Chương 211: Tam Hoàng quan (1)
Trịnh Kiền, tự Xu Đình, trong quyển nhị Tân Đường thư, có chép những chuyện liên quan tới ông ta.
Ông là nhà thơ, nhà thư họa, đồng thời cũng là một nhà Nho thông thái, tinh thông thiên văn, địa lý, bác vật (tên gọi chung các môn khoa học về động vật, thực vật, khoáng vật), binh pháp, y dược và hầu như là một bộ bách khoa toàn thư sống. Về sau Đỗ Phủ xưng tụng ông là “Bậc thầy trong những nhà Nho Huỳnh Dương, văn chương được lưu truyền trên cửa miệng của thiên hạ”. Sách tra cứu “Từ Hải”, “Từ Nguyên” của ông được phổ biến rộng rãi ở đời sau và được nhiều người khen ngợi.
Tuy nhiên cuộc đời Trịnh Kiền hết sức long đong, trọn đời xuyên suốt cả thời Thịnh Đường.
Cuối cùng, sau khi loạn An Sử chấm dứt, do từng bị An Lộc Sơn bắt giam, cho nên Trịnh Kiền bị kết tội, giáng chức và chuyển đến làm Thiên ty hộ tham quân ở Đài Châu. Từ đó về sau, cho đến lúc qua đời, ông cũng không rời khỏi Đài Châu, bảo tồn một chi họ Trịnh ở Đài Châu.
Cuộc đời của Trịnh Kiền, chính là hình ảnh thu nhỏ của họ Trịnh Huỳnh Dương thời Thịnh Đường.
Nếu cẩn thận xem xét sách sử, sẽ nhận thấy trong thời kỳ Đường Huyền Tông chấp chính, các đại thế gia đều xuất hiện nhân tài, chỉ riêng Trịnh thị trước sau lặng yên không tiếng động.
Mãi đến thời Đức Tông, Trịnh gia mới xuất hiện hai tể tướng.
Nhìn ở một góc độ nào đó mà nói, tình trạng này xảy ra, phát xuất từ sự gián đoạn của của Trịnh thị Huỳnh Dương, thế cho nên sau khi Trịnh Kiền lớn lên, chính là giai đoạn suy yếu nhất của Trịnh thị, do đó cũng tạo thành số phận long đong của Trịnh Kiền.
Tuy nhiên, vào lúc này, đương nhiên Trịnh Kính Tư không thể ngờ đứa con trai cưng trong lòng mình, sau này sẽ phải đương đầu với số phận long đong.
Y đã nhận ra, Trịnh Kiền có thiên tư phi phàm, nếu cẩn thận bồi dưỡng, mai sau nhất định sẽ trở thành một kẻ đại tài.
Về tình trạng khó khăn mà Trịnh gia hiện đang gặp phải, Trịnh Kính Tư cũng hiểu rất rõ. Chính vì nguyên nhân này, y mới đồng ý với ý kiến của Trịnh Hoài Việt, muốn thu nhận Dương Thủ Văn để tiến hành bồi dưỡng, để sau này thanh danh của Trịnh gia được tiếp tục duy trì.
Dương Thủ Văn về đến nhà, thấy Dương Thừa Liệt vẫn ngồi ngây ra trong thư phòng.
- Phụ thân, vừa rồi Nhập cửu thúc tìm phụ thân có việc gì không?
Hắn đi vào thư phòng, tiện tay khép cửa lại.
Dương Thừa Liệt như chợt hồi tỉnh, thấy Dương Thủ Văn ngồi ở trước mặt, liền cười nói:
- Không có gì. Chỉ là trò chuyện chút việc nhà, nhân tiện nói cho ta biết, ngày mai hắn và Thập tam lang sẽ đi cùng chúng ta tới Quảng Vũ sơn, bái tế mẫu thân ngươi.
- Hả?
Dương Thủ Văn lộ vẻ nghi hoặc.
- Vừa rồi ta tìm Nhập cửu thúc bàn bạc, nói hắn giới thiệu giúp ta một thợ ủ rượu.
- Nhập cửu thúc sốt sắng nhận lời, nói sẽ giới thiệu Lộc Vị Cửu ở trấn Long Tuyền cho ta, làm ta cảm thấy rất kỳ lạ.
- Đây không phải chuyện tốt sao? Sao lại kỳ lạ?
Dương Thủ Văn gãi gãi đầu, hạ giọng nói:
- Tặng lễ vật cho người, ắt có việc cần nhờ vả! Tuy Nhập cửu thúc coi như là thân thích, nhưng ông ấy đồng ý quá sốt sắng, khiến con hơi bất an. Nếu là cậu con, con còn có thể hiểu được, cũng có thể tiếp nhận, nhưng Nhập cửu thúc và chúng ta dù sao cũng cách nhau xa hơn, ông ấy càng nhiệt tình và dễ chịu như vậy, con lại càng thấy không thích hợp.
Đúng vậy, hắn đương nhiên sẽ cố gắng hết sức thỏa mãn yêu cầu của ngươi!
Ánh mắt của Dương Thừa Liệt lộ vẻ rất phức tạp.
Một lúc lâu sau, nét mặt giãn ra, ông ta cười nói:
- Nhập cửu thúc là một người rất sảng khoái, chân thực, nhiệt tình, là do ngươi suy nghĩ hơi nhiều thôi.
- Thật vậy sao?
Dương Thủ Văn không tin tưởng lắm vào điều đó.
Dương Thừa Liệt nói:
- Đương nhiên rồi, bằng không ngươi cho là mình có cái gì đáng giá, để Nhập cửu thúc phải cầu ngươi?
- Dạ đúng rồi, phụ thân nói rất có lý.
- Được rồi, đừng ở chỗ này quấy rầy ta suy xét sự việc, ta còn có việc quan trọng phải cân nhắc, ngươi về nghỉ ngơi đi.
Dương Thừa Liệt bày ra vẻ mặt “Ta bề bộn nhiều việc lắm, ngươi đừng tới phiền ta”, nhìn Dương Thủ Văn mỉm cười.
Nhưng khi Dương Thủ Văn vừa bước đi, nụ cười trên mặt Dương Thừa Liệt cũng vụt tắt, thay vào đó là vẻ ngưng trọng.
Ông ta đứng dậy, ra khỏi phòng.
Tống thị đã dẫn Thanh Nô đi nghỉ rồi, trong đình viện rất yên tĩnh.
Ánh trăng xuyên qua những khe hở của chạc cây bách cổ thụ trong đình viện, chiếu vào mặt Dương Thừa Liệt, khuôn mặt ông ta có chút mông lung, âm tình bất định.
Ông ngồi xuống hành lang, trên khuôn mặt lộ ra một chút sầu khổ.
Vốn ông ta cho rằng, sau khi đến Huỳnh Dương, mình có thể sống một cuộc sống bình đạm suốt cả đời.
Nào ngờ, Hủy Tử muốn tìm lại Ấu Nương, cho nên muốn phải thành danh…Hơn nữa, hắn thật sự rất lợi hại, tuổi còn nhỏ đã văn võ song toàn, còn sáng tác một bài thơ rất hay. Đây là thời Đường, ai có thể sáng tác được tác phẩm xuất sắc, sẽ rất dễ dàng được kính trọng.
Nhớ khi xưa Từ Kính Nghiệp tạo phản, trong bài hịch của mình, Lạc Tân Vương – một trong “Sơ Đường Tứ Kiệt”, đã mắng Võ Tắc Thiên thậm tệ, nhưng khi Võ Tắc Thiên đọc bài hịch kia, lại trách cứ các đại thần thân cận, vì đã bỏ qua một nhân tài như vậy.
Người có bản lĩnh, rốt cuộc sẽ được người khác kính trọng.
Dương Thủ Văn có tài năng như vậy, nhất định không thể có chuyện cả đời hắn không có tiếng tăm gì.
Lời dặn dò của vợ trước khi lâm chung, Dương Thừa Liệt không quên.
Khi đó, chứng đần độn của Dương Thủ Văn chưa khỏi hẳn, Dương Thừa Liệt cũng không cần quan tâm. Để hắn vô ưu vô lự cả đời, để khi trưởng thành, hắn cưới Ấu Nương, sinh con nối dõi tông đường, cũng có thể coi như không phụ lời trối trăn của vợ.
Nhưng, từ khi hết đần độn, Dương Thủ Văn lại tỏ ra có tài năng thiên phú làm người ta kinh ngạc.
Khi đó, nếu thật sự để hắn sống nốt quãng đời còn lại ở nơi sơn thôn, cả đời không có tiếng tăm gì, lại không tránh khỏi phụ lời dặn dò của vợ trước khi chết.
Dương Thừa Liệt thật sự tin vào lời bịa đặt kia của Dương Thủ Văn.
Người xưa hết lòng tin vào quỷ thần, rất tôn trọng lời gửi gắm của người đã chết. Hơn nữa, lời nói dối của Dương Thủ Văn lại kín đáo không chút sơ hở, khiến Dương Thừa Liệt không thể không tin. Vợ ở cõi âm đã tốn công dạy dỗ mười lăm năm của, chẳng lẽ lại cứ như vậy mà uổng phí một phen tâm huyết của nàng?
Càng nghĩ, ông ta càng thấy cho Dương Thủ Văn đổi họ, là biện pháp giải quyết tốt nhất.
Theo họ mẹ, cũng không phải là chuyện gì to tát.
Người duy nhất bị ảnh hưởng, e rằng là chính bản thân ông ta. Nhưng nghĩ tới tương lai của Dương Thủ Văn, Dương Thừa Liệt lại cảm thấy, cho dù phải chịu thêm nhiều thua thiệt, cũng không hề gì. Chỉ cần Hủy Tử cảm thấy vui vẻ, là đủ rồi! Hơn nữa, làm như vậy còn có thể tránh được một phiền phức khác... Nghĩ tới đây, theo bản năng, Dương Thừa Liệt nắm chặt nắm tay, trong lòng đã có quyết định.
Quảng Võ sơn, trước kia là Tam Hoàng sơn, còn gọi Ngao sơn, đời sau dân địa phương gọi là Mang Sơn.
Tuy nhiên, Mang Sơn ở Huỳnh Dương và Bắc Mang ở Lạc Dương, không liên quan nhau.
Từ núi Lạc Đà men theo Hoàng Hà đi về phía tây năm dặm, có một dãy núi theo hướng Đông Tây. “Huỳnh Dương huyện chí” ghi lại: Quảng Võ sơn, thế núi từ bờ sông đột nhiên dựng lên, từ bắc đến nam, chạy dài không ngừng. Đỉnh núi nhọn và thanh tú, cao và dốc hơn mười trượng. Sương khói lúc bình minh và hoàng hôn, biến đổi muôn dạng.
Mạn bắc Quảng Võ sơn là Hoàng Hà cuồn cuộn, kề sát chân núi mà qua.
Phía tây nam, vạn núi tụ tập, những đỉnh núi cao chót vót.
Hang sâu núi dốc, vách đá so le, tây có ải Hổ Lao hiểm trở, đông bắc có Ngao Thương là kho lương thực, nam có trọng trấn Huỳnh Dương, là vùng mà binh gia luôn muốn tranh đoạt.
Trời mới tờ mờ sáng, cả nhà Dương Thủ Văn lên xe ngựa, chạy tới thôn trang.
Đến di chỉ Cương Lô đời Hán, đường chia ra hai lối, một nối thẳng tới Hoàng Hà, một chạy về phía Quảng Võ sơn.
Trịnh Kính Tư cưỡi ngựa, Trịnh Kiền cưỡi một con lừa trắng nhỏ, đã chờ sẵn từ lâu ở giao lộ.
Dương Thừa Liệt cũng không thảo luận chuyện của Dương Thủ Văn với ông ta, sau khi hội hợp, hai bên liền ra roi giục ngựa, chạy về phía Quảng Võ sơn…