Chương 550: Vì tiền mà tới, vì tiền mà đi!
Trọng Huyền Thắng mở tiệc tiếp đãi tân khách, người tham gia rất nhiều, nhưng người có địa vị thật ra cũng không có mấy người.
Nguyên nhân là bởi hắn ta vừa mới đưa Trọng Huyền Tuân vào Tắc Hạ Học Cung, tin tức này người không chú ý thì chưa chắc có thể biết được. Mà trong số những người biết được, sau khi biết đối thủ tiếp theo của hắn ta là Vương Di Ngô thì cũng chưa chắc có thể đặt niềm tin đối với Trọng Huyền Thắng.
Lý Long Xuyên và Hứa Tượng Càn lại đều đến cả, ngoài ra còn có Cao Triết của Cao gia Tịnh Hải và Yến Phủ của Yến gia Bối Quận đến.
Cao Triết và Cao Kinh kia là đường huynh đệ, thúc phụ của Cao Triết là Trấn phủ sứ quận Xích Vĩ - Cao Thiếu Lăng, khuôn mặt cũng là khuôn mặt điển hình của Cao gia Tịnh Hải, thân hình cao lớn, mắt sâu mũi cao. Ngược lại không biết vì sao vị Tĩnh quý phi kia lại lớn lên xinh đẹp như vậy.
Nhưng ở trong mắt của người có tâm, Yến Phủ thực ra có địa vị cao hơn một chút, y là cháu ruột của tiền tể tướng Yến Bình.
Mặc dù Yến Bình đã từ chức tể tướng nhiều năm, nhưng ông ta vẫn có một sức ảnh hưởng nhất định đối với thời cuộc. Lão nhân gia này ngày nào chưa nhắm mắt thì ngày đó không ai có thể xem thường Yến gia. Khuôn mặt của Yến Phủ cũng tương đối ôn hòa điềm đạm, không có tính công kích. Còn về phần bản chất thế nào thì chưa có giao tình sâu đậm nên vẫn chưa thể đoán ra được.
Còn về những người khác, đều không có gì đáng nói.
Những đỉnh cấp công tử trong tương lai khác của thành Lâm Truy, hoặc là không có trong số những người này hoặc là vốn có bất hòa với Trọng Huyền gia như Bảo thị.
Đương nhiên những người này đến tham dự yến hội, cũng không có nghĩa là bọn họ hoàn toàn đứng về phía Trọng Huyền Thắng. Chẳng qua là sau khi Trọng Huyền Thắng thể hiện thủ đoạn của mình thì kết quả cuộc chiến giữa hắn ta và Trọng Huyền Tuân lại khiến cho người ta có chút thấp thỏm chờ mong mà thôi.
Phần lớn mọi người đều không muốn đắc tội Trọng Huyền Tuân cũng không muốn đắc tội Trọng Huyền Thắng.
Đối với Trọng Huyền Thắng mà nói thì chỉ trong vòng hai ngày trở về thành Lâm Truy đã có thể lấy lại thế cân bằng như hiện tại thì có thể xem là đạt được mục đích rồi.
Mặc dù không thể nói là hoàn hảo, nhưng một cuộc yến hội này cũng khiến cho cả khách lẫn chủ đều tận hứng.
"Chếnh choáng nâng ly cạn chén này, tân khách tựa gối ôn như ngọc"
Tùy bút năm xưa của Công Tôn Dã, đã thể hiện một cách chân thực phong nguyệt chốn Lâm Truy.
Tháng tháng năm năm sắc chẳng phai.
Sáng sớm tỉnh khôi tối mịt mùng.
Tân khách tới đi thức lại tỉnh.
Khi vị khách cuối cùng cũng đã đi nghỉ, Trọng Huyền Thắng "phóng đãng"
cả ngày lẫn đêm ở Hồng Tụ Chiêu thoáng cái đã ngồi dậy.
Cũng khiến cho vị mỹ nhân dùng chân làm gối ngọc cho hắn ta bị dọa cho nhảy dựng lên.
"Đi rồi" Hắn ta hô lên.
Theo sau là Khương Vọng cũng đang gối lên đùi mỹ nhân nhưng thực chất trong đầu lại đang chìm sâu trong biển Ngũ Phủ cũng lập tức mở mắt đứng dậy, không có chút men say nào cũng không hề lưu luyến chút nào.
Hai người trực tiếp rời khỏi Hồng Tụ Chiêu.
Hứa Phóng này là một vị cuồng sĩ nổi danh.
Chuyện nổi tiếng nhất của y chính là trong một yến hội nọ, đã mắng té tát Tụ Bảo Thương Hội. Dẫm danh tiếng của thương hội to lớn kia ở dưới chân.
"Đậm mùi tiền" là một danh hiệu đã bị cột chặt lên người Tụ Bảo Thương Hội một khoảng thời gian rất dài.
Có rất nhiều người bắt chước theo, cứ nhìn thấy người của Tụ Bảo Thương Hội là liền đưa tay che mũi, kêu lên quá thúi. Khiến cho những thương nhân bên trong Tụ Bảo Thương Hội rất lâu đều không ngẩng đầu lên được.
Lúc đó, hội chủ của Tụ Bảo Thương Hội là Tô Xa, đối với việc này cười trừ, ngoại trừ nói một câu "Náo nhiệt, vì tiền mà tới, vì tiền mà đi!" ra thì vẫn chưa hề làm gì để phản kích.
Về chuyện này, thật ra còn có vế sau nữa, chẳng qua không nổi tiếng lắm.
Hoặc là nói, đã được cố ý che đậy.
Rất nhiều người chỉ biết rằng Hứa Phóng là một cuồng sĩ, kiệt ngạo bất tuân, biết y đã từng làm nhục Tụ Bảo Thương Hội nhưng không biết rằng sau đó y đã phải trả cái giá lớn như thế nào. Bọn họ chỉ biết rằng, một thời gian sau, y đột nhiên mai danh ẩn tích, trừ những lúc nhắc lại câu chuyện "đậm mùi tiền" thì bóng dáng y đã không còn xuất hiện trong giới quý tộc Lâm Truy nữa.
Cho đến bây giờ, đã không còn bao nhiêu người còn nhớ rõ, cái từ "đậm mùi tiền" này đã từng chỉ dùng để nói đến Tụ Bảo Thương Hội nữa rồi.
Lâm Truy là hùng thành trong thiên hạ, là thành thị khiến cho người dân Tề quốc cảm thấy kiêu ngạo, vinh quang.
Hầu như tất cả thế gia đỉnh cấp của cả Tề quốc đều kinh doanh ở đây. Có thể nói tòa thành này chính là nơi cư trú của hơn phân nửa quý tộc cao cấp của Tề quốc, và cả các chất tử, thương nhân, những người du học, du sĩ của các quốc gia khác.
Thành Lâm Truy vô cùng bao dung tiếp nhận tất cả, do đó tạo nên khí chất đặc thù của nơi đây.
Nhưng tòa thành thị này, không phải lúc nào cũng huy hoàng.
Dư Lý phường không nghi ngờ gì chính là một trong những nơi nghèo nhất của thành Lâm Truy.
"Nghe nói trước kia nơi đây là nơi sinh sống của ngư dân. Chẳng qua theo từng năm trôi qua, từ từ mới được gọi là Dư Lý phường. Nhưng thật ra ở đây người họ Dư cũng không nhiều" Trọng Huyền Thắng kiêm luôn người dẫn đường, giới thiệu cho Khương Vọng.
Hai người đều đã cải trang qua, vì để che giấu hành tung cho nên cũng không mang theo tùy tùng. Chẳng qua là với hình thể của Trọng Huyền Thắng, ở nơi ở của dân nghèo này, nói thế nào cũng hơi lộ liễu một chút.
Cả người Khương Vọng được bao bọc trong áo bào đen, nghe thế thì kinh ngạc hỏi: "Nơi đây không phải cách rất xa quận Lâm Hải sao? Ngư dân sống thế nào được?"
Cả Tề quốc chỉ có ba quận gần biển, quận Tĩnh Hải chính là một trong số đó, nhưng thật ra cũng chỉ có rất ít đường ven biển, phần lớn đường ven biển, đều ở gần quận Lâm Hải.
"Ai mà biết?" Trọng Huyền Thắng lắc đầu nói: "Có lẽ trước kia thành Lâm Truy không xa biển như vậy"
Có lẽ rất lâu trước đây, Lâm Truy gần biển.
Bãi bể nương dâu, năm tháng thay đổi, những thứ lịch sử phủ đầy bụi bặm kia không ai biết rõ, chẳng qua hai người này cũng không quá tò mò đối với những chuyện không liên quan.
Có lẽ người đến đây sớm nhất mang họ Dư, còn chuyện "nơi ngư dân sinh sống" mà Trọng Huyền Thắng nghe được mới là tin vịt cũng nên.
Bọn họ đều không tính đến khả năng những ngư dân đó là sinh sống dựa vào sông Truy Hà, bởi vì từ khi Tề quốc khai quốc đến nay, sông Truy Hà đã cấm người dân khai thác, đây là cấm lệnh.