Đọc đến đây, trong lòng tôi cả kinh, năm 1950, đã là hơn sáu mươi năm trước, thời điểm đó, cũng đã có người nghiên cứu Cửu Sư Bái Tượng rồi sao?
Trần tiên sinh từng nói, lúc ông ấy mới bắt đầu học nghệ, trong phạm vi thợ nhân bọn họ, đều lưu hành cách nói Cửu Sư Bái Tượng, vậy tính theo tuổi tác của Trần tiên sinh, khoảng thời gian đó nhiều nhất cũng là ba mươi năm trước, nhưng trong nhật ký của bà nội, lại lùi thời gian về thêm khoảng ba mươi năm trước nữa, có thể nhìn được ra, thời gian chuyện này bắt đầu được lan truyền đã có từ bao nhiêu lâu, cũng biết được, bí mật của Cửu Sư Bái Tượng có bao nhiêu sâu.
Ít nhất thì đến bây giờ, vẫn chưa có ai biết chính xác bí mật của Cửu Sư Bái Tượng, tôi nghĩ, biết bí mật của Cửu Sư Bái Tượng, có lẽ chính là ông bác người giấy của tôi rồi, bởi vì chỉ có ông ấy, mới hiểu mấu chốt của Cửu Sư Bái Tượng nằm ở chỗ ‘hồi đầu vọng’ (quay đầu nhìn).
Đang lúc tiếp tục đọc xuống dưới, cửa phòng sau lưng bỗng mở ra, Trần tiên sinh gọi tôi vào, tôi đáp một tiếng, giấu cuốn nhật ký vào trong lòng, lúc này mới vào trong. Đúng vậy, tôi không muốn cho Trần tiên sinh biết bà nội còn để lại một cuốn nhật ký, về phần vì sao, trong chốc lát không nói lên được, nhưng cứ cảm thấy, không để cho ông ấy biết, mới là lựa chọn chính xác nhất.
Sau khi vào phòng, Trần tiên sinh nói với tôi:
- Sau khi đến Trùng Khánh, còn vài chuyện tôi phải dặn dò cháu.
Tôi tìm một cái ghế, ngồi xuống phía đối diện Trần tiên sinh, gật đầu tỏ vẻ tôi sẽ ghi nhớ kỹ.
Trần tiên sinh nói:
- Thứ nhất, tính tình của Trương mù Trùng Khánh hơi quái dị, cháu đừng so đo nhiều với hắn, nhất định phải mời hắn đến đây, trước mắt, chỉ có hắn mới phá được ngũ thể đầu địa. thứ hai, mời được người ta rồi, đưa địa chỉ cho hắn, còn cháu thì đừng về, chăm chỉ học hành. Thứ ba, đừng nói ông nội cháu là Lạc Triều Đình, tùy ý lấy đại một cái tên khác.
Tôi nghe xong liền hỏi:
- Vì sao không thể nói?
Trần tiên sinh đáp:
- Tôi lo lắng nếu cháu nói ra tên ông nội cháu, hắn sẽ không chịu đến.
Tôi vẫn chưa hiểu, lại hỏi vì sao?
Trần tiên sinh nói:
- Trùng Khánh có nhiều thợ nhân, dựa vào tài nghệ của ông nội cháu, nhất định lúc còn trẻ đã từng phiêu bạt bên đó, tôi sợ, trước kia ông ấy từng gây thù chuốc oán ở Trùng Khánh.
Tôi gật đầu, nói với Trần tiên sinh:
- Quả nhiên gừng càng già càng cay, nếu không có ông nhắc trước, đúng là cháu không nghĩ đến những việc này.
Trần tiên sinh đáp:
- Cái thằng bé này, còn biết bợ đít cơ à!
Sau đó không còn chuyện gì, tôi cũng đi ngủ sớm, mẹ tôi vẫn bận bịu trong bếp, lần nào cũng vậy, trước lúc tôi đi xa nhà, bà ấy đều bận rộn đến nửa đêm. Trong lòng cảm động mà đồng thời, còn cảm thấy rất áy náy, thầm nghĩ nhất định sau này phải mua được nhà ở Trùng Khánh, sau đó đón bố mẹ tôi lên Trùng Khánh sinh sống.
Hôm sau trời vừa sáng, bên ngoài đã truyền đến tiếng gọi cửa của bác hai, tôi nhanh chóng xuống giường, phát hiện Trần tiên sinh đã dậy, đợi tôi ra ngoài sân, bố mẹ, bác cả đều có mặt, mẹ đưa cho tôi một cái túi bóng, bên trong đựng đầy đồ ăn, nói qua mấy câu tạm biệt, tôi và bác hai cùng nhau lên đường.
Đi chưa được một đoạn, tôi thấy bố mẹ, bác cả và Trần tiên sinh đều vẫn đứng ngoài cửa nhìn theo chúng tôi, trong lòng khó tránh lại cảm thấy buồn rầu.
Đến đầu thôn, lúc đi qua sân nhà thợ xây Trần, hồi tưởng lại chuyện đã xảy ra lúc trước, giờ nghĩ lại vẫn còn sợ, nhưng trong lòng cũng bớt căng thẳng hơn chút, chờ tôi tới Trùng Khánh, có lẽ tất cả những việc tôi gặp phải trong thôn, đều trở thành chuyện cũ.
Từ thôn lên thị trấn, phải đi mất hơn nửa ngày, trên đường tôi và bác hai dừng lại nghỉ ngơi ăn uống một lúc, lúc lên đến thị trấn đã hơn hai giờ chiều, cũng may đuổi kịp chuyến xe cuối cùng lên Tú Sơn, muốn đi tàu hỏa, nhất định phải đi tới Tú Sơn, mấy thị trấn nhỏ lân cận đều không có nhà ga.
Lúc đến Tú Sơn đã là sáu giờ chiều, không mua được vé giường nằm, chỉ mua được hai vé ghế ngồi, chuyến tàu của bác hai xuất phát trước tôi, ăn uống qua loa ở gần nhà ga Tú Sơn, bác ấy liền vội vội vàng vàng chạy lên tàu, trước lúc lên tàu, bác hai sống chết nhét vào tay tôi hai trăm tệ, lúc tôi muốn trả lại, bác ấy đã kiểm vé lên tàu rồi.
Chuyến tàu của tôi là chín giờ tối, vẫn còn khoảng hai tiếng nữa, tôi tìm một chỗ ngồi trong gian nhà chờ, muốn đọc cuốn nhật ký bà nội để lại, từ tối hôm qua đến bây giờ vẫn chưa có thời gian xem.
Nhưng chưa đợi tôi lấy cuốn nhật ký ra, bên cạnh đã xuất hiện một người trẻ tuổi, còn hùng hổ mắng:
- Tông môn nhà nó, lại làm trễ giờ của ông.
Tôi nghiêng đầu nhìn anh ta một cái, vóc người không cao không thấp, tuổi tác xấp xỉ tôi, có lẽ lớn hơn tôi một hai tuổi, ăn mặc rất thời thượng, tóc hơi dài, tóc mái đã che khuất đôi mắt anh ta, mắt của anh ta rất nhỏ, khi cười, có lẽ ngay cả con ngươi cũng không thấy đâu, giọng nói nhiễm tiếng địa phương Trùng Khánh rất nặng, chắc là người Trùng Khánh bản địa, người Trùng Khánh thích ăn lẩu, tính khí đều khá nỏng nảy.
Tôi không để ý nhiều, chuẩn bị tiếp tục lấy nhật ký của bà nội ra đọc, nhưng anh ta lại chủ động bắt chuyện với tôi:
- Cậu em, cậu cũng đi Trùng Khánh à?
Tôi gật đầu nói, đúng rồi!
Anh ta lại hỏi:
- Cậu đi chuyến tàu nào?
Tôi đưa cho anh ta nhìn qua vé của mình.
Anh ta hỏi tiếp:
- Cậu có vội không?
Tôi nghĩ thầm trong lòng, người này có thể là mấy tên lừa đảo bán vé lậu, cho nên tôi lắc đầu, nói, không vội.
Anh ta nói:
- Vậy cậu phải chú ý, chuyến xe của cậu, thường đều bị chậm trễ khoảng hai ba tiếng.
Tôi đã chắc chắn anh ta là gã lừa đảo, cho nên chỉ cười cười, không nói gì.
Về sau anh ta cũng không nói gì nữa, tôi đọc nhật ký của tôi, anh ta chơi điện thoại của anh ta, nhìn anh ta chơi điện thoại, tôi mới nhớ ra, điện thoại của tôi vẫn chưa bật nguồn, tôi lấy di động ra, bật nguồn, điện thoại vừa được mở, hàng đống tin nhắn đã nổi lên, mở ra xem, đã có vài chục tin nhắn, và bảy cuộc gọi nhỡ, đều là của cùng một số điện thoại gửi tới, nhưng đây lại là dãy số lạ.
Nội dung tin nhắn đều tựa nhau, nói tôi có một bưu phẩm, đã giao cho phòng thường trực trong trường, hóa ra là số của nhân viên chuyển phát nhanh, tôi nghĩ, trước lúc về nhà tôi đâu có mua gì, là ai gửi đồ cho tôi? Một thanh niên nghiêm túc chưa yêu đương bao giờ như tôi , thì ngoài mua đồ cho mình ra, tuyệt đối không nhận được quà tặng gì đó.
Vì vậy tôi trả lời người kia một tin, giải thích một chút lý do, hơn nữa còn hỏi người nọ còn nhớ là ai gửi cho tôi hay không.
Tin nhắn gửi đi, đợi một lát, vẫn chưa có hồi âm.
Anh trai bên cạnh đột nhiên sát lại gần tôi, nói:
- Cậu em, tôi vừa nhìn đã thấy chúng ta có duyên, để lại cho nhau cách liên lạc đi, sau này rảnh còn có thể liên lạc với nhau.
Ban đầu tôi từ chối, nhưng thật sự không làm ngơ được trước thái độ nhiệt tình của anh ta, cũng chỉ đành cho anh ta số điện thoại, anh ta hình như vẫn chưa tin, còn bấm gọi ngay trước mặt tôi, chờ tới khi điện thoại của tôi reo lên, anh ta mới hài lòng ngồi xuống.
Tôi nhìn thấy anh ta lưu tên mình trong danh bạ là ‘khách hàng 132’.
Thấy vậy, tôi không khỏi buồn cười, tên lừa đảo này không chỉ chuyên nghiệp, mà còn rất có tư duy.
Thời gian còn lại khá yên tĩnh, cuối cùng tôi cũng có thời gian lấy nhật ký của bà nội ra, lật vài tờ, bên trên đều viết cuộc sống thường ngày của bà, xảy ra những chuyện gì với người trong nhà, trong đó có một đoạn khiến cho tôi chú ý, bên trên viết, ông nội tôi hình như là người nổi bật nhất trong những người đến nhà bọn họ.
Nhìn đến đây tôi không nén nổi suy nghĩ, ông nội tôi rõ ràng là một người nông dân mộc mạc chân chất, cũng có thể trở thành người nổi bật?
Những thứ viết trên các trang giấy, tôi đều đọc thật kỹ, hy vọng có thể phát hiện được một ít dấu vết để lại, nhưng đã đọc hơn mười trang, vẫn không thu hoạch được gì.
Lúc này, tiểu ca bên cạnh nói:
- Tàu của tôi đến rồi, tôi đi trước đây, nếu lát nữa cậu gặp phải chuyện gì, nhớ gọi điện thoại cho tôi.
Nói xong, anh ta bước đi, hơn nữa còn là đi đến chỗ soát vé, tôi liếc mắt nhìn màn hình, bên trên hiển thị khoảng thời gian này không có chuyến tàu nào xuất phát, vậy anh ta đi ra đó làm gì?
Nhưng dù sao cũng chẳng phải việc của tôi, tôi lười nghĩ nhiều, tiếp tục đọc nhật ký của bà nội, tôi vừa lật qua một trang, đã nhìn thấy những thứ ghi chép trên trang giấy này hoàn toàn khác biệt, bên trên viết, bà và ông nội tìm thấy một ngôi mộ, bọn họ chuẩn bị ngày hôm sau xuống xem.
Khi tôi đang đọc xuống dưới, di động đột nhiên vang lên, là một dòng tin nhắn, gửi tới từ số máy lạ, nội dung là: ‘ tôi còn nhớ người gửi bưu phẩm cho bạn, tên là Lạc Triều Đình.’
Ông nội tôi đã mất hơn một tuần rồi, vẫn còn có thể gửi đồ chuyển phát nhanh cho tôi?
Chẳng lẽ, ông lại bò ra ngoài, còn cố ý chạy lên thị trấn, gửi cho tôi một bưu phẩm?