Thịnh Đường Quật Khởi

Chương 190: Ngươi là kẻ đạo thơ (hạ)

Chương 190: Ngươi là kẻ đạo thơ (hạ)
- Ha ha, Trịnh gia hết người rồi, lại phải để người bên ngoại hỗ trợ.
- Thôi được, người cứ tham gia làm thơ, nếu không làm được, thì ván đầu tiên này Trịnh gia ngươi thua. Ta lại muốn nhìn xem, một tên dân tộc thiểu số từ biên hoang xa xôi có thể làm thơ hay như thế nào. Trịnh Trường Dụ, bài thơ thứ hai của ta cũng đã làm xong.
Phan Hoa nói xong, liền cầm bút, định viết lên tường.
Con cháu Phán gia cười ha hả, dường như hết sức tin tưởng ở Phan Hoa.
Dương Thủ Văn vốn chỉ định ứng phó một chút, nhưng nghe Phan Hoa thốt ra những lời vô lễ như vậy, trong lòng lập tức nổi giận.
- Cho dù ta không làm được, vẫn còn hơn một kẻ đạo thơ như ngươi!
Hắn vừa dứt tiếng, lập tức mọi người xung quanh đều ồ lên.
Phan Hoa tái mặt, trong lòng hoảng loạn, bút lông trên tay cũng run rẩy, chữ viết trên tường lập tức tán loạn.
- Ngươi nói cái gì?
Con cháu Phan gia giận tím mặt, chỉ vào Dương Thủ Văn quát to.
Tuy nhiên, Dương Thủ Văn lại không thèm nhìn bọn họ, cầm bút nhúng vào nghiên mực, viết lên vách tường trắng tinh ba chữ “Chiết dương liễu” (Bẻ dương liễu)
- Chữ tốt!
Tựa đề bài thơ theo lối chữ Khải mà Dương Thủ Văn vừa viết, biểu lộ đầy đủ cốt cách của dương liễu, khiến Trường Dụ và Trịnh Kính Tư đều bật ra tiếng kêu tán thưởng.
Đây là một kiểu chữ chưa từng xuất hiện trước đó, nhưng lại lộ ra một phong thái khó diễn tả thành lời.
Trịnh Trường Dụ không kìm nổi, hạ giọng nói:
- Con trai của Tam tỷ thật khó lường…Chỉ riêng lối viết Khải thư này, có thể nói là đã đạt tới mức thượng thừa, một mình một cõi. Nhập cửu lang, sao trời xanh lại đối xử trọng hậu với người của chi thứ sáu như vậy? Đã có một tài nữ như Tam tỷ, giờ lại có Hủy Tử tài hoa như thế? Ha ha, bất kể Hủy Tử làm thơ như thế nào, chỉ riêng lối viết chữ xuất sắc thế này, đã ở vào thế bất bại rồi.
Trịnh Kính Tư cũng hết sức vui mừng và bất ngờ, nghe Trịnh Trường Dụ nói như vậy, cũng bật cười ha hả.
- Chớ xem thường tài năng của con trai Tam tỷ, ta đã từng đọc thơ của hắn, có thể nói là tài thơ xứng đáng xưng hùng một cõi, hết sức tài hoa.
- Ồ?
- Đợi lát nữa ta cho người đem bài thơ đó tới cho ngươi xem.
- Được!
Nói tới đây, Trịnh Trường Dụ dừng lời, tập trung chú ý vào bài thơ Dương Thủ Văn đang viết.
“Dương liễu đa đoản chi, Đoản chi đa biệt ly.
Tặng viễn luy phàn chiết, Nhu điều an đắc thùy
- Thanh xuân hữu định tiết, ly biệt vô định thì. Đãn khủng nhân biệt xúc, bất oán lai trì trì.
- Mạc ngôn đoản chi điều, trung hữu trường tương tư. Chu nha dữ lục dương, tịnh tại biệt ly kỳ” (1) …Nhập cửu lang, bài thơ này của Hủy Tử…
Trịnh Trường Dụ đọc một lúc, đột nhiên trong lòng xúc cảm.
Đây không chỉ là thơ vịnh liễu, mà còn là thơ biệt ly.
Bản thân y phải rời quê hương đến Hứa Châu, tuy rằng đường xá cũng không xa xôi, nhưng vẫn là ly biệt quê nhà, so với tình cảnh trước mắt cũng có phần tương tự. Chỉ có điều, bài thơ biệt ly này ý tình rất đau khổ, vốn trong lòng y cũng không đến mức u sầu nhiều lắm, nhưng sau khi đọc thơ, lại dâng lên một cảm giác bi thương.
- Đừng nóng vội, còn đoạn sau nữa.
Trịnh Kính Tư cũng nhắn mày, lộ vẻ nghi hoặc.
Dương Thủ Văn vẫn tiếp tục viết:
“Lâu thượng xuân phong quá, Phong tiền dương liễu ca.
Chi sơ duyến biệt khổ,
Khúc oán vi niên đa.
Hoa kinh yến địa tuyết,
Diệp ánh sở trì ba,
Thùy kham biệt ly thử,
Chinh thú tại Giao Hà.” (2)
- Này…
Dương Thủ Văn đột nhiên dừng bút, Trịnh Kính Tư thấy vậy thốt lên.
Không đợi y hỏi, Dương Thủ Văn nói:
- Đây là khi ta và gia phụ từ biệt ở Xương Bình vào năm ngoái, chợt cảm hứng mà sáng tác bài thơ này. Có lẽ không hợp tình hợp cảnh cho lắm, nhưng vẫn còn hơn làm kẻ đạo thơ, không làm thơ được, thà không làm còn hơn.
Đây là lần thứ hai Dương Thủ Văn nhắc tới “kẻ đạo thơ”.
Trước đó, bọn Trịnh Kính Tư cũng không chú ý, nhưng bây giờ nghe Dương Thủ Văn lặp lại, lập tức cảm thấy nghi hoặc.
- Hủy Tử, ngươi nói vậy là có ý gì?
- Bích ngọc trang thành nhất thụ cao. Vạn điều thùy hạ lục ti thao…
Dương Thủ Văn đặt bút xuống, đi tới phía trước bài thơ vịnh liễu của Phan Hoa, cười lạnh:
- Nếu ta nhớ không lầm đây là thơ của tiến sĩ Hạ Quý Chân!
Lúc này tâm trí Phan Hoa đã rối loạn, nghe Dương Thủ Văn nói như vậy, lập tức quay đầu lại, kêu to:
- Ngươi nói bậy!
- Muốn biết nói đúng hay là nói bậy, chỉ cần phái người đi Trường An thỉnh giáo một chút là biết ngay.
- Nếu ta nhớ không nhầm, hình như hiện nay Hạ Quý Chân là Quốc tử tứ môn tiến sĩ. Vừa khéo, nghĩa phụ của Nhị lang nhà ta là Tế tửu Quốc Tử Giám, chỉ cần gửi một phong thư cho Nhị lang, là có thể nhận được kết quả. Còn về phần ta, sở dĩ ta biết bài thơ này, là nhờ từng nghe Trần Tử Ngang Trần Bá Ngọc đọc qua. Tuy ta không biết nguyên nhân vì sao mọi người không biết bài thơ này, nhưng ta tin rằng, cuối cùng vẫn có người biết.
Trước tiên Dương Thủ Văn nhắc đến Cao Duệ, cho thấy mình có chỗ dựa vững chắc.
Rồi sau đó lại đề cập tới Trần Tử Ngang, để chứng minh hắn không nói sai.
Hiện giờ Trần Tử Ngang đang ở Ba Thục, muốn tìm ông ta chứng minh, đương nhiên là hơi khó khăn trắc trở. Nhưng chỉ cần nhắc tới tên ông ta, là đủ để mọi người tin phục. Dù sao, chỉ cần một câu “Niệm thiên địa chi du du” (3) là đủ để Trần Tử Ngang trở thành lãnh tụ thi đàn rồi.
Trong phút chốc, mọi ánh mắt của con cháu Trịnh gia và Phan gia đều hướng vào người Phan Hoa.
Hạ Quý Chân, tức Hạ Tri Chương, là tiến sĩ xuất thân năm Thánh Lịch nguyên niên, hiện giờ là Quốc tử tứ môn tiến sĩ.
Bài thơ “Vịnh liễu” kia cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Hạ Tri Chương, được lưu truyền rộng rãi ở đời sau. Tuy Dương Thủ Văn không rõ vì sao thời này có rất ít người biết bài thơ đó, nhưng hắn có thể khẳng định, bài thơ đó là do Hạ Tri Chương làm, chứ không phải Phan Hoa.
- Cửu lang, lời tiểu tử này là sự thật sao?
Một người trong đám con cháu Phan gia đứng lên, lớn tiếng quát hỏi.
Ở thời đại này, đạo thơ không phải là chuyện vẻ vang gì, con cháu nhà quyền quý mà làm chuyện này, đương nhiên sẽ người khác rất khinh bỉ.
Bởi vậy Dương Thủ Văn nói, thà không làm được thơ, chứ không thèm làm làm kẻ đạo thơ, cũng không phải là không có lý do.
Hạ Tri Chương đấy!
Người về sau là Tư Minh Cuồng Khách, mà ngươi cũng dám đạo thơ sao? Quan trọng nhất là, Tứ Minh Cuồng Khách còn sống, hơn nữa, bằng hữu văn thơ rất nhiều.
Dương Thủ Văn cũng đạo thơ, bài thơ hắn đạo là của Mạnh Giao.
Nhưng hiện nay Mạnh Giao còn chưa ra đời, cho nên hắn sẽ không gặp phiền phức gì…
- Ngươi…
Phan Hoa hết sức bối rối, mặt tái nhợt, bài thơ kia chỉ viết được một nửa, rốt cuộc đành bỏ dở.
Gã cắn môi, hồi lâu sau chợt hỏi:
- Ngươi làm sao chứng minh, thơ ngươi viết là tự làm?
Hả? Thời đại này cũng có cái logic “ngươi nhất định phải chứng minh thơ ngươi là của ngươi” sao?
- Phan Hoa, ngươi…
Trịnh Trường Dụ tức giận vỗ án:
- Ngươi làm kẻ đạo thơ, lại muốn vu khống người khác cũng là kẻ đạo thơ!
- Hoàng Môn đường biến chất như thế này, mà còn dám xưng là danh môn vọng tộc sao? Trịnh thị Huỳnh Dương ta chẳng thèm làm bạn với kẻ đạo thơ như ngươi!
Không những con cháu Trịnh gia, mà ngay cả con cháu Phan gia cũng lộ vẻ chán ghét.
- Tạp nhất thúc đừng vội, nếu vị Phan công tử này nghi ngờ ta, ta đương nhiên sẽ chứng minh.
Nói xong, Dương Thủ Văn đi tới trước cửa sổ, ngắm nhìn cảnh đẹp hồ Động Lâm.
Một lát sau, đột nhiên hắn xoay người đi tới bên tường, cầm bút lông lên.
Trịnh Kiền hết sức lanh lợi, lập tức vội vàng chạy tới, bưng nghiên mực đưa tới trước mặt Dương Thủ Văn. Dương Thủ Văn cầm bút, chấm mực, rồi viết lên tường hai chữ “Trọng xuân” (Giữa xuân).
Lúc này, cả Quan Thủy các lặng ngắt như tờ.
Bất kể là con cháu Trịnh gia hoặc con cháu Phan gia, hoặc thực khách, tất cả đều nín thờ nhìn Dương Thủ Văn.
Đối với các thực khách, “vở kịch” vừa mới ra này thật sự quá đặc sắc!
Hai nhà Phan, Trịnh tranh chấp, Phan Hoa bỗng nhiên nổi tiếng; Trịnh gia giao việc thi thơ cho con cháu họ ngoại, bài thơ cũng rất tuyệt. Vừa có kẻ đạo thơ, lại có người ngẫu hứng làm thơ, sự việc biến chuyển nhanh chóng, khiến mọi người hoa cả mắt. Nếu không vì giữ chút thể diện cho Phan gia, e rằng sớm đã người cao giọng reo hò. Tuy vậy, có thể thấy được, không tới một ngày sau, là tên của Dương Thủ Văn sẽ truyền khắp Huỳnh Dương.
- Huỳnh Dương thành tây nhị thập lý
Động Lâm xuân thủy liễu thiên điều.
Nhược vi thử lộ kim trọng quá,
Thập lục niên tiền cựu bản kiều.
- Tằng cộng ngọc nhan kiều thượng biệt,
Hận vô tiêu tức đáo kim triêu (4)
Trịnh Kính Tư đọc tới đây, đột nhiên mắt đỏ hoe, hạ giọng nói:
- Không ngờ tình cảm giữa Văn Tuyên đại ca và Tam tỷ lại đằm thắm đến như vậy.
(1) Và (2) dây là bài “Chiết dương liễu” của Mạnh Giao (751-814), nhà thơ đời Trung Đường.
Bài này dường như chưa từng được dịch sang tiếng Việt. Nguyên Phong không tìm được bản dịch nào, đành tự tạm dịch vậy, nếu có gì sai sót, mong quý độc giả lượng thứ:
Dịch nghĩa:
Bẻ dương liễu
I. Dương liễu nhiều cành nhỏ
Cành nhỏ mang đầy nỗi biệt ly.
Cố vin cành tặng người xa,
Cành mềm luôn rũ xuống.
Tuổi xuân chỉ có hạn,
Ly biệt đến không đúng lúc.
Khiến người càng gấp gáp
Chẳng thể oán trách nhưng cứ mãi dùng dằng.
Cành nhỏ im không lời,
Mà chứa đựng nỗi tương tư dằng dặc
Người đẹp và liễu biếc, cũng đến lúc biệt ly.
II. Gió xuân thổi qua lầu,
Dương liễu reo trước gió.
Cành xơ xác vì nỗi đau ly biệt,
Oằn mình oán trách bao năm.
Hoa run rẩy giữa nơi yến tiệc tuyết đầy trời,
Lá chập chờn phản chiếu sóng nước mặt hồ.
Ai có thể chịu được nỗi buồn ly biệt,
Tòng chinh đến tận biên cương Giao Hà.
Dịch thơ:
I. Dương liễu nhiều cành nhỏ
Cành nhỏ nhiều biệt ly.
Bẻ cành tặng người đi,
Cành mềm lặng rũ xuống.
Tuổi thanh xuân có thì
Biệt ly vô hạn định
Sợ phút giây ly biệt
Chẳng oán đến từ từ
Cành liễu nhỏ không lời
Giấu tương tư dằng dặc
Hồng nhan và liễu biếc,
Cùng trong lúc biệt ly.
II. Gió xuân thổi qua lầu,
Dương liễu run trước gió
Xác xơ cành ly biệt,
Khúc oán ca bao năm
Hoa kinh yến rơi tuyết
Lá in bóng mặt hồ
Ai không đau ly biệt
Tòng chinh đến Giao Hà.
(3) Niệm thiên địa chi du du: Câu thứ ba trong bài thơ Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang (661 – 702), nhà thơ thời Võ Tắc Thiên:
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ.
(Dịch nghĩa: Nhìn trước chẳng thấy cổ nhân đâu, nhìn sau chẳng thấy người tới. Ngắm trời đất bao la vô tận, bất giác bi thương mà nhỏ lệ.
Dịch thơ: Ngoảnh lại trước, người xưa vắng vẻ
Trông về sau, quạnh quẻ người sau
Ngẫm hay trời đất dài lâu
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.
(Trần Trọng San dịch)
(4) Giữa xuân
Tạm dịch:
Hai mươi dặm phía tây thành Huỳnh Dương
Ngàn liễu rũ mềm, soi bóng xuống mặt nước xuân hồ Động Lâm
Nếu nay lại bước trên đường ấy
Sẽ thấy chiếc cầu gỗ mười sáu năm trước
Nơi ấy, ta từng từ biệt người ngọc
Hận tới bây giờ vẫn bặt tin nhau.

Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất