Chương 21: Thu Hết Đông Sang
Hàn lộ (1) tháng chín qua đi, nhiệt độ không khí hạ xuống rõ rệt, những cơn mưa lớn thi nhau đổ xuống khiến cho thành Giang Ninh như thể chìm trong một màn sương mù mênh mang. Mưa cuối thu không ồn ào như mưa mùa hạ mà dường như mang theo một thoáng hơi lạnh mùa đông, từng chút từng chút thấm vào trong quần áo.
Lúc đi ngang qua con ngõ nhỏ đối diện cây cầu gỗ, Ninh Nghị tiện tay phủi phủi vệt nước đọng trên trường bào. Trong những ngày mưa như thế này mà mặc trường bào thì quả thực có chút bất tiện, dù sao những việc này Tiểu Thiền vẫn giỏi hơn nhiều. Nếu phải ra ngoài lúc trời mưa, nàng sẽ không mặc váy mà mặc áo thêu hoa văn màu xanh nhạt cùng với quần dài, trên đầu vẫn trùm một cái khăn xinh xắn như thường lệ, chân đi giày thêu xanh nhạt. Nàng bận y phục đến là nhẹ nhàng, vừa nãy chậm lại phía sau có lẽ là do mua đồ, bây giờ nàng đang cầm cây dù giấy dầu băng qua từng vũng nước đọng trên đường, tựa như con chim én đang bay đến.
- Cô gia, cô gia, chờ em một chút.
- Làm gì vậy?
- Mua vài thứ ấy mà.
Chạy đến trước Ninh Nghị, Tiểu Thiền cười cười lấy ra một quyển sách nhỏ, nói:
- Vừa nãy đi ngang qua cửa tiệm kia thấy cuốn sách này mới ra, đoán chắc là cô gia chưa xem nên em dừng lại mua.
Đó là một quyển tiểu thuyết thoại bản(2) mới xuất hiện trên thị trường, tên là “Quỷ hồ kỳ duyên”. Loại tiểu thuyết như vậy ở thời này khá phổ biến, hành văn cũng tương đối dễ hiểu, có cái nói về truyền thuyết trong lịch sử, cái thì kể lại những chuyện tình trong dân gian, đặc biệt là loại truyền thuyết về tình yêu pha chút yêu mị hoang đường thì khá nhiều, một vài truyện ra đời rất được chào đón, được kể lại trong các quán trà quán rượu. Ninh Nghị gần đây xem các loại tiểu thuyết như vậy cũng không phải là ít, thành ra Tiểu Thiền cũng biết, thỉnh thoảng nhìn thấy quyển nào mới thì lại mua mang về cho Cô gia.
Tính giải trí của loại tiểu thuyết này so với mấy câu chuyện hiện đại tất nhiên là không bằng nhưng tính ra vẫn khá nổi trội so với những thể loại khác trong thời này, lúc buồn chán có thể đọc chơi, dù sao cũng là cổ văn, có thể giúp bản thân dung hòa dần với phong tục thời đại này. Ninh Nghị mỉm cười nhận lấy, Tiểu Thiền bước theo phía sau, vừa đi vừa nói chuyện.
- Hồi trưa người kia nói thật là khó chịu, tiểu Thiền thật muốn mắng hắn một trân.
- Ừ...
- Chuyện gì cũng không biết, toàn là đoán mò, lại còn dám khoác lác trong tửu lâu mình là tài tử gì đó nữa, người như vậy đi thi tú tài chắn chắn là không đậu nổi.
- Ừ...
- Xem Cô gia kìa, đây là tiểu Thiền bất bình dùm cho huynh đó, ai bảo người kia dám nói xấu huynh.
- Có liên quan gì đâu?
- Sao lại không liên quan, người này...Hừ, thôi được rồi, biết là Cô gia không thèm để ý mấy người kể chuyện tầm thường kia, nhưng tiểu Thiền nghe xong thấy cũng không được thoải mái, dù sao vẫn là bôi nhọ thanh danh Cô gia. Nếu ngay lúc đó Cô gia mà viết một bài thơ mắng lại thì tiểu Thiền sẽ mang thẳng qua đó đập một phát lên đầu hắn.
- Úi, nhưng hắn không nhận ra ta.
Ninh Nghị mở một trang tiểu thuyết ra.
- Ta ngồi bên cạnh hắn mà.
- Thì vậy nên mới tức!
Từ hội thi thơ tết Trung thu tới nay đã gần hơn một tháng, dư luận bàn tán về khúc Thủy Điệu Ca Đầu đến nay đã thay đổi hoàn toàn. Trong vòng mười ngày đầu, bình luận về lời bài thơ gần như đạt đến đỉnh cao, những hiếu kỳ và nghị luận liên quan đến Ninh Nghị trong khoảng thời gian này cũng là nhiều nhất... Sau đó dư luận liền nhanh chóng chìm xuống, chiều hướng dư luận bắt đầu hướng về các tầng nghĩa đặc biệt bên trong.
Việc truyền bá dư luận trên phố dù sao cũng mang tính nóng hổi và nhất thời. Với người dân lao động, khoảng mười ngày sau Trung thu bọn họ còn có thể học đòi văn vẻ một chút, sự quan tâm đến chuyện xảy ra trong hội thi thơ sẽ dần bị thay thế bởi những chuyện đời thường. Đời sống vội vã gấp gáp làm cho tần suất nhắc đến chuyện này ngày càng ít đi, bình thường cũng không còn nghe bàn đến chuyện này nhiều nữa..
Nhưng những nghi vấn và tán thưởng lại bắt đầu xuất hiện ở các nhóm văn nhân sĩ tử, ảnh hưởng của bài thơ Thủy Điệu Ca Đầu vẫn không không ngừng lan rộng thông qua miệng lưỡi hay là thư tín của đám văn nhân sĩ tử, nhưng nghi vấn và suy đoán về Ninh Nghị lại chỉ dừng lại trong phạm vi Giang Ninh mà thôi. Ví dụ như một tên sĩ tử ở Đông Kinh nghe xong Thủy Điệu Ca Đầu sẽ tán thưởng không ngớt, nhưng lại chẳng biết Ninh Nghị là ai, mà có khi còn không hay Ninh Nghị là người viết bài thơ này... vả lại cũng chẳng cần để tâm vì dù sao gã cũng ở xa tít.
Vũ triều tương tự như Tống triều, Nho học đạt đến đỉnh cao, văn nhân sĩ tử chiếm tỉ lệ tương đối lớn trong xã hội. Từ “tương đối lớn” này cũng chỉ đúng cho ngàn năm trước thôi, mặc dù đây là triều đại văn nhân đông đảo nhất từ trước tới giờ, nhưng so với thời hiện đại của Ninh Nghị thì tỷ lệ này vẫn chẳng đáng vào đâu, bởi vậy nên không quá một tháng thì mọi chuyện gần như đã yên bình trở lại. Như trưa nay, lúc ăn cơm bên ngoài Ninh Nghị vô tình nghe được vài tên văn nhân thừa cơ nói mấy điều không tốt về mình. Mấy chuyện này thỉnh thoảng vẫn còn xảy ra.
Ngày ấy, sau khi gã nói suy nghĩ của mình cho Khang lão và Tần lão, Khang lão cảm thấy hôm Trung thu đó việc mình ra tay đổ thêm dầu vào lửa quả thực có vẻ hơi thừa. Sau khi lão trợ giúp Ninh Nghị, một số học sinh nghe tiếng bèn tìm tới Ninh Nghị xin chỉ giáo. Mấy tháng gần đây, lời mời từ các hội rất nhiều nhưng tất cả thiệp mời đều bị Ninh Nghị bỏ qua, còn những người thực sự tới xin lĩnh giáo thì chỉ vẻn vẹn có ba nhóm, một nhóm tự mình tới chào hỏi, còn hai nhóm kia tới gặp Ninh Nghị đang giảng luận ngữ cho bọn nhỏ, liền đưa ra đề tài:
- Thường nói chỉ cần hiểu được một nửa cuốn Luận Ngữ (3) là đã có thể trị thiên hạ, hôm nay nghe Ninh huynh giảng ý này, tin rằng trình độ ắt hẳn phải rất cao thâm, không biết câu abc... này phải giải thích thế nào?
Việc này là do tư duy theo thói quen, thấy đối phương đang nói về cái gì thì liền tìm lời nói về cái đó. Đối với loại chữ Khải trong Tứ thư(4), Ninh Nghị từng xem qua mấy lần nên vẫn có chuẩn bị, lại được hun đúc trong thời đại bùng nổ tri thức thời hiện đại, dù có thuận miệng nói ra một chút triết lý cũng khiến người ta phải suy nghĩ là điều đương nhiên, đối phương nhất thời khó mà bắt bẻ được. Những người đó khi đến chắc chắn đã có chuẩn bị vài vấn đề hóc búa, chỉ có điều với phong độ và khả năng của Ninh Nghị thì đến nữ tử như Nhiếp Vân Trúc còn bị hắn thuyết phục, sá gì đám thư sinh này. Giải đáp xong một đoạn Luận Ngữ mà vấn đề cốt lõi vẫn chưa giải thích rõ, Ninh Nghị đối phó một hồi rồi bỏ đi, người ngoài cảm thấy gã uyên bác, cao thâm khó dò, sau đó ngẫm lại thì thấy phần lớn vấn đề vẫn chưa được giải đáp.
Cứ như vậy từng hội, từng nhóm đến khiêu khích, rồi cũng có cá nhân tới, một gã dở hơi tên là Lý Tần mỗi ngày đều tới, nói rằng cảm thấy rất hứng thú với những cố sự Ninh Nghị thuận miệng kể nên tới đợi nghe. Mấy ngày trước, sau giờ học hắn đến hỏi Ninh Nghị vài vấn đề, chủ yếu là muốn lĩnh giáo Ninh Nghị về mấy cố sự kia, trên thực tế những vấn đề đó đều không rời ‘Luận Ngữ chi nghĩa’. Hắn không có gây hấn gì, Ninh Nghị nói với hắn hơn nửa canh giờ, sau đó thì không còn thấy đến nữa.
Có rất nhiều người nói Ninh Nghị là ăn không ngồi rồi, không học vấn không nghề nghiệp, lại có người hoài nghi rằng khi nhắc đến khúc Thuỷ Điệu Ca Đầu không chừng gã lại chuốc lấy ô danh. Thực sự nếu như Ninh Nghị muốn rửa tiếng oan, chứng minh mọi việc là đúng thì bất kỳ lúc nào, gã chỉ cần nói một tiếng là làm được. Có điều, lúc này gã không để mấy chuyện như thế ở trong lòng.
Trong những nghi vấn bên ngoài, loáng thoáng có lưu truyền tin đồn liên quan đến việc đạo sĩ ngâm thơ bị Ninh Nghị đạo thơ, nhưng không có nhiều người tin vì việc này không thể tra xét. Thế nhưng những việc này đều đúng với tính toán của Ninh Nghị từ lâu, sau khi nghe qua liền chỉ cười một tiếng mà không để tâm đến nữa.
Về chuyện phấn viết bảng, nửa tháng sau ngày nói chuyện với Khang Hiền, gã đã chế ra được một ít, chất lượng cũng không đến nỗi tệ lắm. Vậy là quá trình bảng trắng thay thế thành bảng đen chỉ mất vẻn vẹn có mười ngày đã xong, kể từ đó lúc lên lớp cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Hiệu quả cụ thể nhất thời vẫn chưa biểu hiện ra nên quá trình đi dạy của gã vẫn như trước: đọc sách, diễn giải, kể chuyện xưa, chỉ có vậy thôi, nhưng ngược lại nhiệt tình hình học tập của đám con nít tăng lên rất rõ rệt.
Chuyện này ở lớp học làm bầu không khí trở nên hăng hái hơn, e là thời đại này cũng không gặp được nhiều tình huống như vậy, đám học trò rất thích thú còn phần lớn lão sư thì lắc đầu. Tô Sùng Hoa lại nói bóng nói gió một hồi buộc Ninh Nghị phải giảng giải chỗ hay của phương pháp học này với hắn một lúc thì hắn mới không nói nữa. Với lại bây giờ Ninh Nghị đã là một tài tử nổi tiếng, có hào quang từ khúc Thủy Điệu Ca Đầu kia nên hắn cũng không tiện quản, hơn nữa thư viện vẫn mãi không có gì tiến triển cả mà có khi còn tệ hơn, thôi thì kệ gã đi, nhìn có vẻ cũng được.
Gã cứ buổi sáng giảng bài, buổi chiều đi dạo hoặc qua chỗ Tần lão đánh cờ như trước, đương nhiên phải là lúc trời không mưa mới được.
Phần lớn thời gian tiểu Thiền vẫn đi theo hắn, đồng thời cũng tới nghe giảng bài. Nàng rất thích những câu chuyện xưa Ninh Nghị kể, có cả những câu chuyện hoang đường kỳ quái, khi trở về nàng có thể giảng giải khoe khoang với hai vị tỷ muội. Ninh Nghị cảm thấy nàng theo mình rất sát, chắc là do ý của Tô Đàn Nhi, chuyện chính mình viết khúc Thủy Điệu Ca Đầu còn có thể tưởng tượng ra thì chuyện này gã thông cảm được, dù sao cũng chẳng hề gì.
Đương nhiên việc làm gã khá nghi ngờ chính là việc thê tử của mình thực sự muốn tìm ra lý do để giải thích việc mình viết khúc ca kia. Bởi vì trong mấy ngày đầu, lúc cả nhà ăn cơm thì ánh mắt đối phương nhiều lần liếc nhìn, sau đó liền tránh đi ngay. Nàng lại tiếp tục chuyên tâm vào công việc, mỗi ngày xe ngựa đến rồi đi, lúc dùng cơm, nói chuyện đều khôi phục thái độ như trước đây, trong lời nói cũng không có ý tứ thăm dò gì, việc này ngược lại làm Ninh Nghị cảm thấy có chút hứng thú. Cuối cùng nàng chắc cũng tìm được cái gì để chấp chận và lý giải cho chuyện này... mà cũng không rõ nữa.
Ngoại trừ những sinh hoạt giống như trước đây, thỉnh thoảng Ninh Nghị cũng hỏi thăm tin tức liên quan đến võ công hay nội công. Tô gia có một nhóm hộ vệ, nghe nói có người khổ luyện công phu rất cao, nhưng mà cũng chỉ bằng trình độ ngạnh khí công trong quân đội hiện đại, có thể dùng đầu chấn nứt gạch đá. Còn về nội công thần bí, theo như hắn biết thì thời đại này cũng có, có thể là các cao thủ trong một số ít đại môn phái nổi tiếng, nhưng mà muốn đi học cũng rất khó khăn.
Gần đây, Ninh Nghị bắt đầu thu thập tin tức về lĩnh vực này, gã cảm thấy rất hứng thú với vấn đề đó. Ở thời đại này làm quan cũng tốt, kinh doanh cũng ngon, mà tạo phản cũng được, chẳng qua đều là trò đùa ở hiện đại, là tác động qua lại giữa người với người mà thôi. Hiện tại chỉ có võ công là mới mẻ với gã, nếu quả thật có cơ hội, gã thực sự muốn tiếp xúc một lần xem thử nội công là như thế nào, chỉ hy vọng không phải lừa bịp như thời hiện đại. Gã cũng không tham lam, chỉ cần đứng tại chỗ nhảy lên một trượng là được, đương nhiên nếu như được... hai trượng gã cũng không chê đâu.
Muốn luyện võ công thì trước hết cần phải có một thân thể tốt, giờ nếu tìm đại hiệp gì đó đến dạy mình cũng chưa chắc ăn, tự mình làm đến nơi đến chốn mới là tốt nhất. Vậy là cứ mỗi buổi sáng trời không mưa, gã bèn dậy tập luyện từ tinh mơ, duy trì như trước. Đồng thời, gã có ý định tăng cường độ lên mấy lần nữa để mang lại hiệu quả tối ưu. Gập bụng, hít đất, chạy cự li dài. Hôm trước, lúc chạy qua căn nhà Nhiếp Vân Trúc hiện đang ở, nữ tử mặc y phục mộc mạc đứng phía ấy bỗng nhìn thấy gã. Nàng đợi gã chạy đến gần liền vén áo thi lễ:
- Ninh công tử!
Toàn thân Ninh Nghị mồ hôi đầm đìa, thở hồng hộc, miễn cưỡng lắm mới rặn ra được một nụ cười trên mặt, phất phất tay, hít ha không nói nên lời, sau đó... cứ như vậy chạy đi...
...Để lại Nhiếp Vân Trúc đứng đó sửng sốt hồi lâu.
Thật ra nàng cũng phải đắn đo mãi mới quyết định bước ra chào...
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
(1) Hàn Lộ: Một trong 24 tiết trong năm.
(2) Một hình thức tiểu thuyết Bạch thoại phát triển từ thời Tống, chủ yếu kể chuyện lịch sử và đời sống xã hội đương thời, thường dùng làm cốt truyện cho các nghệ nhân sau này.
(3) Luận Ngữ: sách chép lời nói và hành động của Khổng Tử và một số học trò.
(4) Chữ Khải trong Tứ Thư