Thịnh Đường Quật Khởi

Chương 213: Tam Hoàng quan (3)

Chương 213: Tam Hoàng quan (3)
Mộ của mẹ Dương Thủ Văn được xây trên đỉnh Quảng Võ sơn.
Tiết Thanh Minh (tức Hàn Thực) vừa đến, đào hạnh nở rộ.
Từ trời cao, mưa phùn lất phất rơi, bao phủ Quảng Võ sơn trong màn sương mù mờ ảo.
Có thể thấy được, Trịnh gia rất coi trọng Dương mẫu. Quy mô mộ phần của bà rõ ràng cũng rất có khí thế. Bên cạnh phần mộ, còn xây một tòa tiểu đình, trong đình có một tấm bia đá, trên đó khắc ba chữ Phá Quy Đình (Đình trông mong người về), nét chữ cổ kính mà mạnh mẽ.
- Khi Thập Cửu lang còn chưa là giáo úy Hà Nam, hàng năm đều đến đây cúng tế.
- Nói thật, một huynh đệ như ta cũng không bằng hắn, mười mấy năm qua, ta chỉ bái tế vài lần, thật hổ thẹn.
Dương Thừa Liệt không trả lời, tới trước bia mộ, đưa tay nhẹ nhàng vuốt ve.
Trên ngôi mộ không có cỏ dại, hiển nhiên là có người định kỳ làm cỏ. Ông ta ngồi xổm xuống, lẩm bẩm:
- Lúc sinh thời, Hi Văn thân thiết nhất với Thập Cửu lang, đến giờ ta vẫn nhớ rõ, năm đó ta và nàng dẫn Thập Cửu lang leo lên đây ngắm cảnh ngoài xa.
- Phán Quy Đình này là do Thập Cửu lang xây dựng sao?
Dương Thủ Văn và Tống thị đứng phía sau Dương Thừa Liệt, vẻ mặt trang nghiêm.
Dương thị dẫn theo Dương Thụy và Thanh Nô, bế Nhất Nguyệt, đứng phía sau hai người. Dương Mạt Lỵ và cả nhà Tống Tam Lang đứng bên cạnh, khuôn mặt mọi người đều rất trang trọng, lẳng lặng nhìn mộ bia.
- Đúng vậy, năm ấy ngươi khiêng linh cữu Tam tỷ trở về, rồi vội vàng rời khỏi.
- Thoáng chốc đã hơn mười năm không có tin tức, Thập Cửu lang liền xây Phán Quy Đình. Hắn nói nhất định Tam tỷ lo lắng cho ngươi, hy vọng ngươi có thể sớm trở về. Núi này gió lớn, xây ngôi đình lớn để Tam tỷ tránh gió, che mưa, hẳn là ngươi cũng rất hài lòng.
Lắng nghe đối thoại giữa Dương Thừa Liệt và Trịnh Kính Tư, Dương Thủ Văn càng lúc càng có cảm nhận tốt đẹp về Trịnh gia.
Trận Xương Bình, sau khi nhìn thấy kết cục của Lư Vĩnh Thành, Dương Thủ Văn cảm thấy thêm vài phần nghi ngại đối với danh môn vọng tộc. Nhà quyền quý không có thân tình vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Lư Vĩnh Thành có thể nói là tận tâm tận lực vì Lư gia, nhưng cuối cùng lại bị Lư Hoài Nghĩa xóa tên trong gia phả, thậm chí ngay cả vợ con của Lư Vĩnh Thành, nghe nói sau khi trận Xương Bình kết thúc, cũng bị đuổi khỏi Lư gia, tung tích không rõ…Ngoài ra, những người họ Lư trong Bảo Hương các, rốt cuộc cũng không có kết quả tốt. Vấn đề mấu chốt là, họ đều vì Lư gia mà nỗ lực, thậm chí còn phải trả giá bằng tính mạng.
Trong suy nghĩ của Dương Thủ Văn, Lư gia và các danh gia vọng tộc, đều là những kẻ vô tình vô nghĩa.
Tuy nhiên dường như họ Trịnh Huỳnh Dương thì lại khác.
Khi biết cả nhà mình tránh ở Xương Bình, Trịnh Linh Chi không chút do dự, phái năm trăm gia binh tiến đến Xương Bình, tiếp nhận cả nhà Dương Thừa Liệt. Trong chuyện này, có thể có những nhân tố nào khác hay không? Dương Thủ Văn cũng không rõ, nhưng việc họ làm rất có tình nghĩa, khiến người ta cảm thấy rất nể phục. Đặc biệt là Trịnh gia rất quan tâm đối với mẹ hắn, khiến hắn càng có thiện cảm với họ.
Mưa phùn lất phất rơi, lặng lẽ thấm ướt vạn vật.
Dương Thừa Liệt ngồi xuống trước mộ phần, đốt nhang đèn, bày đồ cúng tế.
Từ trong bao, ông ta lấy ra cuốn “Tây Du” dày cộp do Dương Thủ Văn viết, mở ra trước mộ, lần lượt châm lửa đốt từng trang.
- Tam nương, đây là “Tây Du” do Hủy Tử viết.
Giọng Dương Thừa Liệt hơi nghẹn ngào, thì thào nho nhỏ:
- Mười lăm năm trời, nàng bồi dưỡng Hủy Tử từ một đứa bé sơ sinh thành một thiếu niên chững chạc, nhưng ta lại hoàn toàn không biết gì cả. Từ cõi u minh, nàng làm bạn với Hủy Tử mười lăm năm, bây giờ nó đã bộc lộ tài hoa, còn hơn cả ta. Nàng xem, đây là cuốn sách nó viết sau khi nàng rời đi. Nếu nàng có linh thiêng, hãy phẩm bình một chút.
- Đừng quá khen ngợi nó, tiểu tử thối này đã rất đắc ý rồi! Nếu nàng còn khen nó, không chừng mũi nó phổng to đến tận trời!
Ngọn lửa to dần, cháy rực, chẳng mấy chốc, bản thảo hóa thành tro tàn.
Dương Thủ Văn mở chiếc ô giấy dầu ra, đứng bên cạnh Dương Thừa Liệt.
Một cơn gió nhẹ thổi tới, tro tàn đảo lộn, bay lên không trung, như thể mẹ của Dương Thủ Văn đã nhận được bản thảo.
Bên cạnh, Trịnh Kính Tư lộ vẻ kinh ngạc.
Từ lời nói của Dương Thừa Liệt, y nghe được một chuyện: tài học hiện nay của Dương Thủ Văn, chẳng lẽ là do Tam tỷ dạy bảo từ chốn u minh?
Từ Lục triều tới nay, mọi người một lòng tin tưởng ở quỷ thần, cho rằng sau khi người ta chết đi, linh hồn sẽ bất diệt.
Tuy thánh nhân nói “Tử bất ngữ: quái, lực, loạn, thần” (1), là ý nói người không có tư cách đàm luận những việc không thể giải thích, chứ cũng không phải là hoàn toàn gạt bỏ việc nhắc tới quỷ thần. Từ nhỏ đến lớn, Trịnh Kính Tư chỉ đọc kinh sách của thánh nhân, nhưng sau khi bị giáng chức, y lại một lòng tin vào thuật thần tiên của Đạo giáo.
Ánh mắt của y nhìn Dương Thủ Văn đã có phần khác trước.
Có thể nói, trước đây y còn có một chút nghi ngờ đối với tài hoa của Dương Thủ Văn, không biết hắn có thể là người kế thừa của mình hay không.
Nhưng bây giờ, y đã mười phần chắc chắn!
Dương Thủ Văn có mẹ dạy dỗ, từ cõi U Minh, Tam tỷ đã mười lăm năm ở bên cạnh để giáo hóa hắn.
Ngẫm lại, điều này cũng không có gì kỳ lạ! Học vấn của Tam tỷ hết sức sâu rộng, tài hoa hơn người, dạy bảo được Hủy Tử nên người như thế, cũng là điều dễ hiểu.
Bản thảo lần lượt bị ngọn lửa thiêu cháy, trước mộ khói nhẹ lượn lờ.
- Hủy Tử, trước tình này cảnh này, hãy làm một bài thơ đi, cũng là dịp để mẫu thân ngươi kiểm tra tài học của ngươi.
Dương Thủ Văn hơi ngẩn người, trong lúc nhất thời ngỡ ngàng nhìn quanh.
Trên Quảng Võ sơn, đào hạnh nở rộ, đỏ rực, trắng hồng, dưới màn mưa bụi mông lung, bảo phủ khắp Quảng Võ sơn, tô điểm cho cảnh vật trên núi đẹp đến nao lòng.
Nhưng, trong đầu hắn nghĩ tới ông nội, nghĩ tới cha.
Hắn nghĩ ông nội chân thực, nhiệt tình, sau khi ra tay trượng nghĩa, lại bị kết tội là thích khách một cách oan uổng.
Phụ thân tận trung với cương vị, mặc dù không xem là tài cán xuất chúng, nhưng vẫn cẩn trọng. Tuy nhiên, sau trận Xương Bình coi như trắng tay.
Hắn không thèm để ý Dương Thừa Liệt làm chức quan gì, chỉ là trong lòng thầm kêu oan cho cha và ông nội.
Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, trong lòng Dương Thủ Văn dâng lên nỗi bi phẫn vô hạn. Hắn không kìm chế được, gọi Dương Mạt Lỵ, rồi đưa ô giấy dầu cho Dương Thụy, lấy bút và nghiên mực từ trong bao ra. Hắn nhúng bút vào mực, rồi cầm bút viết lên khối đá cẩm thạch trước bia mộ.
- Ầm ầm!
Từ xa vang lên tiếng sấm ì ầm.
Trong lòng Trịnh Kính Tư không khỏi cảm thấy tò mò, bởi vậy y che dù đi tới, miệng lẩm lẩm đọc.
“Giai tiết thanh minh đào lý tiếu
Dã điền hoang chủng chỉ sinh sầu
Lôi kinh thiên địa long xà trấp
Vũ túc giao nguyên thảo mộc nhu” (2)
Y liếc nhìn Trịnh Kiền, thấy trên mặt Trịnh Kiền lộ vẻ kinh ngạc.
Bốn câu đầu bài thơ rất phù hợp với cảnh sắc trước mắt.
Nếu nói bài thơ này là do Dương Thủ Văn đã làm sẵn từ trước, thì dù là Trịnh Kính Tư hay Trịnh Kiền, cũng không tin, chỉ có thể nói đây là bài thơ ngẫu hứng, tức cảnh sinh tình mà viết ra thôi.
Trịnh Kính Tư hạ giọng nói:
- Hủy Tử mẫn tiệp, tài hoa phi phàm!
Còn Trịnh Kiền, bằng giọng nói còn non nớt, đọc tiếp phần còn lại của bài thơ:
- Nhân khất tế dư kiêu khiếp phụ
Sĩ cam phần tử bất công hầu
Hiền ngu thiên cổ tư thùy thị
Mãn mục bồng cao cộng nhất khâu. (3)
Tiếng sấm vẫn ầm ì không dứt.
Những tia chớp nhoáng lên, như một đàn rắn bạc điên cuồng nhảy múa trong mây đen, mưa đã trở nên nặng hạt.
Những giọt mưa rơi xuống, cọ rửa chữ viết trên thềm đã cẩm thạch thành những dấu mực loang, chảy xuôi xuống thềm đá.
Trong khi đó, đột nhiên đống lửa trước mộ như bùng nổ, tro tàn nhảy múa tán loạn.
Trịnh Kính Tư và Trịnh Kiền ngơ ngác nhìn nhau, mà Dương Thừa Liệt cũng hoảng sợ nhìn Dương Thủ Văn, không nói nên lời.
Mưa làm ướt tóc và quần áo của Dương Thủ Văn, mấy sợ tóc đen dán trên mặt hắn, khiến khuôn mặt càng thêm phần cương nghị.
Mọi người đều lần lượt đứng trước mộ.
Một lúc lâu sau, Dương Thừa Liệt như bừng tỉnh, hạ giọng nói:
- Mọi người mau tới bái tế Tam nương đi, rồi vào trong đình tránh mưa.
(1) Luận ngữ: “Tử bất ngữ: quái, lực, loạn, thần” (Khổng Tử không nói về (bốn điều): quái dị, dũng lực, phản loạn, quỷ thần.
(2) và (3) Đây là bài “Thanh Minh” của Hoàng Đình Kiên (1045-1105). Ông là thư hoạ gia và thi gia trứ danh đời Bắc Tống, tề danh cùng thầy ông là Tô Thức.
Bản dịch của Hải Đà
Thanh Minh tiết đẹp mận đào vui
Gò mộ đồng hoang luống ngậm ngùi
Sấm động trời lay rồng rắn dậy
Mưa tràn ruộng thấm cỏ hoa cười
Kẻ xin đồ cúng, khoe cùng vợ
Người trốn rừng thiêu, bỏ tước triều
Kim cổ hiền ngu ai biết được ?
Nhìn quanh cỏ dại mọc lưng đồi.

Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất