Chương 188: Gió xuân tháng hai như chiếc kéo
Huỳnh Dương, do các vùng đông Quắc (Quắc: tên nước thời Chu, nay thuộc vùng Thiểm Tây, Hà Nam, Trung Quốc), Kinh, Huỳnh Dương, Thành Cao, Huỳnh Trạch, Tị Thủy, Võ Thái, Hà Âm, Quảng Võ…phân chia và phát triển mà thành, cho nên còn được gọi là Huỳnh Châu. Trong vùng, đất đai màu mỡ, sản vật phong phú, núi non vô cùng đẹp đẽ, có những cửa ải hiểm yếu như Huỳnh Dương quan, Hổ Lao quan, lại có những ngọn núi, con sông nổi tiếng như Quảng Võ sơn, Hồng Câu v.v…Nếu lần ngược theo lịch sử hơn bảy, tám trăm năm của nó, nơi đây cũng là một trung tâm chính trị và thị trấn quan trọng từ thời Xuân Thu Chiến Quốc tới nay.
Năm 581, Tùy Văn Đế Dương Kiên thành lập nhà Tùy, đổi tên Huỳnh Châu thời nhà Bắc Chu thành Trịnh Châu, đặt trị sở ở Thành Cao.
Mà sau khi về tay nhà Đường, khu trực thuộc của Trịnh Châu lại mở rộng hơn so với thời nhà Tùy, đặt năm huyện huyện Mật, Tị Thủy, Huỳnh Dương, Huỳnh Trạch và Thành Cao thành các huyện của nó. Tới năm thứ bảy Trinh Quán, tức năm 633, châu nha, phủ sở của Trịnh Châu ở Thành Cao được chuyển tới Quản Thành.
Bất kể trị sở của Trịnh Châu dời tới địa phương nào, vào thời này, huyện Huỳnh Dương vẫn giữ một địa vị hết sức quan trọng.
Ở vào thời đại mà “kẻ nào được Trung Nguyên, sẽ được cả thiên hạ”, hệ thống quản lý của Huỳnh Dương xem như là huyện Xích, huyện Kỳ (Xích, Kỳ là huyện bậc nhất trong bảy bậc xếp hạng thời xưa, cũng dùng để chỉ nơi chịu sự quản lý trực tiếp của vua, tức kinh đô và vùng lân cận), nhân khẩu vượt quá mười vạn. Toàn bộ Trịnh Châu, châu phủ được đặt ở Quản Thành, nhưng trung tâm của nó lại ở Huỳnh Dương. Dù sao, năm thứ hai niên lịch Chí Thánh, nhân khẩu Quản Thành cũng chỉ gần bốn vạn, thậm chí còn chưa bằng phân nửa nhân khẩu của Huynh Dương. Bởi vậy, mức độ phồn thịnh của nó, còn xa mới bằng được Huỳnh Dương.
Tuy nhiên, sự phồn vinh và tươi đẹp của Huỳnh Dương không phải chỉ do ưu thế về kinh tế, chính trị và nhân khẩu của nó.
Ưu thế thật sự của Huỳnh Dương, chính là lịch sử và văn hóa lâu đời của nó.
Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc tới nay, Huỳnh Dương trải qua hơn nghìn năm phát triển, đã dựng dục nên hai dòng họ to lớn, danh tiếng truyền xa.
Về họ Trịnh ở Huỳnh Dương, đương nhiên không cần phải nói nhiều. Đây là một trong “Ngũ Tính Thất Đại Gia” (Năm họ, bảy danh gia vọng tộc), là nhà giàu sang quyền thế bậc nhất ở Trung Nguyên, nhân tài xuất hiện lớp lớp.
Nhưng ngoài Trịnh thị ra, trong lịch sử Huỳnh Dương còn có một họ thuộc dòng dõi quý tộc lâu đời hơn nhiều, đó chính là Phan thị Huỳnh Dương. Lịch sử của dòng họ Phan thậm chí có thể lần ngược tới tận năm thứ tư Thành Vương đời Tây Chu, tức 1040 TCN. Lúc ấy, nhà Chu còn hưng thịnh, Chu Công Đán lại chỉnh đốn các nước chư hầu, đổi Phan ấp thời đó thành Phan quốc, Quý Tôn Công vì có công, được phong làm Huỳnh Dương hầu, đồng thời đặt tông miếu ở Huỳnh Dương. Sau đó, lại mở Huỳnh Dương đường, trở thành nhà quyền quý duy nhất ở Huỳnh Dương.
Thế nhưng vật đổi sao dời, biển cả biến thành ruộng dâu.
Phan thị Huỳnh Dương dần dần xuống dốc, mà Trịnh thị lại dần dần quật khởi. Hai nhà đại quyền quý sánh vai nhau, không ngừng tranh đấu với nhau.
Thời Tây Tấn, Phan thị có Phan Nhạc ngang trời xuất thế, làm quan tới chức Hoàng môn Thị lang.
Về sau, ông ta theo chức quan mà mở đường hiệu, gọi là Hoàng Môn đường. Ngoài ra, trong lịch sử còn có Phan An vô cùng nổi tiếng, cũng xuất thân từ Phan thị Huỳnh Dương. Tuy nhiên hắn cũng không phải phát xuất từ dòng chính Huỳnh Dương, mà là từ chi phụ ở huyện Củng.
So ra, người có tiếng tăm của họ Trịnh Huỳnh Dương, đã vượt xa họ Phan.
Lịch sử của họ Trịnh không lâu đời bằng họ Phan, thế nhưng nhân tài trong dòng họ xuất hiện lớp lớp, thanh thế dần dần đè ép họ Phan, trở thành vọng tộc bậc nhất ở Huỳnh Dương. Tuy nhiên, từ sau vụ chính biến Huyền Vũ môn, họ Trịnh bắt đầu bước vào thời kỳ suy yếu. Bắt đầu từ thời Trinh Quán (thời kỳ trị vì của Đường Thái Tông), Trịnh thị không còn nhiều nhân tài chiếm được địa vị quan trọng ở triều đình nữa. Nguyên nhân của việc này, ngoại trừ do sự mạnh mẽ chèn ép của triều đình đối với dòng dõi quý tộc danh môn ra, quan trọng nhất chính là trong vụ chính biến Huyền Vũ môn, Trịnh thị đã đứng sai phía.
Do Trịnh thị có con gái gả cho Lý Kiến Thành làm Thái tử phi, do đó cùng chung chiến tuyến với Lý Kiến Thành.
Bọn họ liên thủ tiến đánh phe Tần Vương phủ, nào ngờ cuối cùng Lý Thế Dân liều chết đánh cược một lần, lại giành được thắng lợi.
Điều này cũng khiến cho vị thế của Trịnh thị trở nên hết sức chật vật.
Sau khi Lý Thế Dân lên ngôi, gần như chèn ép Trịnh thị một cách lộ liễu.
Tất cả con cháu có vị trí đầu não của Trịnh thị đều bị chuyển đi làm quan ở tỉnh ngoài, hơn nữa đa số là nơi biên cương xa xôi.
Đương nhiên, ai không đi cũng được, nhưng như vậy thì cứ ở nhà an phận mà làm thường dân.
Cũng bởi vì nguyên nhân này, trong “Ngũ Tính Thất Đại Gia”, tổn thất của Trịnh thị là nghiêm trọng nhất, do đó xem như rơi vào thời kỳ “ngủ đông”.
Nhưng chính trong thời kỳ này, Trịnh thị lại bị Phan thị từ phía sau từ từ vượt qua.
Phan thị theo gót Võ Tắc Thiên và được xem trọng. Tám năm nay, Phan thị có tới mười mấy người làm tới thứ sử, trong khi Trịnh gia chỉ có ít ỏi mấy người mà thôi. Nếu không nhờ nỗ lực của Trịnh Linh Chi – người mang hàm tòng tam phẩm và giữ chức giáo úy ở Hà Nam, tình thế của Trịnh thị sẽ càng thê thảm. Bởi vậy, đối mặt với sự gây sự của người Phan gia, Trịnh gia chỉ đành yên lặng chịu đựng.
Ngày mười tám tháng hai năm thứ hai Thánh Lịch, khắp nơi tràn đầy hơi xuân.
Ánh mặt trời ấm áp chiếu rọi khắp nơi.
Bên hồ Động Lâm gió nhè nhẹ thổi, khiến hàng dương liễu ven bờ theo gió lay động.
Sóng nước lăn tăn, khiến cảnh sắc càng thêm phần dịu dàng đẹp đẽ. Trên mặt hồ có mấy chiếc thuyền hoa, loáng thoáng truyền đến tiếng đàn sáo ca hát.
Trên bờ, trai thanh gái lịch mặc Hoa phục, dạo chơi ven hồ, hoặc cao giọng trò chuyện, hoặc cúi đầu nói nhỏ.
Quả là một bức tranh xuân tuyệt mỹ. Ngồi trông Quan Thủy các bên hồ Động Lâm, Trịnh Kính Tư ngắm nhìn cảnh vật đầy sắc xuân bên ngoài cửa sổ, nhưng trong lòng hết sức kích động. Nếu không có đứa con cưng bên cạnh, y đã động thủ với đối phương rồi.
Nguyên nhân hết sức đơn giản.
Hôm nay là ngày Trịnh Trường Dụ, con cháu chi thứ hai bắc tổ đi Hứa Châu nhậm chức thứ sử Hứa Châu, con cháu Trịnh gia đều đến đây chúc mừng.
Trịnh Kính Tư là em họ của Trịnh Trường Dụ, từng là bí thư lang thời Đường Cao Tông. Nhưng vì phản đối Võ Tắc Thiên đăng cơ, mà y bị bãi chức, về nhà bế môn tư quá (đóng cửa nghiền ngẫm lỗi lầm). Trịnh Kính Tư là con cháu chi thứ sáu bắc tổ Trịnh thị Huỳnh Dương, có ông nội là Trịnh Đạo Viên, là quan viên thời nhà Tùy, bởi vì đứng sai phía, cũng bị biếm chức. Mà cha Trịnh Kính Tư là Trịnh Hoài Kiệt cũng vì vấn đề đứng sai phía, sau khi mất mới được truy phong làm thứ sử.
Cho nên có thể nói, về vấn đề đứng về phe nào, Trịnh thị thật sự có phần không may mắn.
Năm nay ba mươi tuổi, Trịnh Trường Dụ được bổ nhiệm thứ sử Hứa Châu, có thể nói là từ sau chính biến Huyển Vũ môn, ngoại trừ Trịnh Linh Chi, y là người lên chức nhanh nhất trong Trịnh thị. Hứa Châu cũng không phải là nơi biên hoang, mà ở cạnh Trịnh Châu, chính là nơi mà đời sau gọi là Hứa Xương.
Mới 30 tuổi đã lên tới chức thứ sử Hứa Châu, ắt hẳn không bao lâu nữa, Trịnh Trường Dụ có thể gia nhập hàng ngũ quan viên đầu não.
Cho nên, người của Trịnh gia rất xem trọng việc này, con em chi thứ bảy bắc tổ nếu đang ở Huỳnh Dương, đều phụng mệnh đến tiễn đưa.
Trịnh Kính Tư không thấy hào hứng cho lắm, nhưng Trịnh Kiền con y lại có vẻ rất hứng thú đối với việc này.
Năm nay Trịnh Kiền mới tám tuổi, là con độc nhất của Trịnh Kính Tư, từ nhỏ đã bộc lộ tài trí phi phàm, rất thông minh lanh lợi.
Nhưng không ai ngờ, đây lẽ ra là một cuộc đưa tiễn đầy vui vẻ, lại gặp phải sự khiêu khích của Phan gia.
Hôm nay Phan Hoa, một thanh niên của Phan gia cũng mở tiệc rượu ở Quan Thủy các này.
Hai nhà ân oán đã lâu, chỉ cần gặp mặt là sẽ xảy ra tranh chấp.
Hôm nay cũng không ngoại lệ, con cháu Phan gia do Phan Hoa cầm đầu, thấy con cháu Trịnh gia tụ họp, liền tỏ ý khiêu khích.
Đương nhiên, con cháu danh gia vọng tộc có tranh chấp, đa số cũng không dùng nắm tay để giải quyết. Theo bọn họ, đó là hành động của kẻ quê mùa. Vì thế, Phan Hoa đề nghị lấy hàng liễu bên hồ Động Lâm làm đề tài, mỗi bên làm ba bài thơ để phân cao thấp.
Đương thời, đây là một hình thức thi đấu hết sức phổ biến, gọi là thi thơ.
Con cháu Trịnh gia đều là dòng dõi thư hương, làm sao có thể tỏ ra yếu thế.
Đối với cuộc thi này, Trịnh Kính Tư thấy rất hứng thú, cho nên liền tham gia. Chỉ có điều, gã Phan Hoa kia rõ ràng là đã có chuẩn bị từ trước, trong khi con cháu Trịnh gia còn đang suy nghĩ, gã đã vung bút viết lên tường một bài thơ.
“Bích ngọc trang thành nhất thụ cao, vạn điều thùy hạ lục ti thao, bất tri tế diệp thùy tài xuất, nhị nguyệt xuân phong tự tiễn đao.” (1)
Phan Hoa múa bút làm thơ, biểu lộ tài trí mẫn tiệp của gã. Hơn nữa, bài thơ này rất phù hợp với cảnh sắc trước mắt, khi đọc xong bài thơ, ngay cả bọn Trịnh Trường Dụ và Trịnh Kính Tư cũng phải thầm tán thưởng.
Quan trọng hơn là, trong thoáng chốc, Phan Hoa đã làm đám con cháu Trịnh gia bị rối trí, chân tay đều luống cuống.
Đúng lúc này, bên tai khẽ vang lên một tiếng “A” nho nhỏ, khiến Trịnh Kính Tư không kìm được, quay đầu nhìn lại.
(1) Bài thơ “Vịnh liễu” của Hạ Tri Chương, nhà thơ đời Đường.
Dịch nghĩa:
Vịnh Liễu
Cây cao đẹp như mỹ nhân điểm trang bằng ngọc bích, hàng vạn cành xanh tươi rũ xuống mềm như tơ lụa. Không biết những tấm lá nhỏ bé này do ai cắt (mà khéo thế) ?
(Ấy chính là) gió xuân tháng hai như chiếc kéo (của thợ trời đã cắt đấy).