Đây đã là lần thứ hai Trần tiên sinh kêu tôi rời khỏi thôn và đừng bao giờ trở lại nữa, tôi không biết ông ấy đang lo lắng cái gì, vì sao lại cố chấp ‘đuổi’ tôi ra khỏi thôn như thế?
Nhưng tôi vẫn quyết định tạm thời đi lên Trùng Khánh tìm Trương mù trước rồi nói sau, dù sao ngũ thể đầu địa trên người bác cả vẫn còn, giống như một cái dằm trong tim, nếu không rút ra, rất khó chịu. cho nên tôi đồng ý lời đề nghị của Trần tiên sinh, sau đó ông ấy viết cho tôi một cái địa chỉ, nói tôi tìm theo địa chỉ này, là có thể tìm được Trương mù.
Tôi cất tờ giấy đi, sau đó ra ngoài sân nói một tiếng với bố mẹ đang ngồi tách hạt ngô, nói ngày mai tôi về trường.
Bố mẹ nghe thấy tôi nói vậy, dừng động tác trên tay lại, bố tôi nói:
- Được, học giỏi, tốt hơn bất cứ thứ gì, đừng học theo bố con, cả đời chỉ biết làm việc lao động chân tay.
Mẹ tôi không nói gì, mà đi vào trong bếp, cả đêm chuẩn bị đồ ăn trên đường cho tôi, tôi biết, bà ấy không nỡ để đứa con duy nhất xa nhà, nhưng vì tiền đồ của con mình, bà ấy không thể không nhịn đau, đích thân tiễn con mình ra khỏi cửa, cho nên việc duy nhất bà ấy có thể làm, là thức suốt đêm nấu ít đồ cho tôi ăn trên đường.
Di động đã hết pin, tự động tắt nguồn được mấy ngày, trong nhà vẫn luôn không dùng điện, tôi cũng ngại chỉ vì một chiếc di động mà kéo điện về nhà, hoàn cảnh gia đình vốn đã nghèo, bố mẹ lại là người tiết kiệm, vì một chiếc di động, hoàn toàn không cần thiết, huống hồ, bố mẹ đều bên cạnh, có di động cũng không dùng đến, lại nói, tín hiệu trong thôn, chỉ có thể dùng từ ‘trèo lên núi cao’ để hình dung, không trèo lên đỉnh núi, bạn đừng mong tìm được tín hiệu.
Bố gọi tôi sang một bên, nhét vào tay tôi hai trăm tệ, nói một mình tôi sống ở bên ngoài, đừng tiết kiệm quá mức làm khổ bản thân.
Tôi nhanh chóng trả lại, nói:
- Con ở trường đi làm gia sư, có tiền tiêu vặt, không cần cho con tiền, tang sự của ông nội nhất định tốn không ít tiền rồi, tiền này bố mẹ giữ lại tiêu đi ạ.
Đến đây phải giới thiệu một chút về tình hình của tôi ở trường học, tiền học đại học, là tôi tự vay khoản, hoàn cảnh gia đình căn bản không cho phép, nhưng hiện tại nhà nước có chính sách, có thể cho vay một khoản miễn lãi, đương nhiên, cũng không phải là miễn toàn bộ, chỉ miễn hai năm, lúc ở trường, tôi ngoài lên lớp, thì thời gian còn lại đều đi làm gia sư, để kiếm thêm thu nhập, hơn nữa học kỳ nào cũng nhận được học bổng trường, ngoài trả được khoản vay ra, thì vẫn còn thừa lại một ít để tiêu, chiếc điện thoại di động này cũng là do tôi mua bằng tiền đi dạy gia sư của mình.
Thu nhập trong nhà, ngoài dựa vào lương thực hoa màu, không còn chỗ nào khác, muốn đổi thành tiền, nhất định phải khiêng bao lớn bao nhỏ ngô và gạo lên trên thị trấn bán, người vất vả chưa nói, còn không đổi được bao nhiêu tiền.
Bố tôi cứ ấn vào tay tôi, tôi kiên quyết không lấy, thấy không lay chuyển được tôi, bố cũng không ép tôi nữa, mà nói một câu:
- Con trai tôi lớn rồi, có tiền đồ rồi đây.
Lúc nói những lời này, tôi thấy bố vui mừng ra mặt, nhưng lại có chút ỉu xìu, tôi biết, thực ra ông ấy cũng đang cảm thán bản thân già rồi, mà vẫn chưa có tài cán gì, nhìn thấy bố như vậy, tôi nghĩ, tương lai nhất định phải trở thành người nổi bật, như vậy mới có thể làm rạng danh tổ tông.
Dặn dò xong vài chuyện, tôi lại đi sang nhà bác cả bên sát vách, vẫn giống lúc trước, trèo tường.
Bác cả thấy tôi vẫn còn dùng cách lúc còn nhỏ, cười khoái chí nói:
- Đều đã sắp làm chồng con gái nhà người ta rồi, vẫn còn không biết gì!
Tôi cười đáp:
- Tết sang năm con sẽ dẫn một cô cháu dâu Trùng Khánh về ra mắt bác.
Bác cả nói:
- Thế thì hay quá, đến lúc đó bác với bố con sẽ tổ chức cho con một đám cưới linh đình náo nhiệt!
Tôi đáp, được!
Sau đó tôi nói với bác cả chuyện ngày mai về Trùng Khánh, bác cả nói:
- Tốt lắm, học hành chăm chỉ, sau này tìm một công việc trong thành phố, tìm một cô vợ thành phố chung sống qua ngày, tốt hơn nhiều so với cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này, mà cho dù con tìm được một cô vợ Trùng Khánh, con bé cũng không muốn cùng con về đây sinh sống, con học nhiều, người ta có dạy mấy đạo lý này không?
Tôi cười đáp:
- Dạy đạo lý này ạ!
Bác cả lại nói:
- Con đợi chút, bác có một thứ đồ muốn đưa cho con.
Bác cả nói xong liền xoay người đi vào trong nhà, không lâu sau, trong tay cầm một cái túi vải đi ra, nói:
- Đây là đồ bà nội con để lại khi còn sống, hình như là một cuốn sổ, bác không biết chữ, không biết bên trong viết gì, con cầm đi, về Trùng Khánh, đừng phiền muộn trong lòng, ở nhà có bác và bố con, không sao đâu.
Nghe bác cả nói những lời này, tôi không biết phải miêu tả cảm xúc trong lòng mình thế nào, trên người bác ấy vẫn còn lời nguyền ngũ thể đầu địa, nhưng mỗi ngày đều lao tâm khổ trí cho gia đình, lại chưa từng nghĩ cho bản thân, thật khiến người khác thấy cảm động và tôn kính.
Tôi gật đầu thật mạnh, nhận túi vải trong tay bác cả, chuẩn bị trèo tường về, nhưng trong tay cầm đồ, có chút khó khăn, nên đành phải đi cửa chính.
Tôi nghĩ chuyện này còn cần phải đi nói với bác hai, vì thế không về nhà, mà đi thẳng tới nơi bác hai ở cách đó không xa, bởi vì bác hai an gia lạc nghiệp trên tỉnh, nên không có nhà ở thôn, khi về đành sống nhờ nhà một người bạn cách đó không xa.
Tôi vừa đi vừa mở cái túi được bác cả nói là sổ sách, rất nhanh đã lộ ra một cuốn nhật ký xuất hiện vết hằn của tháng năm, tôi mượn ánh trăng mờ, mở bìa cuốn nhật ký, bên trên có một hàng chữ nhỏ nhắn rất đẹp, tôi nhận ra bút tích này, giống chữ viết sau tấm ảnh chụp kia, đúng là rất đẹp, hàng chữ nhỏ viết: ‘đào chi yêu yêu, chước chước kì hoa. Chi tử vu quy, nghi kì thất gia.*”
(chú thích: đây là một câu thơ trích trong bài thơ rất nổi tiếng có tên là ‘桃夭’ ‘Đào Yêu’, nằm trong 《诗经•周南》 (Thi Kinh - Chu Nam), tác giả chưa rõ.
Nguyên tác đã trích đoạn một câu:
‘桃之夭夭, 灼灼其华. 之子于归, 宜其室家.’
Sam tạm dịch theo cách của mình, bạn nào dịch được hay hơn cmt phía dưới cho anh em cùng thưởng thức nha.)
Dịch nghĩa: hoa đào nở nghìn đóa thực đẹp, màu sắc kiều diễm tựa như ngọn lửa đỏ, người con gái ấy sắp lấy chồng, sau này nhất định sẽ khiến gia đình hạnh phúc hòa thuận.
Câu này tôi biết, được trích ra từ ‘Kinh Thi • Quốc Phong • Chu Nam • Đào Yêu” , ý chỉ nụ đào nở đầy trên cành cây, hoa nở rực rỡ như mây đỏ, cô gái này sắp lấy chồng, nhất định có thể khiến gia đình hòa thuận.
Đừng hỏi tôi vì sao lại nhớ rõ như vậy, ở trường, tôi theo học quốc văn. (trùng ngành học với Sam 2k5 =)) )
Từ hàng chữ nhỏ này, có thể nhìn được ra năm đó bà nội cũng là một tiểu thư khuê các đọc đủ thứ thi thư.
Ở bên dưới hàng chữ, còn viết ba chữ “Ngô Chi Anh”.
Xem ra, bà nội tôi tên là “Ngô Chi Anh”.
Giống với những gì tôi nghĩ, bà nội là con cháu trong gia đình giàu có, hơn nữa còn là thư hương thế gia* (dòng dõi gia đình có học vấn), nếu không cũng sẽ không có một cái tên đẹp như vậy.
Lật bìa ngoài, trang đầu tiên đã viết đầy chữ nhỏ, tôi chưa kịp nhìn kỹ, bởi vì ánh sáng không tốt lắm, tôi chỉ nhìn một chút vị trí trên cùng, bên trên ghi rõ một hàng chữ số: “28.08.1950, trời âm u.”
Sau đó, tôi lại lật vài tờ, ở vị trí trên cùng mỗi trang, đều ghi một hàng chữ số cùng thời tiết, mãi cho đến lúc này, tôi mới hiểu, đây không phải là sổ sách mà bác cả nói, mà là một cuốn nhật ký.
Tôi mở to mắt nhìn xem bên trên viết gì, đáng tiếc, ánh sáng quá kém, không nhìn rõ, mắt đau muốn chết, vì thế đành phải gác lại, đợi bao giờ quay về rồi từ từ nghiên cứu.
Tới ngoài sân nhà bác hai ở, tôi gọi hai tiếng. bác ấy lập tức mở cửa, thấy tôi, câu đầu tiên bác nói là:
- Lại có chuyện gì à?
Tôi đáp, không có gì, chỉ là tới nói với bác một tiếng, ngày mai con về Trùng Khánh.
Bác hai nói:
- Đúng lúc bác cũng đang tính ngày mai về đi làm, về quê cả tuần rồi, nếu còn không quay lại, chắc bị xử phạt mất.
Tôi nói:
- Vậy thì tốt quá, chúng ta có thể cùng nhau đi lên thị trấn.
Bác hai nói:
- Sáng mai bác sang tìm con.
Hẹn xong thời gian, tôi vội vàng trở về nhà, lúc đến sân, tôi thấy mẹ vẫn còn đang bận bịu trong bếp, bố lại đứng trong nhà chính thắp hương, miệng cầu ông nội, mong ông phù hộ cho tôi ở bên ngoài bình an.
Bố thấy tôi về, cũng gọi tôi lại, quỳ dập đầu trước điện thờ trong nhà chính, đây là truyền thống của thôn, trước khi ra ngoài, đều phải thắp hương dập đầu với tổ tiên, cầu xin được phù hộ.
Làm xong mọi chuyện, tôi cùng bố ra sân ngồi, bố tôi tiếp tục tách hạt ngô, nhưng có chút không yên lòng, mà tôi lại đi lấy một ngọn đèn dầu, mở trang thứ nhất trong cuốn nhật ký của bà nội, bên trên viết, ngày hôm đó có rất nhiều người đến nhà bà, không biết là làm gì, mà cũng trong ngày hôm đó, bà quen ông nội tôi, Lạc Triều Đình.
Ở cuối trang giấy, bà viết một câu: “Cửu Sư Bái Tượng mà bọn họ đang nói, là cái gì?”