Hệ thống nhà ma

Chương 168: Bệnh nhân phòng số ba

Chương 168: Bệnh nhân phòng số ba

Trung Tâm Phục Hồi Chức Năng Bệnh Tâm Thần Số Ba được thành lập vào hai mươi ba năm trước. Đây là cơ sở điều trị bệnh tâm thần tư nhân sớm nhất ở Cửu Giang.
Từ trên cái tên cũng có thể nhìn ra bọn họ không phải bệnh viện tâm thần chính quy mà chỉ là một trung tâm an dưỡng phục hồi chức năng.
Trung tâm phục hồi chức năng có tổng cộng ba tòa nhà. Khu Nội Trú Số Một có viện phí rẻ hơn rất nhiều so với các bệnh viện chính quy, nhưng mà môi trường sống lại cực kỳ kém.
Khu Nội Trú Số Hai thì viện phí cao hơn một phần năm so với các bệnh viện chính quy khác, có y tá chăm sóc đặc biệt và bác sĩ trực ban.
Khu Nội Trú Số Ba chỉ chuyên phục vụ một số bệnh nhân và viện phí rất cao, cao gấp mấy lần phòng bệnh bình thường.
Từ trong bút ký của viện trưởng để lại, có thể nhìn ra thời điểm trung tâm phục hồi chức năng vừa thành lập hoàn toàn khác với sau này. Lúc ấy Khu Nội Trú Số Ba không chỉ là vùng không bị cấm mà còn là nơi có viện phí cao nhất, có hoàn cảnh tốt nhất trong trung tâm phục hồi chức năng.
Sau khi kinh doanh được khoảng ba tháng, trung tâm phục hồi chức năng chào đón một vị bệnh nhân đặc biệt.
Viện trưởng ghi chú kỹ càng cảnh tượng ngay lúc đó. Ở trong lòng ông, ngày đó chắc hẳn là một bước ngoặt.
Một chiếc xe hơi có biển số tỉnh được lái vào trong bệnh viện. Có hai người đàn ông từ phía ghế sau xe kéo một người phụ nữ mang thai có dung mạo tinh xảo, trang điểm cực đẹp ra khỏi xe.
Viện trưởng tự mình đón tiếp bọn họ. Ông hỏi thăm mới biết được người phụ nữ này có chứng bệnh tâm thần rất nghiêm trọng.
Xuất phát từ việc suy xét an toàn đối với thân thể người phụ nữ mang thai, viện trưởng từ chối bọn họ.
Người đàn ông không quan tâm, anh ta trả viện phí gấp mười lần so với phòng bệnh cao cấp. Hơn nữa anh ta nói với viện trưởng rằng anh ta sẽ trả trước viện phí nửa năm trong một lần.
Nhìn đống tiền mặt trên bàn, viện trưởng cùng vài vị bác sĩ hơi động lòng. Sau khi trung tâm phục hồi chức năng bắt đầu kinh doanh, phòng bệnh bình thường kín hết chỗ, phòng ở Khu Nội Trú Số Ba thì gần như trống không. Dù sao thì hầu hết bệnh nhân không thiếu tiền vẫn sẽ lựa chọn bệnh viện chính quy để trị liệu.
Trước sự thuyết phục của các vị bác sĩ, viện trưởng xử lý thủ tục nhập viện của người phụ nữ mang thai. Ông đưa cô vào phòng số ba của Khu Nội Trú Số Ba.
Sau khi xác định người phụ nữ mang thai an ổn, người đàn ông để lại số điện thoại của mình cho bác sĩ, nói mình chính là chồng của người phụ nữ mang thai. Nhưng khi viện trưởng muốn xem giấy đăng ký kết hôn của hai người thì người đàn ông này không lấy ra được.
Sau khi thu tiền, việc này đã định sẵn một kết cục. Nếu viện trưởng muốn đổi ý cũng không được, ông chỉ có thể chăm sóc tốt người phụ nữ mang thai kia.
Sau khi được bác sĩ chẩn đoán bệnh, người phụ nữ mang thai này thật sự mắc chứng bệnh tâm thần, đây là triệu chứng điển hình của rối loạn lưỡng cực. Cô sẽ không bao giờ giao tiếp với mọi người, khi thì cô khóc thút thít một mình. Khi thì cô tức giận, đập phá tất cả đồ vật mà cô nhìn thấy. Thậm chí cô sẽ tự làm tổn thương bản thân.
Để bảo vệ cô, bệnh viện cố ý bọc tất cả các vật dụng trong phòng bệnh số ba lại bằng lớp vải bông thật dày.
Bệnh tình của người phụ nữ này rất không ổn định. Bởi vì cô đang mang thai, hầu hết các loại thuốc đều không sử dụng được. Bác sĩ chỉ có thể thay nhau tiến hành khai thông tâm lý của cô.
Hơn ba tháng cứ trôi qua như vậy, ngày dự sinh đã tới gần. Viện trưởng cố ý tìm mấy người y tá trông coi phòng bệnh 24/24 giờ.
Không biết có phải bởi vì sắp sinh con nên đã đánh thức thiên chức làm mẹ của người phụ nữ điên này, hay là do trị liệu của bác sĩ hiệu quả, người phụ nữ mang thai này không nổi điên. Phần lớn thời gian cô không cho người khác tới gần, chỉ ngồi vuốt bụng. Một mình cô ngồi trên chiếc giường thấp lầm bà lầm bầm.
Bốn tháng sau, đứa trẻ được sinh ra. Bệnh tình của người phụ nữ mang thai này có sự chuyển biến tốt đẹp rõ ràng.
Viện trưởng và bác sĩ trong trung tâm phục hồi chức năng thở phào nhẹ nhõm. Cùng ngày đó họ đã gọi điện thoại cho chồng của người phụ nữ mang thai, nhưng gọi mấy cuộc điện thoại liền vẫn không có ai nghe máy cả.
Trong lòng bọn họ có dự cảm không lành. Bọn họ cố ý kiểm tra giấy chứng minh nhân dân của người đàn ông, kết quả phát hiện ra rằng tất cả giấy tờ đều là giả.
Viện trưởng cùng với bác sĩ đã bàn bạc và đưa ra quyết định. Bọn họ chờ số tiền trả trước được tiêu hết, nếu người đàn ông này vẫn không quay lại đây, bọn họ sẽ báo cảnh sát. Xem xét đến bệnh tình của người phụ nữ, bọn họ không nói chuyện này cho cô biết.
Người phụ nữ mang thai cũng không biết tin tức này. Sau khi sinh con xong, dường như cô tìm thấy hy vọng sống một lần nữa. Cô bắt đầu tích cực phối hợp điều trị, thỉnh thoảng cô còn chủ động đi hỏi tin tức về chồng mình. Cô cảm thấy rằng sau khi cô khỏi bệnh, chồng của cô sẽ đến đón cô.
Nhưng mà đợi đến cả nửa năm, toàn bộ tiền viện phí trả trước đều dùng hết. Người đàn ông này giống như là mất tích, không còn xuất hiện nữa.
Bệnh viện bắt đầu xuất hiện những ý kiến khác nhau. Có vài bác sĩ và y tá đề nghị đưa người phụ nữ mang thai này đi, chăm sóc một người lớn, một trẻ nhỏ vừa tốn thời gian vừa tốn sức.
Viện trưởng không đành lòng nên nói là mọi người chờ thêm một thời gian nữa. Nhưng y tá chăm sóc cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ này lại vô tình nói ra hết mọi chuyện.
Người phụ nữ này chủ động yêu cầu được gọi điện thoại cho chồng của cô. Giọng nói bên kia là âm thanh tự động lạnh băng, nói rằng số điện thoại này đã không được sử dụng nữa.
Trước khi người phụ nữ này tiến vào trung tâm phục hồi chức năng để trị liệu, cô và người đàn ông này đã thỏa thuận với nhau. Bây giờ thỏa thuận bị hủy bỏ, bệnh tình của cô càng trở nên nghiêm trọng thêm.
Cô bắt đầu tràn đầy địch ý đối với người bên cạnh, tựa như bị lạc trong một mê cung đen tối, không thoát ra được.
Để phòng ngừa người phụ nữ này phát bệnh sẽ làm hại đứa trẻ mới sinh, bác sĩ đã tách cô và đứa trẻ ra.
Người phụ nữ này điên rồi, không thể nào nói chuyện được. Đứa trẻ còn nhỏ, bệnh viện không còn cách nào khác nên đành phải chăm sóc nó.
Bọn họ cũng tích cực tiến hành trị liệu đối với người phụ nữ này, muốn thông qua cô để có được tin tức của người đàn ông kia, bảo anh ta bổ sung chi phí trị liệu cùng với viện phí.
Không ai có thể nghĩ rằng lần điều trị này kéo dài đến ba năm. Đứa con của người phụ nữ này lớn lên ở bệnh viện tâm thần, ở trong cái bệnh viện đầy rẫy những kẻ điên này, nó đã học được cách nói chuyện và bước đi.
Giai đoạn từ không tuổi đến ba tuổi được gọi là thời kỳ thơ ấu, là giai đoạn học tập hiệu quả nhất trong cuộc đời con người, cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành sự hiểu biết cơ bản về mọi thứ.
Đứa con của người phụ nữ này đã trải qua ba năm quan trọng nhất ở môi trường bệnh hoạn vặn vẹo này.
Tiền trả trước đã được dùng hết từ lâu, bây giờ các bác sĩ và y tá chăm sóc bọn họ như là một nghĩa vụ. Một ngày, hai ngày thì không sao, nhưng thời gian càng lâu càng có nhiều người bắt đầu oán trách, ánh mắt nhìn đứa bé kia cũng trở nên phức tạp.
Người mẹ bị điên sống ở trong phòng bệnh. Điều mà đứa trẻ được làm nhiều nhất trong ba năm qua chính là được bác sĩ và y tá bế lên đi đến cửa sổ của phòng bệnh số ba, cho nó nhìn người phụ nữ bên trong qua cánh cửa.
Sau một thời gian dài, đứa trẻ đã học được cách bước đi. Đôi khi nó sẽ tự mình chạy đến bên ngoài cửa phòng bệnh số ba và nhìn vài lần vào cánh cửa phòng bệnh cao gấp mấy lần nó.
Từng ngày trôi qua, những đứa bé cùng tuổi với nó có người nhà làm bạn, thế giới tràn ngập màu sắc.
Thế giới trong mắt đứa nhỏ này lại hơi biến dạng. Màu trắng lạnh băng chiếm hầu hết ký ức của nó. Dần dà nó xuất hiện những hành vi khác hẳn với những đứa trẻ bình thường.
Trần Ca không biết đã lật đến trang cuối cùng từ lúc nào, nội dung trên tờ giấy trắng giống như là nhật ký riêng của viện trưởng: “Những điều đứa nhỏ này trải qua còn đáng sợ hơn so với mình khi còn nhỏ.”
Anh tưởng rằng khi còn nhỏ mình chơi với mô hình đầu người, tháo rời xương nhựa đã là quá phận rồi, không ngờ lại còn có người thê thảm hơn anh nhiều.
Trần Ca bỏ tờ giấy trắng xuống, nhìn về phía mấy bức thư chưa được gửi đi.
Trên bức thư không có dán tem, không có ký tên, trông ố vàng và cũ nát, chắc hẳn đã được viết từ rất nhiều năm trước nhưng chưa bao giờ được gửi đi.
Dựa vào trình tự thời gian trước sau, Trần Ca lấy từng bức thư và mở ra.
Bức thư thứ nhất được viết vào hai mươi năm trước, khi đó đứa con của người phụ nữ kia mới có hai tuổi.
[Bác sĩ Trần, lần đầu tiên tôi thấy một đứa trẻ thông minh như thế này. Tôi thật không dám tưởng tượng, không ngờ nó học thứ gì cũng có thể nhanh như vậy.]
[Nó được sinh ra ở một nơi bị thế giới bình thường bỏ qua và sống trong một môi trường bệnh hoạn. Tôi có nên gửi nó đi không?]
[Sau khi lớn lên, đứa nhỏ này chắc chắn là một thiên tài. Nhưng bây giờ nó có nhiều biểu hiện khiến tôi cảm thấy vô cùng bất an.]
[Sau khi nó biết nói, nó giống như mẹ của nó, luôn thích lầm bà lầm bầm. Không phải, cảm giác này giống như là nó đang nói chuyện với một đồ vật nào đó mà chúng ta không thể nhìn thấy được.]
[Bác sĩ cùng với y tá trực ban đều rất bận, trừ tôi ra thì không ai dạy nó nói chuyện cả. Nhưng mà tôi có thể nghe được một ít từ xa lạ từ trong miệng của nó.]
[Nó nghe lén bác sĩ và bệnh nhân nói chuyện rồi học được? Hay là có thứ gì đó đã dạy nó?]
[Tôi là một người theo chủ nghĩa duy vật, nhưng sự việc phát sinh trên người đứa nhỏ này lại làm tôi hơi dao động. Tôi nghe đồn rằng thời kỳ thơ ấu, trẻ con có thể thấy được những thứ mà người lớn không thấy. Chẳng lẽ những điều này đều là sự thật sao?]


Truyện Cùng Thể Loại

Các Đại Năng Đã Để Lại Thần Thức


Lưu ý: Vui lòng tải app để có thể lưu lại thần thức trên truyện này
Tải app để đọc truyện sớm nhất