Thịnh Đường Quật Khởi

Chương 242: Tặng a lang

Chương 242: Tặng a lang
Biệt ly lòng đau như cắt, bề ngoài Dương Thừa Liệt có vẻ rất bình tĩnh, nhưng trong lòng thì…
Lần này khác với lần trước.
Lần đó Dương Thủ Văn đi không từ giã, Dương Thừa Liệt vẫn chưa cảm nhận được tình cảnh “tiễn con ngoài ngàn dặm, tiền đồ chưa biết ra sao” là thế nào.
Mà hiện giờ, ông ta hết sức thấm thía điều đó.
Cứng cỏi đối cứng cỏi, mặc dù Dương Thủ Văn nhiều lần bảo ông ta quay về, nhưng Dương Thừa Liệt vẫn đi tới cửa thôn.
- Cha, cha trở về đi.
Dương Thủ Văn vẫy tay, bảo Dương Thừa Liệt trở về.
Nhưng, đôi mắt đỏ lên, Dương Thừa Liệt gượng cười:
- Hủy Tử, con lên đường đi, ta ở đây nhìn con rời đi.
Dương Thủ Văn không biết làm sao, đành quay đầu ngựa, lên xe.
Binh mã của Hữu Giám Binh Vệ đóng ở ngoài thôn cũng từ từ xuất phát.
Nhìn theo đoàn người của Dương Thủ Văn đi càng lúc càng xa, trong đầu Dương Thừa Liệt chợt vang vọng một khúc ca
“Động Đình trương nhạc địa
Tiêu Tương đế tử du.
Vân khứ Thương Ngô dã, Thủy hoàn Giang Hán lưu
Đình tham ngã trướng vọng, Xuyết trạo tử di do.
Nghiễm bình thính phương tạ,
Mậu Lăng tương kiến cầu.
Tâm sự câu dĩ dĩ,
Giang thượng đồ ly sầu” (1)
Đây là bài thơ ngũ ngôn do Tạ Thiếu, một nhà thơ thời Nam Triều, làm tiễn bạn là Phạm Vân, được lưu truyền rất rộng rãi ở Quân Châu, Phòng Châu.
Khi Phạm Vân, một trong “Cánh Lăng Bát Hữu”, bị giáng chức đến quận Linh Lăng làm Nội sử, Tạ Thiếu đã xúc cảm mà làm bài thơ này.
Thời đó, Linh Lăng hầu như là một nơi hoang dã. Tạ Thiếu cảm thấy, chuyến đi của Phạm Vân đến Linh Lăng nhất định sẽ gặp nhiều nguy hiểm, lành dữ khó lường.
Mà bài thơ này, ở thời điểm này, càng phù hợp với tình hình.
Tuy Dương Thủ Văn không đi Linh Lăng, nhưng so ra, vào lúc này Lạc Dương còn nguy hiểm hơn Linh Lăng.
Dương Thừa Liệt vừa ngâm nga, vừa gõ nhịp, bắt đầu nhảy múa trước cửa thôn.
Đây là một hình thức nghệ thuật, thời này được gọi là “đạp ca”. Giọng hát của Dương Thừa Liệt cũng không hay, nhưng sống lâu ở U Châu, khiến cho giọng của ông ta có vẻ thê lương khác biệt, làm người ta nghe mà không khỏi tan nát cõi lòng.
Dương Thủ Văn đang đi trong đoàn, vừa nghe tiếng ca, liền ghìm cương ngựa.
Ngồ trên lưng ngựa, hắn quay đầu lại, thấy Dương Thừa Liệt đang múa hát trước cửa thôn, thoáng chốc, đôi mắt hẳn cũng đỏ hoe.
Hắn cãi nhau với cha, là do đủ loại nguyên nhân khác nhau, ầm ĩ đến mức không ai can nổi.
Nhưng trong khoảnh khắc ly biệt, thấy cha dùng đạp ca để đưa tiễn mình, trong lòng hắn hết sức đau xót.
- Địch công, có thể tạm dừng lại không?
Địch Quang Viễn nghe vậy, cũng không hỏi lại, liền đưa tay ra hiệu cho binh lính dừng lại.
- Thập Tam lang, mài mực cho ta.
Trịnh Kiền ló đầu ra khỏi xe ngựa, cười hì hì:
- Hủy Tử ca ca muốn làm thơ sao? Có phải giống như bài “Biệt Quản thúc” không?
Vừa hỏi, nó vừa nhảy xuống xe, lấy giấy bút trong bao ra.
A Bố Tư Cát Đạt đỡ Dương Thủ Văn xuống ngựa, đi tới một bên xe ngựa.
Mắt Địch Quang Viễn hơi nheo lại, lộ vẻ hơi kinh ngạc.
Vì hiếu kỳ, y cũng xuống ngựa, đi tới bên cạnh Dương Thủ Văn.
Trịnh Kiền mang một cái bàn nhỏ từ trong xe ra, đặt lên xe ngựa. Dương Thủ Văn cầm bút, nhúng vào nghiên mực, viết lên giấy ba chữ “Tặng a lang”.
Đây là lần đầu tiên Địch Quang Viễn nhìn thấy nét chữ của Dương Thủ Văn.
Tối hôm qua, y đã thấy Trịnh Kiền viết, cũng không xa lạ gì đối với thể chữ Nhan. Nhưng khi nhìn thấy chữ viết của Dương Thủ Văn, y không kìm được phải thầm than: Sao mà thanh lệ thoát tục, đường nét mềm mại như liễu, phong cách thật đặc biệt, không sao diễn tả bằng lời được!
Lại liếc nhìn Dương Thủ Văn, Địch Quang Viễn chợt nghĩ, lựa chọn của cha mình chưa chắc đã chính xác.
“Thanh chi thừa mã tương dục hành,
Hốt văn thân hậu đạp ca thanh.
Động lâm hồ thủy thâm thiên xích,
Bất cập a lang tống ngã tình”. (2)
Đời Đường, hai chữ “a lang” có rất nhiều nghĩa.
Nô bộc gọi chủ nhân là “a lang”; vợ gọi chồng là “a lang”; con gọi cha cũng là “a lang”.
Đây là bài thơ do Dương Thủ Văn sửa đổi lại từ bài “Tặng Uông Luân” của Lý Bạch, nhưng rất phù hợp với tình cảnh này.
Lời lẽ rất đơn giản và thẳng thắn, nhưng biểu đạt được tình cảm quyến luyến sâu nặng của Dương Thủ Văn đối với cha mình.
Sau khi đọc xong, không hiểu tại sao, mắt y cũng cay cay. Dương Thừa Liệt múa hát, dù bi thương, nhưng cũng khiến y cảm thấy hơi xúc động; còn bài thơ giản dị, chân thật của Dương Thủ Văn, lại khiến y hết sức bồi hồi.
“Cuối xuân năm Kỷ Hợi (3), Dương Thanh Chi phụng chỉ vào kinh, nghe phụ thân đạp ca mà xúc cảm viết ra.”
Trịnh trọng viết xong hàng chữ phía dưới cùng, Dương Thủ Văn thổi khô nét mực, rồi đưa tờ giấy viết bài thơ cho Cát Đạt.
Cát Đạt hiểu ý, cầm lấy lên ngựa, chạy thẳng tới cửa thôn.
Dương Thủ Văn mỉm cười, trong mắt hắn long lanh ánh lệ, lên ngựa với sự trợ giúp của Dương Mạt Lỵ.
- Dịch công, chúng ta đi thôi.
Địch Quang Viễn hít sâu một hơi, liếc nhìn Dương Thủ Văn bằng ánh mắt phức tạp, rồi gật đầu nói:
- Xin nghe theo lời Thanh Chi.
Lúc đầu y gọi hắn là Dương gia tử, sau là Dương đại lang, bây giờ lại đổi thành Dương Thanh Chi.
Ba cách xưng hô khác nhau, cho thấy sự thay đổi trong cảm nhận của Địch Quang Viễn đối với Dương Thủ Văn.
Đây là một người trẻ tuổi rất tài hoa, tình cảm phong phú, tính cách cao thượng. Trước kia, Địch Quang Viễn cảm thấy Dương Thủ Văn không xứng với thân phận con rể của Thái tử, nhưng hiện giờ, y lại cảm thấy, con gái của Lý Hiển chưa chắc xứng với hắn.
Nếu như hắn là con cháu Dương thị ở Hoằng Nông, thì sao có thể làm Phò mã?
Dựa vào danh vọng và nền tảng của Dương gia, với tài cán của Dương Thủ Văn, không tới mười năm, xuất chinh có thể là tướng soái, nhập triều có thể là tể tướng, đối với hắn, chuyện đó cũng không có gì là khó khăn.
Đáng tiếc, thật sự là đáng tiếc!
Chẳng biết tại sao, từ lúc ban đầu không chấp nhận Dương Thủ Văn, cho tới bây giờ cảm thấy đáng tiếc cho hắn, Địch Quang Viễn đã coi như Dương Thủ Văn là ứng viên số một cho vị trí Phò mã. Võ Sùng Huấn ư? Y đã gặp! Quả thật hắn có tài, nhưng so với Dương Thủ Văn, lại còn kém xa.
Kém ở điểm nào?
Địch Quang Viễn cũng không rõ lắm, chỉ cảm nhận được sự khác biệt về cảm xúc và vận mệnh giữa hai người.
Ừ, chính là cảm xúc.
Ở cửa thôn Thạch Thành, Dương Thừa Liệt cầm bài thơ của Dương Thủ Văn trên tay, nước mắt rơi như mưa.
Bài thơ này rất giản dị, rất chân thật, nhưng từ nét chữ quen thuộc kia, ông ta vẫn cảm nhận được sự trấn an của Dương Thủ Văn.
Dường như là Dương Thủ Văn đang ở bên cạnh ông ta, vỗ vỗ tay ông ta, cười cười:
- Cha, cha đừng lo, con lợi hại như vậy, sau khi tới Lạc Dương, nhất định có thể ung dung ứng đối. Chờ con thoái thác hôn sự này xong, sẽ trở về với cha.
Tâm trạng có phần phức tạp của ông lập tức bình tĩnh lại.
Dương Thừa Liệt vừa rơi lệ, vừa nở nụ cười.
Ông ta cứ cười như vậy, đứng nhìn theo chiếc xe ngựa đang càng lúc càng xa, cho đến khi nó mất hút.
- Chúng ta trở về thôi.
Dương Thừa Liệt hít sâu một hơi, đột nhiên cười nói:
- Trịnh công, hôm nay khoan đi đã.
- Ta còn có hai vò rượu ngon, là loại Thanh Bình Điệu do Hủy Tử ủ cho ta lúc ở Xương Bình, đã được nửa năm rồi, vừa vặn uống được. Ngài xem, trên núi hoa đào nở rộ, chúng ta ngồi trong Liên các uống rượu, ngắm hoa đào, hẳn là có cảm nhận khác biệt.
Trịnh Hoài Kiệt và Trịnh Kính Tư lại hơi xụ mặt.
Ông đúng là không biết xấu hổ là gì, mới vừa khóc như mưa như gió, thoáng một cái đã tươi cười khoe khoang rồi.
Biết ông có một đứa con quý hóa, biết con ông làm thơ cho ông, còn phải uống rượu do chính tay hắn ủ cho ông?
Trịnh Hoài Kiệt trợn mắt nhìn Trịnh Kính Tư: Người ta làm con, ngươi cũng làm con đấy, hừ!
Trịnh Kính Tư ngầm hiểu, nhưng ngoài mặt lại tỉnh bơ như không biết gì!
(1) Đây là bài thơ “Tân đình chử biệt Phạm Linh Lăng Vân” của Tạ Thiếu. Bạn Tạ Thiếu là Phạm Vân bị giáng chức đến quận Linh Lăng. Tạ Thiếu đi tiễn, làm bài thơ này.
Dịch nghĩa:
Động Đình hồ là nơi Hoàng Đế từng tấu nhạc
Tiêu Tương là nơi Nga Hoàng, Nữ Anh từng ghé thăm (Phạm Vân phải đi qua hai địa danh ở trên để tới Linh Lăng)
Vân đến núi Thương Ngô, Nước ở lại Giang Hán (“Vân” chỉ Phạm Vân - người đi đến Linh Lăng; “nước” chỉ Tạ Thiếu - người ở lại Giang Hán)
Xe đỗ, người nhìn theo buồn bã;
Thuyền dừng, dùng dằng mãi không đi
(Phải chi) danh tiếng lừng lẫy như Trịnh Mậu Thái thú Nghiễm Bình;
(Phải chi) tài hoa để được vua triệu kiến như Mậu Lăng. (Mậu Lăng chỉ Tư Mã Tương Như)
Nỗi niềm đều như nhau,
Ly biệt nặng u sầu.
(2) Đây vốn là bài ‘Tặng Uông Luân” của Lý Bạch, ở đây tác giả đã biến chế lại.
Lý Bạch thừa chu tương dục hành,
Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh.
Đào hoa đàm thuỷ thâm thiên xích,
Bất cập Uông Luân tống ngã tình.
Dịch nghĩa
Lý Bạch lên thuyền sắp sửa ra đi
Bỗng trên bờ giếng có tiếng chân nhảy nhịp và hát
Nước đầm đào hoa sâu hàng ngàn thước
Không bằng tình Uông Luân tiễn ta.
Dương Thủ Văn đã thay “Lý Bạch” thành “Thanh Chi” (tên tự của Dương Thủ Văn), “Đào Hoa đàm thủy” bằng “Động Lâm hồ thủy” và “Uông Luân” bằng “a lang”
(3) Năm Kỷ Hợi: nguyên văn là năm Tỵ Hợi (!) Làm sao lại có năm nào gọi là “năm Tỵ Hợi?”, có lẽ là Kỷ Hợi (己亥), tức năm 699, nhưng người ta gõ nhầm 己 thành巳 chăng?

Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất