Lúc Tống Dương rời khỏi doanh địa Sa dân là ngay trước bình minh, thời điểm mà sắc đêm nặng nhất trong ngày.
Trời còn chưa sáng.
Nhưng mấy nhân vật quan trọng nhất trên đời này đều đã thức dậy rồi.
Cảnh Thái ngồi trong ngự thư phòng, trên mặt không có biểu hiện gì, tay đang bưng chén thuốc trà, nhấm nháp từng ngụm, thái giám Tiểu Trùng Tử quỳ trước mặt y, nước mắt không ngừng chảy ào ạt …
Cuối cùng, Cảnh Thái đã uống hết toàn bộ thuốc trà, giọng điệu lãnh đạm nói:
- Khóc đủ chưa?
Tiểu Trùng Tử lau nước mắt:
- Thần đã phụ việc bệ hạ giao phó, tội đáng chết vạn lần…
Lời còn chưa nói hết, Cảnh Thái bỗng nhiên ha hả cười lớn, đặt chén trà lên bàn, đứng dậy, lách qua bàn sách, đưa tay đỡ tiểu thái giám đứng lên:
- Chỉ có một lỗi nhỏ, có cần quan trọng như vậy không? Đứng dậy, đứng dậy, ngươi không phải thần, là tiểu huynh đệ của ta.
Đại doanh Trấn Khánh lấy danh nghĩa "hộ pháp" để tạo phản, Tiểu Trùng Tử theo lệnh của Cảnh Thái mang theo tín vật của Quốc sư xuất cảnh liên lạc với đồng môn Tu Di thiền viện ở phía tây nam, chuẩn bị kế hoạch bắt thủ lĩnh quan quân Trấn Khánh nhưng bọn chúng làm sao biết rằng Trấn Khánh đã được Tống Dương chỉ dẫn, sớm đã biết Quốc sư và Hoàng đế bên ngoài đối địch, bên trong hòa thuận, làm sao mà mắc mưu được.
Chủ quan Trấn Khánh – Phó Trình, là nhân vật lợi hại, tương kế tựu kế, kết quả là tòa Tu Di viện kia thực hiện kế hoạch bắt không thành mà ngược lại còn gặp phải tập kích bất ngờ, cao thủ tăng lữ thương vong nặng nề, về phần tội danh sát thương Phật đồ, cũng bị Phó Trình đổ lên đầu Hoàng đế, Tiểu Trùng Tử nhiệm vụ thất bại, thảm hại trở về, còn may hắn nghe lời dặn dò của Hoàng đế, chỉ phụ trách liên lạc, còn chưa tham gia chém giết, nếu không mạng nhỏ khó bảo toàn. Cảnh Thái đêm qua đã nhận được truyền báo, hiểu rõ sự việc từ đầu đến cuối. Nhưng Tiểu Trùng mới về đến cung không lâu, Cảnh Thái nghe tin liền thức dậy từ sớm, đang gặp tiểu thái giám ở thư phòng…
Hoàng đế bỗng nhiên cười to, đủ thấy sự lạnh lùng lúc nãy chỉ là giỡn chơi. Hoàn toàn không có ý trách cứ đối với tiểu thái giám.
Tiểu Trùng Tử vừa áy náy vừa cảm động, âm thanh lại nghẹn ngào:
- Nhưng, nhưng thần làm hỏng việc rồi.
Tiếng cười của Cảnh Thái lại càng vang dội:
- Là trẫm trước đó tính toàn sai rồi, tội lỗi sao có thể tính lên đầu ngươi? Cho dù ai đi cũng không thành được, liên quan gì tới ngươi? Hơn nữa, đây là việc lớn đến thế nào, có đáng để ngươi rơi lệ không? Còn nữa… ngươi không chỉ không có lỗi mà lại còn có công, ngươi có thể giữ được đầu bình an trở về, ta phải ghi nhận một công lớn cho người
Oa một tiếng, Tiểu Trùng Tử lớn tiếng khóc, nước mắt nước mũi đều chảy hết lên tay áo của Hoàng đế. Cảnh Thái cũng không xem như có chuyện gì, tiếp tục cười nói:
- Thiếu niên mười mấy tuổi rồi, sao mà vẫn cứ thích khóc thế này?
Vừa nói, y vừa hạ thấp giọng, thần thần bí bí nói:
- Hay là… ta giúp ngươi giết người? Lúc không vui, giết người là hả giận nhất, ngươi có người nào thấy không thuận mắt không? Nói ra, ta xử lý giúp ngươi.
Tiểu Trùng Tử không điên như y, bị dọa một phen, nhanh chóng nín tiếng khóc, lắc đầu nói:
- Chỉ cầu bệ hạ có thể chém giết quân tạo phản, báo thù cho các sư huynh ở Tu Di viện Hóa Châu.
- Điều này còn phải ngươi nhắc nhở sao?
Cảnh Thái cười, phẩy tay ra hiệu cho tiểu thái giám đi ra:
- Mau lui xuống rửa mặt rồi ngủ, cho ngươi nghỉ ngơi thêm ba ngày, có thể tùy ý ra khỏi cung, đi chơi thoải mái.
Tiểu Trùng Tử lui xuống, Cảnh Thái lại trở về chỗ ngồi. Chỉ có hơn một vạn phản binh, y còn không để trong mắt. Nhưng điều Hoàng đế nghi hoặc là phản ứng của phản quân đối với kế hoạch bắt người, dường như đã biết y và Quốc sư vốn là người một nhà… Lúc này, lại có nội thần đến báo tin, trung thư lệnh Ôn Cẩm Thiên cũng đã trở về, đang ở ngoài cung đợi chỉ.
Tiểu Trùng Tử thất bại, Ôn Cẩm Thiên tự nhiên cũng không có cơ hội thành công, trong ngoài hai trọng thần, người trước người sau trở về kinh sư.
Cảnh Thái nói một tiếng:
- Truyền triệu.
Nói xong, nhân lúc chờ đợi, y bắt đầu lật xem các tấu chương đang bày trên bàn.
Hoàng đế điên cuồng nhưng cũng rất chăm chỉ, Đại Yến hơn hai mươi năm gần đây phồn vinh giàu có, cũng không phải toàn là công lao của Quốc sư… Ôn Cẩm Thiên bước vào ngự thư phòng, trang phục nghiêm chỉnh, quỳ xuống hành lễ nhưng rất lâu không thấy câu "bình thân" của Hoàng đế.
Cảnh Thái đang xem một tấu chương đến từ tấu báo ở biên quan phía bắc, cũng không biết trên đó đã viết gì mà khiến y xem đến hoàn toàn nhập tâm, thậm chí còn lơ là cả vị trọng thần cố công bồi dưỡng ở ngay trước mắt.
Hoàng đế không nói thì Ôn Cẩm Thiên không thể đứng dậy. Một lúc thì không sao, thời gian dài ra thì có chút kì quặc rồi, hơn nửa buổi đã qua đi, thấy Hoàng đế vẫn không có động tĩnh, Ôn Cẩm Thiên lặng lẽ ngẩng đầu nhìn một thoáng… Tấu chương không quá dài, Cảnh Thái sớm đã xem xong rồi, lúc này, tuy tay cầm tấu chương, giống như đang xem nhưng ánh mắt và thần sắc ngây ra, rất rõ ràng là Hoàng đế sau khi xem tấu chương thì bắt đầu ngẩn người ra, thậm chí quên mất việc đặt tấu chương xuống.
Quỳ mãi như thế này cũng không được, Ôn Cẩm Thiên to gan, làm bộ cảm mạo không thể tự ức chế, nhẹ nhàng ho khan vài tiếng.
Cảnh Thái lúc này mới hồi phục lại tinh thần, làm động tác tay ra hiệu Ôn Cẩm Thiên đứng dậy, cũng không nói đến nhiệm vụ bình phản mà lại hỏi:
- Trẫm phải giết Đồng Trù, nên giết thế nào?
Mỗi khi Hoàng đế hỏi, Ôn Cẩm Thiên luôn luôn nói thẳng nói thật, không quan tâm rằng đáp án có thật sự phù hợp với thánh ý hay không, đây là bổn phận của ông:
- Trọng tướng nơi biên quan, vách tường sắt của quốc gia, không thể nói giết là giết, cho dù Đồng tướng quân phạm phải lỗi nhỏ, bệ hạ cũng nên khoan thứ để thể hiện độ lượng, trừ khi ông ta phạm phải đại tội không thể tha thứ.
- Phạm tội? Đồng Trù không phạm tội, hoàn toàn ngược lại, ông ta còn lập công rồi.
Cảnh Thái cười ha hả:
- Ba mươi vạn lượng vàng, suýt nữa đi vào Khuyển Nhung, Đồng Trù nhìn rõ mọi việc, thay trẫm lấy lại về. Ba mươi vạn lượng vàng đó, không phải con số nhỏ, Đồng Trù lần này thật đã lập một công lớn.
Nói tới đây, giọng điệu của Cảnh Thái đột ngột thay đổi, tươi cười nháy mắt đã trở thành tức giận điên cuồng, nắm chặt nắm tay mà đập mạnh lên bàn, tiếng thùng thùng vang lên, miệng thì lặp đi lặp lại câu rít gào:
- Một công huân rất lớn, một công huân rất lớn đó!
Giận dữ đập bàn và lớn tiếng rít gào còn không đủ để phát tiết phẫn nộ trong lòng, cuối cùng Cảnh Thái rống to một tiếng, dùng toàn bộ sức lực, từng thanh chặn giấy trên bàn rơi mạnh xuống đất, tiếng ầm ầm vang lên, chấn động khiến Ôn Cẩm Thiên đứng không vững, lại lần nữa quỳ rạp xuống đất.
Cảnh Thái thở hồng hộc, cũng không giải thích gì, đưa tay chỉ Ôn Cẩm Thiên:
- Ngươi nói hắn tư thông ngoại quốc cũng được, nói hắn có gian tình với con dâu cũng được, sáng nay lên triều, trẫm muốn ngươi tấu tội Đồng Trù, trẫm muốn chém Đồng Trù!
Nói xong, y căn bản không nghe Ôn Cẩm Thiên khuyên can gì, dùng sức phẩy tay cho ông rời khỏi.
Ôn Cẩm Thiên đứng dậy nhưng không đi:
- Thần không dám tấu tội.
Cảnh Thái nghe vậy ngẩng ngay đầu lên, cặp mắt đỏ gầu gắt gao nhìn thẳng vào ông:
- Nói lại lần nữa!
Lần thứ ba, Ôn Cẩm Thiên quỳ trên đất, ý tứ đã quá rõ ràng, nhưng "nói lại lần nữa" thì dù thế nào ông cũng không có gan này. Ôn Cẩm Thiên thậm chí còn có thể nghe được âm thanh nghiến răng ken két từ trong miệng Hoàng đế.
Thở dốc một lúc lâu, âm thanh của Cảnh Thái khàn khàn:
- Trẫm hỏi ngươi, nếu giữa ngươi và Đồng Trù, trẫm phải giết một người. Ngươi chọn đi, chọn thế nào?
- Giết ông ta.
Ôn Cẩm Thiên trả lời không chút do dự. Cảnh Thái tiếp tục nói:
- Vậy ngươi tấu hay không tấu?!
Mặt của Ôn Cẩm Thiên cũng sắp chảy ra mật vàng rồi. Do dự lại do dự, cuối cùng vẫn là cảm thấy tính mệnh đáng giá hơn "bổn phận", đập đầu thấp giọng nói:
- Thần… tuân chỉ.
Cảnh Thái vẫn nhìn ông trừng trừng không hề chớp mắt, sau một lúc mới phẩy phẩy tay:
- Lui xuống đi.
Ôn Cẩm Thiên trong lòng thở dài nặng nề, đứng dậy chậm rãi lui về sau, không ngờ đúng lúc ông vừa chuẩn bị bước qua cánh cửa, Cảnh Thái bỗng nhiên thở ra một hơi dài, giọng điệu lãnh đạm nhưng âm thanh vẫn khàn khàn như trước:
- Thôi, không cần tấu nữa. Chuyện vừa rồi là trẫm không đúng, sai không ở Đồng Trù, càng không ở ngươi, không cần để trong lòng đâu.
…
Trong lúc Cảnh Thái đập bàn, Đại Lạt Ma Lạt Ma ngồi trên chiếu, đang làm việc.
Ở trước mặt ông, đệ tử tâm phúc Ô Đạt nằm rạp xuống bái, Đại Lạt Ma căn bản không hề nhìn anh ta, để toàn bộ tinh thần vào một hộp đựng châu đặt trước ngực.
Hơn mười hạt châu lớn cỡ đầu ngón tay. Không giống trân châu bình thường, bảo châu của Đại Lạt Ma hình dạng không có quy tắc, không phải tròn đều, nó giống như quả táo ta hỏng, hình dạng vặn vẹo kì quái.
Hơn nữa, ánh sáng từ hạt châu cũng rất khả nghi, khi có ánh nến sẽ phát ra ánh hào quang màu trắng nhàn nhạt. Hoàn toàn không có bảo khí của minh châu nhưng lại đầy vẻ thánh khiết.
Hạt châu kì quái, thứ quý báu nhất được cất giữ trong tháp củi… xá lợi châu từ xương đỉnh đầu của lịch đại thượng sư.
Phật cốt sau khi được luyện hóa bằng liệt hỏa, cho nên vặn vẹo, cho nên thánh khiết.
Đại Lạt Ma cầm một mảnh khăn lụa, cẩn thận lau chùi các hạt châu từ xương đỉnh đầu. Mỗi lần có gì phiền lòng, Đại Lạt Ma cũng sẽ làm việc này, tinh hoa tu luyện suốt đời của tiền bối thượng sư, cốt châu nhuộm Phật pháp có thể khiến nội tâm ông bình lặng.
- Ba mươi vạn lượng vàng, tiền đặt cọc cho KhuyểnNhung bị quân Yến lấy đi rồi, cũng không cần quá đau lòng nhưng khoản tiền này đưa không đến nơi…
Đại Lạt Ma như cười như không, âm thanh rất nhẹ:
- Sẽ làm chậm trễ việc của ta.
Ba mươi vạn lượng vàng. Là tiền cọc của Yến Quốc sư "mời khách", thay Thổ Phiên mua mười vạn lang binh tiến công Hồi Hột, khoản tiền này trong mắt người Thổ Phiên là sự tình quan trọng, luôn có người ở biên cảnh Yến và Khuyển Nhung nhìn chằm chằm vào việc mua bán này, vừa xảy ra chuyện là lập tức truyền thư cho Đại Lạt Ma; nhưng việc này trong mắt tướng lĩnh nơi biên quan nước Yến lại không thể xem là việc quá nghiêm trọng, chỉ là một khoản lớn khả nghi được kịp thời tra xử, tránh được việc tiền đổ ra nước ngoài, lại do trong tấu chương có ẩn chứa ý kể công, không cần gấp gáp đưa đi nên chỉ xử lý như tấu chương bình thường, chuyền tay các nơi để đưa đến trước mặt Cảnh Thái. Bạn đang đọc chuyện tại TruyệnFULL.com
Khoảng cách có gần xa khác nhau, nhưng việc xử lý đối với tin tức cũng nhanh chậm khác nhau, cho nên thời điểm Cảnh Thái và Đại Lạt Ma nhận được tin tức cũng không chênh lệch nhau là mấy.
Đại Lạt Ma ngẩng đầu nhìn về phía Ô Đạt:
- Yến Đỉnh hòa thượng đến đâu rồi?
Ô Đạt vẫn duy trì tư thế đại bái:
- Yến Quốc sư vẫn ở Đông Nguyên, sư tôn nếu triệu kiến, đệ tử sẽ truyền tin cho ông ta đến ngay, toàn lực đi đường mà nói, đại khái sáu bảy ngày sẽ có thể đến thánh thành.
Đại Lạt Ma nói:
- Ba mươi vạn lượng vàng thì có thể khiến ông ta lập tức đến gặp ta? Theo cách nói của ngươi, Sài Thố Tháp Đáp thật không đáng giá. Truyền triệu thì không cần đâu, thay ta truyền một tin, hỏi ông ta việc này nên làm thế nào, nếu ông ta không có cách hay không kịp bổ khuyết vào, Đại lễ thất tuần lần này, ông ta cũng không cần đến nữa, cứ dẹp đường về phủ, về miếu của ông ta, đợi chờ cùng Cảnh Thái liều mạng đi.
Ô Đạt nhận lệnh, chuẩn bị rời khỏi, Đại Lạt Ma lại nhớ ra một việc:
- Vân Đỉnh và Vô Ngư có tin tức gì chưa?
Năm ngày trước, Vô Ngư đứng đầu sứ đoàn đến từ Nam Lý, đang dẫn theo một đám thiền tông cao tăng tiến về thánh thành, đột nhiên từ giã với Thổ Phiên Lạt Ma phụ trách dẫn đầu, nói là nhận được tin tức trong nước, có việc cấp bách không thể không lập tức trở về ngay, cũng tự tay viết thư tạ lỗi nhờ đệ tử Lạt Ma chuyển trình cho Đại Lạt Ma, sau đó bà liền rời khỏi đội ngũ, Vân Đỉnh Lạt Ma cũng cùng bà rời khỏi.
Vân Đỉnh và Vô Ngư đi đột ngột, huống chi Phật gia Nam Lý có chuyện, Vân Đỉnh cần gì phải đi theo? Lúc đó liền có mật tông đệ tử âm thầm theo dõi, muốn xem thử họ muốn đi đâu, kết quả là không theo được nửa ngày, hai người đã biến mất, không còn thấy nữa.
Ô Đạt lắc lắc đầu:
- Vẫn chưa thể tìm được người.
Bác Kết không nói gì, lại bắt đầu chuyên tâm lau chùi bảo châu, cho đến khi viên châu trong tay không còn một vết bụi bặm, ông mới để lại vào trong hộp…
Lúc Đại Lạt Ma đặt bảo châu xuống, một vị hùng chủ khác trên Trung Thổ, Hồi Hột vương, sứ giả chân chính của thánh Hỏa, Khuê Ni Đồ Ngải Địch Đại Khả Hãn đang giơ cao một con dao nhỏ, tỉ mỉ quan sát.
Không có gì kì lạ, dao nhỏ có thể thấy ở bất cứ nơi đâu trong nhà Hán, gần như trong hòm thuốc của mỗi vị đại phu đều có một con, dùng để loại trừ thịt thối rữa khi gặp người bệnh lại bị ngoại thương.
Nhưng con dao nhỏ trong tay Đại Khả Hãn này còn có một ý nghĩa khác. Nó đại diện cho một người: Tống Dương.
Năm đó, trong nhà trọ Đồng Thăng ở Phượng Hoàng thành, thứ mà Đại Khả Hãn dùng hỏa tâm ngọc bội của mình đổi về chính là con dao nhỏ này.
Nhìn kĩ một lúc lâu, Đại Khả Hãn đặt dao xuống, ánh mắt nhìn qua chư vị trọng thần đang trang nghiêm đứng trước mặt, âm thanh trầm thấp:
- Huynh đệ mà Thánh Hỏa ban cho ta, Tống Dương vương gia, mất tích ở thảo nguyên rồi. Hắn là vì tham gia đại lễ lên ngôi của ta mà mạo hiểm đến đây, nếu có tổn thương, ta thật khó chấp nhận được.
Mấy vị trọng thần Hồi Hột đang nằm trong chăn ấm bị triệu vào cung, ngơ ngác nhìn nhau, hôm qua Đại Khả Hãn đã nhận được truyền thư đến từ Nam Lý. Được biết tin tức Tống Dương mất tích, sau đó một canh giờ, Thánh Hỏa điện truyền ra một dụ lệnh, phát động toàn bộ nhãn tuyến Hồi Hột trên thảo nguyên, toàn lực truy tìm tung tích của Tống Dương vương gia, sống phải thấy người, chết phải thấy xác.
Hôm qua đã có quyết định rồi, sự việc cũng không có thay đổi đặc thù nào, bây giờ lại nhắc đến làm gì.
Vẻ mặt Đại Khả Hãn trầm ngâm, tiếp tục nói:
- Năm đó, ta theo lệnh thánh hỏa, tiến vào Thổ Phiên thăm dò tình hình địch, không may bị mai phục, thân bị thương nặng, không đường trốn chạy. Bất đắc dĩ phải lẫn vào đám thương nhân, giả làm nô lệ bị bán đến Nam Lý, cuối cùng cũng không tìm được cơ hội bỏ chạy, là Tống Dương ban cho ta thân tự do. Chỉ là việc nhỏ đối với hắn nhưng lại là một lần sống lại của bổn vương, hắn cứu ta lần đầu.
- Ngay sau đó, Hồng thành gặp thiên tai đại nạn, Tống Dương dốc sức ngăn sóng dữ, cứu cả một tòa thành trì, vô số sinh mệnh, phải biết lúc đó bổn vương cũng ở Hồng thành. Hắn không phải đặc biệt vì cứu ta mà ra tay nhưng ta lại thật sự nhận được ân huệ của hắn, nên mới có thể sống đến hôm nay, trong vòng hai ngày, hắn lần thứ hai cứu sinh mệnh ta.
- Lần thứ ba, ta ở Phượng Hoàng thành gặp hiểm, trong thế cục chết chắc, lại được Tống Dương cứu giúp… Mỗi lần ta rơi vào thế cục nguy hiểm, Tống Dương luôn có thể xuất hiện kịp thời. Cứu ta từ trong hiểm nguy, từ đó bổn vương hết lòng tin tưởng hắn chính là người bảo hộ, là huynh đệ mà Thánh Hỏa ban cho ta, mọi thứ thuộc về ta đều muốn cùng hắn chia sẻ.
Đại Khả Hãn hơi dừng lại một lúc, sau đó tăng thêm ngữ khí hỏi mọi người:
- Có dị nghị gì không?
Trọng thần tất nhiên lắc đầu, vẻ mặt Đại Khả Hãn vẫn vậy, lại tiếp tục nói:
- Tống Dương sẽ không khiến ta thất vọng, hắn đối với Hồi Hột cũng có tương trợ, nếu không có hắn giúp sức, dũng sĩ Hồi Hột trên Nhất Phẩm Lôi làm sao có thể dương oai khắp thiên hạ?
Nói tới đây, Đại Khả Hãn xoay người, thay đổi cách nói:
- Nhưng bây giờ, huynh đệ nhiều lần cứu ta lại rơi vào hiểm cảnh, ta ở đâu? Người bảo vệ cho Thánh Hỏa vương, người có ân có nghĩa với Hồi Hột bị thảo nguyên lang tử đánh lén, dũng sĩ Hồi Hột chúng ta lại ở đâu?
Đại Khả Hãn giơ cao nắm đấm, đập thật mạnh lên mặt bàn trước mặt. "Nhật Xuất Đông Phương" vốn đã là dũng sĩ nổi tiếng trong nước, với võ công của hắn, nếu không phải thân phận đặc thù, không được có sơ suất thì cũng có tư cách tham gia Nhất Phẩm Lôi năm đó, sức mạnh của nắm đấm này hơn xa Cảnh Thái, một tiếng răng rắc vang lên, cái bàn rất nặng bị hắn một đấm đập nát, Đại Khả Hãn giọng nói mạnh mẽ:
- Chỉ đợi trời sáng, bổn vương sẽ truyền lệnh toàn cương, tập kết toàn bộ dũng sĩ đại mạc, trực chỉ phương đông, đại quân bất ngờ đánh vào thảo nguyên, đánh vỡ thạch quan của lang tử, thiêu hủy ổ rơm của lang tử, dưới chỉ dẫn của lửa thiêng, tìm kiếm huynh đệ của ta, huynh đệ của Hồi Hột! Tìm không được Tống Dương, ta sao có thể làm vương.
Lời này vừa tuôn ra, người nghe không ai không bị chấn động. Loại việc này vạn lần không thể làm, Hồi Hột mới cũ thay nhau chưa lâu, tuy là đã quá độ thuận lợi nhưng dù sao cũng đã dẫn đến một chút chấn động nhỏ, thật không phải thời cơ tốt để phát động đại chiến. Huống chi, lúc này đã là mùa thu, sắp tới mùa đông, lúc đó sương lạnh gió rét trên thảo nguyên có thể thổi tắt cả lửa thiêng, đại quân qua đó chết vì rét còn nhiều hơn chết vì đánh trận, lúc trước Hồi Hột đã từng chịu thiệt như vậy, cho dù thật sự phải đánh thì cũng phải đợi đến đầu xuân mới nói tiếp được.
Nhưng so với người Khuyển Nhung, Thổ Phiên và Hán, Hồi Hột coi trọng tình nghĩa huynh đệ nhất, nếu Đại Khả Hãn thật sự muốn sau khi trời sáng, công bố lý do, truyền lệnh xuống dưới, kêu gọi toàn cảnh chuẩn bị chiến tranh thì toàn nước trên dưới cũng sẽ hưởng ứng tích cực, vì cứu huynh đệ không tiếc liều chết một trận, đến lúc đó thật sự muốn cản cũng cản không được nữa.
Mấy vị trọng thần lập tức lớn tiếng khuyên can, nói rõ tác hại của hành động này, đây là trận chiến mất nước, tuyệt đối không được, nhưng Đại Khả Hãn hoàn toàn không dao động, miệng rống lớn kêu to, trận này không đánh không được. Cái khó là lý do hắn khai chiến hoàn toàn có thể được chấp nhập ở trong nước Hồi Hột, rõ ràng là hành động của hôn quân nhưng lại hợp tình hợp lý.
Không đánh không được cũng không thể để hắn dựa trên cảm tính mà đánh, mấy vị đại thần choáng váng rồi, sắp điên rồi, liều cả mạng già đi khuyên giải, Đại Khả Hãn cũng càng nói càng kích động, nắm chặt nắm tay lớn, thùng thùng đánh vào ngực mình, sau nửa buổi tranh cãi dữ dội, "Nhật Xuất Đông Phương" cũng mệt rồi, không tính đến uy nghi nữa, tùy tiện dựa vào một cây cột ngồi xuống đất, thở hổn hển, căn bản không còn đáp lời các thần tử đang nói không ngừng ở xung quanh, dường như là do quá kích động, thần trí cũng có chút mê man rồi, tự mình lẩm nhẩm:
- Hắn cứu ta không biết bao nhiêu lần nhưng ta một chút việc cũng chưa từng giúp hắn, đừng nói giúp đỡ, đến một vài tâm nguyện mà hắn từng nhắc qua với ta, bổn vương đều cự tuyệt cả, một việc cũng chưa từng đáp ứng.
- Tống Dương hận người Thổ Phiên bắt nạt Nam Lý, từng cầu bổn vương xuất binh dạy dỗ đám phiên tử trên cao nguyên nhưng tình hình Trung Thổ phức tạp, mọi việc đều lấy quốc gia làm trọng, bổn vương cự tuyệt hắn rồi, Tống Dương không cưỡng cầu, chỉ cười rồi thôi.
Nếu như Tống Dương ở đây lúc này mà vẫn chưa bị mất kí ức, tất nhiên sẽ trợn tròn mắt hỏi hắn một câu: Ta nói với huynh lời này lúc nào?
Nhật Xuất Đông Phương tiếp tục chìm trong ảo cảnh, không ngừng thì thào:
- Tình thành năm đó, Tống Dương cùng A Hạ kề vai khổ chiến, kết giao tình cảm huynh muội, hắn biết A Hạ và bổn vương tâm đầu ý hợp, từng hết sức khuyên ta cưới A Hạ, nhưng thân phận một trời một vực, dù ta có ý, các ngươi cũng không đồng ý… Tâm nguyện nho nhỏ của hắn, ta cũng cự tuyệt, bổn vương chỉ luôn nghĩ, nghĩa khí thật sự không ở những việc nhỏ này, nhưng bây giờ hắn sống chết chưa biết, ta còn phải xem như không có chuyện gì sao!
Những người khác vẫn không ngừng khuyên can nhưng trong đám thần tử, một vị lão vương gia đã lộ ra ý đại ngộ trong mắt, ông đại khái hiểu được Đại Khả Hãn của chúng ta hôm nay hát tuồng gì rồi!