỏi cung, lấy lông chim thúy để trang sức nên có tên thế. (Đường thi tạm bách thủ) 17Tản Đà dịch. 18Theo thuyết "ngũ hành" của Trung Quốc, thì màu trắng ứng với phương tây. 19Yên: tên một nước cũ, thuộc vùng đông bắc Trung Quốc, vùng An Lộc Sơn làm phản. Hàm Quan: tên cửa ải ở Hàm Hương thuộc Thiểm Tây, vùng Kha Thư Hãn thua trận.


Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất