Chương 227: Năm ấy mười tám (2)
“Trà Kinh”: Phần 1.
Trà, giống cây quý ở phương Nam vậy. Thân cao một thước, hai thước cho tới vài chục thước.
Ở vùng Ba Sơn, Hiệp Xuyên có giống cây hai người ôm mới đặng, đốn xuống mới ngắt được lá. Cây này tựa cây qua lô, lá như lá chi tử (dành dành), hoa như hoa tường vi trắng, quả như quả binh lư (quả cọ), nhị như nhị đinh hương, rễ như rễ hồ đào. Chữ “trà” hoặc thuộc bộ thảo, hoặc thuộc bộ mộc, hoặc thuộc cả thảo lẫn mộc. Tên cây ấy, một gọi là “Trà”, hai gọi là “Giả”, ba gọi là “Thiết”, bốn gọi là “Mính”, năm gọi là “Suyễn”.
Dương Thủ Văn viết, chính là tác phẩm "Trà Kinh" của thánh trà Lục Vũ thời kì Trung Đường.
Lúc này có lẽ Lục Vũ vẫn còn chưa sinh ra, cho nên Dương Thủ Văn viết Trà kinh, có thể nói là không hề bị áp lực.
Ở đời Đường trước kia, trà chủ yếu là dùng làm thuốc chứ không phải dùng làm thức uống hằng ngày. Mãi cho đến khi Lục Vũ viết Trà kinh, lúc này trà mới dần dần tạo thành hệ thống, và theo thời gian lắng đọng, trở thành văn hóa trà, thậm chí có thể nói là văn hóa thiền.
Thiền trà hợp nhất!
Mà trên thực tế, từ đời Đường, văn hóa trà đã chia làm hai thế hệ.
Một là Lục Vũ với "Trà kinh", người còn lại xuất hiện sau Lục Vũ, tu hành tràdo Lư Đồng đề xuất, gần giống như văn hóa thiền vậy.
Ngày thường ở đời Đường, thật ra rất buồn tẻ, các loại thức ăn đồ uống rất ít.
Dương Thủ Văn thích uống trà, thế nhưng người ở thời đại này lại không có thói quen uống trà. Mà trên thị trường trà cung ứng phần lớn là trà tươi chưa qua sơ chế, chủ yếu là dùng để làm thuốc, cho thêm vài thứ linh tinh trong đó, thế cho nên cũng không có hương vị.
Vì thế, Dương Thủ Văn cũng có chút buồn rầu.
U Châu không trồng trà, hắn cũng vốn không có nhiều ý tưởng lắm.
Nhưng sau khi tới Huỳnh Dương, Dương Thủ Văn phát hiện thật ra lá trà đã vào Trung Nguyên từ phía nam. Chỉ có điều không ai biết thưởng thức, thế cho nên đại đa số người cũng không biết sự thú vị của trà. Điều này khiến cho Dương Thủ Văn nảy ra ý tưởng mới.
Trà kinh, chỉ có bảy ngàn chữ.
So với một tác phẩm vĩ đại mà nói thì đơn giản hơn nhiều.
Kiếp trước hắn thích uống trà, vì nằm mãi trên giường nên đã đọc rất nhiều sách, trong đó không thể thiếu tác phẩm kinh điển về văn hóa trà.
Viết "Trà kinh", nếu như được truyền bá rộng rãi vậy thì cũng là một chuyện rất thú vị.
Vấn đề duy nhất chính là Trà kinh bắt nguồn từ phía nam.
Tuy nhiên đối với Dương Thủ Văn mà nói cũng không là vấn đề, hắn sẽ nói là hiểu biết hắn có được là do học được từ mẫu thân ở trong mộng. Mà Trịnh Tam Nương khi còn sống từng sống ở Ba Thục phía nam. Nếu như đề cập đến đại khái có thể giải thích là do mẫu thân truyền thụ.
Trà kinh, tổng cộng có mười quyển.
Trong đó nếu như cộng quyển một và quyển hai lại cũng chưa tới một ngàn từ.
Đương nhiên Dương Thủ Văn không thể viết hoàn toàn nguyên văn, nhưng nếu như sửa chữa thêm thắt đôi chút cũng không quá 1500 từ.
Thế mà chỉ có 1500 từ thôi cũng khiến hắn mất hơn một canh giờ.
Để bút xuống, nhẹ nhàng xoay cổ tay, trên mặt Dương Thủ Văn lộ ra vẻ thỏa mãn.
Đúng lúc này, dưới lầu truyền đến thanh âm của Dương thị:
- Hủy Tử, mau xuống đây, A Lang đã trở lại.
- Đã biết!
Hắn cất kỹ hai quyển Trà kinh đi, rồi chống gậy từ trên lầu đi xuống.
- Hủy Tử, A Lang ở tiền đường, chờ con đến đấy.
Dương Thủ Văn cảm thấy nụ cười của Dương thị có chút kì lạ.
- Thím, vì sao hôm nay mọi người ai cũng có chút kì lạ vậy?
- Có sao?
Dương thị cười ha hả, liền đỡ Dương Thủ Văn đi ra ngoài, vừa đi vừa nói:
- Hủy Tử, con phải ra ngoài nhiều một chút, đừng ở mãi trong phòng. Các thầy thuốc ở trong huyện thành đều nói con cần phải hoạt động nhiều hơn, phải tắm nắng.
- Thím, con đây chẳng phải là đột nhiên có linh cảm nên mới ngồi trong phòng sao?
- Vậy cũng không thể ngồi xuống là hơn một canh giờ luôn, ta đi lên hai lần thấy con chuyên tâm như vậy cho nên cũng không quấy rầy.
Dương thị nói xong không kìm nổi giơ tay bóp bóp khuôn mặt của Dương Thủ Văn.
Tuy nhiên, bà dường như chợt nhớ tới điều gì, vội vàng hốt hoảng nói:
- Hủy Tử, ta chỉ là thói quen!
Dương Thủ Văn đã không còn là một tên tiểu tử ngốc ở ngoài thị trấn Xương Bình dưới núi Hổ Cốc ngày xưa nữa. Hôm nay hắn đã là trụ cột trong nhà, là Dương Hủy Tử nổi tiếng khắp Huỳnh Dương. Trước kia, Dương thị có thể véo mặt Dương Thủ Văn giống như đối đãi với một tiểu hài tử, nhưng hiện tại...
Dương Thủ Văn mỉm cười, hạ giọng nói:
- Thím sao vậy? Trong lòng ta, thím vĩnh viễn đều là thím của Dương Hủy Tử.
Dương thị mỉm cười, trong mắt toát ra vẻ hiền lành.
Mặc dù Ấu Nương là nỗi đau trong lòng bà, nhưng có Dương Thủ Văn ở bên cạnh, hoặc nhiều hoặc ít cũng giúp bà giảm bớt nỗi nhớ thương Ấu Nương.
Bà biết Dương Thủ Văn nhất định sẽ tìm được Ấu Nương, mang Ấu Nương về lại bên cạnh bà.
Hai người từ hậu viện đi vào sảnh đường, thấy mọi người đều đã có mặt ở đấy.
Dương Thủ Văn lộ ra vẻ nghi hoặc, đi vào phòng khách, thấy trên bàn đã đặt sẵn một cái khay.
Trên khay phủ một tấm vải đỏ, không biết bên dưới là vật gì.
Dương Thủ Văn đi tới, thấy Dương Thừa Liệt bước tới trước, cười nói với hắn:
- Hủy Tử, mau tới đây ngồi.
- Phụ thân, mọi người làm gì vậy?
Dương Thủ Văn thật là khó hiểu, nhìn mọi người.
Mà Dương Thừa Liệt thì kéo hắn ngồi xuống giường, sau đó lại thấy Dương Thụy cầm một cái bao đi tới, cung kính đưa cho Dương Thủ Văn:
- Chúc huynh năm nào cũng có như hôm nay, hàng tháng đều có như sáng nay, sinh nhật vui vẻ.
- A?
Dương Thủ Văn ngạc nhiên ngẩng đầu, nhìn về phía Dương Thừa Liệt.
Chỉ thấy Dương Thừa Liệt cười nói:
- Tiểu tử ngốc, con quên hôm nay là sinh nhật của con sao?
- A!
Dương Thủ Văn há hốc mồm, trong lúc nhất thời ngây ngẩn cả người.
Sinh nhật, hôm nay là sinh nhật của ta?
Nếu dựa theo tuổi thực, Dương Thủ Văn hôm nay mười tám tuổi, nhưng nếu như dựa theo tuổi mụ, hôm nay hắn cũng đã hai mươi tuổi rồi!
Hắn đã sớm không còn nhớ được sinh nhật của mình, thậm chí trong đầu không có khái niệm này.
Không nghĩ tới...
- Đại huynh, đây là lễ vật Nhị Lang dùng tiền riêng của mình mua cho huynh. Đệ biết Đại huynh đang học bắn, cho nên mới nhờ Trịnh Cửu Lang giới thiệu giùm một thợ thủ công tốt nhất Huỳnh Dương làm cho huynh cây nhị long hí châu này, kính xin huynh đừng chê.
Dương Thủ Văn mở cái bao ra, thấy bên trong là một cây cung được bọc bằng da tê giác đen.
Mở cây cung, hắn lấy cây nhị long hí châu ra.
Cung được làm từ gỗ cây chá loại tốt nhất, mặt trên dùng gân trâu quấn quanh, toàn thân đều màu đen. Trên cung, khắc hai con rồng.
- Cây cung này cần lực ba thạch mới nhấc nổi, trong vòng một trăm bước có thể bắn xuyên qua cả áo giáp.
Dương Thủ Văn không kìm nổi thử thử một chút, trên gương mặt thanh tú lộ ra vẻ tươi cười rạng rỡ, vươn tay xoa xoa đầu của Dương Thụy.
- Nhị Lang, cám ơn!
Dương Thụy nghe vậy, lập tức tươi cười rạng rỡ.
- Đại huynh, đại huynh. Đây là túi thơm Nô Nô làm cho huynh.
Dương Thanh Nô cũng không chịu kém, đưa một túi thơm cho Dương Thủ Văn.
Túi thơm này nhìn có vẻ hơi lớn, mặt trên cũng có hoa văn... Nhưng có thể nhìn ra được đây là do tự tay Dương Thanh Nô làm ra.
Trong lòng vô cùng cảm động. Hắn đưa tay ôm Thanh Nô, bắt lấy cái trán của nó, hạ giọng nói:
- Nô Nô thật khéo tay, đại huynh rất thích.
- Hì hì, Nô Nô biết đại huynh nhất định sẽ thích.
Kế tiếp, Cát Đạt tặng một cây thủy lặc cương, mà Tống thị thì tặng một bộ y phục tự tay mình may lấy.
Dương Mạt Lỵ khôi hài nhất, không ngờ lại cầm nửa con gà đưa cho Dương Thủ Văn. Tuy nhiên Dương Thủ Văn biết, đối với Dương Mạt Lỵ mà nói thức ăn chính là lễ vật trân quý nhất. Nhìn nửa con gà này có vẻ rất buồn cười nhưng nó lại đại biểu cho tấm lòng của Dương Mạt Lỵ.
- Hủy Tử, thím không có gì tốt.
Bình thường thấy con thích dùng cung, cho nên ta mới tìm Trần Mộc Sinh, dựa theo cây cung ngày thường con dùng mà làm cho con một cây. Hi vọng con có thể thích.
Cung, sử dụng thép ròng tạo ra mà thành, mặt trên còn có tượng một con sư tử. Túi cung được làm từ da tê giác thượng đẳng, dây cung gắn hai đầu là dùng ba sợi gân trâu chế thành. Dương Thủ Văn thử một chút, cây cung này ít nhất cũng nặng khoảng một thạch.
Trong vòng hai mươi bước, cùng với thiết hoàn, Dương Thủ Văn tin tưởng có thể đánh vỡ cả đá cứng.
- Thím, đa tạ!
Đợi mọi người đều đưa lễ vật hết, cuối cùng đến lượt Dương Thừa Liệt.
Y đi tới trước mặt của Dương Thủ Văn, hạ giọng nói:
- Hủy Tử. Hiện giờ con đã hai mươi tuổi, nếu dựa theo quy định ở trong tộc, ở vào tuổi này của con nên do trưởng bối ban cho tên tự mới đúng. Tuy nhiên, lúc con mới vừa sinh ra mẹ của con đã nghĩ cho con một tên tự. Hiện tại có thể chính thức gọi con, mong rằng con không phụ sự kỳ vọng của mẫu thân con đối với con.
Tên tự, ở thời cổ có ý nghĩa vô cùng trọng yếu.
Nói chung, có tên tự là đại biểu cho đã trưởng thành, cần gánh vác trách nhiệm.
- Mẹ đã lấy tên tự gì cho con?
Dương Thủ Văn cũng vô cùng hiếu kỳ, không kìm nổi mở miệng hỏi.
Dương Thừa Liệt cười nói:
- Trong tên con có Văn, Tả truyện Chiêu công năm thứ hai mươi lăm, cho nên mẫu thân con lấy cho con tên tự là Thanh Chi.
Dương Thủ Văn, Dương Thanh Chi?
Nghe cũng không tệ lắm, trên mặt Dương Thủ Văn không khỏi lộ ra nét tươi cười.
Dựa theo chú thích của đời sau: Thanh dữ xích vị chi văn. Tên Dương Thanh Chi này, nói vậy chính là có nguồn gốc từ đây mà ra.
Dương Thủ Văn tập tễnh đứng lên, rồi sau đó được sự giúp đỡ của Dương thị và Tống thị, quỳ trước mặt Dương Thừa Liệt.
- Con sẽ nhớ kỹ lời mẫu thân dạy bảo.
Nụ cười trên mặt Dương Thừa Liệt càng đậm, liên tục gật đầu, tiến lên đỡ hắn đứng lên.
- Nhoáng một cái đã hai mươi năm, con ta đã lớn.
Hôm qua mẫu thân con còn báo mộng cho ta, nàng nói rất thích "Tây du" con viết. Tuy nhiên, nàng bảo ta nói với con, bề ngoài con ôn hòa nhưng trong nội tâm lại cứng rắn. Phải biết là cương thì không thể cầm, nhu thì không thể giữ, phải biết kết hợp cương nhu mới là lâu dài.
Những lời này là ý của Dương Thừa Liệt hay thật sự là do Trịnh Tam Nương báo mộng?
Dương Thủ Văn không biết.
Nhưng có điều hắn biết rất rõ, đó là Dương Thừa Liệt đang nhắc nhở hắn đôi khi đừng quá cố chấp, cần phải biết lui một bước là trời cao biển rộng.
Hiểu được thì hiểu được, nhưng chưa chắc có thể làm được.
Tuy nhiên Dương Thủ Văn vẫn cung kính cúi người:
- Con nhớ kỹ trong lòng.
- Tốt lắm, đến xem lễ vật vi phụ chuẩn bị cho con này.
Dương Thừa Liệt nói xong, cười ha ha, tiến lên đỡ Dương Thủ Văn đi tới trước bàn, chỉ vào cái khay nọ trên bàn, nói:
- Hủy Tử, hãy mở ra xem đi.
Dương Thủ Văn nhìn y một cái, lại nhìn mọi người.
Hít sâu một hơi, hắn tự tay nhấc tấm vải đỏ trên khay lên, lại một lần nữa ngây ngẩn cả người.
Trên cái khay đặt một chồng sách. Trên sách vẫn còn vương mùi mực in, rõ ràng là vừa mới in xong...
- Đây là?
Dương Thủ Văn nghi hoặc cầm lấy một quyển sách, sau khi nhìn lướt qua trang bìa, trước mắt không khỏi sáng ngời.
Quyển sách này đã được đóng thành cuốn, chữ màu đen nền xanh, ghi hai chữ 'Tây du', mà phía dưới thì viết hai chữ 'Thanh Chi'.
Tây du, thành sách rồi sao?
Bỗng dưng Dương Thủ Văn nhìn về phía Dương Thừa Liệt, chỉ thấy Dương Thừa Liệt đang mỉm cười nhìn hắn, nhẹ nhàng gật đầu.